”Tôi chỉ mong sống
hạnh phúc bất diệt trên trời, chớ không màng đến chức quyền danh
vọng trần gian.” (Thánh Tôma Thiện)
Mầu nhiệm Chúa về
trời nhắc nhở chúng ta: điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải
biết hướng tâm trí về cõi trời là quê hương thật của ta, phải biết
chiến đấu với tội lỗi, sẵn sàng chịu gian khổ, và luôn luôn cầu xin
Chúa, để sau cuộc sống chóng qua trần gian, chúng ta được Chúa thương
đưa ta về quê trời vĩnh cửu.
Trong lúc thánh Tôma
Thiện (tử đạo ngày 21.9.1838, 18 tuổi) bị giam, Quan tỏ ra khoan nhượng
khuyến dụ chú nhiều lần: Nào là tuổi xuân xanh tương lai có nhiều
triển vọng, nào là sẽ thăng quan tiến chức nếu bỏ đạo. Hơn thế nữa,
quan còn muốn nhận chú làm con rể mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới
hỏi. Nhưng chú Thiện đã từ chối: ”Tôi
chỉ mong sống hạnh phúc bất diệt trên trời, chớ không màng đến chức
quyền danh vọng trần gian”
Trong số những người
bị bắt, nhiều người tỏ vẻ hối tiếc cho chú đã bỏ lỡ “Cơ hội ngàn
vàng.” Chàng trai có vóc dáng thư sinh nhưng chí khí thật kiên cường
ấy làm quan phải bỡ ngỡ. Từ bỡ ngỡ đến tức giận, vì dám xúc phạm
đến sự bao dung và lòng ưu ái của mình, thế là ông truyền đánh đòn
người chiến sĩ trẻ tuổi. Bốn mươi roi đòn quất trên thân hình gầy
yếu, máu chảy ướt đẫm áo quần,
nhưng chú vẫn gan dạ mỉm cười.
Thấy chú Thiện can đảm
hơn người, quan truyền đóng gông xiềng, giam chú vào ngục. Trong ngục
thất, Tôma Thiện không có bà con thân thích nào đến thăm nuôi. Giáo
hữu Di Loan cùng bị bắt, lúc đầu còn chia sẻ cho chú đôi chút lương
thực, nhưng rồi lương thực cũng cạn. Nhiều người đã nghe quan dụ dỗ
để được sớm trở về với gia đình, tuy thế quan vẫn chưa tha họ ngay.
Vì muốn chú Thiện chối đạo quan dùng những kẻ đã quá khóa dụ dỗ
và áp đảo chú, nhưng chú vẫn một mực trung thành với Chúa Kitô.
Chú Thiện tiếp tục bị
thẩm vấn và bị đánh đòn hai lần nữa, nhưng chú luôn phấn khởi vui
tươi. Mỗi lần roi quất xuống, chú lại cầu nguyện: ”Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ vì Chúa.” Chú
còn bị phơi nắng và bị kìm kẹp, nhưng chú vẫn không xiêu lòng, chứng
tỏ một nghị lực phi thường, một đức tin mạnh mẽ vào cuộc sống vĩnh
cửu, vào quê hương thật là nước trời.
Trần Văn Thiện sinh năm
1820 trong một gia đình hạnh làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình. Có lần
Thiện theo nữ tu Nghị đi lễ ở họ Mỹ Lương, sau Thánh Lễ và chào các
linh mục. Các cha thấy cậu bé khôi ngô, hiền lành đều hỏi: ”Con có muốn ở chú (đi tu) với cha
không?” Thiện không thưa gì. Nhưng ít lâu sau người ta thấy chú
thường xuyên ở nhà cha Chỉnh họ Kẻ Sen. Vị linh mục này đã dạy la
văn cho chú.
Thấy Tôma Thiện tính
tình tốt lại thông minh cha Giám đốc Candalh Kim gọi về chủng viện ở
Di Loan, khi ấy Thiện 18 tuổi. Nhận được tin, chú Thiện cùng với
người chị tên Sao lên dường. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Yến từ Di
Loan về cho biết cha bề trên Candalh
đã phải trốn và lính đang tìm bắt, rồi khuyên hai chị em đừng đi
nữa. Nhưng chú Thiện quả quyết: ”Dầu
không gặp cha bề trên, con cũng phải đến tận nơi để biết rõ sự thể.
Cha đã gọi, không lẽ chưa đến nơi đã bỏ về.”
Tới chủng viện, hai
chị em trình diện cha Tự. Cha nói: ”Các
cha đang lo trốn chạy chưa xong mà chị còn dẫn em đến, chỉ là khó
khăn thêm cho các cha thôi.” Chị sao đáp: ”Thưa cha, em con nhờ con dẫn đi, vì có cha bề trên gọi. Chúng
con không biết cuộc bách đạo lại xẩy ra bất ngờ như thế.” Hai
ngày sau, quân lính bao vây làng Di Loan, lục soát từng nhà. Không thể
tìm thấy cha Kim, lính bắt một số giáo dân, trong đó có chú Thiện,
dẫn về Quảng Trị.
Quan trấn Quảng Trị nghe
nói chú Thiện là chủng sinh của cha Kim, dạy phải tra hỏi cặn kẽ để biết vị thừa
sai trốn ở đâu. Quan khuyên chú chối đạo, nếu không sẽ bị chết. Chú Thiện trả lời:
"Tôi quê ở Trung Quán, tỉnh Quảng
Bình, đến tìm thầy học đạo. Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn
sàng chịu chết chớ không bỏ đạo.”
Ngày 18 tháng 7, quan truyền
giam chú Thiện chung với cha Jaccard Phan, hai cha con gặp nhau hết sức vui mừng.
Chú Thiện được cha an ủi, khích lệ và ban Bí Tích hoà giải. Riêng cha Phan thì
sung sướng hãnh diện có một người con tinh thần thật dũng cảm. Hai cha con cùng
nhau cầu nguyện, nâng đỡ trợ giúp lẫn nhau và quyết chí trung thành với đạo đến
cùng.
Trước tinh thần bất khất của
hai sứ giả Tin Mừng, quan lập án xử trảm cả hai, và gởi về kinh đô. Gần một
tháng sau vua Minh Mạng mới châu phê và đổi thành Xử Giảo. Có lúc nóng lòng chờ
đợi, chú Thiện thưa với cha Phan:"Thưa họ để cha con ta sống lâu mãi, sao
không sớm cho cha con ta được Tử Đạo, để được kết hiệp cùng Chúa luôn mãi.” Chú
cũng viết thư về gia đình vĩnh biệt cha mẹ, họ hàng,và khuyên mọi người trung
thành giữ vững đức tin.
Sáng ngày 21.9.1838, hai
môn đệ Chúa Kitô cùng được dẫn ra pháp trường ở làng Nhan Biểu, gần thị trấn Quảng
Trị. Khi đi qua một quán ăn, viên cai đội cho hai vị dừng chân, ăn uống theo
thói quen dành cho tử tội. Cha Phan không dùng gì cả, chú Thiện thưa với cha: "Con cũng không ăn, để về dự tiệc đồng
bàn với Chúa trên trời phải không cha ?"
Tại pháp trường, theo lời
yêu cầu của cha Phan muốn thấy trước mắt sự trung thành của người môn sinh quý
mến, lý hình xử chủng sinh Tôma Thiện trước, rồi đến lượt giáo sĩ Jaccard Phan.
Khi nghe báo giờ hành quyết
đã tới: thánh Đaminh Khảm (tử đạo ngày 13.1.1859, 79 tuổi) cùng bị án xử giảo với
con trai mình là thánh Thìn, vui vẻ nói: "Cha
con chúng tôi hôm nay được vào Thiên đàng.”
Phạm trọng Khảm sinh
năm 1780 trong một gia đình bảy anh em giầu có, tại làng Quần Cống,
thuộc Tổng Trà Lũ, phủ Xuân Trường (Nam Định). Thân phụ là Ông Phạm Tri
Khiêm, một thương gia danh vọng, được dân làng trọng kính.
Ông Phạm Trọng Khảm đã
sống dưới 8 triều Vua. Sinh ra và lớn lên dưới triều Lê Cảnh Hưng
(1740-1786), đèn sách học hành dưới triều Lê Chiêu Thống (1787-1788), dồi
mài kinh sử dưới triều Tây Sơn, Quang Trung (1788-1792), và Cảnh Thịnh
(1792-1802). Năm 18 tuổi, anh kết hôn với chị I-Nê Phượng, một thiếu nữ
đạo hạnh trong làng. Hai vợi chồng sống rất hòa thuận, sinh hạ được
một con trai, ba gái. Tất cả đều được giáo dục rất cẩn thận, và
được cắp sách đến trường học hành. Trọng Khảm tiếp tục sách đèn,
và thi đậu dưới thời Gia Long (1802-1819), lên chức quan Án Sát. Sang
triều Minh Mạng (1820-1841) Phạm Trọng Khảm bị tố giác là người công
giáo, nên bị nhà vua cách chức, đuổi về làng, làm bạch đinh. Tuy
nhiên, dân làng vẫn gọi Cụ là quan án. Do đó mới có tên là Án Khảm,
dưới thời Thiệu Trị (1841-1847), Cụ Án Khảm trở nên giàu có, do
những năm cần cù với nghề nông, đồng thời Cụ cũng giàu lòng bác
ái, chia sẻ của cải cho người nghèo túng. Gia phả con cháu có ghi:
“Gia nhân phải kiếm người khó vào ngồi chung, thì cụ mới ăn cơm.
Có lần Cụ, kiếm cớ đãi tiệc dân làng. Cụ cho mõ đi rao khắp thôn
xóm, mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Thắng hay thua không thành
vấn đề, miễn sao mọi người có dịp dự một bữa cơm trịnh trọng do Cụ
tiếp đãi.”
Cụ được các Cha tiến
nhiệm đặt làm trùm xứ, dân làng cũng bầu cụ làm chức lý trưởng,
Cụ từ chối, viện cớ là đã bị nhà vua giáng xuống làm bạch đinh.
Sau do sự can thiệp của Đức Giám Mục, Cụ mới nhận. Mọi người đều
xác nhận Cụ rất nhiệt tình trọng mọi chức vụ. Các thừa sai các cha
điều biết tiếng và từng đến trọ nhà Cụ những ngày khó khăn. Cụ
cộng tác đắc lực với Cha Xứ trong việc điều hành tổ chức họ đạo.
Với xóm làng, cụ là người đức độ thanh liêm, quan tâm đến nhu cầu
của mọi người
Cụ đã bị bắt và giải về
Nam Định, vì tội chứa chấp đạo trưởng.
Tại Nam Định cụ đã gặp Ông
Tả và đã gặp con trai Cụ là Ông Thìn trong những lần ra toà, và sau này được
giam chung với nhau. Hai cha con vui mừng, khuyến khích nhau, chịu khó vì Chúa
Kitô. Các tù nhân xứ Quần Cống hẹn với nhau quyết tâm trung thành với đức tin,
dù phải hy sinh mạng sống. Riêng cụ Án Khảm, mỗi lần thay cả nhóm, đối đáp với
quan, và lựa lời giải thích giáo lý trong đạo.
Sau bốn tháng rưỡi bị
giam, một hôm quan báo cho biết là ba người đã bị án xử giảo (án bị xiết cổ).
Ông cai Thìn hỏi lại, các Ông bị kết án vì tội gì ? Quan cho hay là tội chống lại
nhà vua. Ông Thìn cực lực phản đối. Cuối cùng theo đề nghị của Ông, bản án được
viết thêm bốn chữ "Bất khẳng khoá
quá" (Không chịu bỏ đạo). Các Ông vui mừng, vì được chết vì danh Đức
Kitô. Trong những ngày còn lại, các Ông chuẩn bị sốt sắng đón chờ ngày lãnh nhận
hồng phúc tử đạo.
Ngày 13 tháng 1 năm 1859
ngoài ba vị Án Khảm, Cai Tạ, Cai Thìn còn có bảy giáo hữu khác cũng thuộc xứ Quần
Cống được đưa ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Trên đường đi,các vị lớn tiếng
đọc kinh, đến nơi xử: Các chứng nhân tiếp tục đọc kinh, Tin, Cậy, Mến và nhiều
lần đọc kinh ăn năn tội chung với nhau, rồi lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu. Lính
xô các vị té xuống, rồi trói tay chân từng người vào cọc đã chôn sẵn. Tại nơi mỗi
vị bị xiết cổ, có hai người lính, cầm hai đầu dây thừng tròng vào cổ, và kéo thật
mạnh cho tới khi tắt thở. Các tín hữu xứ Quần Cống đưa thi thể các anh hùng tử
đạo về quê mình và tổ chức lễ an táng trọng thể.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK