Suy niệm hạnh thánh 27/5

Thánh AUGUSTINE CANTERBURY
 (c. 605?)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vào năm 596, một nhóm đan sĩ 30 người khởi hành từ Rôma đi truyền giáo cho người Anglo-Saxon ở Anh. Dẫn đầu là Augustine, bề trên đan viện Thánh Anrê ở Rôma. Nhưng khi đến Gaul (Pháp) họ nghe những câu chuyện dã man về người Anglo-Saxon cũng như sự nguy hiểm của các luồng nước ở eo biển, họ quay trở về Rôma và gặp vị giáo hoàng đã sai họ đi -- Thánh Grêgôriô Cả -- và đức giáo hoàng cho biết sự lo sợ của họ thì vô căn cứ.
Một lần nữa Augustine lại ra đi, và lần này cả nhóm đã vượt qua eo biển và cập bến đất Kent thuộc về Vua Ethelbert, là người ngoại giáo kết hôn với một Kitô Hữu, bà Bertha, công chúa nước Pháp. Vua Ethelbert tiếp đón họ nồng hậu, thiết lập cho họ nơi cư trú ở Canterbury và trong năm ấy, vào Chúa Nhật Hiện Xuống năm 597, chính nhà vua đã được rửa tội.
Sau khi được tấn phong làm giám mục ở Pháp, Đức Augustine trở lại Canterbury, là nơi ngài thiết lập giáo phận và khởi công xây dựng vương cung thánh đường. Khi số tín hữu ngày càng gia tăng, các giáo phận khác được ngài mở thêm ở Luân Đôn và Rochester.
Cuộc đời Đức Augustine cũng gặp nhiều thất bại. Những cố gắng hòa giải giữa Kitô Hữu Anglo-Saxon và Kitô Hữu Briton bản xứ đã kết thúc trong thất bại đau buồn. Đức Augustine cũng không thuyết phục được người Briton từ bỏ một số phong tục khác biệt với Rôma và quên đi những cay đắng để giúp ngài phúc âm hóa người Anglo-Saxon, là kẻ xâm lăng đã dồn người Briton về miền tây.
Sau những thất bại, Đức Augustine đã khôn ngoan hơn để ý đến các nguyên tắc truyền giáo -- đối với thời bấy giờ thật sáng suốt mà Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đề nghị: Hãy thanh tẩy thay vì tàn phá các đền thờ và các phong tục ngoại giáo; hãy du nhập các nghi thức và ngày lễ của người ngoại giáo vào ngày lễ Kitô Giáo; duy trì các truyền thống địa phương càng nhiều càng tốt.
Sau tám năm đến Anh, sự thành công của Đức Augustine tuy hạn hẹp nhưng sau này đã đem lại kết quả tốt đẹp là cả nước Anh đã tòng giáo. Quả thật, Thánh Augustine đáng được gọi là "Tông Đồ của Anh Quốc".
Suy niệm 1: Sai đi
Họ quay trở về Rôma và gặp vị giáo hoàng đã sai họ đi.
Trên đường đi truyền giáo cho người Anglo-Saxon ở Anh, Augustine vốn là trưởng một nhóm đan sĩ 30 người, họ gặp phải khó khăn nên quyết định quay trở về Rôma để xin ý kiến Thánh Grêgôriô Cả. Và rồi vì họ là những người được sai đi nên họ lại lên đường tiến đến đích điểm, tại đây họ đã gặt hái thành công.
Tiên tri Giô-na được Thiên Chúa sai đến thành Ni-ni-vê. Giô-na theo ý riêng quyết định không đi nên trốn lên tàu đi Tác-sít. Chúa tạo nên một cơn bão tố, khiến Giô-na bị ném xuống tàu và được một con cá đưa đến đích điểm Ni-ni-vê, và tại đây Giô-na đã giúp cả dân thành ăn năn sám hối.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn ngoan ngoãn thực thi lệnh truyền người sai đi để gặt hái được thành quả tốt đẹp.
Suy niệm 2: Hôn nhân
Vua Ethelbert, là người ngoại giáo kết hôn với một Kitô Hữu, bà Bertha, công chúa nước Pháp.
Vua Ethelbert vốn là người ngoại giáo nhưng đã trở nên tốt nhờ lối sống tốt của người vợ kitô hữu tốt. Ông tiếp đón phái đoàn của Augustine nồng hậu, thiết lập cho họ nơi cư trú ở Canterbury.
Đời sống tốt của người vợ kitô hữu tốt đã giúp người chồng nên tốt, để rồi trổ sinh một hoa trái tốt hơn.  Đó là trong năm ấy, vào Chúa Nhật Hiện Xuống năm 597, chính nhà vua đã được rửa tội.
* Lạy Chúa giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tốt để tốt hóa môi trường và tha nhân.
Suy niệm 3: Lo sợ
Đức giáo hoàng cho biết sự lo sơ của họ thì vô căn cứ.
Những nỗi lo sợ vô căn cứ cũng thường được cổ nhân ghi nhận và nêu lên: “Dù chẳng có chi phải lo sợ, chúng cũng kinh hoàng vì sâu bọ đi ngang, vì tiếng rít của loài bò sát“ (Kn 17,9). Hoặc “Như những viên đá nhỏ trên bờ tường,  khi gió thổi đến, không thể nằm yên,  một tâm hồn hèn nhát chiều theo những suy nghĩ dại dột,  gặp nỗi lo sợ nào cũng không đứng vững” (Hc 22,18).
Biết thế nhưng sống được thế luôn mãi không phải là dễ, ngay cả các vĩ nhân như nỗi lòng của một I-sa-i-a: “Lòng tôi dao động, nỗi kinh hãi khiến tôi bàng hoàng. Cảnh chiều tà xưa tôi ưa thích nay trở thành mối lo sợ cho tôi” (Is 21,4). Hoặc của một tông đồ Phao-lô: “Khi đến Ma-kê-đô-ni-a, thân xác chúng tôi chẳng được nghỉ ngơi chút nào; trái lại, ở đâu cũng gặp gian nan khốn khó: bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ” (2Cr 7,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn xác tín có Chúa ở cùng để không phải sợ gì, như lời Chúa hằng trấn an: “Này Thầy đây, đừng sợ” (Lc 24,38).
Suy niệm 4: Thất bại
Cuộc đời Đức Augustine cũng gặp nhiều thất bại.
Những cố gắng hòa giải giữa Kitô Hữu Anglo-Saxon và Kitô Hữu Briton bản xứ đã kết thúc trong thất bại đau buồn. Đức Augustine cũng không thuyết phục được người Briton từ bỏ một số phong tục khác biệt với Rôma và quên đi những cay đắng để giúp ngài phúc âm hóa người Anglo-Saxon, là kẻ xâm lăng đã dồn người Briton về miền tây.
Nhưng các thất bại ấy không làm ngài nãn chí mà ngược lại giúp ngài vận dụng bài học: thất bại là mẹ thành công, để rồi ngài khôn ngoan hơn để ý đến các nguyên tắc truyền giáo, nhờ đó đã thâu lượm được nhiều kết quả khả quan. Chẳng những ngài giúp Vua Ethelbert được rửa tội mà còn cả nước Anh đã tòng giáo để xứng danh là "Tông Đồ của Anh Quốc".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn cậy dựa vào ơn Chúa để biến nghịch cảnh thành thuận lợi.
Suy niệm 5: Truyền giáo
Đức Augustine đã khôn ngoan hơn để ý đến các nguyên tắc truyền giáo.
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả sáng suốt đề nghị các nguyên tắc truyền giáo: Hãy thanh tẩy thay vì tàn phá các đền thờ và các phong tục ngoại giáo; hãy du nhập các nghi thức và ngày lễ của người ngoại giáo vào ngày lễ Kitô Giáo; duy trì các truyền thống địa phương càng nhiều càng tốt.
Các nguyên tắc truyền giáo này chẳng những có giá trị đối với thời bấy giờ mà ngay cả ngày nay qua đường hướng của Công Đồng Vaticanô II được thể hiện cụ thể trong chương trình đại kết và hội nhập văn hóa. Có nghĩa là khi loan báo Tin Mừng của Chúa, Hội Thánh cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cớ cấu của cộng đoàn nơi họ sống trong niềm chân thành tôn trọng (AA 13)..
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra ánh sáng chân lý của Chúa ẩn tàng nơi các tôn giáo và tập tục khác.
Suy niệm 6: Thành công
Sau 8 năm đến Anh, sự thành công của Đức Augustine tuy hạn hẹp nhưng đã đem lại kết quả tốt đẹp là cả nước Anh đã tòng giáo.
Để gặt hái thành công, Đức Augustine đã phải kiên nhẫn đi từng bước một với một thời gian dài 8 năm, như lời khuyên bảo và nhắc nhở của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả qua lá thư ngài viết: "Ai muốn trèo ngọn núi cao thì phải đi từng bước, chứ đừng có nhảy."
Thật đúng như lời cổ nhân đã dạy: Dục tốt thì bất đạt. Bài học thực tế cũng từng xảy ra như thế: Trồng cây hôm nay thì đâu thể có quả vào hôm sau được. Trồng cây đã vậy phương chi trồng người, yếu tố thời gian không thể nào không được tôn trọng. Nhất là trồng niềm tin thì càng phải tiến bước từ từ và chậm rãi theo trình tự chớ không được hấp tấp, thậm chí phải trải qua nhiều giai đoạn: kẻ trồng, người tưới, người khác nữa mới gặt (1Cr 3,5-6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con coi trọng yếu tố thời gian trong việc giáo dục, nhất là về nhân bản và mặt đức tin.