Tìm hiểu Lời Chúa _ cnmc 3a

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY

NĂM A
Xh 17,3-7; Rm 5,1-2. 5-8; Ga 4,5-42
BÀI ĐỌC I: Xh 17,3-7
3 Trong sa mạc, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng: "Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không? " 4 Ông Mô-sê kêu lên cùng Đức Chúa: "Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con! "5 Đức Chúa phán với ông Mô-sê: "Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. 6 Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en. 7 Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng: "Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không? "
ĐÁP CA: Tv 94
Đ. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!
Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng
.” (c 7b. 8a)
1 Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, 2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. 7a Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
7b Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!8 Người phán: "Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
BÀI ĐỌC II: Rm 5,1-2. 5-8
1 Thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. 3 Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. 5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. 6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. 7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. 8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. Ga 4,42. 15
Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng cứu độ trần gian, xin ban cho con nước hằng sống, để con không bao giờ khát nữa.
TIN MỪNG: Ga 4,5-42
5 Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống! "8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? " Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10 Đức Giê-su trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”11 Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”13 Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”16 Người bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.”17 Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: "Chị nói: "Tôi không có chồng" là phải,18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”19 Người phụ nữ nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.”21 Đức Giê-su phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.”25 Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.”26 Đức Giê-su nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: "Thầy cần gì vậy? " Hoặc "Thầy nói gì với chị ấy? "28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta:29 "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao? "30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: "Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.”32 Người nói với các ông: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.”33 Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng? "34 Đức Giê-su nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 35 Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. 37 Thật vậy, câu tục ngữ "kẻ này gieo, người kia gặt" quả là đúng!38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”
39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
NƯỚC HẰNG SỐNG
Hội Thánh cho chúng ta chìa khóa mở kho tàng Kinh Thánh để nhận biết ý Chúa: “Giá trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước; giá trị Tân Ước đã tiềm ẩn trong Cựu Ước” (HCMK số 16). Do đó, dân Do Thái xưa bỏ kiếp nô lệ Ai Cập, tiến về đất Chúa hứa, giá trị biến cố ấy được thể hiện trong thời Tân Ước là: Cả nhân loại phải từ bỏ tội lỗi tiến vào Hội Thánh, cũng là tiến vào Thiên Đàng, mới chính là đất chảy sữa và mật (x. Xh 3,8), mà Chúa đã hứa cho cả loài người chứ không chỉ ban riêng dân tộc Do Thái.
Xưa Chúa dùng ông Môsê dẫn dân Do Thái về miền đất Hứa, còn ông thì đã chết dọc đường chưa hoàn tất sứ mệnh Chúa trao (x. Ds 20,12). Điều này tiên báo: Chỉ có Đức Giêsu đích thực là Môsê Mới dẫn dắt mọi kẻ khiêm tốn nhận biết mình bất lực trước sức mạnh của tội đã phạm, nên xin Chúa xót thương, thì được Ngài dẫn đưa vào đất Hứa là Hội Thánh, khởi đi từ việc lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Chính vì vậy mà trong Tin Mừng Gioan không ghi danh sách các môn đệ, vì chỉ có Đức Giêsu mới xứng danh là Tông Đồ, là Mục Tử của Hội Thánh; và khi Đức Giêsu còn tại thế, ông Gioan không ghi Ngài sai môn đệ nào đi rao giảng Tin Mừng, trừ khi Ngài từ cõi chết sống lại, Ngài nói với các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
A. CHÚA CHA SAI THẦY ĐẾN TRẦN GIAN (x. Ga 20,21a). Để:
1- Thực hiện ơn cứu độ phát xuất từ Do Thái (x. Ga 4,22: Tin Mừng).
Như lời ngôn sứ Dacarya đã loan báo: “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giu-đa mà nói: "Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em.” (Dcr 8,23)
Để diễn tả ánh sáng cứu độ phát xuất từ Do Thái tỏa đến muôn dân, thánh sử Gioan đã ghi nhận cuộc truyền giáo của Đức Giêsu:
-          Khởi sự từ Giuđêa (miền Nam nước Do Thái), Ngài giảng suốt đêm cho ông cố đạo Nicôđêmô, mà ông vẫn chưa tin (x. Ga 3).
-          Sau đó, Ngài đến vùng dân lạc giáo Samari (miền Trung nước Do Thái) giảng dạy một lúc lâu cho người phụ nữ ra giếng kín nước, chị tin Ngài là Đấng Kitô, còn dân làng thì tin Ngài là Đấng Cứu Thế (x. Ga 4).
-          Cuối cùng, Ngài về miền dân ngoại Galilê (miền Bắc nước Do Thái) [x. Mt 4,12-15], đột nhiên ông sĩ quan ngoại giáo đon đả đón Ngài, vì đã tin Ngài là Đấng Cứu Thế, nên xin Ngài chỉ phán một Lời đủ cứu sống con ông (x. Ga 4,43t).
Rõ ràng cách ghi nhận của ông Gioan như thế, nhằm cho độc giả nhận ra ánh sáng Tin Mừng càng ngày càng lan tỏa từ Do Thái đến muôn dân, trở thành dấu chỉ ơn cứu độ từ Hội Thánh lan tỏa đến các dân tộc (x. Mt 28,19-20).
2- Chết nhục nhã để đổ tình yêu vào lòng kẻ phản bội.
Thánh Phaolô nói: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5, 7-9: Bài đọc II).
Đặc biệt nhất là nhờ sự chết của Đức Giêsu để thiết lập Di Chúc (Giao Ước Mới) hơn Giao Ước cũ con vật phải chết (x. Dt 9,16). Giao Ước Mới này chính là dòng nước cứu độ tuôn chảy từ Đá Tảng là Đức Kitô bị đập, đây là cái nhìn đối chiếu của thánh Phaolô khi ông đề cập đến việc ông Môsê lấy gập đập vào đá hai lần để có nước trong lành cho dân uống đã khát. Hai lần đập vào đá tảng mới có nước chảy ra đó là hình bóng Đức Giêsu và các Kitô hữu là chi thể của Ngài bị đập, để đem lại sự sống cho thế gian (x. 1Cr 10,4 = Xh 17,3-7 / Ds 20,10-11: Bài đọc I).
Thực ra, Giao Ước Mới Đức Giêsu lập không chỉ ban qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, mà đã được khởi sự ngay khi Ngài đi rao giảng, điển hình như lúc Ngài nói chuyện về “nước hằng sống” với chị xứ Samari, mà thánh sử Gioan ghi nhận “lúc ấy vào giờ thứ sáu”(Ga 4,6: Tin Mừng).”Giờ thứ sáu” là 12 giờ trưa, giờ Đức Giêsu bị lên án tử! (x. Ga 19,14)
3- Thiết lập Phụng Vụ mới.
Chị xứ Samari bắt đầu đối kháng với Đức Giêsu, như lời chị nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Ga 4,9: Tin Mừng). Lý do người Do Thái và dân Samari không thông hiệp với nhau là vì xưa vua Assur đã đưa nhiều người ngoại đến cư trú trong vùng đất này (miền trung nước Do Thái), và du nhập nhiều tà thần vào đây, nên bị người gốc Do Thái khinh thị (x. 2V 17,24t). Mặt khác, khi người Do Thái từ Babylon trở về tái thiết lại đền thờ Giêrusalem, đã bị người Samari ngăn cản, cho nên mối thù hai bên càng sâu đậm hơn nữa. Từ đó dân Samari thờ Chúa ở Garizim để đối lại với người thờ Chúa ở Giêrusalem! Chị nói với Đức Giêsu: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Hái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4,20-23: Tin Mừng).
Lời xác quyết trên đây của Đức Giêsu rõ ràng Ngài muốn nói: không còn thờ Thiên Chúa kiểu dâng chiên cừu sát tế nơi đền thờ, mà thờ Thiên Chúa trong Thần Khí là Lời Chúa (x. Ga 6,63), và trong sự thật chính là Đức Giêsu (x. Ga 14,6). Đó là hai phần chính của Phụng Vụ lễ tế mới (HCPV số 56); mặt khác, Thiên Chúa chỉ muốn ngự nơi đền thờ tâm hồn các Kitô hữu mà thôi, vì đó mới là đền thờ đích thực của Thiên Chúa (x. 1Cr 3,16-17). Do đó, nếu người ta đến đền thờ vật chất để dâng chiên, cừu, bò, lừa mà không dâng “Con Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29), thì Đức Giêsu đòi phá Đền Thờ vật chất ấy đi (x. Ga 2,13t). Nói rõ là mọi kiểu tế tự ngoài Chúa Giêsu Phục Sinh đều bị phế bỏ!
4- Đức Giêsu cưới lấy ai nghe Lời Ngài.
Ngay chương đầu của Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su đã tìm được Hiền thê của Ngài là ông Nathanael người say mê đọc Thánh Kinh (x. Ga 1,45-51), thì câu chuyện “chàng Giêsu và nàng Samari” hàn huyên bên bờ giếng Giacob càng cho phép ta nhớ đến những cuộc tình của các tổ phụ xưa kia như:
-          Ông Giacob với bà Rakel: Ông Giacob lật tảng đá che miệng giếng rồi múc nước cho đoàn chiên của Rakel uống (x. St 29).
-          Ông Môsê với bà Sippôra: Ông Môsê đuổi những người đến cản không cho bà Sippôra lấy nước cho đoàn vật (x. Xh 2,16-22).
Rõ ràng các mối tình tốt đẹp đều khơi nguồn từ bờ giếng khi họ biết giúp đỡ nhau. Như thế Đức Giêsu chính là ông Giacob Mới, vì ông Giacob xưa sinh 12 người con làm nên dân tộc Israel, thì Đức Giêsu chọn 12 môn đệ làm nền tảng xây dựng Hội Thánh; và ông Môsê xưa dẫn dân về đất Chúa hứa, thì nay Đức Giêsu dẫn ta vào Nước Trời.
Thực vậy, khi khai mào Phụng Vụ mới qua Bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu được đính hôn với Đức Giêsu (x. 2Cr 11,2), nghĩa là Ngài muốn khẳng định: Chỉ có Ngài mới là người yêu đích thực của mọi kẻ tin Chúa như ông Giacob, như ông Môsê. Vì thế Ngài nói với chị xứ Samari: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” (Ga 4,17-18: Tin Mừng). Đức Giêsu nhắc đến năm đời chồng trước của chị là Ngài có ý muốn nhắc đến Ngũ Kinh của dân Samari (Sáng thế, Xuất hành, Lê vi, Dân số, Đệ nhị luật), nếu họ chỉ giữ Ngũ Kinh, thì họ vẫn bị tiếng là “Đồ bị ruồng bỏ”, xứ sở họ vẫn mang tiếng là “Phận bạc duyên đơn”, nhưng ai tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế thì được Ngài gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi! " Xứ sở ngươi nức tiếng là "Duyên thắm chỉ hồng.” Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62,4-5).
Một khi đã trở thành Hiền thê của Đức Kitô thì chắc chắn ta sẽ được thăng tiến về đời sống Đức Tin. Thực vậy, ta thấy chị xứ Samari lúc mới gặp Đức Giêsu, chị chỉ nhìn Ngài là một người xa lạ, kẻ đối kháng (x. Ga 4,9: Tin Mừng), nhưng khi Chúa biết rõ đời tư của chị, thì chị nhận ra Ngài là một ngôn sứ (x. Ga 4,19: Tin Mừng), rồi chị chạy về làng báo tin cho mọi người ra gặp Ngài, thì chị lại tuyên bố Ngài là Đấng Kitô (x. Ga 4,29: Tin Mừng). Đặc biệt nhất là khi dân chúng nghe lời chị, họ chạy đến gặp Ngài, lòng họ đầy phấn khởi hân hoan nói: “Không còn phải vì lời kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 42: Tin Mừng).
B. THẦY CŨNG SAI CÁC CON (x. Ga 20,21b).
Để làm tốt mệnh lệnh này, mọi người phải:
1/ Khao khát linh hồn người ta.
Như cơn khát của Đức Giêsu đã bày tỏ với chị xứ Samari (x. Ga 4,7: Tin Mừng), và còn kéo dài mãnh liệt khi Ngài bị giết trên thập giá: “Ta khát!” (x. Ga 19,28). Cơn khát này phải lây lan đến mọi người thuộc về Đức Giêsu. Điển hình như thánh Don Bosco, vị Tông Đồ giới trẻ thường cầu nguyện với Chúa: “Xin Chúa cất hết mọi sự, chỉ cần ban cho con các linh hồn, đó là điều con hằng khao khát”.
2/ Mọi loại người phải lên đường truyền giáo.
Thánh sử Gioan làm nổi bật vai trò phụ nữ tội lỗi cỡ như chị xứ Samari, kẻ bị mang tiếng là lạc đạo, nhưng là người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho người đồng hương (x. Ga 4,28-29); và chị Maria Madala, kẻ bị bảy quỷ ám (x. Lc 8,2), là người đầu tiên Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ (x. Ga 20,17). Thế thì những người bị thế gian kết án là hèn hạ nhất mà Chúa còn dùng, huống chi những người biết Chúa cho mình nhiều ơn hơn thì Chúa không sai họ được sao? Ta cứ nhìn các môn đệ Đức Giêsu chọn, chỉ có ông Phaolô là người trí thức trổi vượt hơn Nhóm Mười Hai, nên ông đã biết dùng ơn Chúa làm vinh hiển Ngài không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x. 2Cr 11,5).
3/ Đi tập họp muôn dân đến dự tiệc Thánh Thể.
Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: “Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ "kẻ này gieo, người kia gặt" quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” (Ga 4,35-38: Tin Mừng).
Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt?”: Người Do Thái gieo giống vào tháng 11 và 12, giữa tháng 4 thì thu hoạch, như thế sau bốn tháng xuống giống có đồng lúa chín. Ta biết tháng 11+12 là mùa Giáng Sinh, tháng 4 là mùa Phục Sinh. Vậy từ Giáng Sinh đến Phục Sinh là thời gian Chúa Giêsu thiết lập Hy Lễ Mới. Đây được gọi là đồng lúa chín vàng do Đức Giêsu và những kẻ theo Ngài đã vất vả gieo hạt Lời và bón tưới bằng chính máu của mình (x. Cl 1,24).
4/ Lấy việc phục vụ Nước Chúa làm no thỏa.
Như Thầy Chí Thánh đang lúc đói khát, Ngài phải xin nước giếng uống, thế nhưng lại mải giảng cho người phụ nữ, nên Ngài không còn để ý đến chuyện ăn uống, thậm chí khi các Tông Đồ mua thức ăn về mời Thầy dùng, Ngài nói: “Thầy có của ăn mà anh em không biết. …Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,31-34: Tin Mừng). Vì thế Đức Giêsu truyền dạy các môn đệ: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,9-10). Lời dạy này Đức Giêsu nhấn mạnh: đừng lo tìm của vật chất nuôi thân xác, một hãy lo “làm theo ý Cha trên trời” giống Thầy, mới là của nuôi vươn đến sự sống sung mãn đời đời.
Trên đây là những điều Giáo Lý mới Đức Giêsu nói với chúng ta, phải thực hiện ngay hôm nay, đó là lý do Hội Thánh muốn ta trong giờ kinh Sáng ta cùng nhau đọc lời kinh: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa; Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng (x. Tv 95/94,7a: Đáp ca). Và cất lời cầu: “Chúa thật là Đấng cứu độ trần gian, xin cho chúng con nước hằng sống, để con không bao giờ khát nữa” (x. Ga 4,42. 15: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Đức Giêsu nói: “Sẽ đến giờ người ta không phải thờ Thiên Chúa trên núi này hay tại Giêrusalem, mà thờ phượng Chúa Cha đích thực trong Thần Khí (Lời Chúa – Ga 6,63) và Sự Thật (Đức Giêsu - Ga 14,6)”. [x. Ga 4,23]
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh