ĐỨC
MẸ LÊN TRỜI
TẠI VIỆT NAM HÔM NAY
Tại Việt Nam hôm
nay, Mẹ vẫn đợi chờ mọi con cái Mẹ ở những nơi bị tàn phá, bị bỏ rơi, vùng sâu,
vùng xa. Mẹ vẫn đợi chờ với đôi mắt nhân từ và với hai tay ban ơn.
1. Đã gần
40 năm rồi, tôi cùng với vài linh mục đã đến thăm giáo xứ Hòn Chông, một giáo xứ
ven biển thuộc Kiên Giang.
Từ Hòn Chông, chúng tôi đi thăm giáo xứ Rạch
Đùng cũng vùng hẻo lánh. Trên đường đi, chúng tôi ghé lại xóm Rẫy mới. Nơi đây
lúc đó chỉ còn vài gia đình rải rác ở sườn núi.
Điểm đáng chú ý là nơi đây còn dấu vết một
ngôi nhà thờ nhỏ. Tất cả đều đã bị bom tàn phá. Còn trơ lại vài bức tường đổ
nát, cỏ cây trùm phủ um tùm.
2. Giữa chốn
hoang vu ấy, chúng tôi ngạc nhiên thấy một tượng Đức Mẹ đứng giữa cỏ cây rêu phủ.
Ngạc nhiên tiếp nối ngạc nhiên, khi chúng
tôi đọc thấy trên bức tường đá gần bên một bài thơ ghi khắc sâu bằng vật nhọn:
“Mẹ
đứng ở đây một góc trời.
Đôi
mắt nhân từ nhìn muôn nơi.
Hai
tay ban xuống muôn hồng phúc.
Cho
kẻ tin yêu chạy đến Người” (Bảo
Sơn).
3. Có thể
tác giả là một người lính hành quân qua đường trong thời chiến. Anh đã được Đức
Mẹ ban ơn. Anh đã xúc động. Nên đã ghi khắc trên đá một niềm tin bao quát như vậy.
Tôi không hiểu sứ điệp anh gởi đã tới những
ai. Nhưng ít ra, niềm tin đầy xúc động ấy đã ảnh hưởng lớn đến tôi.
4. Cho tới
bây giờ, tượng Đức Mẹ chốn hoang vu đó và bài thơ nặng tình trên bức tường rêu
phong đó đã luôn gợi ý cho tôi.
Tôi nghĩ là chính Đức Maria đã gợi ý cho
tôi thế này:
Tại Việt Nam hôm nay, Mẹ vẫn đợi chờ mọi
con cái Mẹ ở những nơi bị tàn phá, bị bỏ rơi, vùng sâu, vùng xa. Mẹ vẫn đợi chờ
với đôi mắt nhân từ và với hai tay ban ơn. Mẹ vẫn đợi chờ được ôm vào lòng những
đứa con nghèo khổ bơ vơ, để cùng Mẹ lên Trời hưởng tình yêu trọn vẹn muôn đời.
5. Gợi ý
trên đây đã trở thành một tiếng gọi đối với tôi. Đức Mẹ gọi tôi từ những cảnh
khổ đau, cô đơn.
Khi đến với những cảnh đó, tôi đã gặp được
Đức Mẹ. Mẹ đã ở đó từ lâu rồi. Mẹ và những người khổ đau làm nên một gia đình của
niềm tin và của tình thương.
Bên Mẹ nhân từ, tôi thấy biết bao con người
lầm than. Họ khổ lắm. Họ lầm than lắm. Họ bị hắt hủi, bị loại trừ. Chỉ còn Mẹ
là nơi họ tựa nương. Mẹ đón nhận họ với tất cả tấm lòng người mẹ đầy thương
xót.
6. Năm đó,
tôi đi Lavang. Tại đây, tôi đã thầm nói với Đức Mẹ nhiều điều, kể cả những tâm
tình, mà tôi vừa chia sẻ trên đây. Mẹ tại Lavang cho tôi nhớ lại những năm chiến
tranh, những tháng đói nghèo, mà tôi đã trải qua. Suốt thời gian đó, Mẹ đã là
nguồn an ủi vô cùng quý giá cho tôi. Một cách âm thầm, mà hữu hiệu.
Hồi đó, tại nơi tôi ở không có nhà thờ,
không có thánh lễ, không có cộng đoàn quy tụ. Rất nhiều khi, chỉ có một mình, với
tấm lòng đầy niềm tin và trông cậy đặt ở Mẹ.
7. Bên Mẹ,
nhờ Mẹ và với Mẹ, trong thời loạn ly đói khổ, tôi có kinh nghiệm phần nào về sự
Đức Mẹ xưa đã sống nghèo giữa những người nghèo, ở những địa phương nghèo, để
âm thầm chia sẻ cuộc sống của họ, nhờ đó mà đưa họ về với Tin Mừng.
8. Hiện
nay, ơn gọi theo gương Mẹ âm thầm bác ái ở Nagiarét vẫn đang sống động bằng nhiều
cách ở nhiều nơi.
Khi qua Hungari, Liên Xô, Đức, Pháp và ngay
tại Đất Thánh, tôi vẫn được gặp những hình ảnh sống động của Đức Mẹ lặng lẽ giữa
những lớp người nghèo chật vật trong những hoàn cảnh rất khó khăn.
Mấy ngày nay, qua báo chí và truyền hình,
tôi thấy tình hình tại những nơi Chúa Giêsu và Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh
tông đồ xưa đã rao giảng Tin Mừng, đang trở thành nơi xung đột đẫm máu.
Chính tại những nơi này và chính trong thời
điểm này, sự hiện diện âm thầm của những hình ảnh sống động Mẹ Maria nhân ái
đang giúp ích rất nhiều cho các linh hồn.
Họ là những nhóm nhỏ, sống nghèo, giữa những
người nghèo. Đặc điểm của họ, là cùng với Đức Mẹ, đưa Chúa Giêsu đến với mọi
người, qua những gặp gỡ và gần gũi thân thương.
9. Tôi
cũng đang thấy như vậy tại Việt Nam. Tuy không đều khắp, nhưng những cá nhân và
những nhóm nhỏ của Đức Mẹ tại Nagirét đang đi về vùng sâu vùng xa và bước sâu
vào những vùng tăm tối ngay giữa các thành thị.
10. Họ rất
cần được đào tạo.
Sẽ rất lầm, nếu đào tạo họ bằng cách cho họ
thấy họ sẽ là kẻ sẽ được chức cao quyền trọng, lời lớn lộc nhiều, như một lớp
người lãnh đạo.
Sẽ rất lầm, nếu đào tạo họ bằng cách chiều
chuộng họ với một cuộc sống đi theo con đường rộng rãi thênh thang, như một lớp
người hưởng thụ.
11. Đào tạo
cần thiết nhất cho họ cũng như cho tôi là một thứ biến đổi theo lời Chúa Giêsu
phán: “Nếu các con ở lại trong Thầy, và lời Thầy ở lại trong các con, thì muốn
gì, các con hãy xin, các con sẽ được như ý” (Ga 15,7). Ta ở lại trong Chúa và lời
Chúa ở lại trong ta, đó sẽ là một sự biến đổi, như đã xảy ra xưa nơi Đức Mẹ.
Tôi đang thấy Chúa biến đổi nhiều người tại
Việt Nam thành hình ảnh Đức Mẹ, nhờ sự ở lại trong Chúa và trong lời Chúa. Họ
đang được Chúa chuẩn bị cho một tương lai, mà tình hình đạo sẽ sáng lên ở những
vùng sâu vùng xa, nơi ở của những lớp người nghèo khổ. Đức Mẹ đưa họ lên trời từ
những cuộc sống phấn đấu chân thành và âm thầm cho niềm tin và tình yêu thương
bác ái.
Lạy Mẹ Maria, con khốn khổ yếu đuối lắm, con
đến với Mẹ, con tin ở Mẹ. Xin Mẹ thương cho con được theo Mẹ lên trời từ vực
sâu tội lỗi của con. Xin Mẹ cũng thương đến tất cả những ai chân thành tìm đến
với Mẹ.
Long
Xuyên, ngày 9.8.2014