LỪA MẸ VÀ LỪA CON
Nhưng người họ
khó hiểu lắm, con à. Hôm họ đón rước ông ấy linh đình – con tưởng người
ta hoan hô con đó; họ tung hô ông ấy là vua. Hôm nay thì ông ấy đã bị họ giết
chết rồi. Con chở hương thơm tới đó là để người ta chôn ông ấy đấy.
Hồi I
Hôm ấy, như mọi ngày, lừa con đang đứng vẫy đuôi yên lành
bên mẹ, nghe chủ và mấy ông bạn nói chuyện trên trời dưới đất. Nó chẳng hiểu
gì, nhưng giọng nói và mùi quen thuộc làm nó an tâm. Bỗng có hai người, mùi lạ
hoắc, xăm xăm đến, chẳng nói chẳng rằng, cởi dây dẫn hai mẹ con đi. Nó nghe tiếng
chủ và hai người lạ nói gì đó với nhau. Nó nhìn mẹ. Mọi khi có người lạ tới là
mẹ nó la lên, lấy cái đầu kê vô như che chở nó, hai cái chân sau của mẹ sẵn
sàng hất tung người lạ mặt. Nhưng bữa nay mẹ hiền lành vẫy tai và “ê ê” nhẹ một
tiếng, có vẻ sung sướng lắm; mẹ quay nhìn nó, không có vẻ chuẩn bị chiến đấu bảo
vệ nó, nhưng lấy cái mũi ướt cọ vào nó như khích lệ. Mẹ nhìn nó, ngoắt cái đầu
như mọi khi để bảo nó đi theo, rồi mẹ nhẹ nhàng tung bộ vó đi theo hai người lạ
mặt, không uể ỏai như mọi khi ông chủ dẫn đi, vì mỗi lần ông chủ dắt đi là mẹ
nó chuẩn bị cái lưng để chịu sức nặng của các món hàng chờ sẵn ở đâu đó. Nhiều
lần lừa con thương mẹ muốn mang bớt cho mẹ, nhưng nó đâu có nói được để xin ông
chủ chia bớt qua lưng nó. Nó chỉ biết lon ton ngoan ngoãn đi theo mẹ, thỉnh thoảng
rên một tiếng như cảm thông nỗi vất vả của mẹ; mẹ sẽ nghiêng cái đầu về phía
nó, âu yếm rên đáp lại một tiếng, rồi mẹ con đi tiếp.
Đi khỏi nhà chủ một quãng xa, lừa con nghếch cái mũi nghe
mùi chiếc áo choàng ai đó trải lên lưng, rồi thấy mẹ cũng được choàng một chiếc
áo. Nó chưa hết ngỡ ngàng thì được dẫn đến bên một mô đá, rồi một người đứng
trên mô đá ngồi lên lưng nó. Lần đầu tiên trong đời lừa con có người cần đến
cái lưng nhỏ bé của nó. Nó từng thấy mẹ oằn lưng dưới sức nặng những thùng đồ
do ông chủ cột trên lưng, ráng gồng mình để không khụy xuống trên cái dốc đi
lên Núi Ô-liu, xọang chân để khỏi ngã chúi đầu khi xuống dốc phía Tây, băng qua
thung lũng Kit-rôn, rồi lại leo lên cái dốc dựng đứng để vào trong thành phố ồn
ào, trên con đường lát đá trơn trượt. Có lần nó đã thấy mẹ trượt chân khuỵu xuống.
Ông chủ la hét, mẹ không đứng lên nổi. May là có ông láng giềng đi ngang, ông
này vốn không thân thiết gì với ông chủ, nhưng thấy lừa mẹ bị như vậy, ông chạy
lại giúp lừa mẹ đứng lên. Lừa con thương mẹ lắm nhưng chỉ biết lấy cái mũi ướt
của nó hít hít bên tai mẹ. Nó thấy có nước ở mắt mẹ rơi xuống sống mũi nó. Hôm ấy
về mẹ đi cà nhắc và phải nghỉ ở nhà mấy ngày mới lại đi chở đồ được.
Hôm nay thì vai trò đảo ngược, lừa con mang một người
trên lưng, còn mẹ khoác áo choàng, nhẹ nhàng đi đàng trước dẫn đường. Lừa con
thấy con đường vẫn là con đường mọi ngày nó theo mẹ vào thành phố. Nhưng sao
hôm nay khác lạ. Mọi ngày vào tới thành phố mới nghe tiếng ồn ào, còn hôm nay
thì tiếng người reo hò càng lúc càng to ngay từ lúc người kia ngồi lên lưng nó.
Người ta đi quanh nó càng lúc càng đông, reo hò như để cổ võ nó. Nó thấy người
ta trải áo, thảy cành lá xuống đường cho nó bước lên, có người mạnh dạn hơn, đến
sát bên nó vỗ lưng, vỗ đầu nó; có người còn đưa tận miệng nó mấy cành lá non thật
là ngon, nó chưa bao giờ được ăn.
Vào đến thành phố, nó phải thận trọng để khỏi dẫm lên
chân người ta, vì người đông quá, chen lấn cả với nó. Nó không biết người ta dẫn
nó tới chỗ nào, nhưng không phải là khu phố chợ mọi ngày. Nó không thấy bạn bè
của nó đâu cả, cũng không nhìn thấy cái gì quen thuộc để biết nó đang ở đâu, chỉ
thấy toàn người là người. Nó cũng không nhìn thấy mẹ nữa, chỉ có cái mũi và cái
tai của nó cho nó bíêt là mẹ vẫn đi phía trước, giúp nó an tâm. Tới một lúc người
ta bảo nó dừng lại và đỡ người trên lưng nó xuống. Người đó vỗ nhẹ trên lưng
nó, trên đầu nó, nói gì đó với nó và mẹ. Rồi cả đám đông công kênh người đó
trên vai đi. Hai chiếc áo choàng cũng được nhắc khỏi lưng lừa con và lưng mẹ. Lát
sau tiếng reo hò xa dần theo bước chân người, chỉ còn mẹ đứng bên lừa con. Mẹ
âu yếm liếm đầu, liếm mũi lừa con. Từ ngày cai sữa tới nay chưa bao giờ lừa con
được cảm thấy mẹ âu yếm nó như hôm nay. Nó nghĩ bụng, chắc hôm nay là ngày nó
vô nghề “con lừa”, mẹ hãnh diện về nó lắm.
Mẹ lấy cái mũi hích vô đầu lừa con một cái nữa rồi bước
đi. Lừa con không biết đường ra khỏi thành phố. Nó chưa bao giờ vào tới chỗ này
thì làm sao biết đường ra. May là có mẹ dẫn đường. Nó thật an tâm làm lừa con
đi theo mẹ.
Ra khỏi thành phố, nó thấy lại con đường quen thuộc, nó
có thể về một mình được rồi. Con đường hồi nãy đầy người, bây giờ như dành
riêng cho hai mẹ con. Những chiếc áo thì không thấy nữa, nhưng cành lá vẫn la
liệt như cái thảm trên đường, lao xao dưới bước chân hai mẹ con. Bỗng mẹ rên
lên một tiếng, chậm lại và ra hiệu cho lừa con đi ngang bên mẹ và mẹ bước theo
nhịp của lừa con để hai mẹ con sánh bước bên nhau chứ không để lừa con lon ton
chạy đàng sau như mọi ngày. Chuyến về hôm nay thảnh thơi quá, vì hai mẹ con được
đi dạo bên nhau, không phải mang gì trên lưng. Mẹ vừa đi vừa nhìn lừa con âu yếm,
nìềm vui tỏa ra trong mắt mẹ, vang lên trong tiếng chân mẹ. Có lẽ từ ngày mẹ bắt
đầu cuộc sống “con lừa”, chưa bao giờ mẹ được bước đi thảnh thơi trên con dường
này như hôm nay. Phải chăng người ta thưởng công cho mẹ đã nuôi lừa con tới
ngày lừa con có thể làm “con lừa” bằng cách cho hai mẹ con được thảnh thơi một
ngày?
Hai mẹ con nhịp bước bên nhau. Con đường hôm nay sao ngắn
quá, mới chút xíu đã về tới cổng. Ông chủ thấy hai mẹ con về cũng vui mừng chạy
ra, vỗ lưng, vỗ đầu cả hai mẹ con rồi dẫn vô chuồng cho ăn, cho uống.
Hồi II
Đêm xuống, khi con người đã vào giấc ngủ của họ, chỉ còn
hai mẹ con bên nhau trong cái yên lặng tuyệt vời của đêm khuya thì lừa mẹ và lừa
con mới nói chuyện với nhau được, vì tiếng ồn ào của con người làm cho lỗ tai của
lừa tự động giảm thính lực để khỏi bị điếc. Đêm nay lừa con thấy mẹ cứ nhìn ngắm
nó từ đầu đên chân, không chịu ngủ. Nó lớn quá rồi, mẹ cứ phải đưa cái đầu từ
phải qua trái, từ trên xuống dưới để nhìn cho hết cái thân nó. Mẹ không ngờ nó
đã cao và to gần bằng mẹ rồi. Lừa con cũng xôn xao trong lòng vì niềm vui mừng
và hãnh diện vẫn còn làm cho tim nó đập mạnh, thêm sự âu yếm khác thường của mẹ
làm nó không thể nào ngủ được, dù nó cố nhắm mắt lại. Tất cả những gì xảy ra từ
lúc hai người lạ mặt tới cởi dây dắt hai mẹ con cho đến lúc về tới chuồng cứ
như còn đang diễn ra trước mắt, bên tai, quanh mình nó. Nó hé mắt xem mẹ ngủ
chưa thì thấy mẹ vẫn đang ngắm nó. Nó lên tiếng:
- Mẹ chưa ngủ hả mẹ?
- Sao con không ngủ đi?
- Con không ngủ được.
- Mẹ cũng không ngủ được.
- Sao vậy mẹ?
- Mẹ thấy con chưa ngủ.
Lừa con nhích lại sát mẹ:
- Phải mẹ thấy con lớn quá
rồi không?
- Mẹ thấy con to và cao gần
bằng mẹ rồi.
- Mẹ có mừng không?
- Mẹ mừng lắm.
- Mẹ thấy con sắp đi làm với
mẹ, chở bớt đồ cho mẹ được chưa?
- Hôm nay con bắt đầu rồi
đó!
- Vậy là con thành “con lừa”
rồi chứ không phải là “lừa con” nữa hả mẹ? - giọng lừa con vừa vui vừa thoáng
buồn.
- Đúng rồi, con gái ngoan
của mẹ, con vẫn là con của lừa mẹ, nhưng con đã thành con lừa rồi, vì hôm nay
con đã biết chở một người trên lưng chứ không lon ton chạy theo mẹ đòi bú nữa!
– mẹ âu yếm hích cái mũi vào mũi lừa con.
- Vậy là hôm nay coi như
ngày trọng đại trong đời con hả mẹ?
- Cả trong đời mẹ nữa, vì
mẹ sinh con ra và nuôi con, mẹ chỉ mong tới ngày thấy lừa con của mẹ thành con
lừa có ích thôi.
- Thế ngày đầu tiên mẹ
thành “con lừa”, bà ngọai có vui như mẹ hôm nay không?
- Có chứ!
- Thế người ta có reo hò
hoan hô mẹ, có trải áo, trải lá trên đường cho mẹ đi như người ta mừng con hôm
nay không?
- Không con à, cả giòng họ
lừa nhà mình cho đến ngày nay, chỉ có con được như thế và sau này cũng không có
ai được như con nữa đâu.
- Sao thế hả mẹ?
- Lừa con ngoan của mẹ
này, con tưởng người ta reo hò, trải áo, trải lá trên đường là để mừng con đó hả?
- …
- Con hưởng ké người ngồi
trên lưng con đó!
- Vậy hả mẹ. Thế người đó
là ai hả mẹ? Sao hai người lạ mặt tới dắt mẹ con mình đi mà ông chủ cũng để cho
dắt đi?
- Chuyện dài dòng lắm con ạ.
Chỉ có trí nhớ họ lừa nhà mình mới nhớ được hết thôi, vì loài người khi già thì
mất trí nhớ, còn họ lừa nhà mình thì càng già càng nhớ nhiều, vì thế mà mình chẳng
cần sách vở, chữ viết, cũng kể cho nhau được chuyện bảy tám mươi đời trước.
- Thế mẹ nghe và hiểu được
tiếng người hả mẹ?
- Ừ, khi nào con bằng tuổi
mẹ thì con cũng nghe và hiểu được tiếng người. Bà tổ bảy mươi đời nhà mình còn
nói được cả tiếng người nữa.
- Thế mai mốt mẹ có nói được
tiếng người không?
- Không con ạ, phải sống
lâu lắm mới nói được. Chỉ có một bà tổ nhà mình bảy mươi đời trước sống lâu đủ
để nói được thôi. Trước đó chưa có ai và sau này cũng không thể có nữa.
- Sao thế hả mẹ?
- Tại vì con người phá hoại
mặt đất, không còn thức ăn thức uống tự nhiên của họ nhà mình nữa, thêm vào đó
càng ngày họ càng tham lam, bắt lừa làm việc quá sức. Rồi con sẽ thấy.
- Con thấy rồi, hôm con
quýnh lên vì thấy mẹ quỵ dưới sức nặng không đứng lên nổi đó!
- Mẹ mong con sẽ không bao
giờ phải chịu cảnh đó! Và mẹ an lòng vì biết con sẽ không phải chịu cảnh đó?
- Sao mẹ biết?
- Chuyện liên can tới người
ngồi trên lưng con hôm nay đó.
- Mẹ kể cho con nghe đi mẹ.
- Ừ mẹ kể đây.
Lừa con nhích tai sát vào miệng mẹ và mở hết hai lỗ tai để
không bỏ mất lời nào.
- Hồi mẹ mới sanh, còn bé
lắm, còn đeo vú bà ngọai suốt ngày suốt đêm ở làng Bethlehem, cách đây mấy quả
đồi. Một hôm trời mùa đông lạnh lắm, có một người đàn ông và một người đàn bà
hiền lành, không có chỗ trọ, vào ở nhờ một góc. Chắc bà ngọai biết là người đàn
bà sắp sanh con nên đẩy mẹ vào một góc để nhường chỗ. Đêm đó người con sinh ra.
Con biết không, khi con ra khỏi bụng mẹ, rơi xuống đất nghe cái “bịch”, mẹ quay
lại liếm cho con chút xíu là con đứng dạy được và tìm thấy vú mẹ liền. Còn người
con sinh ra đỏ hỏn, nhỏ xíu, kêu oe oe, người lớn phải lấy hai tay bưng lên đặt
vô trong cái máng cỏ của bà ngọai. Bà ngọai thấy trời lạnh lắm mà người mẹ và
người con không có lửa cho ấm, người bố thì loay hoay tìm thứ gì che cho bớt
gió. Bà ngọai nhích lại gần thở hơi sưởi cho người con và người mẹ. Thấy bà ngoại
làm thế, mẹ cũng làm theo. Người bố và người mẹ xoa đầu bà ngọai và mẹ, để cám
ơn. Người con cũng mở mắt ra nhìn, vẫy hai cái tay và kêu oe oe như muốn xin bà
ngọai thở mạnh hơn nữa. Thế là bà ngoại và mẹ kê sát mũi vô cái máng cỏ, ráng
thở thật chậm và thật sâu cho có nhiều hơi nóng. Nhìn ra ngoài xa, thấy có ánh
sáng, mẹ tưởng là có sấm chớp và mưa. Một lúc sau, có nhiều người tới, dắt theo
cả mấy cậu chiên, mấy cô bò nữa. Họ kể cho nhau – bà ngoại nghe và hiểu được mà
– rằng họ biết có người con sinh ra ở đây là vì có thiên sứ tới báo cho họ; ánh
sáng hồi nãy mẹ thấy là ánh sáng của thiên sứ chứ không phải mưa gió sấm chớp
đâu. Nhà bà ngọai chưa bao giờ đông đúc và vui như hôm nay. Quanh cái máng cỏ
bây giờ có đủ mặt loài bốn chân quen thuộc: chiên, bò, lừa. Hơi người, hơi bò,
hơi chiên cùng làm ấm cho người bố, người mẹ và người con. Bà ngọai và mẹ cũng
được nghỉ hơi một lúc, thở bình thường chứ không cần cố gắng nữa. Bà ngọai kể
cho mẹ rằng nghe họ nói chuyện, bà ngoại biết người con đó là dòng dõi nhà vua
và sẽ làm vua.
Ít ngày sau lại có một đám người đến, đem theo
nhiều thứ lắm. Họ nói họ đến từ xa lắm, từ bên kia sông. Bà ngoại nghe họ nói
thì biết là họ đã thấy ngôi sao như lời một người dã báo cách đây lâu lắm rồi.
Họ không biết là bà ngoại biết chuyện này.
Hồi nãy mẹ nhắc đến bà tổ
bảy mươi đời nhà mình nói được tiếng người đó. Hôm ấy Bà tổ chở ông chủ đi công
việc ở xa lắm. Giữa đường, bà tổ thấy ánh sáng chói lòa trước mặt, lại có người
cầm gươm chĩa vào mặt không cho đi. Ông chủ ngồi trên lưng thì không thấy. Bà tổ
mình ngừng lại phục xuống thì ông chủ đánh, la hét ầm ĩ. Lúc đó Bà tổ phải lộ
ra là Bà nói được tiếng người, Bà nói cho ông chủ biết cái gì ở trước mặt, tại
sao bà phải phục xuống, không đi tiếp được, ông chủ có đánh chết cũng vậy thôi.
Bấy giờ ông chủ mới nhìn thấy và nhảy vội xuống phủ phục bên cạnh Bà tổ. Người
cầm gươm nói chuyện với ông chủ. Bấy giờ Bà tổ mới biết là ông chủ được mời đi
trù ẻo họ hàng nhà một người nào ở bên kia sông.
- Trù ẻo là gì hả mẹ?
- Họ lừa nhà mình đâu có
chuyện đó, chỉ có họ người mới có chuyện đó. Họ lừa nhà minh có tức thì đá nhau
một cái rồi thôi, lát sau lại như không có chuyện gì xảy ra. Còn họ người khi tức
nhau thì giết nhau, rồi thù hận bao nhiêu đời không quên, lại còn dùng phù phép
để rủa cho cả họ bên kia phải bị đầy ải, bị tiêu diệt nữa. Hồi đó cái họ người
sống ở bên kia sông thấy cái họ bây giờ đang ở với mình đây, tới mượn đường để
vượt sông qua bên này. Ông chủ của bà tổ làm cái nghề thất đức là đi trù ẻo
theo yêu cầu, được mời đi cả mấy ngày đường tới nơi hành nghề. Bà tổ đi chuyến
đó muốn hụt hơi, khi về Bà phải nghỉ cả tháng mới lại sức đó con.
- Thế ông chủ đó có trù ẻo
được không hả mẹ?
- Không con à!
- Vậy là phải về không hả
mẹ?
- Trái lại. Người cầm gươm
ra lệnh cho ông chủ phải đi, nhưng không được trù ẻo mà phải cầu phúc. Đáng đời
cái miệng xấu xa độc ác, bị vặn ngược lại để hết còn nói lời độc ác được nữa, mở
miệng ra là phải nói lời cầu phúc cho người khác.
- Thế ông chủ cầu phúc cho
họ kia thay vì trù ẻo hả mẹ?
- Ừ, bảy lần mở miệng ra
thì bảy lần phải cầu phúc.
- Thế lời cầu phúc có nghiệm
không hả mẹ?
- Đó là chuyện liên can tới
mẹ và con đấy.
- Chuyện từ đời Bà tổ bảy
mươi đời sao lại liên can tới cả mẹ và con?
- Thế mới hay chứ!
- Mẹ kể đi mẹ, con nóng
lòng muốn biết quá hà.
- Này nhé, sáu lần ông chủ
mở miệng cầu phúc giống nhau, lần thứ bảy thì ông thêm một đìều: ông thấy còn
xa một ngôi sao sẽ mọc lên từ lều của họ bên kia.
- Thế nghĩa là gì hả mẹ?
- Tức là sẽ có một người từ
họ bên kia làm vua cả thiên hạ.
- Thích quá hả mẹ.
- Nhưng người họ bên kia
đâu có nhớ. Khi mấy người đồng hương với ông chủ của Bà tổ thấy ngôi sao mọc
lên, đến đây hỏi thì người ở thành này chẳng biết gì, họ phải họp nhau, tìm mãi
trong sách mới biết là người mà ông chủ hồi đó gọi là ngôi sao đã sinh ra tại
Bethlehem. Mấy người kia tìm được nhà bà ngọai, mừng lắm. Lại một lần nhà bà ngọai
chật ních. Mấy chú lạc đà đâu có được vào, phải đứng ở ngòai xa.
Bà ngọai nghe chuyện biết liền là lời cầu phúc của ông chủ
hồi đó đã thành, Bà ngoại và mẹ được phúc phục vụ ông vua mới từ lúc vừa sinh
ra. Đêm ấy Bà ngoại với mẹ cũng không ngủ được.
- Thế mẹ nói chuyện liên
quan tới con là làm sao?
- Hôm nay con đã chở ông
vua đó vào kinh đô rồi đó.
- Sao mẹ biết?
- MẸ CÒN NHỚ MÙI. Khi ông
ngồi lên lưng con là mẹ nhận ra mùi của người con mà Bà ngoại với mẹ đã thở hơi
cho ấm năm xưa ở Bethlehem. Rồi mẹ nghe tiếng người ta tung hô thì mẹ hiểu ngay
là ông vua sinh ra hồi đó bây giờ lên ngai rồi.
- Con sướng quá hả mẹ. Con
được chở ông vua vào thành.
- Mẹ càng sung sướng hơn.
Mẹ chắc chắn con sẽ được phục vụ ông vua này, được mặc áo đẹp và không phải chở
đồ nặng như mẹ.
- Nhưng lỡ ông vua ăn sung
sướng rồi mập gấp đôi ông chủ nhà mình thì làm sao con mang nổi? Ông chủ nhà
mình cỡi lên lưng là mẹ đã đi không nổi rồi!
- Rồi con sẽ thấy ông vua
này nhẹ như gió vậy, mẹ nghe nói là ông sẽ ngồi trên đám mây.
Nghe mẹ kể đến đây lừa con như bay lên mây và hình ảnh
tương lai huy hoàng đưa nó vào giấc ngủ. Nó mơ thấy chiếc áo choàng trên lưng
nó thành đôi cánh, nó bay về tận nơi Bà Tổ 70 đời đã sống, bay qua bên kia
sông, nơi Bà Tổ đã nghe lời cầu phúc, bay tới Bethlehem xem lại nhà Bà Ngoại,
xem lại cái máng cỏ của Bà ngoại và mẹ ngày xưa…
Hồi III
Năm ngày sau, buổi chiều thứ sáu, sau khi theo mẹ chở thật
nặng vào thành, giữa cảnh chợ đông đúc khác thường, hai mẹ con mới về tới cổng,
tưởng được nghỉ trọn đêm trọn ngày, nhưng chưa kịp vào chuồng thì có một ông tới
năn nỉ ông chủ cho mẹ chở gấp một bao nặng, toàn mộc dược và dầu thơm. Cả hai mẹ
con lại ra đi. Nhưng hôm nay ông chủ chất bao hàng lên lưng lừa con, như để tập
nghề. Mùi hương khá nồng làm cho cái mũi lừa cũng hơi khó chịu, chắc món hàng
này quý giá lắm, mấy ai có đủ tiền mà mua, nên mẹ lừa cũng chưa bao giờ được chở
một bao thơm như thế.
Tới cổng vào chợ, ông chủ không cho vào, bắt đi tiếp bên
ngoài, dọc theo bức tường lên tới quả đồi ở đầu bên kia. Leo lên đỉnh đồi. Mấy
người đàn bà đang khóc chung quanh một người mình đầy máu nằm trên phiến đá. Lừa
con bàng hoàng vì cái mũi cho nó biết chính là người nó chở hôm trước. Lừa mẹ
thì nhận ra một người đàn bà đứng đó chính là Người Mẹ năm xưa sinh con ở nhà
Bà ngoại. Lừa mẹ lấy mũi cạ vào Người Mẹ như để an ủi. Người Mẹ không nhận ra Lừa
mẹ, nhưng cũng đặt tay trên đầu lừa mẹ như để cảm ơn. Cùng là mẹ, nên lừa mẹ và
người mẹ cảm thông được với nhau. Lừa con lại thấy nước từ mắt mẹ chảy xuống
thành giọt. Nó cũng lại bên người mẹ cạ mũi an ủi.
- Xong việc rồi, ông chủ hối
mẹ con lừa ra về lẹ, vì ngày thứ bảy sắp bắt đầu.
Trên đường về, ông chủ cũng không vui như mọi ngày. Lừa
con chưa hỉểu gì. Nhưng đi bên lừa mẹ thì nỗi buồn trong lòng lừa mẹ cũng thấm
qua lừa con. Lừa con mong chóng đến đêm để hỏi mẹ xem chuyện gì xảy ra với ông vua.
Lừa con nóng lòng vì phải chờ lâu lắm mới tới lúc yên tĩnh
đủ cho mẹ con nói chuyện được với nhau. Lại một đêm không ngủ được. Lừa con thấy
mẹ thở dài, lắc đầu hoài.
- Mẹ ơi chuyện gì xảy ra
cho ông vua thế hả mẹ? Sao lại chở nhiều hương thơm tới đó?
- Lừa mẹ thở dài, nghẹn
ngào:
- Ông vua ấy chết rồi, con
ạ.
- Sao mẹ nói ông ấy vào
thành để lên ngai vua?
- Ừ, mẹ nghe thế. Nhưng họ
người khó hiểu lắm, con à. Hôm họ đón rước ông ấy linh đình – con tưởng người
ta hoan hô con đó; họ tung hô ông ấy là vua. Hôm nay thì ông ấy đã bị họ giết
chết rồi. Con chở hương thơm tới đó là để người ta chôn ông ấy đấy.
- Thế là con được phục vụ
ông vua có hai lần thôi hả mẹ: chở ông ấy vào thành, rồi chở hương thơm cho người
ta chôn ông ấy.
- Chuyện loài người khó hiểu
lắm con à. Mẹ cũng không biết rồi đây sẽ ra sao, có lẽ mẹ con mình tiếp tục làm
việc cho ông chủ này, ngày ngày chở hàng vào chợ, rồi chở hàng về nhà.
- Thế thì buồn quá mẹ nhỉ.
Mỗi ngày phải đi trên con đường ấy thì làm sao con quên được ngày huy hoàng con
chở ông vua vào thành và ngày buồn thảm con chở hương thơm cho người ta chôn
ông vua.
- Mẹ cũng thế con à. Mẹ
còn buồn hơn con, vì thấy tương lai huy hoàng của con như tan thành mây rồi.
- Mẹ nói ông vua ấy sẽ ngự
trên mây mà? Vậy thì tương lai của con là thành đám mây cho ông vua ấy ngồi,
con sẽ là mây đưa ông vua bay đi khắp nơi, thỉnh thoảng con xin ông ấy cho xà
xuống thăm mẹ nhé…
Lừa mẹ mỉm cười với ý nghĩ ngây thơ của lừa con. Thấy con
vui với ý nghĩ ấy, lừa mẹ lấy mũi hích vào con âu yếm rồi nhắm mắt lại. Lừa con
như quên hết nỗi buồn hồi chiều và bay trong giấc mơ đi tới những nơi xa lạ mà
có lẽ họ nhà lừa chưa ai biết. Nó lại mơ thấy chiếc áo trên lưng thành đôi
cánh, nó chở ông vua trên lưng bay thi với mây và mọi thứ chim, bay đến tận chân
trời.
Hồi IV
Hôm sau được nghỉ cả ngày, hai mẹ con nằm trong chuồng ngủ
nướng, tới gần trưa ông chủ dắt ra cho uống nước rồi lại cột ngoài cổng. Lừa
con nhớ lại hôm hai người lạ mặt tới dắt đi chở ông vua. Nó tự nhủ: biết đâu có
ngày hai người ấy trở lại, ông vua không chết. Chẳng lẽ ông vua lại chết dễ
dàng thế, nhất là ông vua này ví như ngôi sao mọc lên thì làm sao người ta giết
được. Suốt ngày lừa con miên man với những câu hỏi và niềm hy vọng đó.
Hôm sau thì cuộc sống trở lại bình thường. Hai mẹ con làm
công việc như mọi ngày. Ông chủ bắt đầu chia bớt hàng lên lưng lừa con. Ước mơ
của lừa con được chia bớt công việc đỡ cho mẹ nay đã thành. Lừa con hãnh diện
chở hàng đi bên mẹ. Con đường hôm nay hoàn toàn bình thường như những ngày trước
khi ông vua vào thành. Những cành cây đã bị gió đưa xuống thung lũng hết rồi. Người
không biết chuyện mấy ngày trước thì chẳng thể ngờ đã có một ngày huy hoàng
trên con dường này, mà lừa con được vinh dự tham gia.
Hồi V
Cuộc sống bình thường mỗi ngày như mọi ngày đã trở thành
quen thuộc. Lừa con đã thật sự thành con lừa. Mấy chú lừa ngoài chợ đã bắt đầu
chú ý tới nó. Lừa mẹ lại sắp cho nó có em bé để dẫn đi chơi.
Chuyện ông vua đối với lừa con coi như giấc mộng đã qua,
nhường chỗ cho cuộc sống bên mẹ mỗi ngày: ở nhà, trên đường, trong phố. Lừa con
đã biết dùng đôi vó của nó để tự vệ và bảo vệ mẹ nữa. Nhưng lừa mẹ thì vẫn ngẫm
nghĩ trong lòng, vì là mẹ thì có bao giờ quên nghĩ tới tương lai của con. Sau
cái đêm buồn thảm, lừa mẹ vẫn mang trong lòng giấc mộng ngây thơ của lừa con:
trở thành đám mây chở ông vua. Ngày ngày vào chợ, mẹ lừa vẫn nghe ngóng câu
chuyện của họ người. Càng ngày mẹ càng nghe nhiều người nhắc tới ông vua. Nhưng
mẹ lừa không hiểu, vì xem ra họ người cũng chỉ cãi nhau về chuyện ông vua đã chết
hay đang sống.
Năm năm trôi qua.
Lừa mẹ đã có em bé. Lừa con một mình ngày ngày ra chợ với
ông chủ.
Một hôm ở ngoài chợ, lừa con nhận ra hai người lạ cách
đây 5 năm đã dẫn lừa con đi chở ông vua. Hai người tới nói chuyện với ông chủ. Lừa
con cũng bắt đầu hiểu được một chút tiếng người, nhưng chưa nghe được hết, vì
giọng nói của hai người này khác với giọng ông chủ, có lẽ họ không phải là người
ở gần thành phố này. Hai người nhận ra nó, tới xoa đầu, vỗ lưng. Lừa con mừng
vì nó vẫn mong hai người này trở lại.
Chiều hôm ấy hai người theo ông chủ về nhà.
Lừa con về, em bé chạy lại nhảy mừng. Lừa mẹ thấy hai người
năm trước tới cũng mừng. Mẹ nghĩ biết đâu giấc mộng của lừa con sắp thành sự thật.
Đêm đó nằm bên em bé – từ khi mẹ có em bé thì lừa con phải nằm noài, em bé nằm
giữa, mẹ nằm trong. Mỗi sáng lừa con dạy đi làm thì mẹ cho em bé bú không bị
phiền. Bây giờ mẹ lo cho em bé nên ban đêm cũng không nói chuyện được với lừa
con. Lừa mẹ lừa con miên man suy nghĩ thâu đêm, mong cho ngày tới để xem hai
người kia đến có làm thay đổi cuộc sống không.
Hôm sau, lừa con vẫn theo ông chủ ra chợ, không thấy gì
thay đổi. Chỉ thấy hôm nay ông chủ chất lên lưng nó nhiều hơn mọi ngày. Chẳng lẽ
nó lại chung số phận của lừa mẹ, từng phải ngã quỵ dưới sức nặng? Mẹ đã bảo là
nó sẽ không phải chịu số phận của mẹ kia mà. Chẳng lẽ hai người kia tới là để
giao mối hàng nhiều hơn cho ông chủ?
Sáng hôm sau, ông chủ chất lên lưng lừa con một gói nhẹ,
hình như chỉ có vài bộ quần áo và một cái gì cộm cộm như cuộn da họ người dùng
để viết, một giỏ bánh và một bình nước. Chưa bao giờ nó thấy ông chủ đi chợ với
mấy thứ này. Lừa con ngúc đầu chào mẹ và hích nựng em bé một cái rồi đi. Ông chủ
và hai người kia cùng đi.
Hôm nay ông chủ không qua thung lũng Kit-ron vào chợ, mà
xuống sườn núi phía mặt trời mọc rồi đi lên phía Bắc.
Hôm sau tới Samaria, hai người và ông chủ được người ta
reo mừng đón tiếp gần giống như ông vua năm trước. Người ta xoa đầu, vỗ lưng và
cho lừa con ăn thiệt ngon.
Chuyến này lừa con theo ông chủ và hai người đi mãi lên
phía Bắc, hết làng này qua làng khác, qua núi qua đồi, tới tận biển. Lừa con
chưa bao giờ được thấy nước nhiều như thế. Chỗ nào lừa cũng được người ta xoa đầu,
vỗ lưng và cho ăn thật ngon.
Mấy ngày đầu lừa con nhớ mẹ và em bé lắm. Nhưng đường đi
mỗi ngày mỗi mới lạ, trên lưng lại không phải chợ nặng như ở nhà làm cho lừa
con ngẫm nghĩ, phải chăng nó đã thành đám mây cho ông vua cỡi rồi!
Giêrusalem, Tuần Thánh 2010