Thời sự và sống đức tin _ sám hối và vững tin vào Chúa


SÁM HỐI VÀ VỮNG TIN VÀO CHÚA
Để cứu khỏi những thảm khốc có thể sắp xảy ra cho Quê Hương, cho Hội Thánh, cho thế giới, cho chính chúng ta, những người tin Chúa hãy coi sám hối là việc quan trọng phải thực hiện ngay.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Từ mấy tuần qua, tình hình khắp nơi càng ngày càng đáng lo ngại. Lo ngại cho Đất Nước, cho Hội Thánh, cho cả thế giới, cho chính chúng ta.
2. Như để trả lời, Chúa đưa trí khôn tôi nhớ lại đoạn Phúc Âm sau đây của thánh Luca:
     Có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
     Cũng như 18 người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,1-5).
3. Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên đây, tôi hiểu Chúa muốn dạy tôi điều này: Để cứu khỏi những thảm khốc có thể sắp xảy ra cho Quê Hương, cho Hội Thánh, cho thế giới, cho chính chúng ta, những người tin Chúa hãy coi sám hối là việc quan trọng phải thực hiện ngay.
     Có nghĩa là: Đấng có thể cứu chúng ta là Chúa. Chúa quyền năng sẽ cứu chúng ta khỏi tội và hậu quả bởi tội gây nên. Để đón nhận ơn cứu độ ấy, chúng ta phải sám hối.
4. Tôi vâng ý Chúa mà sám hối. Để có thể sám hối đúng theo ý Chúa, tôi cầu nguyện với hết lòng tin cậy, khiêm nhường và phó thác.
     Chúa dần dần giúp sám hối của tôi không những để ý đến các tội tôi quen phạm, mà còn phải để ý đến những tình trạng nguy hiểm thường dẫn con người vào tội lỗi. Thí dụ ba tình trạng sau đây:
5. Tình trạng thứ nhất là cảnh tối tăm trong tâm hồn. “Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu” (Ga 12,35).
     Cảnh tối tăm này không phải là những tính mê nết xấu, mà chính là sự thiếu ánh sáng của Chúa.
     Vì thiếu ánh sáng của Chúa, tâm hồn con người sẽ không có định hướng nội tâm, để mình trôi dạt theo tình thế bên ngoài và theo những thúc đẩy bên trong tức thời.
     Thiếu ánh sáng của Chúa, tâm hồn con người sống vô trật tự, nên đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, mà chẳng bao giờ nhận ra tại sao mình lại rơi vào những hậu quả thảm khốc như thế.
     Một đặc điểm nữa của người thiếu ánh sáng của Chúa, là họ xa tránh mọi giải pháp dựa trên Lời Chúa. Họ như không muốn ra khỏi tình trạng tối tăm. Họ ghét ánh sáng Lời Chúa.
6. Tình trạng thứ hai là lối sống giả dối. Giả dối là dấu của quỷ “Quỷ là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
     Thí dụ như thói quen để tránh nhiệm vụ mình có trách nhiệm, thì lao mình vào những bận rộn không phải nhiệm vụ của mình. Để che đậy sự trống vắng nội tâm, thì hăng say làm những việc bề ngoài ồn ào hoành tráng.
     Đạo đức căn cứ vào những hình thức và luật lệ bề ngoài, tự đeo vào mình những hào quang giả. Cố chấp tự coi mình là thánh, xác hồn trắng tinh.
7. Tình trạng thứ ba là làm nô lệ. “Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8,34). Thí dụ thích tìm khoái lạc ở những thói quen xấu có tính cách khống chế sự tự do đích thực của mình.
     Bị chi phối quá mạnh bởi những thành kiến. Bị sai khiến bởi những dư luận, những phong trào, những khích động, mà không tỉnh táo cân nhắc.
     Bị ràng buộc một cách quá đáng vào những chương trình do chính mình đặt ra, và những luật lệ cứng nhắc không luôn cần thiết, mặc dù lợi ích chung đòi phải linh động. Nô lệ sự xét đoán chủ quan của mình.
     Bị ám ảnh bởi những kế hoạch có tính cách tìm danh vọng, tiền bạc, địa vị.
     Bị căng thẳng bởi những ghen tương, tranh chấp, xung đột, hiếu thắng.
8. Khi rà soát nơi tôi về ba tình trạng nói trên, tôi thấy cần phải có ơn Chúa, mới nhận ra được những cái xấu và những cái nguy hiểm ẩn tàng trong đó.
     Và cho dù đã nhận ra rồi, nếu muốn thực tình gớm ghét chúng, và muốn thực tình muốn thoát ra khỏi chúng, tôi càng thấy phải có thực nhiều ơn Chúa.
     Bởi vì kinh nghiệm cho thấy: Sự cứng lòng nơi con người là rất lớn, sự yếu đuốitự ái nơi con người là rất nặng. Tôi nhớ lại những lời than của thánh Phaolô xưa: “Muốn sự thiện, thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm... Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay... Tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,18-25).
9. Tôi tin rằng: Chúa Giêsu sẽ cứu chúng ta khỏi tình hình đầy nguy hiểm hiện nay. Người cứu cách nào? Thưa: Chúa có cách của Chúa. Phần chúng ta, chúng ta phải cộng tác vào ơn Chúa cứu độ, bằng sự chúng ta biết tỉnh thức, cầu nguyện sám hối, và như thế mỗi người chúng ta sẽ trở thành của lễ đền tội, góp phần vào của lễ đền tội mà Chúa Giêsu đã dâng để cứu chuộc nhân loại.
10. Nhưng nếu sự giải cứu ấy cũng sẽ là một cuộc thanh luyện, do đó sẽ xảy ra những biến cố khủng khiếp như Đức Mẹ đã báo ở Fatima, thì chúng ta ngay từ bây giờ, hãy chạy lại với Đức Mẹ, xin Mẹ thương đến chúng ta.
     Tại Fatima, Đức Mẹ khuyên con cái Mẹ: “Hãy cải thiện đời sống, hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ, hãy năng cầu nguyện chuỗi mân côi”. Chúng ta hãy vâng lời Mẹ, mà trở về với Chúa bằng những việc Mẹ dạy.
     Dù trong hoàn cảnh nào, hãy vững tin vào lòng thương xót Chúa, theo gương Đức Mẹ. Với Mẹ, nhờ Mẹ và bên Mẹ, chúng ta tin Chúa sẽ cứu tất cả những ai thiện tâm thiện chí.
     Ngay lúc này, tôi nhận ra ơn Chúa cứu tại Đất Nước Việt Nam đã bắt đầu, đó là đồng bào ta đang siết lại gần nhau hơn, thắm thiết yêu thương nhau hơn, trong lý tưởng cao đẹp thiêng liêng là kiên quyết bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta.
Long Xuyên, ngày 18 tháng 5 năm 2014.
+ GB Bùi Tuần