Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi _ mầu nhiệm tình yêu và hiệp thông

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU VÀ HIỆP THÔNG  
Tình yêu thương và sự hiệp nhất với tha nhân cũng là điều hết sức cần thiết, vì mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Khi yêu mến tha nhân chúng ta đang mở lòng đón Chúa đến ngự trong tâm hồn...
Lm. Mt
Trong đời thường, có nhiều lãnh vực chúng ta không cần tìm hiểu ngọn nguồn của sự việc mà chỉ cảm nhận hoặc tận hưởng thành quả từ chúng. Chẳng ai trước khi ăn lại ngồi suy nghĩ miếng cơm nào sẽ thành máu và loại thực phẩm nào sẽ thành xương thịt rồi mới ăn uống. Buổi trưa hè nóng bức, ai đó ngồi hóng mát và cảm thấy hài lòng, mà không cần tìm hiểu gió từ đâu đến và chúng sẽ đi về hướng nào.
Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo và của sinh hoạt Kitô giáo. (GLCG 234) Không thể giải thích cặn kẽ và chính xác thế nào mà Ba Ngôi riêng biệt lại là một Thiên Chúa duy nhất, vì mầu nhiệm này vượt quá trí hiểu của con người.
Không thể hiểu biết cách thấu đáo về mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng nhờ Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta tin nhận Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu và sự hiệp thông. Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần tuy riêng biệt, nhưng tình yêu nội tại đã liên kết Ba Ngôi nên một. Vì thế thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu.”  (1 Ga 4, 8)
Đặc tính của tình yêu là mở rộng và lan tỏa. Nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà muôn vật được tạo thành, và loài người, đỉnh cao của thụ tạo, được dựng nên giống hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. Chẳng những thế, khi nguyên tổ phạm tội, Chúa Cha đã ban Con Một của Người cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16) Và khi Đức Giêsu hoàn tất công trình cứu độ, Người đã xin Chúa Cha ban Thánh Thần là Đấng thánh hóa đến trần gian để canh tân gia đình nhân loại.
Thiên Chúa là vĩnh cửu, nên tình yêu của Người cũng vô tận. Người thương tất cả mọi người có mặt trên trần gian này. Người mến chuộng kẻ ngay chính, nhưng cũng yêu thương và cứu vớt cả những tội nhân. Người muốn hết thảy mọi người được thông dự niềm vui, hạnh phúc và nên một trong Người: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một.” (Ga 17, 22-23a)
Tu sĩ Rublev vẽ bức tranh rất độc đáo diễn tả mầu nhiệm hôm nay chúng ta mừng kính. Ba Ngôi Thiên Chúa ngồi quanh một chiếc bàn với thức ăn đã dọn sẵn. Điểm gây chú ý và khiến mọi người suy nghĩ là có một chiếc ghế còn bỏ trống. Vẽ như thế, rõ ràng họa sĩ muốn diễn tả mầu nhiệm của tình yêu và sự hiệp thông: Ba Ngôi Thiên Chúa gọi mời và đang chờ đợi nhân loại thông dự vào tình yêu và hạnh phúc của Người.
Để được thông hiệp với gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cần lắng nghe và thực thi Lời Chúa: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14,15-16) Giáo Hội còn khuyên các Kitô hữu chuyên chăm cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, vì đó là những phương thế hữu hiệu để được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
Muốn thông hiệp sâu xa với Thiên Chúa Tình Yêu, chúng ta còn cần có sự thống nhất nơi chính bản thân. Điều này chỉ đạt được khi chúng ta sống ngay chính và có tâm hồn bình an.
Tình yêu thương và sự hiệp nhất với tha nhân cũng là điều hết sức cần thiết, vì mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Khi yêu mến tha nhân chúng ta đang mở lòng đón Chúa đến ngự trong tâm hồn, như lời thánh Phaolô viết: “Hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.” (2 Cr 13 11)
Tha nhân không ai xa lạ mà là những người thân yêu ruột thịt của chúng ta: vợ với chồng, con cái với ông bà và cha mẹ. Tình yêu thương và hiệp nhất cần khởi đi từ gia đình, và từ đây mở rộng đến những người cùng công ty, chung nghề nghiệp, hoặc đang sống với nhau trong một khu phố, một họ đạo và tất cả những người chúng ta có dịp gặp gỡ trong cuộc đời.
Sống yêu thương và hiệp thông là xóa dần cái tôi để vun đắp cho cái chung, là thanh tẩy tâm hồn khỏi sự tị hiềm, ganh ghét để có thể xích lại gần nhau: “Yêu nhau chín bỏ làm mười, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.” Hoặc như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Phải học biết tha thứ, nói lời xin lỗi và cảm ơn.”
Là Kitô hữu, hằng ngày, nhiều lần chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi. Thường xuyên nhất vẫn là khi làm dấu Thánh Giá và đọc kinh Sáng Danh. Nếu đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta thấy mình còn nhiều thiếu sót, vì chưa ý thức lời tuyên xưng, cũng chưa hết lòng sống mầu nhiệm yêu thương và hiệp thông.
Xin cho chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, biết cố gắng hiệp thông với Chúa và hiệp nhất với nhau, để trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình yêu này.