Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Lá năm A

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
NĂM A
Is 50,4-7; Pl 2,6-11, Mt 26,14-27,66 (hay Mt 27,11-54)
BÀI ĐỌC I: Is 50,4-7
4 Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
ĐÁP CA: Tv 21
Đ. 2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
7 Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, 8 thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: 9 "Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào! "
17 Cả bầy chó trong ngoài vậy bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, 18 xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
19 Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. 20 Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa.
23 Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.
24 Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai!
BÀI ĐỌC II: Pl 2,6-11
6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
TUNG HÔ TIN MỪNG: Pl 2,8-9
Vì chúng ta, Đức Ki-tô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
TIN MỪNG: đọc Mt 26,14-27,66 (hay Mt 27,11-54)

SUY NIỆM
BA LẦN ĐỨC GIÊSU LOAN BÁO CUỘC KHỔ NẠN
A. THEO TIN MỪNG NHẤT LÃM, các tác giả nhấn mạnh về nhân tính của Đức Giêsu, nên phải chết và cả ba lần Ngài loan báo cuộc Khổ Nạn, thì ngay sau đó nhắc đến tội của các Tông Đồ. Cụ thể:
* Lần I: Sau khi Đức Giêsu loan báo Ngài bị giết chết do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, thì lộ ra tội của ông Phêrô, cũng là thượng tế thời Tân Ước, còn ngu dốt về Giáo Lý, nên ngăn cản Đức Giê-su đừng để kẻ ác hại mình mới là dấu Thiên Chúa thương (x. Mt 16,21-23).
Đức Giáo hoàng Pio XII vào Đại Chủng Viện Truyền Giáo ở Roma, ngài hỏi các thầy:
-   Quyền lực nào mạnh nhất phá Hội Thánh?
Các thầy nhao nhao:
-      Dạ thưa ma quỷ. ĐGH lắc đầu.
-      Cộng sản vô thần. ĐGH cũng lắc đầu, và còn nhiều ý kiến khác nhưng tất cả đều không đúng. Cuối cùng ngài trả lời:
-      Quyền lực phá Hội Thánh chính là người Công Giáo ngu dốt về Giáo Lý.
Ngày nay ta cứ so sánh lòng say mê Thánh Kinh của người Công Giáo với anh em Tin Lành, hỏi ai hơn ai? Thậm chí hầu hết những người Công Giáo cầm cuốn Thánh Kinh không biết mở! Điều này thua xa người Tin Lành, chẳng những họ mở Sách Thánh rất nhanh và còn thuộc rất nhiều Lời Chúa. Bởi đó anh em Tin Lành rất hãnh diện khi hỏi Thánh Kinh nơi người Công Giáo vì biết họ biết không trả lời được! Hoặc người Công Giáo rất sợ đối thoại với anh em Tin Lành về Thánh Kinh! Hỏi sự ngu dốt về Thánh Kinh như thế của người Công Giáo, lỗi tại ai? Chỉ bao lâu hàng giáo sĩ trong Hội Thánh làm cho con chiên mình trổi vượt về Lời Chúa hơn các giáo phái Kitô ly khai, thì lúc ấy mới đáp ứng được khát vọng hiệp nhất của Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con, để cho thế gian biết rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,22-23).
* Lần II: Sau khi Đức Giêsu loan báo Ngài bị giết chết bởi tay người đời, thì lộ ra gương mù của các Tông Đồ theo thói người đời không nộp thuế vào Đền Thờ. Dù Đức Giêsu đã giải thích Ngài là Vua, là Chủ Đền Thờ, không phải nộp thuế. Nhưng vì để khỏi gây cớ vấp phạm cho người khác, Ngài bảo ông Phêrô thả câu bắt cá, lấy tiền từ miệng cá nộp phần Thầy trước, nộp phần ông sau (x. Mt 17,22-27). Chính vì vậy mà Giới răn thứ 5, Giới răn mới của Hội Thánh nhắc nhở cho các tín hữu phải có bổn phận đóng góp tiền của cho nhu cầu Hội Thánh, tùy theo khả năng, Đức Tin và lòng Mến (x. Sách Giáo Lý Roma số 2041-2043).
Ngày nay nhìn vào lối sống của nhiều giáo sĩ Công Giáo, nhà các ngài ở rất sang trọng, không thiếu những tiện nghi cao cấp. Thế nhưng các đấng lại tích cực kêu gọi giáo dân đóng góp cho nhu cầu Nhà Thờ, làm nhiều giáo dân nhức nhối đặt câu hỏi: “Tại sao các đấng giàu thế?”
* Lần III: Sau khi Đức Giêsu loan báo Ngài bị lãnh án tử do các thượng tế và ký lục thì lộ ra tội các Tông Đồ trong thời Tân Ước cũng là thượng tế và ký lục (người giỏi Luật) tranh nhau địa vị, quyền lực (x. Mt 20,17t).
Thực vậy, ngày nay nhiều giáo sĩ vẫn đang tranh nhau về quyền chức, về nơi ở có nhiều lợi nhuận! Nếu không phải thế, thì tại sao ngay trong địa phận Saigon nhiều năm nay, đức Hồng y đã ra lệnh cho các Hạt tự chia ranh giới cho thích hợp với Mục Vụ, thế mà nhiều Hạt vẫn không chia được! Có những Linh mục ở nơi “béo bở” cả mấy chục năm chưa đổi đi được, chỉ có Linh mục nào ở nơi ít “lợi nhuận” thì không trụ lâu. Nếu chúng ta nhìn về lịch sử Hội Thánh trong thời Trung cổ có tới ba Giáo hoàng tranh quyền, tranh chức: một ở Roma, một ở Pháp, một ở Bỉ, ông nào cũng tự cho mình mới là Giáo hoàng kế vị thánh Phêrô. Đây là trang sử đen tối nhất của Hội Thánh!
Vậy Tin Mừng Nhất Lãm nhấn mạnh Đức Giêsu bị giết chết: Hai lần do các thượng tế và ký lục (lần I và lần III) vì tự mãn không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên kết án Ngài nói phạm thượng! Nói tắt: Họ dốt nát về Kinh Thánh, nhằm mục đích dẫn người ta tin vào Đức Giêsu để được cứu độ (x. Ga 3,24). Thánh Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Mạc Khải số 25 nhắc lại lời thánh Giêrônimô: “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Lần II Đức Giêsu chết vì do người đời không nộp thuế vào Đền Thờ. Tội này nay ai cũng thấy nổi bật nơi hàng giáo sĩ trong Hội Thánh. Chính vì thế Đức Giêsu không tiếc lời mắng trách và phóng dữ xuống các vị lãnh đạo trong Do Thái giáo (x. Mt 23). Tám lời chúc dữ trong Mt 23 cho các đấng lãnh đạo thời Chúa Giêsu, có phải là tâm hồn của người cha muốn khiển trách đứa con cả, đã làm khổ cha hơn đứa con thứ đi hoang trong Tin Mừng Lc 15,11t hay không?! Trong khi đó Đức Giêsu rất nhẹ nhàng với người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8), cũng như chị Maria Madalena bị bảy quỷ ám, xin theo Chúa để được trừ quỷ, mà Chúa Giêsu chẳng có một lời nào mắng trách chị (x. Lc 8,2).
B. THEO TIN MỪNG CỦA THÁNH GIOAN LẠI NHẤN MẠNH VỀ THẦN TÍNH CỦA ĐỨC GIÊSU ĐÃ CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT:
            * Loan báo Khổ Nạn lần I: “Như ông Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải BỊ GIƯƠNG CAO như vậy, ngõ hầu kẻ nào tin thì nhờ Người mà được sự sống đời đời.” (Ga 3,14-15)
Đức Giêsu “BỊ giương cao” là bởi Satan đã đưa tội đến cho loài người. Nhưng “ở đâu tội lỗi đã làn tràn, thì ân sủng càng chan chứa gấp bội!” (Rm 5,20), để làm cho kẻ có tội tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, thì được sống đời đời.
            * Loan báo Khổ Nạn lần II: “Khi các ngươi NHẮC Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết: Ta Hằng Hữu, và biết tự Ta, Ta không làm gì, nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy” (Ga 8,28)
Người ta nhắc Đức Giêsu lên cao nghĩa là loài người đã cộng tác với Satan để treo Ngài lên thập giá. Nhưng chính lúc ấy họ mới nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Cụ thể ông sĩ quan Roma, khi nhìn Đức Giêsu bị đâm, nước và máu từ tim dốc xuống, ông hô lên: “Đích thực người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15,39).
            * Loan báo Khổ Nạn lần III: “Phần Ta, một khi Ta ĐƯỢC GIƯƠNG CAO khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta!” (Ga 12,32).
Đức Giêsu được giương cao nghĩa là Ngài tự hiến mình vì nhân loại để làm trọn ý Chúa Cha, hầu tập họp nhân loại về cho Thiên Chúa.
Vậy qua ba lần Đức Giêsu loan báo cuộc Khổ Nạn theo Tin Mừng của Gioan, thánh sử muốn minh chứng bất cứ sự dữ nào: Tội lỗi, thần chết hay quyền lực Satan, không thể làm chủ được Đức Giêsu,vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng,biến dữ ra lành, tội ra ơn, chết được trỗi dậy, cho những ai tin vào Ngài! Thánh sử Gioan trong viễn tượng ngày cánh chung, ông nói: “Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta. Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.” (Kh 7,9-10. 14b-17). Bởi vì sự dữ hoàn toàn bị tiêu diệt. Và thánh Gioan cũng nói về ngày cánh chung:Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa(Kh 21,1).”Biển” ở đây ám chỉ về sào huyệt của Satan (x. Mc 5,13).
Kết luận: Qua những lần Đức Giêsu loan báo cuộc Tử Nạn của Ngài theo Tin Mừng Nhất Lãm và Gioan, Đức Giê-su đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói về Ngài: “Chúa cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thực tôi, để lắng nghe như một người môn đệ. Tôi đã không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,4-6: Bài đọc I). Thánh Phaolô ghi lại Đức Giêsu đã thực hiện lời ngôn sứ Isaia nói về Ngài: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vì ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8: Bài đọc II). Nhưng ngôn sứ Isaia còn nói: “Có Thiên Chúa phù trợ tôi, vì thế tôi không hổ thẹn, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,7: Bài đọc I). Thánh Phaolô đã chứng minh Thiên Chúa phù trợ người đau khổ vì: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu (Tung Hô Tin Mừng). Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11: Bài đọc II).
Như vậy, Chúa đã nhận lời người đau khổ kêu van: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Tv 22/21,2: Đáp ca).
Vì nhờ Chúa Giêsu là Thiên Chúa toàn năng, Ngài thể hiện sức mạnh Thiên Chúa tình yêu, chiến thắng tội lỗi người đời, kể cả tội hàng giáo sĩ. Đúng như lời thánh Phaolô xác quyết: “Vì một người duy nhất (Adam), mà tội lỗi đã nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất đã sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị. Như vậy, ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,12. 15. 17. 20).
Tình thương của Chúa mãnh liệt như thế, nên ông Môsê thốt lên: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, và tội ác” (Xh 34,6-7). Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm như thế, nên nói: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà chúng ta được cứu độ” (Ep 2,4-5).
THUỘC LÒNG.
Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. (Rm 6,4).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh