Lời Chúa Lễ Thăng Thiên năm A _ giáo huấn Phúc Âm

CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM A
(Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20)
I.                   Giáo Huấn Phúc Âm   
Môn đệ Chúa phải là người: Làm gia tăng số môn đệ Chúa.
Làm phép rửa cho mọi người “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
Dạy người tin Chúa giữ những điều Chúa truyền dạy cho mình.
Tin rằng: chúa luôn ở cùng môn đệ Chúa.
II.               Vấn nạn Phúc Âm    
Làm môn đệ Chúa là “hãy đi và làm muôn dân trở thành môn đệ”
“Hãy đi” có nghĩa là ra khỏi, là từ bỏ những gì thiết thân với chính bản thân mình như tính ích kỷ, ham tiền bạc, địa vị, hay kiên căng, tự phụ. “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi… Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27-33).
 “Hãy đi” có nghĩa là ra khỏi, là từ bỏ tình cảm thân thương với gia đình, với bà con họ hàng hay với những ai thương mình và lo cho mình. "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 25-26).
 “Hãy đi” có nghĩa là ra khỏi, là từ bỏ những toan tính tương lai cho bản thân mình và phải tín thác vào Chúa và phải dốc toàn lực phục vụ nước Chúa. Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Đức Giê-su nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."(luca 9, 57-62)
 “Hãy đi” diễn tả một từ bỏ trọn vẹn và quyết liệt để:
 “Làm muôn dân trở thành môn đệ”
“Muôn dân thành môn đệ”: Tất cả thế giới phải thành môn đệ Chúa: tin Chúa, loan truyền lời Chúa và hưởng hạnh phúc thiên đàng.
“Thành môn đệ Chúa”:  Môn đệ Chúa phải làm cho người khác thành môn đệ Chúa. Môn đệ Chúa, có nghĩa là tin Chúa, yêu Chúa và sống chết vì Chúa.
“Thành môn đệ Chúa”:  sứ mạng duy nhất của môn đệ Chúa là truyền đạo và làm cho nhiều người tin Chúa.
“Thành môn đệ Chúa”:  Môn đệ Chúa không có môn đệ cho riêng mình.
Làm phép rửa cho họ “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
 “Làm phép rửa cho họ”: Dấu để thành môn đệ Chúa là nhận lãnh phép rửa. Tại sao? Môn đệ là người tin Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Cha Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Người ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi qua phép rửa. Người ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.
 “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” Là nền tảng của đời sống Kitô hữu. Mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần đã ghi dấu ấn rất đậm nét trong công thức rửa tội "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", trong văn bản của các tông đồ "Nguyện xin ân sủng của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em". Ðồng thời trong cử hành phụng vụ, lời khẩn cầu của Hội Thánh luôn luôn là "Nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Cha và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời". Và lời ngợi khen trọn vẹn nhất là "Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều qui về Cha là Thiên Chúa toàn năng, đến muôn thuở muôn đời". Cũng vì mầu nhiệm ấy là nền tảng cho tất cả đời sống Hội Thánh, nên ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Hội Thánh đã không ngừng suy niệm, vừa để đào sâu mầu nhiệm vừa để bảo vệ đức tin tinh tuyền khỏi những quan niệm lệch lạc. "Thiên Chúa duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau".
Dạy người tin Chúa giữ những điều Chúa truyền dạy cho mình.
“Dạy”: Môn đệ Chúa trước tiên phải là bậc thầy, tức bậc mô phạm, người thông thạo hơn người khác và có khả năng dạy cho người khác, không chỉ trong lớp học, nhưng bằng đời sống gương mẫu.
“Hãy dạy điều con tin và sống điều con dạy!” như lời nhắn nhủ của Giám Mục trước khi truyền chức linh mục. “Dạy những điều Chúa truyền dạy”: Môn đệ Chúa phải là học trò hấp thụ những giáo huấn của Chúa trước và sau đó thành người truyền đạt hay dạy cho người khác những gì mình đã học. Môn đệ Chúa, người sống điều Chúa dạy trước tiên.
Giáo Hội Công Giáo được gọi là tông truyền, vì chỉ dạy và tin những gì đã được các tông đồ là những môn đệ của Chúa truyền lại. Các tông đã theo Chúa, đã nghe, đã học giáo lý từ Chúa. Các Ông đã truyền đạt những gì Chúa dạy cho các ông sang những môn đệ nối tiếp. Nên giáo Hội Công Giáo không chấp nhận chuyện suy luận hay dẫn giải cá nhân theo kiểu thần hứng. Tất cả phải theo một giáo huấn từ: Chúa qua Giáo Hội và đến tín hữu.
Tin rằng: chúa luôn ở cùng môn đệ Chúa.
Luôn ở cùng có nghĩa:
Đó là môn đệ của Chúa. “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Gioan 15, 15).
Đó là người được sai đi làm việc cho Chúa. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” Mc 3,13-15
Đó là người đáng tin, đáng theo và đáng bắt chước. Các con là muối ướp cho đời, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì mà làm cho mặn lại được; nó trở thành vô dụng, chỉ còn nước ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.Các con là ánh sáng cho toàn thế giới, thành phố xây trên đồi nên không thể dấu được…Cũng thế, ánh sáng chúng con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”  (Mt 5, 13-16 ).
Đó là người phải làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống mình. Phúc Âm: Lc 21, 12-19
"Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".
III.            Thực hành Phúc Âm
Thiên đàng như thế nào? Có thề có thiên đàng trần gian hay biến trần gian thành thiên đàng không?
Thiên đàng theo Muslimparadise là nơi mà trinh nữ nhiều vô kể. Những trinh nữ nầy dành sẵn cho những anh hùng của Hồi Giáo…. Xem chừng như đây là ước mơ của những người háo sắc chăng?
Thiên đàng theo quan niệm của cộng sản là nơi không còn giai cấp, không còn người bóc lột người. Thiên đàng là nơi của cải vật chất thừa thải. Người ta sống tự do hạnh phúc và thoải mái. Người ta lao động theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Đây là ước mơ bình thường của những người nghèo, hạng nhân công bị chủ bóc lột. Nên cộng sản lớn mạnh ở những nơi nghèo, nơi con người chỉ có những ước mơ rất bình thường: ăn no mặt ấm đã là thiên đàng rồi.
Kitô giáo quan niệm thiên đàng là nơi có Chúa, Đấng Thánh tuyệt đối, Đấng hằng hữu, Đấng tình yêu và là Đấng có khả năng lấp đầy mọi khát vọng nơi con người. Không còn một thứ đòi hỏi nào trên Thiên đàng. Vì Chúa là tất cả (theo tư tưởng của Thánh Anselmô cả).  Thiên đàng của Kitô Giáo là nơi mà Chúa Kitô Phục Sinh lên trời. Ngài là Thiên Chúa Thánh Thiện, đi về nơi cực thánh. Ngài là Thiên Chúa hằng hữu, đi về nới không có sự chết. Ngài là Thiên Chúa tình yêư, đi về nơi chỉ còn đức Ái, như Thánh Phaolô mô tả. Ngài là Đấng tuyệt hảo, đi về nơi không có gì bất toàn. Ngài là hoa quả đầu mùa, là trưởng tử của hàng tạo vật, Ngài là đấng đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. Để sau cùng chúng ta cũng lên thiên đàng, nơi hạnh phúc và bất tử.
Như vậy thiên đàng trần gian chỉ là ảo tưởng hay là chiếc bánh vẽ của những ý thức hệ chính trị nhằm tạo sự đấu tranh. Không thể có thiên đàng nếu không có Chúa là Đấng Thánh. Nếu không tin Chúa thì làm sao có sự thánh thiện. Nếu không có Chúa thì làm sao có hoàn hảo hay trọn vẹn. Nếu thiên đàng chỉ là chuyện ăn no và làm tình thoải mái thỉ không trả lời được những đòi hỏi nơi bản năng. Vừa ăn no xong, người ta vẫn còn thèm ăn nữa. Dù mới làm tình xong người ta vẫn chưa thoả mãn hoàn toàn. Bất toàn và phàm tục thì làm sao gọi là thiên đàng?
 “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất” Như vậy môn đệ Chúa, cụ thể là Giám Mục, Linh Mục cũng có toàn quyền dưới đất và trên trời, vì “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Những gì chúng con tháo gở dưới đất, trrên trời cũng tháo gở”
Chắc chắn Chúa không nói đến quyền Giám Mục hay quyền Cha sở. Nhưng là quyền lực chiến thắng Satan và mang nhân loại lên trời. Nên “quyền” ở đây không là sức mạnh thống trị theo kiểu Politic power nhưng là ius, là right, là authority được trao ban để mang ích lợi cho phần rổi linh hồn người khác. Nói khác đi đó là quyền để phục vụ. Giáo Sĩ nhiều khi bị hiểu lầm hay bị thu hút bởi quyền thống trị. Xin mời lắng nghe suy tư về quyền chức của Đức Cha GB. Bùi Tuần.
 “Xưa, địa vị chức quyền đã là cơn cám dỗ đối với các tông đồ Chúa. Nay, cơn cám dỗ ấy vẫn không ngừng hoạt động trong Hội Thánh, nơi mạnh nơi yếu. Cơn cám dỗ ấy được thể hiện dưới nhiều hình thức. Như chức tước trong đạo được tâng bốc lên một thế giới thần thiêng, nắm đặc quyền đặc lợi. Tâng bốc nhiều khi quá mức. Rồi, như vận động, đấu tranh, thủ đoạn, giả hình để được lên chức. Như lợi dụng chức tước để tìm tư lợi. Có nơi ơn gọi trở thành bậc thang thăng tiến xã hội. Công bằng mà nói: chính cộng đoàn và xã hội cũng nhiều khi góp phần vào cơn cám dỗ.
Để bảo vệ Hội Thánh, Chúa không ngừng thanh luyện. Thanh luyện từ cơ chế, đến não trạng, thói quen của từng cá nhân. Thanh luyện nào cũng gây nên đau đớn. Trong tiến tình Chúa thanh luyện, rất nhiều môn đệ Chúa đã cộng tác vào việc thanh luyện của Chúa. Nhờ vậy, họ trở nên giống hình ảnh Chúa Giêsu hiền lành, khiêm nhường, làm chứng cho Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót. Cũng nhờ thanh luyện, Hội Thánh thắng được cơn cám dỗ muốn trở thành một quyền lực, nhưng an tâm với sứ vụ là dấu chỉ và là dụng cụ của tình xót thương Chúa cứu độ.”
 Lm Phêrô Trần Thế Tuyên