HỌC TẠI NGÔI TRƯỜNG CỦA ĐỨC MARIA
Để chấn hưng xã hội, thăng tiến gia đình và bản thân, các tín hữu cần
tìm đến ngôi trường mang tên Đức Maria bằng việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Lời nói, cách ứng xử, lối
suy nghĩ của mỗi người thể hiện những gì đã học được nơi tha nhân. Mái trường đầu
tiên đã ảnh hưởng rất lớn trên nhân cách và lối sống của mỗi người là gia đình.
Học đường là nơi chúng ta được trau dồi kiến thức và mở rộng các mối tương
quan. Với những người thiện chí, trường đời giúp họ trưởng thành về nhiều
phương diện; với ngôi trường này, ai ham học hỏi, sẽ có cơ hội học hoài và học
mãi, bởi vì “ông bảy mươi còn phải học
ông bảy mốt.”
Về mặt đức tin, các Kitô hữu
được lớn lên nhờ bầu khí đạo đức của
gia đình, xứ đạo, gương các thánh,
nhất là Lời Chúa và nguồn suối ân sủng là các bí
tích. Chẳng những thế, việc lần hạt
Mân Côi còn giúp chúng ta được học trong ngôi trường
mang tên: Đức Maria. Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II viết: “Với Kinh Mân Côi,
dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng
vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô... Qua Kinh Mân Côi các tín hữu lãnh nhận vô
vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.” (số 1)
Nhờ tin nhận Đức Giêsu là
Đấng Kitô, chúng ta được hưởng ơn cứu độ, vì Người là con đường dẫn mọi người đến
với Chúa Cha, là sự sống cho tất cả những ai khao khát hạnh phúc vĩnh cửu.
Kinh Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng, nên khi lần hạt, chúng ta chiêm ngắm và hòa mình vào những biến cố quan
trọng của cuộc đời Đấng Cứu Thế: Sinh ra nơi Bêlem, ở lại trong đền thờ, đi rao
giảng và làm phép lạ để loan báo Nước Thiên Chúa, lập Bí Tích Thánh Thể…, chịu
khổ hình và sống lại vinh quang, nhờ vậy niềm tin thêm kiên vững và mỗi ngày
chúng ta trở nên giống Đức Giêsu hơn. Kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và kinh
Sáng Danh đọc sau mỗi ngắm, vừa là lời tôn vinh Ba Ngôi và ngợi khen Đức Maria,
vừa là lời cầu khẩn, xin Thiên Chúa chúc phúc cho những nguyện ước của chúng
ta.
Kinh Mân Côi là lời
kinh giản dị và phù hợp với mọi người. Bậc trí thức hay
người bình dân, cụ già hoặc em nhỏ, ai ai cũng có thể dùng lời kinh này để kết
hợp với Chúa, dâng lên Người mọi lo âu và hy vọng của bản thân, gia đình, Giáo
Hội và toàn thể nhân loại. Đây còn là lời kinh chúng ta có thể dùng để cầu nguyện
ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh:
đọc chung với cộng đoàn trong nhà thờ, hay khi mọi người qui tụ trước bàn thờ
gia đình, hoặc lúc ở một mình với ý thức có Chúa đang hiện diện.
Một số người cho rằng kinh
Mân Côi là cách cầu nguyện tẻ nhạt, vì lặp đi nhắc lại hoài những lời quen thuộc.
Nhận xét này đúng với những ai lần chuỗi cách hời hợt, nhưng với người có lòng
yêu mến Đức Mẹ thì đây là lời của tình yêu, có sức biến đổi tâm hồn và cuộc sống nhiều người. Trong đời thường, người vợ sẽ cảm thấy việc nội
trợ thật nhàm chán, nhưng nếu bà làm việc ấy vì yêu chồng thương con, chắc hẳn
lòng sẽ rộn ràng niềm vui. Lời cảm ơn, xin lỗi, sẽ là những âm thanh trống rỗng,
khi được thốt ra cách máy móc, nhưng nếu vang lên từ con tim chân thành, những
lời ấy như nam châm, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
Trong kinh cầu Đức Bà,
Giáo Hội ca tụng: “Đức Mẹ thông ơn Thiên
Chúa… Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn, Đức Bà bầu chữa kẻ có tội, Đức Bà yên ủi kẻ
âu lo, Đức Bà phù hộ các giáo hữu.” Nhờ tràng chuỗi Mân Côi, biết bao người
được ơn nâng đỡ để sống đức tin giữa những sóng gió của cuộc đời, nhiều người
được ơn hoán cải, người khác được chữa lành nỗi đau nơi thân xác hoặc tâm hồn.
Vì hiểu sự cao quí và muôn
ân huệ sẽ lãnh nhận nhờ việc lần chuỗi Mân Côi, nên hầu hết các tín hữu Công
Giáo đều có thói quen tốt lành là siêng năng lần hạt, nhất là trong những lúc gặp
nguy nan, sầu khổ. Chúng ta nghe kể, nhiều vị tử đạo trên đường ra pháp trường
tay lần chuỗi, nét mặt hân hoan và phấn khởi. Chúng ta cũng từng chứng kiến người
hấp hối đang mân mê từng hạt của xâu chuỗi với niềm cậy trông, tín thác. Hình ảnh
một người ngồi trên xe đò hay cụ già đưa võng cho cháu, miệng râm ran: Kính Mừng-Thánh
Maria, cũng thật gần gũi và quen thuộc.
Lời kinh Mân Côi được gọi
là chuỗi ngọc, là hoa hồng…, vì đó là cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa, vui lòng Mẹ.
Khi hiện ra tại Phatima, một trong ba điều Đức Mẹ căn dặn là siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhưng để việc lần chuỗi thực sự là lời tôn
vinh Thiên Chúa, ngợi khen Đức Mẹ, sinh ích cho bản thân và gia đình nhân loại,
chúng ta phải đọc trong tâm tình cậy tin và kính mến; đồng thời, cần biến lời
kinh thành cuộc sống, nghĩa là cố gắng thực thi đức bác ái, sống khiêm tốn và
tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh theo gương Đức Maria.
Trong xã hội hôm nay, từng
người và mỗi gia đình đang bị cuốn vào vòng xoay của công việc, sự hưởng thụ,
lo tích góp của cải,… nên không còn thời gian ở bên nhau để vun đắp tình yêu
thương và sự cảm thông. Thời giờ để bồi dưỡng tinh thần và đời sống tâm linh
cũng ít dần, dẫn đến tình trạng gia đình ly tán, con cái hư hỏng, tệ nạn trong
xã hội gia tăng; sự gian dối, nạn bạo hành, ly dị, phá thai… như cỏ dại lan đến
mọi ngõ ngách của cuộc sống. Để chấn hưng xã hội, thăng tiến gia đình và bản
thân, các tín hữu cần tìm đến ngôi trường mang tên Đức Maria bằng việc siêng
năng lần chuỗi Mân Côi. Ngoài ra, giờ kinh gia đình với việc lần hạt, còn là thời
gian và phương thế hữu hiệu, để ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn các thế hệ con
cháu được thắp sáng thêm mãi.
Trong cuốn “Năm chiếc bánh
và hai con cá”, Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận kể: “Mẹ tôi đã đổ vào tim tôi lòng kính mến Đức Mẹ từ tuổi ấu thơ. Bà nội
tôi, mỗi buổi tối, lúc gia đình đọc kinh xong rồi, bà còn ngồi lần thêm một
tràng hạt. Tôi hỏi, bà trả lởi:
- Mệ lần một chuỗi cầu nguyện
cho các cha.
Bà tôi không biết đọc biết viết, nhưng chính những người bà, người mẹ như
thế, đã vun trồng hạt giống ơn thiên triệu trong lòng chúng tôi.”
Thấy rõ tầm quan trọng của
việc lần chuỗi Mân Côi và giờ kinh trong các gia đình, thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II, trong Tông thư Kinh Mân Côi đã nhắc nhở và khẩn thiết mời gọi: “Là lời kinh cầu cho hoà bình, Kinh Mân Côi
cũng là và luôn luôn là lời
kinh của gia đình và cho gia đình. Lời kinh này đã một thời hết sức thân thiết với các gia
đình Kitô giáo, và hẳn đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau hơn. Điều quan
trọng là đừng đánh mất gia sản quý báu đó. Chúng ta cần phải quay lại với thói
quen cầu nguyện trong gia đình và cầu nguyện cho gia đình, khi tiếp tục sử dụng
Kinh Mân Côi.” (số 41)
Xin cho chúng ta biết
siêng năng lần chuỗi Mân Côi, để nhờ Mẹ, thế giới được bình an và các gia đình
luôn thuận hòa; đồng thời, mỗi người được Đức Mẹ phù giúp khi nay và trong giờ
lâm tử.