Tìm hiểu Lời Chúa _ lễ Truyền Tin


NGÀY 25 THÁNG 3
LỄ TRUYỀN TIN
(Lễ Trọng)
Is 7,10-14; 8,10; Dt 10,4-10; Lc 1,26-38
BÀI ĐỌC I: Is 7,10-14; 8,10
7 10 Khi ấy, Đức Chúa sai ngôn sứ I-sai-a nói với vua A-khát rằng: 11 "Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” 12 Vua A-khát trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.” 13 Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? 14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en,8 10 nghĩa là Thiên- Chúa- ở- cùng- chúng ta.”
ĐÁP CA: Tv 39
Đ. Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài. (x. c 8a. 9a)
7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, 8a con liền thưa: "Này con xin đến!
8b Trong sách có lời chép về con 9 rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.”
10 Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
11 Đức công chính của Ngài, con chẳng giữ riêng lòng mình biết; nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài, chẳng giấu giếm chi cùng đại hội rằng Ngài thành tín và yêu thương.
BÀI ĐỌC II: Dt 10,4-10
4 Thưa anh em, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. 5 Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. 7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.
8 Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. 9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 1,14ab
Hall – Hall: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người. Hall.
TIN MỪNG: Lc 1,26-38
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ƠN THIÊN TRIỆU CỦA ĐỨC MARIA
Dựa vào ý nghĩa Phụng Vụ của ngày Lễ Truyền Tin và dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ, chúng ta rút ra được bốn bài giáo lý sau:
-              Đức Giêsu có bản tính loài người.
-              Đức Giêsu là quà tặng của Chúa Cha ban nhưng không cho loài người qua Mẹ Maria.
-              Mẹ Maria cộng tác với Chúa Giêsu trong việc thực thi ý Chúa Cha.
-              Mẹ Maria – Eva Mới – đưa Quả trường sinh cho người Công Giáo thuộc dòng giống Adam cuối cùng.

I/ ĐỨC GIÊSU CÓ BẢN TÍNH LOÀI NGƯỜI.
Từ ngày lễ 25-3, Hội Thánh kính biến cố sứ thần Chúa đến Truyền Tin cho Đức Maria được thụ thai Con Thiên Chúa cho tới ngày ngày 25 tháng 12, lễ Chúa Giáng Sinh là đúng chín tháng. Điều này chứng tỏ Đức Giêsu có bản tính nhân loại, vì Ngài lọt lòng mẹ một cách bình thường. Muốn cứu ai tận tình và đạt hiệu quả cao, thì người ra tay cứu giúp phải có hai điều kiện: Sống một hoàn cảnh giống như người ta, và có khả năng vượt trên người ta. Ví dụ: Tôi muốn cảm nghiệm được cảnh nghèo khó của những người Phi Châu, thì tôi phải sống chung với họ. Tôi muốn giúp họ, tôi phải có nhiều điều kiện hơn họ. Bởi thế, Đức Giêsu giống loài người mọi đàng,ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 7,26), đồng thời Ngài lại có bản tính Thiên Chúa toàn năng, giàu lòng nhân ái. Như thế, chỉ có Ngài cứu giúp loài người cả hồn lẫn xác, để được sống hạnh phúc như Ngài (x. Dt 2,18; 5, 8-9).
II/ ĐỨC GIÊSU LÀ QUÀ TẶNG CHÚA CHA BAN NHƯNG KHÔNG CHO LOÀI NGƯỜI QUA MẸ MARIA.
Để nhận ra chân lý này, ta hãy tìm hiểu lời ngôn sứ Isaia (7,10-14; 8,10: Bài đọc I): Ông Teglat Phalasar III là vua của đế quốc Assur, triều đại từ năm 745 – 727 trước Công nguyên, ông này có tham vọng chiếm các miền Syria, Palestin, thế nên vào năm -740, ông bắt đầu chiếm miền bắc Syria, và vào năm – 738 sau khi hạ được Đamakus, ông chiếm trọn miền Syria. Đến năm – 734, ông tiến quân đến Gora, vua thành Gora là Hanun phải bỏ thành mà trốn sang Ai-cập. Teglat Phalasar thành công: tất cả những nước nhỏ trên giải đất Syria - Palestin đều nằm dưới quyền của ông. Ông đã tách chúng ra khỏi ảnh hưởng của Ai Cập, và bắt tất cả các nước chư hầu phải nộp thuế cho ông.
Vào năm -733, hai nước chư hầu là Syria và Israel liên kết với nhau để lật đổ ách thống trị của vua Assur, hai nước này rủ vua Akhaz nước Giuda thành một khối đồng minh. Nhưng vua Akhaz muốn chơi mảnh, ông từ chối sự liên minh này, để bợ đỡ Teglat Phanasar: xưng tụng vua này là cha của mình. Trước khi Syria và Israel tiến đánh Assur, thì hai nước này họp lại trừng phạt Giuđa, muốn tiêu diệt dòng Đavid, để thay một vua khác gốc người Aram (x. Is 7,6).
Trong sách Các Vua quyển thứ II (16,5t) còn thuật lại rõ hoàn cảnh này: Syria và Israel bao vây Giêrusalem, vua Akhaz sai xứ đến với Teglat Phalasar mà tâu rằng: “Tôi là nô bộc, là con của ngài. Xin ngài lên cứu tôi khỏi bàn tay vua Aram và Israel, vì họ đang dấy lên đánh tôi” (2V 16,7). Teglat Phalasar đưa quân đến giải vây cho Giêrusalem.
Thế là thành Giêrusalem lại bị quân của Teglat Phalasar bao vây, nhà Đavid bị khủng hoảng, dân mất niềm tin vào Akhaz, vì vua không tin vào Thiên Chúa che chở, lại tin tưởng vào thế lực của người đời, đã xin Teglat Phalasar ra tay che chở, trong khi ông này đang bắt dân Giuđa nộp thuế. Như thế vua Akhaz vô tình tạo thêm hai kẻ thù là Syria và Israel, vì nếu ông liên kết với hai nước này thành một khối, thì ông chỉ có một kẻ thù là Teglat Phalasar. Trong tình thế bế tắc như vậy, vua Akhaz bèn đi coi bói và thiêu sống con để tế thần theo lời thầy tướng số dạy để cầu may. Tội ác ấy khiến ngôn sứ Isaia lên tiếng khiển trách: “Ông làm phiền lòng người ta chưa đủ lại còn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa ư?”
-              Làm phiền lòng người ta”: Tức là vua Akhaz đã không liên minh với Syria và Israel, lại đi cầu cứu với vua Teglat Phalasar đang thống trị nước Giuđa. Ông là vua dẫn dắt dân tôn thờ Thiên Chúa mà lại đi coi bói, làm theo lời thầy tướng số. Hành động đó quả là gương mù đối với dân, ông đã tự làm mất uy tín của mình đối với dân.
-              Làm phiền lòng Thiên Chúa”: Vì vua Do Thái là con Thiên Chúa, như Chúa đã nói với vua trong ngày ông được xức dầu tấn phong: “Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7), thế mà ông lại xưng con với vua ngoại giáo! Thay vì ông cầu khẩn với Thiên Chúa là Cha của mình, thì ông lại dựa vào thế lực của người đời, nhất là hành động mê tín của ông đã xúc phạm đến Giới Răn I là tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, đồng thời ông cũng xúc phạm đến Giới Răn V là thiêu sống con trai mình (x. 2V 16,2-3).
Vua Akhaz trong tình trạng tội lỗi nặng nề đến thế, ngôn sứ Isaia vẫn động viên ông hãy cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài ban cho một dấu đến cứu dân tộc ông. Ông thưa lại: “Tôi không xin Thiên Chúa, vì tôi không dám thử thách Ngài” (Is 7,12: Bài đọc). Thế mà Chúa vẫn ban cho ông một dấu, như ngôn sứ Isaia nói: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh con trai và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14: Bài đọc). Thiên Chúa ở cùng ai thì phần chiến thắng luôn luôn thuộc về người ấy, nên không còn khiếp sợ!
Vậy Đấng Emmanuel Thiên Chúa tặng ban cho loài người để cứu những ai tin vào Ngài là Thiên Chúa cứu độ duy nhất (x. Cv 4,12), thì được Ngài giải thoát khỏi tay Satan, đánh gục tử thần. Đây là ơn huệ Thiên Chúa ban nhưng không, tức là ơn không do công đức của bất cứ ai, cũng như không ai xin Chúa. Cụ thể như vua Akhaz quá tội lỗi, ông không dám xin Chúa một dấu nào để cứu dân tộc ông đang lâm cảnh bĩ cực, mà Chúa vẫn hứa ban Đấng Mêsia để cứu dòng giống vua Đavid mà Chúa đã hứa: vương quyền của vua này không bao giờ bị mất, hầu cứu dân Do Thái thoát ba thù: đế quốc Assur, nước Syria và nước Israel; Cũng thế không vì lời cầu xin của Đức Maria mà Chúa lại ban Đấng Emmanuel là Con Một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, giàu lòng nhân ái, cũng là Con của Đức Maria đến cứu ta thoát ba thù: xác thịt, thế gian, ma quỷ, hầu ta được sống dồi dào hạnh phúc như Thiên Chúa trong thế giới Phục Sinh (x. 1Ga 3,2).
Tại sao Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông Giuse và bà Maria đặt tên cho con trẻ là Giêsu (x. Mt 1,21; Lc 1,31), mà ngôn sứ Isaia lại nói tên của Ngài là Emmanuel? Emmanuel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng loài người, đó mới là lý do loài người được Thiên Chúa cứu độ, vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta (Emmanuel), chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1,14ab: Tung Hô Tin Mừng), như thế danh Emmanuel nhấn mạnh về mầu nhiệm nhập thể mới thực là mầu nhiệm cứu độ. Thực vậy, nếu Con Thiên Chúa không sống trong ta và ta không được kết hợp với Ngài, thì sự chết của Đức Giêsu chỉ mang tính pháp lý, con người vẫn chưa được cứu độ. Thí dụ: Người cha yêu con hết lòng, con muốn gì cha cũng cho với mục đích là tạo điều kiện cho con ăn học thành tài. Thế nhưng người con đã lạm dụng ơn cha ban mà lao đầu vào con đường trụy lạc, trộm cắp, giết người, hậu quả là đứa con bị pháp luật lên án tử! Nếu người cha không thương con hết lòng, chắc chắn ông nói: “Mặc nó, tôi đã hết lòng thương lo cho nó, nó không làm theo ý tôi, bây giờ nó phải chết, thì lỗi tại nó chứ không tại tôi”. Nhưng nếu người cha luôn thương con, thì ông phải tìm mọi cách để cứu con, nếu cần ông đứng ra nhận tội trước tòa nói: “Con dại cái mang, tôi xin chết thay cho con tôi”. Nếu đứa con được tha mạng nhờ cái chết của người cha, mà nó lại không sống như lời người cha đã dạy, cứ tiếp tục trở lại con đường cũ, chắc chắn nó phải chết! Và cái chết của cha nó đã trở thành vô ích!
Vậy người cha chết thay cho con, đó là tình yêu mãnh liệt thúc bách con phải sống như cha đã sống, lúc đó cái chết của người cha mới thực sự là cứu đứa con hư.
III/ MẸ MARIA CỘNG TÁC VỚI CHÚA GIÊSU, CON MẸ, TRONG VIỆC THỰC THI Ý CHA.
Thuở xưa sự chết độp nhập vào thế gian, khởi đi từ bà Eva không vâng Lời Thiên Chúa, mà làm theo ý ma quỷ xúi giục; trái lại, Đức Maria là Eva mới, Mẹ hoàn toàn vâng theo ý Chúa:
1.           Mẹ Maria tin tưởng quyền năng của Lời Chúa làm cho Mẹ những điều cao cả. Vì thế khi sứ thần cho Mẹ biết: “Bà sinh Con Thiên Chúa”, và sau khi sứ thần đã giải thích: Thiên Chúa toàn năng, Ngài làm được mọi sự vượt trí hiểu con người. Thế là Mẹ thưa ngay: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin Chúa làm cho tôi điều Chúa nói” (Lc 1,38). Bởi vì Mẹ tin rằng Lời Chúa phát sinh sự sống một cách khách quan ngoài ý muốn của con người. chân lý này còn hơn nước mưa thấm vào lòng đất làm cho hạt giống nảy mầm… (x. Is 55,10-11).
2.           Mẹ Maria chịu khổ vì Lời Chúa để cộng tác với Con Mẹ. Tiếng xin vâng của Mẹ không dừng lại trên môi miệng,nhưng tấm lòng tùng phục Thánh ý Chúa, Mẹ phải trả bằng giá máu như đông lại trong tim Mẹ. Truyền thống Hội Thánh thường gọi là “Bảy Sự Đau Khổ Của Đức Mẹ”:       
a-          Mẹ đau khổ vì người chồng là ông Giuse biết Mẹ có thai, nên ông có ý định ly dị một cách âm thầm (x. Mt 1,19).
b-          Ngày sinh Con Thiên Chúa, Mẹ không tìm được nhà nào xứng đáng, vì mọi nhà trong thành Bêlem nhìn thấy Mẹ sắp đến ngày sinh, đều từ chối: “Không có chỗ cho ông bà” (x. Lc 2,7).
c-          Mẹ vừa mới sinh Con còn thơ dại bồng trên tay, thì nghe tin vua Hêrôđê lùng giết, do đó giữa đêm khuya Mẹ âm thầm bồng Con theo thánh Giuse trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13t).
d-          Ngày Mẹ dâng Con vào Đền Thờ, ông Simêon nói tiên tri về Hài Nhi: “Con trẻ này làm cớ cho người ta chống đối, có người chỗi dậy, có kẻ bổ nhào, và một lưỡi gươm đâm thấu lòng bà” (Lc 2,22t).
e-          Mẹ dẫn Con lên Đền Thờ, nhưng sau buổi lễ Con trốn cha mẹ ở lại, làm cho cha mẹ đau khổ ba ngày đi tìm Con (x. Lc 2,42t).
f-           Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trên đồi Sọ Mẹ đứng nhìn Con chết cách tức tưởi đau thương (x. Ga 19,25t). Đứng dưới chân thập giá Mẹ nhớ lại những Lời Thiên Chúa hứa trong ngày Truyền Tin: “Con bà là Con Đấng Tối Cao, bà là người có phúc hơn mọi người phụ nữ, Con bà làm Vua triều đại vô cùng tận” (x. Lc 1,26t), nay vọng lại nơi đồi Sọ, Mẹ thấy mọi sự đều trái ngược,dù Mẹ vẫn tin Thiên Chúa toàn năng và yêu thương, thành tín, nhưng xem ra Thiên Chúa đã tráo đổi Giêsu Con thật của Mẹ mà nhận lấy Gioan, một phàm nhân làm con (x. Ga 19,26). Như vậy Chúa xử xem ra thua vua Salômôn xử kiện: Hai bà tranh nhau một trẻ thơ sống, không bà nào chịu nhận đứa chết là con của mình. Vua Salômôn xử kiện cuối cùng đứa con sống vẫn thuộc về người mẹ thật của nó! (x. 1V 3,16-28).
g-          Con Mẹ đã sống lại thật, thế mà những chú lính tham tiền đã nói gian dối: “Đang lúc chúng tôi ngủ, môn đệ của ông Giêsu đến trộm xác” (x. Mt 28,11t). Vậy chỉ vì tiền mà môn đệ Giuđa bán Thầy, và cũng chỉ vì tiền mà loài người chối bỏ Con Mẹ đã sống lại để cứu chuộc họ!
IV. MẸ MARIA – EVA MỚI – ĐƯA QUẢ TRƯỜNG SINH CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO THUỘC DÒNG GIỐNG ADAM CUỐI CÙNG.
Khát vọng con người được giống Thiên Chúa là điều tốt Chúa đã phú bẩm, nhưng không phải do vật chất làm thỏa mãn khát vọng ấy, mà là chính nhờ tin và tuân giữ Lời Chúa. Thế mà Eva đã đưa quả cấm cho Adam người yêu ăn, làm cho cả dòng giống phải chết! (x. St 3) Trái lại, Đức Maria (Eva mới) đã đưa Quả Trường Sinh là Con Lòng Bà cho chúng ta là dòng giống Adam cuối cùng ăn, thì được sống hạnh phúc trong Thiên Chúa (x. Lc 1,42; Ga 6,57; Gl 2,20).
 Chính vì vậy mà danh hiệu Mẹ Maria được gọi là “Trạng Sư, Vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian”. Gọi tắt là “Mẹ Hằng Cứu Giúp” (x. HCHT số 61). Thực ra, chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1Tm 2, 5-6), nhưng vì danh hiệu Mẹ là “Mẹ Hằng Cứu Giúp”, nghĩa là Mẹ đã nối dài và mở rộng công cuộc cứu độ của Con Mẹ đã thực hiện. Sự trung gian của Đức Maria được ví như “chất keo tiết ra từ Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu để dính các phần tử trong Hội Thánh là Thân Mình mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh”. Nói cách khác, “vì thân xác Chúa Giêsu và thân xác Đức Maria là một. Do đó các chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô đều được gọi là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, vì cùng mở rộng và nối dài ơn cứu độ từ Đấng Trung Gian duy nhất là Chúa Giê-su” (x. Hiến Chế Hội Thánh số 60-62).
Xưa kia, nhờ tổ phụ Abraham vâng lệnh Chúa, dòng giống ông cũng là trung gian ban phát ơn Chúa cho muôn dân, như Lời Chúa nói với ông Abraham: “Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau, vì ngươi đã vâng giữ Lời Ta” (St 22,18). Vì Mẹ Maria cũng được tham dự vào chức Tư Tế của Đức Giêsu, nên cùng đồng tế với Con của Mẹ nơi đồi Sọ, vì thế tác giả thư Do Thái nói: “Hy sinh và lễ vật Người đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn tạo nên thân xác cho con, các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người chẳng đoái. Bây giờ con nói: này con đến – trong Cuốn Sách đã viết về con – để thi thành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa. Như vậy Người đã loại bỏ điều trước mà thiết lập điều sau. Chính trong ý muốn ấy mà ta đã được tác thánh, nhờ việc Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng mình Ngài duy chỉ một lần” (Dt 10,4-10: Bài đọc II và Tv 40/39,9a: Đáp ca).
Vậy vai trò của Mẹ Maria trong công cuộc cứu chuộc loài người của Con Thiên Chúa thực hiện vô cùng quan trọng. Thánh Công Đồng Vat. II nói: “Chính Ngài nhờ vâng phục đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại; nút dây đã thắt lại do sự bất tuân của Eva, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà bà Eva đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin, và so sánh với Eva, Đức Maria xứng đáng là Mẹ của kẻ sống. Bởi bà Eva đã có sự chết thì nhờ Maria lại được sống” (Hiến Chế Hội Thánh số 56).
THUỘC LÒNG
Nút dây đã thắt lại do sự bất tuân của Eva, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria (Hiến Chế Hội Thánh số 56).
Mẹ Maria chỉ nói với loài người một lời: “Đức Giêsu bảo gì, các con hãy làm theo”(Ga 2,5)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH