TÌM KIẾM MỘT LỜI ĐẦY HIỆN
THỰC
Giống như tình
yêu, đức tin là một cuộc hành trình, luôn mãi thăng trầm, với những giai đoạn
luân phiên giữa tha thiết và lãnh đạm, với an ủi và cô quạnh, có những lúc cảm
nhận ân sủng Thiên Chúa hiện diện hiển nhiên, có lúc như đêm dài tăm tối khi
Thiên Chúa vắng mặt.
Đức tin không phải là
điều bạn đạt được. Nếu bạn cố gắng đóng chặt nó xuống, nó sẽ trỗi dậy và ra đi
với chiếc đinh. Đức tin hoạt động theo cách này: Có lúc bạn đi trên mặt nước,
có lúc bạn chìm nghỉm như tảng đá giữa dòng. Nhà thơ Rumi đã nói, bạn sống với
một bí mật sâu thẳm, có lúc bạn biết, có lúc bạn không biết, rồi lại biết. Đôi
khi bạn cảm thấy có một sự hiện diện thật sự, đôi khi bạn thấy trống vắng thật
sự. Tại sao như vậy?
Vì, giống như tình
yêu, đức tin là một cuộc hành trình, luôn mãi thăng trầm, với những giai đoạn
luân phiên giữa tha thiết và lãnh đạm, với an ủi và cô quạnh, có những lúc cảm
nhận ân sủng Thiên Chúa hiện diện hiển nhiên, có lúc như đêm dài tăm tối khi
Thiên Chúa vắng mặt. Đó là một tình trạng lạ lùng: đôi khi bạn thấy mình kết chặt
với Chúa, chặt chẽ vô cùng, lúc khác bạn thấy mình như rơi tự do khỏi tất cả những
gì an toàn, và rồi khi mọi thứ chạm đáy, một lần nữa, bạn lại cảm nhận được sự
hiện diện của Thiên Chúa.
Tại sao đức tin phải
có động lực mơ hồ này? Không phải là Thiên Chúa ác độc, đang đùa giỡn với chúng
ta, muốn thử thách lòng trung tín của chúng ta, hay muốn chúng ta phải làm việc
gì đó khó khăn để kiếm được ơn cứu độ. Không, những thăng trầm đức tin phải đi
cùng với nhịp điệu của đời sống bình thường, đặc biệt là nhịp điệu của tình
yêu. Tình yêu cũng như đức tin, có những giai đoạn tha thiết và đêm đen tăm tối.
Tất cả chúng ta đều biết, bên trong giao kết lâu dài nào (hôn nhân, gia đình,
tình bạn, hay giáo hội), đều có những ngày, những mùa nào đó, khi tâm hồn và
tâm trí chúng ta không còn giữ giao kết đó, dù vẫn ở trong nó. Tâm trí và tâm hồn
của chúng ta phai mờ đi dần, nhưng chúng ta cảm nghiệm tình yêu, xét cho tận
cùng, là một điều không dựa vào tâm trí, cái đầu, hay thậm chí là tâm hồn, quả
tim. Có một sự gì đó sâu kín hơn giữ lấy chúng ta, và một lúc nào đó, giữ chúng
ta ra ngoài tầm của những suy nghĩ trong tâm trí hay cảm giác trong tâm hồn.
Trong bất kỳ giao kết
tình yêu nào được duy trì, thì tâm trí và tâm hồn của chúng ta sẽ phai mờ lúc
lên lúc xuống. Đôi khi tha thiết, đôi khi lạnh nhạt. Đức tin cũng hoạt động như
vậy. Đôi khi chúng ta cảm nhận và nhận thức thấy sự hiện diện của Thiên Chúa
trong tâm trí và tâm hồn, đôi khi cả tâm trí và tâm hồn đều lạnh nhạt và lãnh đạm.
Nhưng đức tin là một cái gì thâm sâu hơn là hình dung hay cảm nhận có sự hiện
diện của Thiên Chúa. Nhưng làm sao chúng ta đạt đến đó? Chúng ta phải làm gì những
khi cảm thấy như thể Thiên Chúa vắng mặt.
Nhà thần nghiệm vĩ đại,
Gioan Thánh Giá, đã cho chúng ta lời khuyên này. Nếu bạn muốn tìm ra sự hiện diện
của Thiên Chúa một lần nữa vào những lúc bạn cảm thấy Ngài vắng mặt, thì bạn
hãy lắng nghe lời tràn đầy hiện thực và chân lý thâm sâu khôn lường.
Gioan Thánh Giá nói thế
nghĩa là gì? Làm sao lắng nghe được lời tràn đầy hiện thực và chân lý thâm sâu
khôn lường? Làm sao tìm được một lời như thế? Thành thực mà nói, cho dù lời của
ngài bùng lên nhiều ý nghĩa trong đầu tôi, nhưng tôi không hoàn toàn chắc về ý
của ngài. Sẽ dễ giải nghĩa hơn nếu ngài bảo chúng ta hãy tìm kiếm một cảm nghiệm
thâm sâu và đầy thực tế, ví dụ việc sinh một đứa trẻ, chết lặng trước vẻ đẹp
khôn lường, hay tan vỡ tâm hồn khi mất mát hay đối diện cái chết. Những dạng cảm
nghiệm này có thật, tồn tại thật mà chẳng thể hiểu được, và chúng bật chúng ta
vào một nhận thức sâu sắc hơn. Và như thế, nếu Thiên Chúa để cho con người tìm
kiếm, thì chẳng phải sẽ tìm thấy Thiên Chúa chính ở nơi đó hay sao?
Nhưng Gioan không hướng
dẫn chúng ta đến với cảm nghiệm thiếu chiều sâu, ngài đang yêu cầu chúng ta tìm
kiếm một lời hiện thực và thâm sâu. Như thế nghĩa là khi chúng ta dao động và
hoài nghi, chúng ta phải săn tìm những bản văn (trong kinh thánh, thần học,
linh đạo, hay văn học và thơ ca thế tục) nói với chúng ta theo một cách tái
truyền thụ cho chúng ta một nhận thức nền tảng rằng Thiên Chúa hiện hữu và yêu
thương chúng ta, và do đó, chúng ta phải sống trong yêu thương và hy vọng. Chẳng
phải là vậy hay sao?
Tôi nghĩ đây mới chính
là ý của ngài. Thiên Chúa độc nhất, chân thật, tốt lành, và tuyệt mỹ, và như thế
lời thật về sự hiệp nhất, sự thật, tốt lành, hay vẻ đẹp phải có sức mạnh giữ vững
tâm trí và tâm hồn lay động của chúng ta. Lời thật có thể khiến Ngôi Lời thành
xác phàm lần nữa.
Nhưng những lời nào có
sức mạnh như thế cho chúng ta? Chúng ta tất cả đều khác nhau, và như thế không
phải ai cũng tìm thấy sự thật và thâm sâu theo cách giống nhau. Vì thế, mỗi một
người trong chúng ta phải tự thực hiện cuộc tìm kiếm riêng mình, vô cùng riêng
của mình.
Về bản thân tôi, có
nhiều lời của các tác giả khác nhau đã truyền tải dạng chân lý này cho tôi
trong nhiều giai đoạn của cuộc sống. Quyển Câu chuyện một Linh hồn của Thánh
Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã giữ vững tôi trong những khi tôi nao núng. Quyển Chùm
nho Phẫn nộ của John Steinbeck, có thể tái định hướng tầm nhìn của tôi để nó được
phẳng lặng khi nó bị vẩn đục. Những đoạn văn khác nhau của Karl Rahner, John
Shea, Raymond Brown, Henri Nouwen có thể con tàu của tôi được vững vàng khi nó
bị chòng chành. Và một vài lời của Dag Hammarskjold có thể làm cho tôi muốn sống
sao để phản ánh lại những điều tốt đẹp trong đời hơn nữa.
Nhưng, bằng cách riêng
của mình, mỗi chúng ta cần phải tìm kiếm những lời đầy tràn hiện thực và sự thật
khôn dò thấu, để khơi lên cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa.
Fr. Ron Rolheiser