Thánh LEOPOLD MANDIC
(1887-1942)
Lược sử
Thánh Leopold sinh ở
Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia
đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài
là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."
Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật
nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính.
Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các
tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia
nhập Dòng này. Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở
Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống
tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Đạo Thánh
Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.
Sau khi chịu chức linh
mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Đông Âu đang
tan nát vì tranh chấp tôn giáo,
nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài. Từ 1890 đến 1906, Cha
Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được
bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở
tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.
Chính ở Padua là nơi
ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng
đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ
đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày
ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng
tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.
Vào tháng Chín 1940,
Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ
dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự
mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào
năm 1976 và sau cùng, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm
1983.
Suy niệm 1: Tên
Cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban".
Có hai vợ chồng Encana và Anna đã già mà không con (1Sm 1,1) nên sau thời
gian cầu xin với nước mắt (1Sm 1,10) được Chúa nhậm lời ban cho mụn con thì đặt
tên cho hài nhi là Samuen có nghĩa là Chúa nhận lời (1Sm 1,20). Không như tâm
trạng của họ, gia đình phụ mẫu Bogdan là gia đình đông con, nhưng vẫn đặt tên
cho con là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban", vì ý thức con cái vẫn
luôn là một hồng ân Chúa ban (St 30,2), nhất là qua người con thứ mười hai này,
Chúa đã ban cho gia đình có một vị thánh.
Thật ra qua Bogdan tức là Leopold, Chúa không chỉ ban cho gia đình nhỏ bé
đó mà còn cả đại gia đình Giáo Hội. Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là
Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải
Tội và Linh Hướng. Sau khi ngài qua đời, Kitô Hữu Tây Phương cũng nhờ lời cầu
bầu của Thánh Leopold Mandic trong công việc nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn
với Kitô Hữu Chính Thống Giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn nhận ra ân huệ Chúa ban để đáp trả suốt đời.
Suy niệm 2: Sức khoẻ
Sức khỏe của Leopold rất yếu kém và bị tật nguyền.
Chính vì tình trạng thể xác này mà sau khi chịu chức linh mục, ngài muốn
thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Đông Âu đang tan nát vì tranh chấp
tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.
Nhưng bù lại ngài có một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính trổi vượt. Vì
thế bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi
và đắm chìm trong Linh Đạo Thánh Phanxicô. Cũng nhờ đó ngài đã nổi danh, khi
ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng ở Pađua.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con có một ý chí kiên cường để không ngã gục trước một sức khoẻ yếu kém
ngay cả lúc bệnh tật.
Suy niệm 3: Khao
khát
Leopold khao khát được gia nhập Dòng Capuchin.
Cách thâm sâu hơn, ngài có giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Đông Âu. Một
cầu nối để thể hiện, đó là Dòng Capuchin. Vì thế vào năm 16 tuổi, ngài chấp
nhận từ giã quê nhà để sang Ý hầu theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine.
Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano
del Grappa rồi được chịu chức linh mục. Niềm khao khát xem ra được toại nguyện
nhưng không được trọn vẹn. Do sức khoẻ yếu kém, thỉnh nguyện đi truyền giáo của
ngài bị bề trên từ chối.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con hiểu rằng đời này luôn mang tính tương đối, tính tuyệt đối chỉ có
trên thiên đàng thôi.
Suy niệm 4: Gương
mẫu
Leopold trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.
Ngài xứng là một gương mẫu cho cộng đoàn khi sống trọn những lời Thánh
Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát
trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện
của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10).
Cha bề trên tổng quyền dòng Capuchin cũng minh xác, khi viết thư cho các tu
sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold
đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn sống tinh thần nhân chứng chứ không phản chứng, để có thể trở
thành mẫu gương cho mọi người.
Suy niệm 5: Tranh
chấp
Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Đông Âu đang
tan nát vì tranh chấp tôn giáo.
Không phải chỉ vào thời kỳ của ngài mới có những vụ tranh chấp tôn giáo, mà
ngay từ thời Giáo Hội sơ khai. Chẳng hạn việc cắt bì hay không cắt bì giữa các
tín hữu gốc Do Thái và không cùng gốc ấy: Chính Phêrô đã từng bị giới cắt bì
chỉ trích (Cv 11,2) và ngay cả Phaolô và Banaba cũng gặp khó khăn (Cv 15,2), để
rồi phải được giải quyết tại hội nghị Giêrusalem (Cv 15tt;Gl 5,6;Cl 3,11).
Hoặc vấn đề dân ngoại trở lại đạo có được chấp nhận hay không? Chính Phêrô
thoạt đầu đã tỏ ra lúng túng không dám (Cv 10,14) với trường hợp điển hình là
gia đình của viên đại đội trưởng Conêliô (Cv 10-11), để rồi có quyết định: đây
là Thiên Ý (Cv 11,18). Từ đó việc truyền giáo cho dân ngoại được tiến hành (Cv
13-18). Cũng thế đối với việc ăn của cúng (1Cr 8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con ghi nhận bài học là tìm Thiên Ý qua đức ái hơn là sự hiểu biết hạn
chế của mình (1Cr 8,1).
Suy niệm 6: Nổi
tiếng
Cha Leopold nổi tiếng.
Thiết tưởng điểm nổi tiếng tiên khởi của ngài để mở đầu cho tiến trình nổi
tiếng về sau, đó là đức vâng lời. Ta vốn biết ước mơ từ nhỏ của ngài là muốn
được lên đường truyền giáo. Để hiện thực niềm khao khát đó, ngài phải phấn đấu
liên tục để dược làm linh mục. Dầu vậy khi ngài bày tỏ chí nguyện thì bị bề
trên từ chối. Ngài vâng lời và nhận bài sai làm việc tại một vài nhà dòng trong
tỉnh Venetian từ 1890 đến 1906, rồi được bổ nhiệm về Padua với việc Giải Tội và
Linh Hướng trong gần bốn mươi năm trời. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ
đó có đến 15 giờ đồng hồ. Từ đó ngài nổi tiếng vang dội đến mức một vài giám
mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.
Để động viên tinh thần làm việc, ngài thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng
ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công
trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các
linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã
đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó
là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Ga 10,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con thực thi đức vâng lời bề trên ngay cả trong những điều nghịch ý.