MẤT ĐỂ ĐƯỢC
Trong mọi chọn lựa phải hướng đến cùng đích. Đức
Giêsu mời gọi mọi người suy nghĩ để quyết định thật đúng trước những hướng đi của
cuộc đời: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào
có lợi gì?” (Mt 16, 26)
Thường thì ai cũng muốn được
lợi chứ không chịu thua thiệt và mất mát, giả như có phải mất thì cũng với
nguyên tắc “bỏ con tép, bắt con tôm.” Nhưng đâu là con tôm và đâu là cái tép lại
tùy vào quan niệm sống của mỗi người.
Có câu chuyện vừa mang
tính ngụ ngôn vừa như một chuyện cười, cười ra nước mắt.
Một người rất giàu nhưng
tính tình keo kiệt, bữa nọ xách túi tiền vàng đi qua chiếc cầu tre, chẳng may xẩy
chân rớt xuống sông. Túi vàng thì nặng, ông lại không biết bơi, nên la lớn để cầu
cứu. Có người nghe thấy tiếng kêu liền chạy đến. Nhận ra người sắp chết đuối là
ông phú hộ hà tiện nên nói:
- Trả công mười đồng tiền vàng thì tôi cứu.
Ông phú hộ dù đã nuốt mấy
ngụm nước ngoài ý muốn vẫn cố gắng trả lời:
- Một đồng thôi!
- Chỉ có một đồng, tôi không giúp.
Bị nước nhận chìm, ông nhà
giàu cố trồi lên trả lời:
- Tôi chịu trả hai đồng.
Người đứng trên bờ nói:
- Giá chót là năm đồng.
Lúc này ông phú hộ đã no
nước và kiệt sức, nhưng cũng cố gắng nói lời cuối cùng:
- Chỉ trả ba đồng không hơn một xu.
Sau đó vài giây ông chìm
xuống dòng nước, tay vẫn ôm chặt túi vàng.
Ông nhà giàu đã coi mạng sống
không hơn năm đồng tiền vàng, nên đành ôm túi vàng còn nguyên vẹn sang thế giới
bên kia. Chẳng ai trong chúng ta lại hành xử như ông phú hộ dại dột ấy, vì “mạng
sống hơn đống vàng.” Nhưng trong thực tế, nhiều người đã bỏ con tôm để giữ con
tép. Chúng ta thử đưa ra vài trường hợp vẫn xảy ra đâu đó trong xã hội hôm nay.
Cô gái trẻ trong một phút
bồng bột và yếu đuối, đã quan hệ với bạn trai và có thai. Sau nhiều trăn trở, cô
quyết định phá thai để giữ được tiếng là “con gái nhà lành.” Trước mắt mọi người,
cô như được nhiều hơn mất, nhưng thực tế điều cô giữ được thì bé tí teo, đang
khi cái bị mất lại quá lớn. Vì khi khai tử mầm sống là chính máu thịt của mình,
cô ta đang đánh mất sự bình an và ơn thánh Chúa trong tâm hồn, lương tâm sẽ ray
rứt suốt đời vì tội ác “trời không dung, đất không tha” này.
Người gian lận trong mua
bán hoặc thiếu trung thực trong công việc được trao phó, những cô gái bán
thân…, có thể được thêm bạc tiền và nhiều thứ mong muốn, nhưng những người ấy
đang đánh mất sự ngay chính, lòng tự trọng, phẩm giá cao quí và những ân huệ
Thiên Chúa ban. Cũng xảy ra như thế với những người chối bỏ đức tin để được an
thân, hoặc thăng quan tiến chức và những bổng lộc trước mắt.
Cuộc sống trong cõi đời
này thật vắn vỏi và đầy bấp bênh. Chức quyền, tiền bạc, và ngay cả mạng sống cũng
chẳng có gì bảo đảm, nay còn mai mất; đang khi hạnh phúc ở thế giới bên kia là
vô biên, vô tận. Vì thế, trong mọi chọn lựa phải hướng đến cùng đích. Đức Giêsu
mời gọi mọi người suy nghĩ để quyết định thật đúng trước những hướng đi của cuộc
đời: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải
thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống
mình?” (Mt 16, 26)
Không chỉ đặt câu hỏi, Đức
Giêsu còn chỉ cho chúng ta cách thức để trở nên môn đệ và đồng hưởng hạnh phúc
vĩnh cửu với Người: “Ai muốn theo Thầy,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng
sống ấy.” (Mt 16, 24-25) Các thánh Tử Đạo đã sống triệt để lời dạy này.
Nhưng còn cách nào có thể thực hiện nguyên tắc “mất để được” Đức Giêsu dạy
không?
Chúng ta gặp được câu trả
lời và sự chỉ dẫn nhờ thánh Phaolô: “Đừng
có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm
thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng
Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 2) Dựa vào Lời Chúa, chúng ta có thể đề ra
vài việc làm cụ thể:
Bỏ tính tham lam và dối trá để sống ngay chính, công bằng
và bác ái.
Bỏ tính hận thù ghen ghét để lòng bình an và trở nên anh
em của mọi người.
Bỏ những đam mê như: rượu chè, cờ bạc…, để được sống
trong tự do của con cái Thiên Chúa.
Mỗi ngày, cha mẹ bỏ ra mươi phút giải trí hoặc bớt đi một
công việc, để có nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn.
Các thành viên trong gia
đình bỏ chút việc riêng, cùng nhau tham dự giờ kinh tối gia đình, nhất là trong
năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình này.
Bỏ như thế, chúng ta đang
chấp nhận mất để được. Bỏ như thế là đang vác thập giá đời mình để theo Chúa.
Ngoài cách đón nhận thánh giá như vừa nói, còn những thập giá không ai tránh được,
đó là những vất vả trong việc bổn phận hằng ngày và trái ý trong cuộc sống như:
bệnh tật, thất bại trong công ăn việc làm, bị hiểu lầm… Là Kitô hữu, nhiều khi
còn phải chấp nhận sự ngược đãi và thử thách vì đức tin, nhưng nếu chúng ta vui
nhận thập giá của đời mình với niềm khao khát nên giống Đức Kitô, chúng ta sẽ
được nâng đỡ nhờ niềm hy vọng và ơn Chúa.
Thường thì ai cũng ngại
khó và sợ khổ, nhưng có những khó khăn mở ra cho chúng ta một chân trời mới
“cái khó, ló cái khôn.” Hơn thế nữa, những ai đón nhận khổ đau vì Tin Mừng còn
được hưởng niềm vui vô tận, như thánh Phaolô viết: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao
được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 8, 18)
Xin cho các Kitô hữu luôn
ý thức rằng Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc vô biên, và dám can đảm đánh đổi mọi
sự để mãi mãi được sống trong tình thương của Người.