Suy tư tuần thánh _ chứng nhân tình yêu và cây thánh giá gỗ

Chứng Nhân Tình Yêu với
cây Thánh Giá gỗ ẩn giấu trong xà bông
Chỉ có lòng bác ái của người theo đạo Chúa Kitô mới cải hóa được tâm hồn. Không phải vũ khí, không phải sự đe dọa, không phải phương tiện truyền thông.  
Lm. Trần Công Nghị
VATICAN - VietCatholic xin đăng lại bài suy niệm nhân dịp Ðức hồng y Thuận (khi đó còn là Tổng giám mục) giảng phòng cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào ngày 15-3-2000, trước khi Ðức Thánh Cha lên đường đi hành hương Thánh Ðịa. Ðề tài ÐHY Thuận thuyết giảng là về Tình yêu, bản chất của Kitô giáo, với một kinh nghiệm chứng nhân đặc biệt của ngài như sau:
Ðức Giêsu đến gặp kẻ tội lỗi, Ngài tìm đến người đàn bà Samarita bên Jacob, tha tội cho Magdalena và những người đàn bà ngoại tình khác.
Sau khi sống lại, Ðức Giêsu đã hiện ra với các tông đồ và ban cho các ông sự bình an, và không đá động gì tới tội lỗi của các ông.
Trên đỉnh đồi Golgotha, Ngài nói: “Hôm nay các bạn sẽ ở với ta tên Thiên Ðàng”.
Với Zacchaeô, Ngài cũng nói “Hôm nay sự cứu rỗi sẽ tới nhà ông”.
Tình yêu mà Ðức Giêsu đã gieo trong lòng chúng ta đạt chúng ta vào chính trái tim của Chúa Cha, trong trái tim của Ðấng đã vì yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một của Người … ngõ hầu thế gian được cứu chữa bời Người”.
Niềm vui mà tình yêu này ban phát được diễn tả cách tuyệt vời trong bài ca ‘Exultet’ mà người Kitô hữu nghe trong Ðêm Vọng Phục Sinh ‘Ôi bao la lòng yêu thương của Người đối cới chúng con! Ôi sự tốt lành không sao ví được: Cha đã hy sinh Con để cứu chuộc kẻ nô lệ!… Những người con trong Người Con, Ðấng ban phát chính mình hoàn toàn; vì món quà cứu độ, toàn thế giới hân hoan hát mừng”.
Như một người lữ hành thần thánh, Ðức Giêsu đã trồng cấy trong trái tim chúng ta nghệ thuật tình yêu. Khi nó trổ bông, người ta sẽ thấy được mùi thơm ngát của Tin Mừng.
Tôi hồi tưởng lại một vài kỷ niệm đáng nhớ trong đời tôi. Tôi bị ở tù 13 năm, trong đó hết 9 năm bị biệt giam. Khi mà tôi bị biệt giam, tôi đươc trao cho một nhóm lính canh gồm 5 người, cứ hai người họ lần lượt thay phiên canh giữ tôi luôn luôn. Cấp trên của nói với họ rằng: ‘Cứ hai tuần chúng tôi sẽ thay các anh bằng nhóm canh khác để các anh “không bị nhiễm độc” bởi ông giám mục nguy hiểm này. Nhưng sau một thời gian, họ quyết định rằng thôi không thay lính gác nữa kẻo ông giám mục nguy hiểm này nhiễm độc tất cả lính gác thì nguy to!.
Nhưng tôi biết dù sao đi nữa, họ cũng là những người anh em của tôi và tôi phải tử tế với họ. Tôi không có gì để biếu tặng, vì là người tù, tôi không có gì cả, không có gì để có thể làm cho họ vui lòng. Làm sao đây? Một đêm nọ, một ý tưởng đến với tôi. ”Con vẫn còn rất giàu có. Con có tình yêu của Chúa Kitô trong lòng con. Con hãy yêu họ như Chúa Giêsu yêu con vậy”.
Ngày hôm sau tôi liền thi hành dự định, trước tiên bằng cách tỏ ra vui vẻ và mỉm cười. Tôi bắt đầu kể về các cuộc hành trình của tôi ở các nước người ta sống trong tự do và vui hưởng nền văn hóa cũng như những tiến bộ kỹ thuật của họ. Ðiều đó đã kích thích sự tò mò của họ và họ đã hỏi rất nhiều câu hỏi. Từ từ, rất từ từ, chúng tôi đã trở thành những người bạn. Họ muốn học những ngôn ngữ ngoại quốc. Các người canh giữ tôi đã trở thành môn đệ của tôí! Không khí của nhà tù thay đổi rất nhiều. Tính chất mối giao thiệp khả quan hơn trước.
Trong lúc đó, tại một địa điểm khác, một nhóm 20 người đang học tiếng La-tinh để có thể đọc được những tài liệu của Gíao Hội. Giáo viên của họ là một người đã từng dạy giáo lý trước kia. Một trong những người canh gác tôi một ngày nọ dự lớp dạy tiếng La-tinh, và hỏi tôi có thể dạy cho anh ta hát tiếng Latin không.
Tôi trả lời: “Có nhiều bài quá đi, và tất cả đều hay”.
Anh ta đáp: “Ông cứ hát đi và tôi sẽ chọn.”
Và tôi đã hát các bài Salve Regina, Salve Mater, Lauda Sion, Veni Creator, Ave Maria Stella – Các bạn sẽ không bao giờ đoán được bài anh ta đã chọn, bài Veni Creator!
Tôi không thể diễn tả ra được hết sự súc động của tôi khi ở trong một nhà tù cộng sản mà lại nghe chính người lính canh giữ mình hát bài Veni Creator vào lúc 7 giờ sáng mỗi ngày trên đường ra sân tập thể dục.
Tôi sẽ chỉ nói một ngôn ngữ: Bác Ái.
Một buổi chiều, trong khi tôi ở tù tại Vinh-Quang, Thượng du Bắc Việt, tôi vào rừng đốn củi. Tôi hỏi người lính canh gác luôn túc trực bên mình, lúc ấy đã trở thành người bạn của tôi là tôi có thể nhờ anh ta một việc không.
“Việc gì đó? Tôi sẽ giúp ông”.
“Tôi muốn cưa một khúc gỗ nhỏ để làm thành một thập gía.”
“Ông không biết là luật cấm ngặt không được mang một dấu hiệu tôn giáo nào hay sao?”
“Tôi hứa là tôi sẽ dấu kín.”
“Nhưng điều này rất nguy hiểm cho cả đôi ta.”
”Hãy nhắm mắt lại đi, tôi làm ngay bây giờ và sẽ rất thận trọng.”
Anh ta quay lưng lại và để tôi yên một mình. Tôi cưa một cây thánh gía nhỏ và sau đó dấu vào một miếng xà phòng được nấu chảy. Tôi giữ lấy kỹ càng và cho lắp vào một miếng kim loại và đã đeo thánh gía vào ngực.
Trong một nhà tù khác tại Hà nội, tôi đã trở thành bạn của người canh gác tôi và tôi đã xin được một sợi dây sắt. Anh ta kinh ngạc và bảo rằng: “Khi tôi học ở trường Ðại Học Công An, người ta nói rằng khi một người nào đó muốn có một sợi dây điện, nghĩa là họ có ý định tự sát!” Tôi giải thích cho anh ta biết là người Công Giáo, hơn nữa là các bậc tu hành không bao giờ tự tử. Như vậy, ông muốn làm gì với sợi dây điện? anh ta hỏi lại.
“Tôi cần một sợi dây để đeo thánh gía của tôi.”
“Nhưng làm thế nào ông biến sợi dây điện ra thành dây đeo?”
“Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh.”
“Nguy hiểm quá!”
“Nhưng chúng ta là bạn kia mà!”
Anh ta do dự và sau cùng bảo, “Khó mà từ chối ông quá. Tối này vào lúc 7 giờ, chúng ta sẽ thi hành. Nhưng chúng ta phải làm xong trước 11 giờ. Tôi sẽ cho người bạn đồng gác với tôi nghỉ tối nay. Nếu anh ta biết được, anh ta sẽ tố cáo cả hai chúng ta”.
Tối hôm đó, với các dụng cụ anh ta mang lại, chúng tôi đã cùng nhau cắt và dũa sợi dây đeo của tôi và đã làm xong trước 11 giờ khuya!
Thánh gía và dây chuyền đó không chỉ là kỷ niệm thời gian bị giam cầm mà thôi, mặc dầu chúng rất quý báu; nhưng chúng còn là sự nhắc nhở thường xuyên cho thấy chỉ có lòng bác ái của người theo đạo Chúa Kitô mới cải hóa được tâm hồn. Không phải vũ khí, không phải sự đe dọa, không phải phương tiện truyền thông. Các người lính canh gác tôi không làm sao hiểu nổi khi tôi nói về yêu thương những kẻ thù của mình, giảng hòa, tha thứ.
“Ông thật sự thương chúng tôi sao?”
“Phải, tôi thật sự thương các anh.”
“Ngay cả lúc chúng tôi làm cho ông đau đớn? Lúc ông đau khổ vì bị giam tù mà không được xử án?”
“Hãy nhìn những năm tháng dài chúng ta ở bên nhau. Lẽ dĩ nhiên là tôi thương các anh!”
“Khi ông ra khỏi đây, ông có nói cho những người của ông đến tìm chúng tôi, đánh đập chúng tôi và hãm hại gia đình chúng tôi không?”
“Tôi vẫn tiếp tục thương mến anh cho dù anh có muốn giết tôi đi nữa.”
“Nhưng tại sao?”
“Bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng tôi phải luôn thương yêu nhau, bằng không chúng tôi không xứng với danh nghĩa là người Công Giáo.”
Tôi không đủ thì giờ để kể tất cả những mẫu chuyện cảm động chúng tỏ sức mạnh phóng thích do tình yêu Chúa Giêsu mang đến.
Các con mang một đồng phục và nói một ngôn ngữ – Bác Ái. “Bác Ái là chứng tích để biết các con là môn đệ Chúa” (Gioan 10:10).
Ðó là dấu hiệu giá rẻ mà khó kiếm nhất. Bác Ái là sinh ngữ số một mà Thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và các thiên thần” (1 Cor 13:1) (ÐHV 984).
(Bài này đã được đăng trên VietCatholic vào ngày 20.3.2002)
LM Trần Công Nghị