ĐANG PHA VÀO CÁC VIỆC ĐẠO ĐỨC
Chúa dẫn tôi đến Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh
giá. Tôi được Chúa cho nhìn sâu vào sự khiêm nhường của Đấng Cứu Thế, Người hạ
mình chịu khổ nhục như thế, để đền tội và cứu loài người kiêu ngạo.
1. Cho tới
bây giờ, tôi vẫn không ngừng cảm thấy mình yếu đuối. Tôi xin Chúa cho tôi được
sớm chết đi, còn hơn sống lâu mà yếu đuối như thế này. Nhưng Chúa luôn quả quyết
với tôi như đã quả quyết với thánh Phaolô: “Ơn của Cha đã đủ cho con, vì sức mạnh
của Cha được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).
Phần nào, tôi cũng nói được như thánh
Phaolô: “Thế nên, tôi vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh
của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối,
khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính
là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10).
2. Vậy, những yếu đuối của tôi là ở những điểm nào? Thưa, ở rất nhiều điểm. Ở đây, tôi không
nói về những điểm thuộc lãnh vực tội lỗi, bởi vì quá rõ là xấu, nhưng tôi xin
nói về những điểm thuộc lãnh vực đạo đức, bởi vì tôi hay sợ mình để những việc
đạo đức của mình bị nọc độc nào đó làm hư mà cứ tự hào một cách nguy hiểm. Nỗi
sợ như thế bị nhiều người cho là một sự yếu đuối. Tôi xin kể ra những nỗi sợ đó
của tôi.
3. Nỗi sợ
thứ nhất là: Đọc kinh dâng lễ mà không cầu nguyện.
Xưa, Chúa Giêsu đã mượn lời tiên tri Isaia
mà nói về nhiều người đạo đức Do Thái rằng:“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng
miệng, còn lòng chúng thì xa ta” (Mt 15,7-8).
Bây giờ cũng thế. Nếu không tỉnh thức, tôi
cũng dễ rơi vào thói quen đọc kinh thực nhiều, dâng lễ với nghi thức hoành
tráng, nhưng lại không thực sự cầu nguyện. Bởi vì tôi cầu nguyện với tâm tình
kiêu ngạo, tự kể công và coi mình đạo đức hơn kẻ khác. Như thế, tôi sẽ bị Chúa
ruồng bỏ (x. Lc 18,9-12). Chúa cũng sẽ ruồng bỏ tôi, nếu tôi cầu nguyện với những
hình thức bề ngoài khoe khoang (x. Mt 6,5-6). Cầu nguyện thực là xin được vâng
ý Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thực tế cho thấy ngay cả đến hành
hương và tĩnh tâm, nếu không tỉnh thức, cũng sẽ thiếu vắng cầu nguyện đích thực.
4. Nỗi sợ
thứ hai là: Nhập thế mà không khổ chế.
Xưa, Chúa Giêsu đã nhập thế. “Dầu là Con
Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng
phục” (Dt 5,8).
Con đường đau khổ, mà Người đã đi, cũng được
Người giới thiệu cho các kẻ theo Người. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình,
vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Chúa Giêsu đã sống khổ chế. Người dạy các
môn đệ Người cũng hãy sống khổ chế. Thế mà, nếu tôi coi thường gương đời Người
và lời Người dạy, để sống buông thả, thì sẽ ra sao về đạo đức Kitô giáo, mà tôi
có trách nhiệm? Hưởng thụ tới mức báo động đang trở thành một lối sống bình thường
của nhiều môn đệ Chúa tại nhiều nơi.
5. Nỗi sợ
thứ ba là: Làm việc lành theo ý riêng, chứ không theo ý Chúa.
Xưa, Chúa Giêsu đã phán: “Không phải bất cứ
ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ
có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng
tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ,
nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ:
Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian
ác”(Mt 7,21-23).
Bây giờ cũng thế. Nếu không tỉnh thức, tôi
cũng sẽ dễ bị Chúa xua đuổi như vậy, cho dù tôi đã nhân danh Chúa, mà làm nhiều
việc coi như vẻ vang cho Hội Thánh Chúa. Thí dụ: Những công trình xây cất vĩ đại,
những tổ chức lễ lạy hoành tráng, những con số đào tạo đông đảo, những đấu
tranh vang dội dành quyền lợi cho Công giáo. Nếu chẳng may, tôi để cho ý riêng
hiếu thắng của tôi hoặc của tập thể thúc đẩy chi phối, thì tôi sợ tôi sẽ không
tránh được số phận bị Chúa gọi là bọn gian ác, như Chúa đã nói với những người
đã nhân danh Chúa mà làm phép lạ trên đây.
6. Nỗi lo
thứ tư của tôi là: Hay xét đoán người khác một cách kiêu căng.
Xưa, Chúa Giêsu đã phán: “Anh em hãy có
lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ
không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa
lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì
sẽ được Thiên Chúa cho lại...
Sao anh em thấy cái rác trong con mắt của
người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?...”
(Lc 6,36-42).
Những lời Chúa phán trên đây làm tôi tỉnh
giấc. Bởi vì nhiều khi, tôi như quen ngủ trong ảo tưởng là mình phải tố cáo, phải
kết án người khác một cách tự hào, tự đắc, thì mới là đạo đức. Ai ngờ làm thế
là quá sai trước mặt Chúa.
7. Trên
đây là vài nỗi sợ của tôi trong khi làm các việc đạo đức. Những nỗi sợ như thế
bị nhiều người cho là những yếu đuối của tâm hồn nặng về mặc cảm tự ti. Cũng có
thể là như vậy. Nhưng chính những nỗi sợ đó đã giúp tôi tỉnh thức, để luôn cậy
vào Chúa, mà cố tránh những nọc độc kiêu ngạo với ý riêng dễ bị ma quỷ pha vào các việc
đạo đức.
Không gì nguy hiểm cho bằng nọc độc kiêu ngạo.
“Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr
3,5).
Để kết, Chúa dẫn tôi đến Chúa Giêsu chịu
đóng đinh trên thánh giá. Tôi được Chúa cho nhìn sâu vào sự khiêm nhường của Đấng
Cứu Thế, Người hạ mình chịu khổ nhục như thế, để đền tội và cứu loài người kiêu
ngạo. Người trở nên
quá yếu đuối như thể, để đem sức mạnh cứu độ đến cho tôi.
Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa. Con xin Chúa
thương xót con. Con thực tình sám hối. Con phó thác mình con trọn vẹn nơi Chúa.