Thánh EDITH STEIN
(1891-1942)
Lược sử
Edith Stein, một nữ tu
Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm
và một văn sĩ sáng giá. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản, và cuộc
đời ngài được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do Thái.
Sinh ngày 12 tháng
Mười 1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau, nước Đức.
Trong tất cả các ngành
học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và
ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa
Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm 1922.
Sau khi trở lại đạo, Edith dùng toàn
thời giờ để dạy học, diễn thuyết, viết lách và dịch sách, và không bao lâu ngài
trở nên một triết gia và tác giả nổi tiếng, nhưng điều ngài khao khát là cuộc
sống cô độc và tịnh niệm của dòng Camêlô, là nơi ngài tận hiến cho Thiên Chúa và
người dân của ngài. Trước khi Đức Quốc Xã bách hại người Do Thái khiến ngài
phải ngưng mọi hoạt động thì cha linh hướng đã đồng ý để ngài gia nhập dòng
Camêlô Hèn Mọn ở Cologne-Lindenthal vào tháng Mười năm 1933. Vào Chúa Nhật Phục
Sinh năm 1935, ngài khấn trọn.
Ngài đã xin phép bề
trên để di chuyển đến một
tu viện ở ngoại quốc.
Thế nhưng tại đây, Đức
Quốc Xã ra lệnh bắt giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do Thái ở Hòa Lan. Sơ
Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại tử thần Auschwitz. Ngài
chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9 tháng Tám 1942.
Vào ngày 1 tháng Năm
1987, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta,
và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11 tháng Mười 1998.
Suy niệm 1 Triết gia
Edith Stein, một nữ tu Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm và một
văn sĩ sáng giá.
Một triết gia thuộc giới nữ thật họa hiếm, và càng ít thấy hơn khi sự uyên
thâm và sáng giá của ngài không những có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày nay,
ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong giới triết gia và trí thức ở Đức cũng như trên
toàn thế giới.
Ngay từ nhỏ ngài đã chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường, và vào lúc bắt đầu
Thế Chiến I, ngài đã học xong triết và ngữ văn tại đại học Breslau và
Goettingen. Sau cuộc chiến, ngài tiếp tục cao học tại Đại Học Freiburg và lấy
bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác
viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của hiện tượng học và cũng là người có ảnh hưởng
lớn đến tư duy của thánh nữ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
giới nữ đừng tự ti mặc cảm về giới tính của mình, để luôn phát huy năng lực
Chúa ban, nhất là trong thời đại đang chủ trương nam nữ bình quyền này.
Suy niệm 2 Thánh Giá
Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản.
Nếu thời thế tạo anh hùng, thì phải nói rằng chính hoàn cảnh sống của ngài
trong bối cảnh Đức Quốc Xã bách hại người Do Thái mà ngài là một nạn nhân đã
khiến ngài gần gũi và thiết tha với Thánh Giá Chúa. Nhất là sau khi trở lại và
gia nhập dòng Camêlô, vào tháng Tư năm 1934, ngài được mặc áo dòng và lấy tên
là "Têrêsa Bênêđícta của Thánh Giá." Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm
1935, ngài khấn trọn. Danh xưng này càng giúp ngài sống sít sao hơn nữa, với
những suy tư độc đáo để sáng tác một văn bản sau cùng nhưng tuyệt tác là Thánh
Giá Học ở Echt, Hòa Lan.
Chính Thánh Giá của ngài thì ngay ở trước mặt, vì lúc ấy Đức Quốc Xã đã xâm
lăng Hòa Lan, và khi các giám mục Hòa Lan công bố lá thư mục vụ phản đối việc
trục xuất người Do Thái và đuổi các học sinh Do Thái ra khỏi trường Công Giáo,
thì Đức Quốc Xã ra lệnh bắt giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do Thái ở Hòa
Lan. Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại
tử thần Auschwitz.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con đừng chịu khuất phục nghịch cảnh, nhưng biết vận dụng nó để biến
thành tương lai sáng chói.
Suy niệm 3 Dâng hiến
Cuộc đời Stein được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do
Thái.
Dầu là một triết gia và tác giả nổi tiếng trong thời gian dạy học, diễn
thuyết, viết lách và dịch sách, nhưng điều ngài khao khát là cuộc sống cô độc
và tịnh niệm của dòng Camêlô, là nơi ngài tận hiến cho Thiên Chúa và người dân
của ngài.
Niềm vui đời tận hiến được sánh ví như cánh hồng xinh đẹp ẩn chứa nhiều gai
nhọn làm buốt tay người chạm vào, nhất là đối với sơ Têrêsa Bênêđícta của Thánh
Giá, vốn mang lại quang vinh. Bằng việc đau xót hy sinh tương lai sáng lạn của
một triết gia, ngài nhận được vinh dự làm nguồn cảm hứng cho tất cả những ai
coi Thánh Giá là di sản. Bằng nỗi cay đắng phải rời bỏ nhà dòng Camêlô ở
Cologne di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc ở Echt thuộc Hòa Lan để rồi cũng
lìa xa chốn này qua cái chết, ngài lại tận hưởng được niềm vui thiên đàng với
tước vị tánh nhân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con đón nhận đau khổ tạm thời và nhỏ bé bây giờ để mua lấy vinh quang
vĩnh cửu và không tài sánh được ở đời sau (Rm 8,18).
Suy niệm 4 Trở lại
Sau khi trở lại đạo… Stein gia nhập dòng Camêlô Hèn Mọn.
Là một nữ triết gia lỗi lạc, sao Stein trở lại đạo? Câu trả lời nằm ở mấu
chốt này: Trong tất cả các ngành học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân
lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi
đọc tự truyện của Thánh Têrêsa Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm
1922.
Albert Einstein, một nhà trí thức chân chính, một nhà bác học kỳ tài, cũng
đã hãnh diện tuyên bố mình là một người có tôn giáo, trong tác phẫm “Qui était
Albert Einstein?”: Tôi hiểu được rằng, sau cái thế giới mà chúng ta biết được,
còn ẩn giấu một cái gì vượt khỏi trí thức của chúng ta. Một cái gì đó mà vẻ đẹp
và sự vượt trội chỉ đến với chúng ta một cách phảng phất, như một ánh sáng hiu
hắt. Trong ý nghĩa đó, tôi là một người có tôn giáo. Tôi cố mường tượng những
bí ẩn mà tôi chiêm ngưỡng và bằng trí thức hạn hẹp, tôi cố thu nạp và tìm hiểu
chút ánh sáng phản chiếu từ sự cấu tạo tuyệt vời của cái Hiện Thể”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
các người thành tâm thiện chí đi tìm chân lý thì gặp được Chân Lý đích thực là
chính Chúa.
Suy niệm 5 Di chuyển
Sơ Têrêsa Bênêđícta xin phép bề trên để di chuyển đến một tu viện ở ngoại
quốc.
Sao có sự kiện này? Khi sự bách hại người Do Thái gia tăng mãnh liệt và
điên cuồng, ngài nhận thấy sự nguy hiểm khi có mặt tại nhà dòng Camêlô ở
Cologne, và ngài đã xin phép bề trên để di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc.
Vào đêm 31 tháng Mười Hai 1938, ngài bí mật vượt biên giới đến Hòa Lan là nơi
ngài được tiếp đón một cách nồng nhiệt vào dòng Camêlô ở Echt.
Là một triết gia lỗi lạc nhưng cũng là một nữ tu thuộc nhà dòng, ngài khiêm
tốn đệ trình bề trên ý định muốn di chuyển đến một nơi an toàn hơn. Sau khi
được chấp thuận, ngài mới lên đường bằng cách mạo hiểm vượt biên giới. Chắc hẳn
đây là điều Chúa muốn, nên ngài đã thoát nạn an bình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con mạnh dạn trao đổi sở nguyện và chấp hành Thiên Ý qua Đấng bản quyền.
Suy niệm 6 Trại tử
thần Auschwitz
Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại
tử thần Auschwitz.
Trại tử thần Auschwitz là trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức
quốc Xã. Trại này nằm ở Ba Lan và được đặt tên theo thành phố Oswiecim gần đó,
cách Krakow 50 cây số về phía Tây, cách thủ đô Warzawa 286 cây số. Trong thời
kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan năm 1939, Oswiecim sát nhập vào Đức và đổi tên
thành Auschwitz.
Số người bị giết chết tại đây chưa được biết chính xác. Tại tòa án Numberg,
chỉ huy trại Rudolf Hoss đã khẳng định con số này là ba triệu người. Năm 1990,
viện bảo tành quốc gia Auschwitz-Birkenau xét lại số liệu này. Các tính toán
mới đã cho ra kết quả trong khoảng 1,1-1,6 triệu, khoảng 90% số người Do Thái
của gần như tất cả các nước tại Châu Âu.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con
kinh hoàng trước thảm cảnh bao thân xác người bị giết chết, xin giúp chúng con
đừng manh tâm giết hại tinh thần tha nhân bằng việc nói hành nói xấu một ai.