Suy nệm hạnh thánh _ 15/7

Thánh BÔNAVENTURA
(1221-1274)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Bônaventura -- một tu sĩ Phanxicô, một thần học gia, một Tiến Sĩ Hội Thánh --vừa uyên bác và vừa thánh thiện. Vì nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Ðạo Ðức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương "Cha Thánh" là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô.
Sinh ở Bagnoregio, một thành phố thuộc miền trung nước Ý, khi còn nhỏ, Bonaventura được chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo qua lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô Assisi. Ðược sự khuyến khích của Thánh Phanxicô và vì cảm kích trước đời sống gương mẫu của các tu sĩ khác, ngài gia nhập Dòng Phanxicô lúc hai mươi hai tuổi. Sau khi khấn trọn, ngài đến Balê tiếp tục việc học với các giáo sư nổi tiếng là Thánh Alexander ở Hales và Gioan ở Rochelle. Tại Balê, ngài trở nên người bạn chí thân với Thánh Tôma Aquinas và cả hai cùng đậu bằng Tiến Sĩ.
Vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ. Ngài rất có công với Dòng và đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.
Vào sáng ngày 15 tháng Bảy 1274, trong khi Công Ðồng Lyon II đang khai diễn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Ðồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Ðức Bônaventura từ trần. Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: "Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người. Với tất cả các đức tính ấy, ngài được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người. Trong tang lễ của ngài, nhiều người đã nhỏ lệ, vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành."
Suy niệm 1 - Tu sĩ
Thánh Bônaventura - một tu sĩ Phanxicô. Là một tu sĩ, ngài sống tinh thần đích thực không chỉ của một tu sĩ Phanxicô, mà còn của bất cứ một tu sĩ thuộc bất cứ dòng nào hoặc tu hội nào của Giáo Hội, đó là sự cầu nguyện.
Ngài tâm tình: "Hạnh phúc thì không gì khác hơn là vui hưởng sự Toàn Thiện, và vì sự Toàn Thiện ở trên chúng ta, nên chúng ta không thể có hạnh phúc nếu không vượt lên trên chính mình. Tự sức mình, chúng ta không thể siêu thoát nếu không có sự trợ giúp của quyền lực siêu nhiên mà quyền lực ấy đã hạ xuống thấp để nâng chúng ta lên. Dù đời sống nội tâm của chúng ta có tiến bộ như thế nào, điều đó không ích gì cho chúng ta nếu nỗ lực ấy không được sự trợ giúp từ trên cao. Thiên Chúa sẵn sàng cứu giúp những ai tìm kiếm với tâm hồn khiêm tốn và thành khẩn; điều này thực hiện được qua sự chân thành cầu nguyện. Như vậy, cầu nguyện là nguồn gốc của mọi hành trình tiến đến Thiên Chúa".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy trở về với đời sống cầu nguyện và thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con trên con đường của Chúa, để con có thể bước đi trong chân lý của Ngài".
Suy niệm 2 - Văn bản
Nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài.
Người ta thường nói: Văn là người, vì đời sống thâm sâu của mỗi người thường bộc lộ đậm nét nơi văn bản của họ. Thánh Bônaventura là con người uyên bác về trí thức. Vì thế sau khi khấn trọn, ngài đến Balê tiếp tục việc học và xứng danh làm học trò của các các giáo sư nổi tiếng là Thánh Alexander ở Hales và Gioan ở Rochelle. Tại Balê, ngài cũng thật thích hợp để trở nên người bạn chí thân với Thánh Tôma Aquinas và cả hai cùng đậu bằng Tiến Sĩ.
Ngài uyên bác về trí thức và đồng thời cũng là một tu sĩ thánh thiện, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Đạo Đức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương "Cha Thánh" là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng khả năng trí thức vào các việc đạo đức để giúp thánh hóa bản thân và tha nhân, đặc biệt trong lãnh vực chuyển tải văn bản.
Suy niệm 3 - Bệnh
Bônaventura được chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo.
Đã được sinh ra ở đời, khó có ai tránh khỏi bệnh hoạn, nhất là khi gặp phải một căn bệnh hiểm nghèo, dầu vốn biết phòng bệnh thì hơn là chữa bệnh, vì sinh lão bệnh tử mà. Nhưng với cái nhìn đức tin, bệnh hoạn lại mang nét tích cực giúp ích cho phần rỗi linh hồn.
Nhờ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, Bônaventura không trông chờ được sự trợ giúp tự nhiên, mà phải bám víu vào lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô Assisi, để rồi được sự khuyến khích của Thánh Phanxicô và vì cảm kích trước đời sống gương mẫu của các tu sĩ khác, ngài gia nhập Dòng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết can đảm đón nhận bệnh tật với cái nhìn lạc quan và tích cực theo Thiên Ý.
Suy niệm 4 - Công trạng
Bônaventura rất có công với Dòng.
Với Dòng, ngài đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Nhất là vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ.
Là một thần học gia, ngài cũng giúp ích rất nhiều cho Giáo Hội, vì thế Ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chăm chú phục vụ không chờ được hưởng công trạng đời này mà chủ yếu đời sau từ Chúa (Mt 6,4).
Suy niệm 5 - Đức tính
Với tất cả các đức tính nổi bật, Bônaventura được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người.
Ngài được các đức tính nổi bật gì khiến được Thiên Chúa yêu dấu và người đời cũng nhỏ lệ trong tang lễ của ngài? Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: "Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người”.
Ngay cả các chức sắc trong Giáo Hội cũng xúc động khi hay tin ngài từ trần. Thật thế vào sáng ngày 15 tháng Bảy 1274, trong khi Công Đồng Lyon II đang khai diễn, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Đồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Đức Bônaventura từ trần.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết sống sao để được Chúa yêu và cũng được người đời yêu quý.
Suy niệm 6 - Ơn sủng
Thiên Chúa đã ban cho Bônaventura một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành.
Sống mà được người người quý mến quả là điều ai cũng hằng mong ước. Biết thế nên không thiếu trường hợp có người lợi dụng nghĩa là bằng mặt chứ không bằng lòng, và thậm chí lạm dụng để theo đuổi ý đồ của mình, như một Giuđa Ítcariốt đã dùng nụ hôn để làm dấu hiệu cho bính lính không bắt nhầm Chúa (Lc 22,47-48).
Với Bônaventura thì khác, ngài được quý mến một cách chân thành. Đúng là một ơn sủng Thiên Chúa đã ban cho ngài, nhưng phải kể đến một yếu tố quan trọng, đó là ngài đã cọng tác với ơn Chúa bằng các đức tính nổi bật của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sống tốt để xứng với muôn hồng ân Chúa hằng ban.