Lời Chúa cntn 21a _ người tù của Đức Kitô

NGƯỜI TÙ CỦA ĐỨC KITÔ
“Tôi sung sướng vì có thể nói như Thánh Phaolô: “Người tù của Đức Kitô.” (Thánh Jean Louis Bonnard Hương)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong bài tin mừng ta vừa nghe, khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, thì chính Chúa Giêsu đã nói rõ không phải thánh Phêrô nhờ xác thịt hay huyết nhục mà biết được chân lý đó, mà chính là ơn của Thiên Chúa Cha, chính là ơn của Thánh Thần đã mặc khải. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần mặc khải, thì thánh Phêrô cũng chỉ coi Chúa là một con người thuần túy, một vị tiên tri nào đó thôi. Điều này chứng tỏ Đức tin của chúng ta có, không phải do công trạng của mỗi người chúng ta, mà chính là một nhân đức được Thiên Chúa phú bẩm. Khi chúng ta đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy và bí tích thêm sức, thì Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong con người chúng ta, giúp ta biết cầu xin, giúp ta tin, cậy, và mến yêu Chúa.
Trong tin mừng thánh Matthêô chương 10 câu 20, Chúa còn nói rõ cho các môn đệ biết, khi các ngài bị bắt, bị điệu ra tòa, các ngài đừng lo lắng phải nói gì, trả lời ra sao vì chính Chúa Thánh Thần sẽ nói thay cho các ngài.
Trong lúc bị giam, thánh Jean Louis Bonnard Hương (tử đạo ngày 1.5.1852, 28 tuổi) có tâm sự trong một lá thư ngài gửi ra ngoài:
“Nói chung, trong các buổi khảo cung, tôi đã thấy đúng như lời Chúa phán: “Các con đừng lo phải trả lời thế nào với các quan trần thế, chúa Thánh Linh sẽ nói thay cho các con” Thực vậy tôi không bối rối chút nào, không sợ hãi và chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt lưu loát và dễ dàng đến thế.”
Hơn một tháng tù, cha Hương bị đưa ra tòa, tra khảo 4 lần. Quan tổng đốc hỏi cha về tên tuổi, quê quán, lý do đến và những gì đã làm tại Việt Nam. Nhiều lần các quan hỏi về các nơi cha đã qua lại và trú ngụ. Quan đe dọa đánh đòn nếu Cha không khai. Cha đáp: “Các ông muốn đánh thì đánh, chứ đừng mong tìm được một lời có hại nào đến tín hữu. Tôi đến đây phục vụ cho đến chết. Các ông đã lầm to nếu nghĩ tôi sẽ tiết lộ điều gì dù rất nhỏ.” Khi các quan bảo cha đạp lên Thánh Giá và dọa kết án tử hình, cha trả lời: “Tôi đã nói tôi không sợ đòn đánh lẫn cái chết, tôi sẵn sàng chịu tất cả… Tôi không đến đây để chối đạo hay làm gương xấu cho các kitô hữu.”
Thứ sáu Tuần thánh Đức cha Retord Liêu tìm cách sai cha Lê bảo Tịnh vào ngục giải tội và đưa mình Thánh Chúa. Cha Hương tâm sự:
“Đã lâu chưa bao giờ tôi vui đến thế này, được mang trong mình Vua các thiên thần. Quả thật, cần phải vào tù mang gông xiềng để hiểu được việc chịu đau khổ Đức Kitô, đấng chúng ta hằng yêu mến, thật ngọt ngào biết bao. Các bạn tưởng gông cùm của tôi nặng lắm sao? Không đâu, ngược lại tôi thấy sung sướng vì tôi biết gông xiềng xích của Đức Kitô còn nặng hơn bội phần, tôi sung sướng vì có thể nói như Thánh Phaolô: “Người tù của Đức Kitô.”
Cha Hương cũng viết thư an ủi song thân: “Cha mẹ đừng buồn khi hay tin con bị bắt giam và đổ máu vì Đức Kitô. Cha mẹ có yêu con thì hãy vui mừng vì con được phúc trọng ấy… Sẽ có ngày cha mẹ và con đoàn tụ trên thiên đàng, khi đó chẳng còn lo phải xa cách nhau nữa.”
Các quan, thấy không làm cho vị chứng nhân trung thành đổi ý, bèn viết án gửi vào kinh.
Và đây là bản di chúc của cha:
”Giờ long trọng đã điểm. Vĩnh biệt, xin chào tất cả mọi người đã thương nhớ đến tôi. Xin hẹn gặp nhau trên trời… Trông cậy vào lòng nhân từ Đức Giêsu, tôi xin Người tha thứ muôn vàn tội lỗi cho tôi, tôi tự nguyện hiến dâng máu và mạng sống vì yêu mến Người, và vì các linh hồn mà tôi muốn phục vụ hết mình. Ngày mai, thứ bảy ngày 1 tháng 5, lễ thánh Philipphê và Giacôbê Tông Đồ, giáp năm ngày sinh nhật trên trời của cha Schoeffler Đông, tôi nghĩ sẽ là ngày hiến tế của tôi. Xin cho ý Chúa được thể hiện, tôi vui lòng chịu chết. Xin chúc tụng Chúa. Xin chào tất cả trong Thánh Tâm Chúa Giêsu và mẹ Maria. Trong tay Ngài, Lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.”
 Người tù của Đức Kitô
Jean Louis Bonnard sinh ngày 1.3.1824 tại Lyon, nước Pháp. Năm 12 tuổi, cậu vào chủng viện Alixe. Ngày 14.11.1824, Bonnard xin vào hội Thừa Sai Paris, hoàn tất chương trình thần học và thụ phong linh mục ngày 24.12.1848. Đầu năm 1849, cha Bonnard lên đường sang Việt Nam.
Các Bề Trên quyết định bổ nhiệm cha vào địa phận Tây Đàng Ngoài. Đức cha Retord Liêu đón tiếp cha ân cần, đặt tên cho Ngài là Hương, và đặt cha coi hai xứ Kẻ Trình và Kẻ Báng (Nam Định). Mùa chay 1852 cha mời 5 linh mục bản quốc đến giảng tuần tĩnh tâm cho giáo dân Kẻ Báng. Nhiều tín hữu ở chung quanh cũng đến dự. Cuối tuần tĩnh tâm, một số tín hữu ở Bối Xuyên mời cha Hương về giúp cho họ đạo mình. Khi ấy, vua Tự Đức vừa ra chiếu chỉ tháng 3 năm 1851 cấm đạo rất gắt, nên cha lưỡng lự mãi mới nhận lời. Ngày 21 tháng 3 năm 1852 tại Bối Xuyên, sau khi dâng thánh lễ, cha ban bí tích rửa tội thì thấy quân lính đến vây làng, một viên quan bị cách chức muốn lập công, đã báo tin cho quan huyện biết. Cha Hương vội cởi áo lễ, chạy băng qua cánh đồng lúa, nhưng vì nước ngập đến thắt lưng nên không chạy thoát và bị bắt. Trên đường áp giải cha về huyện, quân lính đi nhanh quá, cha nói với họ rằng: “Anh nào gấp cứ đi trước, còn tôi lúc nào đến cũng được, chẳng có gì phải vội”, lính chịu đi chậm lại.
Quan huyện chỉ giam giữ cha một đêm, sáng sớm hôm sau áp giải cha lên thị trấn Nam Định.
Sáng ngày 1.5.1852, cha Hương rước lễ lần cuối, vui vẻ theo quân lính ra pháp trường Bảy Mẫu, đến nơi cha quỳ trên chiếu cầu nguyện. Cha phải chờ một giờ đồng hồ vì quân lính quên mang dụng cụ tháo gông, phải chạy về nhà kiếm. Sau đó, họ trói vị chứng nhân vào cọc. Theo hiệu chiêng trống, lính chém đầu cha rơi trên cát, dân chúng ùa vào thấm máu làm kỉ niệm, nhưng lính dùng roi đuổi tất cả ra xa. Sau đó, họ lấy áo ngoài, áo lót và hai ống quần của đấng tử đạo cắt ra làm nhiều mảnh trao cho dân. Thân mình và đầu vị tử đạo được đưa lên thuyền bỏ trôi sông. Đức Cha Liêu đã cho người đi một chiếc thuyền lảng vảng gần đó kịp thời vớt đưa về Vĩnh Trị. Đêm đó, đức cha với một số linh mục âm thầm dâng thánh lễ và an táng đấng tử đạo trong chủng viện.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK