TA LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG
Cuộc sống của tôi là gì nếu mọi ngày
suốt đời tôi chỉ là tìm kiếm những điều sẽ phải chôn lấp dưới đáy huyệt thời
gian?!
Thời Pháp thuộc, có ông Tổng thanh tra giáo dục Đông
Dương đi săn ở Di Linh. Khi đó Di Linh còn là một khu rừng lớn với nhiều thú rừng
như cọp, nai, chồn, mễn… và một ít người thuộc sắc tộc K'Ho.
Ông đến gần làng cùi Di Linh do cha Cassaigne (Sanh)
thành lập mà không biết. Nghe tiếng súng săn nổ, cha Sanh chạy ra gặp ông tổng
thanh tra, và cho ông biết là không ai được lai vãng tại khu vực này. Ông thanh
tra rất khó chịu: “Ông lấy quyền nào mà
ngăn cấm chúng tôi?” Nghe thế, cha Sanh dẫn ông đến làng cùi do ngài coi
sóc.
Vị tổng thanh tra đó vốn có ác cảm với đạo. Tuy được rửa
tội ngày còn nhỏ nhưng ông đã bỏ đạo từ lâu. Vừa thấy những người cùi, ông ghê
sợ bỏ đi, nhưng trong cơn giận ông vẫn nói cho cha Sanh biết là ông có quyền giải
tán làng cùi đó.
Mấy tuần lễ sau, cha Sanh đột nhiên nhận được một bưu kiện
lớn với nhiều thuốc men và dụng cụ y tế, kèm theo một lá thư ký tên vị tổng
thanh tra: “Tôi tặng cha món quà này để
trả lời cho câu hỏi mà những người cùi Di Linh này luôn đặt ra trong tâm trí
tôi.”
Bốn năm sau, ông qua đời tại Nam Vang. Trước đó, ông đã gửi
một bức điện cho cha Sanh (lúc đó ngài làm giám mục Sài Gòn) để xin gặp. Khi nhận
được bức điện, dù lúc đó đã 10 giờ tối, Đức Cha Sanh cũng lên xe đi thẳng một mạch
qua Nam Vang. Tại đó, ngài đã giải tội và ban các phép cho ông trước khi từ giã
cuộc đời.
Câu hỏi mà những người cùi Di Linh luôn đặt ra trong tâm
trí ông không chỉ là câu hỏi về những vui buồn, sướng khổ của đời thường, mà là
câu hỏi về sự sống siêu nhiên, một sự sống vượt trên cuộc sống bình thường này,
một sự sống mà ai cũng thấy là cao quý vì cái giá hy sinh mà cha Sanh và các nữ
tu đã bỏ ra vì nó.
Đó là sự sống bởi tình thương bao la của Chúa: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi,
Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israe.”
Sự sống đó là chia sẻ sự sống của chính Chúa: “Các ngươi sẽ biết Ta là Chúa lúc Ta mở cửa
mồ các ngươi và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta,
và các ngươi sẽ được sống.” (Ed 37,12-14)
Đến đây, chúng ta phải cám ơn cái chết, vì cái chết đã
nói về sự bất lực của chúng ta khi chỉ tìm kiếm hạnh phúc ở đời này, cái chết
cũng nhắc chúng ta về sự sống Chúa đã đặt sẵn trong lòng mỗi người chúng ta, sự
sống mà chính Chúa đã xuống thế làm người để tỏ ra cho chúng ta biết: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm
sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển.” (Ga 11,4)
Khi làm cho Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu muốn nói về sự sống
thần linh, sự sống Ngài mang đến cho nhân loại mà niềm tin là điểm bắt đầu cho
sự sống ấy. Đó là điều Chúa tìm kiếm: “Một
số người Do thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm,
thì đã tin vào Người.”
Vâng, chính niềm tin và chỉ có niềm tin mới có sức mạnh
giải thoát con người khỏi mọi đau khổ. Niềm tin bắt đầu cho một sự sống vượt
qua mọi cái chết. Sự sống đó là điều Mẹ Têrêxa tìm kiếm khi dành cả cuộc đời
chăm sóc cho những thân phận bất hạnh.
Đối với Mẹ Têrêxa, “Sự
nghèo khó cùng cực của nhân loại là không biết Đức Kitô… Người ta đói Thiên
Chúa, người ta đói tình yêu. Chúng ta có nhận thức về điều này không? Chúng ta
có biết, có thấy, có mắt để nhìn đến điều này không? Chúng ta thường nhìn chằm
chằm mà không dừng lại ở một điều gì cả… Dường như chúng ta hiện diện ở đây
không để làm gì hơn là trôi qua thế giới này. Chúng ta phải mở mắt chúng ta ra,
hãy mở mắt chúng ta ra và hãy nhìn.”
Sự sống thần linh là điều thánh Phaolô quan tâm: “Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt
thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng
sống theo tinh thần nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em.” (Rm 3,8-9)
Vâng, cuộc sống của tôi là gì nếu mọi ngày suốt đời tôi chỉ
là tìm kiếm những điều sẽ phải chôn lấp dưới đáy huyệt thời gian?!
Chúa phán: “Hỡi dân
Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi.”
Đâu là câu trả lời của tôi?