THÁNH ROSA Ở VITERBO
(1233-1251)
Lược sử
Thánh Rosa đạt được sự
thánh thiện trong cuộc đời ngắn ngủi 18 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, Rosa đã ao
ước thiết tha muốn cầu nguyện và giúp
đỡ người nghèo. Khi còn
trẻ, ngài đã bắt đầu hãm mình. Ngài độ
lượng với người nghèo bao nhiêu thì lại khắt khe với chính bản thân bấy nhiêu.
Vào lúc 10 tuổi, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô và không lâu sau đó, ngài đi rao giảng về vấn đề tội lỗi và
sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Thành phố Viterbo, nơi
ngài sinh trưởng, đã nổi dậy chống đối đức giáo hoàng. Khi Rosa đứng về phía
đức giáo hoàng chống với hoàng đế, ngài và gia đình bị đuổi ra khỏi thành phố. Cho đến khi phe bênh vực đức giáo
hoàng chiến thắng ở Viterbo, Rosa mới được phép trở về. Vào năm 15 tuổi, ngài
cố gắng thành lập một tu hội nhưng thất bại, sau đó ngài trở về với đời sống
cầu nguyện và hãm mình tại nhà của vị thân sinh, cho đến khi lìa đời năm 1251. Rosa được
phong thánh năm 1457.
Suy niệm 1: Cầu
nguyện
Rosa đã ao ước thiết tha muốn cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo.
Tuổi thơ thường thích sống mơ mộng và vô tư nô đùa. Thế nhưng ngài lại biểu
hiện một đặc điểm của thánh nhân, đó là ngay từ nhỏ, ngài đã ao ước thiết tha
muốn cầu nguyện.
Cha thánh Gioan Maria Vianê dầu có tuổi đời dài lâu hơn. Hai giờ đêm ngày
03 rạng 04 tháng 8 năm 1859, ngài mới qua đời khi được 73 tuổi 2 tháng 27 ngày.
Nhưng ngay từ bé, ngài lại khác với các trẻ em khác, ngài đã có dấu hiệu đạo
đức chuyên chăm cầu nguyện khác thường. Thật thế cánh tay non trẻ của ngài vừa
co duỗi được, thì mẹ đã cầm lên tập cho làm dấu thánh giá. Do đó, ít lâu sau
ngài đã có tập quán làm dấu thánh giá trước khi ăn. Hồi ngài được 18 tháng
tuổi, có lần mẹ ngài cho ngài ăn cháo, nhưng quên giúp ngài làm dấu, ngài cứ
ngậm miệng lắc đầu không chịu ăn. Hiểu ý con, bà Beluse liền cầm tay con giúp
làm dấu thánh giá, bấy giờ ngài mới mở miệng ăn cháo. Rồi hồi ngài vừa lên 4
tuổi, có lần tới chuồng bò, bà gặp thấy ngài đang quỳ gối giữa 2 con bò nằm im
đó, 2 tay cầm tượng Đức Mẹ, chấp lại cầu nguyện sốt sắng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
các bậc phụ huynh lưu tâm dạy bảo các trẻ chuyên chăm cầu nguyện để dễ tiến đức
lúc trưởng thành.
Suy niệm 2: Nghèo
Rosa đã ao ước thiết tha muốn cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo.
Một nét nổi bật nơi ngài, đó là ngài độ lượng với người nghèo bao nhiêu thì
lại khắt khe với chính bản thân bấy nhiêu.
Là thánh nhân tương lai, cha Gioan Maria Viane6 cũng rất quan tâm giúp đỡ
người nghèo. Thuở còn cậu nhỏ mục đồng 7 tuổi, nhiều lần đi chăn chiên bò, ngài
đem theo mấy ổ bánh mì lớn chia cho những trẻ nghèo hơn. Gặp những trẻ khốn khó
phải đi chân đất, áo quần rách rưới thì ngài dắt về nhà và nài xin mẹ thương
xót. Ngài xin mẹ cho trẻ này đôi giày, trẻ kia cái áo, trẻ khác cái quần, trẻ
nọ cái áo lót. Mẫu thân cũng xúc động, mở tủ lấy ra những đồ ấy mà phân phát
trước thái độ hớn hở vui sướng của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
có nhiều tâm hồn quãng đại rộng lòng rộng tay giúp đỡ những kẻ nghèo khổ.
Suy niệm 3: Hãm mình
Khi còn trẻ, ngài đã bắt đầu hãm mình.
Hy sinh gắn liền với hãm mình, nghĩa là biết kềm chế những ham muốn, dục
vọng, và ngay cả những ước vọng thường tình để tôi luyện bản thân mình trở nên
cao quý. Sự tiết độ trong hy sinh hãm mình chính là phương thức tẩy luyện tâm
can khỏi những dơ bẩn và hôi hám của mùi tục lụy, và là điều kiện để làm triển
nở đời sống tâm hồn dưới tác động của ơn thánh. Thiếu hy sinh hãm mình con
người ta sẽ dần dần bị cứng đọng lại trong lề thói thường tình của mình và sẽ
bị nô lệ hóa bởi chính nó.
Khi không còn hãm mình thì người ta dễ tìm kiếm những thỏa mãn riêng tư và
lợi ích cá nhân. Trong khi đó tình yêu đích thực đòi người ta phải hy sinh tiết
chế thì mới đem lại những điều tốt đẹp cho mình và người khác. Thói quen hy
sinh hãm mình sẽ giúp ta phong phú hóa nghị lực, làm giàu tâm cảm và làm gia
tăng sức mạnh của ý chí để vượt ra khỏi sự ràng buộc của chính mình, hầu phát
huy tầm cao của cuộc sống là nhu cầu nội tâm đòi phải thể hiện mình như mình
đáng phải là.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con biết vận dụng phương thế hy sinh hãm mình để tiến đức.
Suy niệm 4: Rao
giảng
Rosa đi rao giảng về vấn đề tội lỗi và sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Tội lỗi là nguyên nhân gây nên sự đau khổ của Chúa Giêsu. Chính vì để xóa
bỏ tội lỗi, Người phải rời bỏ trời cao để xuất hiện trong trần gian (1Ga 3,5)
như một của lễ đền tội (1Ga 4,10). Người phải chịu, phải trải qua nhiều đau khổ
(Mt 16,21;Dt 5,8) với khổ hình thập giá (Dt 12,2).
Do đó mọi người cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi (1Pr 4,1), cũng như đừng
cộng tác vào tội lỗi của người khác (1Tm 5,22). Đồng thời hãy cam chịu đau khổ
vì Nước Thiên Chúa (2Tx 1,5). Hãy cảm thấy vui mừng và hạnh phúc được chịu đau
khổ vì Đức Kitô (Cl 1,24;Pl 1,29), vì có cùng chịu đau khổ với Người thì mới
được cùng Người hưởng vinh quang (Rm 8,17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con kiên tâm vác lấy thập giá hằng ngày để xứng đáng là người môn đệ Chúa
(Mt 10,38).
Suy niệm 5: Bị đuổi
Rosa và gia đình bị đuổi ra khỏi thành phố.
Xưa kia, nhằm bảo vệ chân lý, Đức Giêsu đã mạnh dạn lấy dây làm roi ra tay
xua đuổi những người mua bán ra khỏi đền thờ vì họ đã biến nơi cầu nguyện thành
hang trộm cướp (Ga 2,14-16). Và Người cũng dùng quyền năng trục xuất ma quỷ
đang ám hại hai người ở miền Gađara (Mt 8,28-32).
Còn Rosa và gia đình vì bảo vệ chân lý thì lại bị đuổi ra khỏi thành phố,
khi đứng về phía đức giáo hoàng mà chống với hoàng đế, vì cả thành phố Viterbo,
nơi ngài sinh trưởng, đang nổi dậy chống đối đức giáo hoàng, mãi cho đến khi
phe bênh vực đức giáo hoàng chiến thắng ở Viterbo, Rosa mới được phép trở về.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn kiên trung với Chúa để khỏi bị xua đuổi ra khỏi Nước Chúa (Lc
13,28).
Suy niệm 6: Lìa đời
Rosa trở về với đời sống cầu nguyện và hãm mình tại nhà của vị thân sinh,
cho đến khi lìa đời năm 1251.
Danh sách các thánh dòng Phanxicô dường như bao gồm một ít người không
thành đạt được điều gì đáng kể. Thánh Rosa là một trong những người ấy. Ngài
không có ảnh hưởng đến đức giáo hoàng hay các vị vua, chưa bao giờ làm phép lạ
bánh hóa nhiều để nuôi người đói, và chưa bao giờ thành lập được tu hội như mơ
ước. Nhưng ngài đã biến cuộc đời thành một nơi đầy ơn sủng của Thiên Chúa, và
như Thánh Phanxicô, ngài coi cái chết như cửa ngõ dẫn đến sự sống mới.
Di chúc mà Thánh Rosa để lại cho cha mẹ có viết: "Con chết với niềm
vui, vì con khao khát được kết hợp với Thiên Chúa. Hãy sống sao để đừng sợ
chết. Vì những ai sống tốt lành ở đời này thì không sợ chết, nhưng cái chết sẽ
đáng quý và ngọt ngào."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con theo gương thánh Rosa hãy sống sao để đừng sợ chết.