THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
BÀI ĐỌC: 1V 17, 1-6
1 Hồi ấy, ông Ê-li-a, người Tít-be, trong
số dân cư ngụ tại Ga-la-át, nói với vua A-kháp rằng: "Có Đức Chúa, Thiên
Chúa hằng sống của Ít-ra-en, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ
chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.” Tại suối Cơ-rít 2 Có
lời Đức Chúa phán với ông như sau:3 "Ngươi hãy bỏ đây đi về
phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan. 4
Ngươi sẽ uống nước suối. Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy.”5
Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cơ-rít, phía đông
sông Gio-đan. 6 Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; rồi buổi
chiều, cũng mang bánh và thịt cho ông. Nước ông uống là nước suối.
ĐÁP CA: Tv 120
Đ. Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng
dựng nên cả đất trời. (x. c 2)
1
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? 2 Ơn
phù hộ tôi đến từ Đức Chúa Đấng dựng nên cả đất trời.
3
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. 4
Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
5
Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn
luôn ở gần kề. 6 Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành
nguyệt chẳng hại chi.
7
Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. 8
Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 5, 12a
Hall-Hall: Anh
em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Hall.
TIN MỪNG: Mt 5, 1-12
1 Một hôm, thấy đám đông, Đức Giê-su lên
núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy
họ rằng:3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là
của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia
nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả
lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót
thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn
thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi
là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì
Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta
sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng
hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị
người ta bách hại như thế.
TINH
THẦN NGHÈO LÀ MỐI PHÚC TRỌNG NHẤT
Triết gia Nietjche, người Đức, cha đẻ của thuyết “Siêu Nhân”, khi
đọc tám điều Đức Giêsu chúc phúc trong “Tám Mối Phúc”, ông nổi sùng và kết luận:
“Ai bảo với các ngươi hãy hy vọng vào một
thế giới khác. Đó là kẻ đầu độc loài người. Hãy lật đổ những bảng ảo giá trị
như lẽ phải, từ thiện, bác ái, đều là những chước quỷ quyệt của lớp người bạc
nhược, vì đó là những trở ngại trên con đường bành trướng và chinh phục của
siêu nhân. Vậy phải đạp đổ tất cả những trở ngại ấy.” Ông Nietjche khẳng
định như vậy vì ông cho rằng chỉ những kẻ điên khùng trong ngày đầu xuân mới
chúc nhau: “Phúc cho anh là kẻ nghèo;
phúc cho chị là kẻ bị bách hại vì sự công chính.”
Bởi thế, phải có tâm hồn khiêm tốn khao khát chân lý mới cảm
nghiệm giá trị lời giáo huấn của Đức Giêsu. Triết gia Kierkegaard nói: “Chân lý Tin Mừng chỉ nên trình bày cho người
ngoại lệ, và muốn là một Kitô hữu chính danh, phải có chút điên khùng.”
Trong tám Mối Phúc, dấu chỉ phúc được phục sinh, vì Chúa Giêsu
sống lại vào ngày thứ tám. Nhưng thực ra, Mối Phúc I: “Tinh thần nghèo khó” (Mt
5, 3) và Mối Phúc cuối cùng (thứ 8): “bị bách hại vì sự công chính” (Mt 5,
10-12), bản chất là một. Như thế chỉ có bảy Mối Phúc, số bảy chỉ sự phục sinh, hạnh
phúc vô cùng hoàn hảo và phong phú; sáu Mối Phúc còn lại là hiệu quả của “tinh
thần nghèo khó” (mở đầu), “nghèo kinh hoàng nhất là bị bách hại vì sự
công chính” (kết thúc). Vì Ai sống Mối Phúc thứ tám mới bảo đảm được
sống lại, để được thông dự cùng một vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh.
Lần kia, Đức Giêsu thấy loài người quá khổ vì nghèo, Ngài ra đề
thi ai vẽ cảnh nghèo nào diễn tả thương tâm nhất, thì được thưởng:
-
Người Âu Châu vốn ở những biệt thự lộng
lẫy, thì vẽ cảnh nghèo là túp liều xiêu vẹo.
-
Người Phi Châu thì vẽ cảnh nghèo là
những đứa trẻ gầy giơ xương ngồi bên tử thần.
-
Người Việt Nam diễn tả cảnh nghèo bằng hình
ảnh một hậu môn bị mạng nhện bao, vì lâu ngày tháng đã không có gì ăn!. . .
-
Đức Giáo hoàng thì vẽ cảnh phó tế
Stêphanô bị ném đá.
Chỉ có bức tranh thứ bốn này được Đức Giêsu khen thưởng là nghèo
giống Ngài nhất! Vì Ngài đã chúc phúc cho những ai bị bách hại vì sự công
chính!
Ai sống mối Phúc Tinh Thần Nghèo Khó, nhất là chết vì sự công
chính, thì được kể là đã đạt các mối Phúc khác, để được chính Chúa Giêsu ra tay
chăm sóc hơn ngôn sứ Êlya, vì ông nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, mà dân lại
chống đối, nên nạn đói xảy đến, không chỉ trên đất Israel mà còn cả những vùng
lân cận, như Sarepta. Riêng ông được Chúa dìu về ẩn trong một thung lũng phía
đông sông Giođan. Nơi đây, Chúa cho con quạ, một con vật tham ăn lại biết
nhường bánh cho ông Êlya, và ông được uống nước trong lành tự khe suối chảy ra
(x. 1V 17, 1-6: Bài đọc năm chẵn). Suối này là dấu chỉ suối cứu độ phát xuất từ
bên phải Đền Thờ chảy ra (x. Ed 47), chính là Nước và Máu tuôn xuống từ trái
tim Đức Giêsu bị đâm (x. Ga 19, 31t), khơi nguồn các Bí tích sinh ơn cứu độ
muôn dân. Như thế, việc ông Êlya đến ẩn mình nơi thung lũng phía đông lại nêu
dấu chỉ Con Thiên Chúa là Vầng Đông viếng thăm loài người (x. Lc 1, 78), để hết
những ai đến ẩn mình trong “Thung Lũng Suối Tình Yêu Cứu Độ” đã được Đức Giêsu
khai mở từ lúc Ngài xuống sông Giođan để ông Gioan làm phép rửa cho (x. Mt 3, 13t).
Từ đó Chúa dùng nước tự nhiên chuyển tải ơn tái sinh đến với những ai tin Chúa
Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất. Vì “ơn phù
hộ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121/120, 2:
ĐC năm chẵn).
Vậy trước khi ta tìm hiểu về hai mối Phúc Nghèo này (một và tám),
ta hãy tìm hiểu về sáu mối Phúc kia trước.
*
Mối Phúc thứ hai: “Những
kẻ hiền lành được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5, 4). Cụ thể những người hiền
đã được Chúa chúc lành:
-
Ông Abraham không muốn tranh giành đồng
cỏ với cháu Lót, vì sợ mất danh thơm tiếng tốt của dòng giống Chúa chọn, mặc dù
ông là chú nhưng đã nhường cho cháu chọn phần đất nào thích nhất, phần đất nào
Lót không chọn, thì ông Abraham mới chiếm. Vì lòng nhân ái ấy, mà ông Abraham
được Chúa chúc phúc: “Hãy ngước mắt lên
và từ chỗ ngươi đứng, hãy nhìn tứ phía: bắc nam đông tây toàn nơi ngươi thấy đó,
Ta sẽ ban cho ngươi và giống nòi ngươi đến vạn đại” (St 13, 14-15).
-
Ông Naaman bị cùi, đã ngoan ngoãn làm
theo lời ngôn sứ Êlysa dạy: đi tắm sông Giođan, cứ ngụp xuống, trồi lên bảy lần,
tức khắc ông được khỏi cùi. Phép lạ này đã mở mắt Đức Tin ông, ông quyết định từ
ngày ấy về sau chỉ thờ Thiên Chúa trên đất Israel (x. 2V 5), đất đã được Thiên
Chúa chúc lành chảy sữa và mật (x. Xh 3, 8).
*
Mối Phúc thứ ba: “Những
kẻ ưu phiền sẽ được an ủi” (Mt 5, 5). Đan cử như người phụ nữ tội lỗi
khóc than tội mình, biết Đức Giêsu phải chết vì tội chị đã phạm, nên chị tỏ
lòng biết ơn bằng việc xức dầu thơm vào chân Ngài, lúc Ngài đang dự tiệc tại
nhà ông Biệt phái. Dù bị chủ nhà chê trách, nhưng được Đức Giêsu an ủi: “Tội lỗi của chị tuy nhiều nhưng chị đã yêu
mến nhiều, thì được tha thứ nhiều, hãy về bình an” (Lc 7, 36t).
*
Mối Phúc thứ bốn: “Ai
đói khát sự công chính, sẽ được no đầy” (Mt 5, 6). Cụ thể như ông
Simeon và bà Anna, suốt đời trông đợi Đấng Cứu Độ, nên đã được phúc nhận ra Hài
Nhi Giêsu, Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo đến cứu muôn dân đang ở giữa rừng
người lên Giêrusalem dự Lễ. Ông Simêon và bà Anna vô cùng sung sướng bồng ẵm
Hài Nhi vào lòng, họ được no thỏa hạnh phúc đến nỗi ông Simeon thốt lên: “Giờ đây, lạy Chúa xin cho tôi tớ ra đi bình
an” (Lc 2, 25-29).
*
Mối Phúc thứ năm: “Những
ai biết xót thương sẽ được Chúa thương xót” (Mt 5, 7). Cụ thể:
-
Ông Samari nhân hậu xót thương người bị
cướp trấn lột và đánh nửa sống nửa chết vứt bỏ dọc đường, ông đã đưa nạn nhân
vào quán trọ chăm sóc. Ông Samari này đã diễn tả Chúa Giêsu xót thương và chăm
sóc chúng ta. Ông trở nên mẫu người sống Đức Ái (x. Lc 10, 29t).
-
Hoặc anh trộm lành biết sám hối tội mình
và xin Đấng Vô Tội là Chúa Giêsu xót thương cho anh theo Ngài, và ngay giờ ấy
Ngài đã cho anh cùng vào Thiên Đàng (x. Lc 23, 40-43).
*
Mối Phúc thứ sáu: “Những
ai có tâm hồn trong sạch sẽ được thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8). Cụ thể:
-
Đức Maria được ơn Vô Nhiễm (tâm hồn
trong sạch), nên Mẹ được danh “Đầy Ơn Phúc” (x. Lc 1, 28). Do đó, dù gặp hoàn
cảnh đau khổ như khi thấy Con bị treo trên thập giá, Mẹ vẫn bình tĩnh đứng nhìn
(x. Ga 19, 25); hoặc vui mừng khi Con sống lại, Thánh Kinh không ghi Chúa Giêsu
đã hiện ra với Mẹ, vì lúc nào Mẹ cũng được thấy Thiên Chúa.
-
Các em bé có tâm hồn trong sạch. nên
Thiên thần của các em luôn luôn chiêm ngưỡng Cha trên trời (x. Mt 18, 10).
*
Mối Phúc thứ bảy: “Những
ai tác tạo hòa bình họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Cụ thể
Phó tế Stêphanô bị kẻ ác sát hại, ông chỉ biết cầu nguyện: “Xin Chúa đừng chấp tội họ” (Cv 7, 60). Lời
cầu nguyện này đã sinh hiệu quả làm cho “sói Saulo” trở thành Tông Đồ Phaolô
xuất sắc, đi loan báo Tin Mừng bình an cho muôn dân, không thua các Tông Đồ
thượng đẳng (x. 2Cr 11, 5), dù trước đó ông Saulô đã ôm áo động viên người ta
ném đá ông Stêphanô (x. Cv 7, 58), ông còn xông vào tất cả những nhà Công Giáo
bắt bất cứ ai theo đạo lôi đi tống ngục (x. Cv 8, 3).
Vì ông Stêphanô cầu nguyện cho kẻ hại mình như thế, ông xứng
danh là “con Đấng Tối Cao” (x. Lc 6,
35), đồng danh với “Con Đấng Tối Cao”
là Con của Đức Trinh Nữ Maria (x. Lc 1, 32).
*
Phúc Nghèo và Phúc Bị Bách Hại (Phúc
thứ nhất và thứ tám): “Người có tinh thần nghèo khó, cũng như những
ai bị bách hại vì sự công chính, Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3. 10-12).
Thực ra bản chất cái nghèo là một sự ác, Chúa không muốn ai lâm
phải. Nhưng trong tám Mối Phúc, Đức Giêsu lại đề cao Mối Phúc Nghèo mở đầu và
kết thúc, thì Mối Phúc Nghèo chỉ được Chúa chúc phúc khi ta sống giống Chúa
Giêsu, như lời thánh Phaolô nói: “Làm sao
anh em trở nên giàu có như Đức Kitô, mà vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó,
để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài” (2Cr 8, 9).
Ta phải giàu có như Chúa Giêsu, thì suốt cả cuộc đời phải tận
lực làm việc thu góp, sống cần kiệm, để có điều kiện là cho đồng loại giàu có, nhất
là giàu Lời Chúa, giàu Thiên Chúa, giàu lòng nhân ái, còn bản thân ta thì chấp
nhận sống nghèo như Đức Giêsu, không có nơi ngả đầu (x. Lc 9, 58).
Ông Phaolô đã sống tinh thần nghèo khó, cụ thể ông rất đau khổ
vì hết lòng loan báo Tin Mừng bình an cho muôn dân. Nhờ thế ông được Chúa cho
rất giàu ơn, nên ông xin Chúa cho các tín hữu cũng được như ông: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa
Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của
tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong
Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì
được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1Cr 1, 3-5: Bài đọc
năm lẻ). Đúng là “hãy nghiệm xem Chúa tốt
lành biết mấy!” (Tv 34/33, 9a: ĐC năm lẻ). Vì Chúa đã thực hiện lời hứa: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng
dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 12a: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Làm sao anh em trở nên giàu có như Đức Kitô, mà vì chúng ta,
Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài
(2Cr 8, 9).
Linh
mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH