Tin vào Chúa, tin vào
lời của Ngài, tin vào những màu nhiệm trong đạo quả là cần thiết những con
người tầm thường thành phi thường.
Trong cuộc đời công
khai Chúa, trước khi thực hiện một số phép lạ, (như cho Lazarô sống lại), hoặc
sau khi đã thực hiện phép lại cho một người nào (như chữa người mù từ lúc mới
sinh ta vừa nghe) Chúa thường nhắc tới lòng tin. Thí dụ với người mù từ lúc mới
sinh, Chúa hỏi: “Con có tin con Thiên
Chúa không?” Sở dĩ Ngài luôn luôn nhắc tới lòng tin, là vì tin vào Chúa,
tin vào lời của Ngài, tin vào những màu nhiệm trong đạo quả là cần thiết những
con người tầm thường thành phi thường, biến họ thành những vị thánh để Giáo Hội
tôn kính, noi gương, và để Giáo Hội cần xin sự giúp đỡ bảo trợ của các ngài nơi
tòa Chúa.
Khi thánh Borie Cao bị
bắt, các tín hữu sợ liên lụy nên làm ngơ như không quen biết. Nhưng thầy Phêrô
Nguyễn Khắc Tự (tử đạo ngày 10.7.1840, 32 tuổi) lẽo đẽo đi theo đám lính, vừa
khóc, vừa xin theo. Thầy ước ao được phúc tử đạo, vì thầy mạnh mẽ tin vào phần
thưởng Chúa hứa ban cho những ai cam đảm xưng danh thánh Chúa. Quân lính thấy
thế sinh nghi, bắt thầy đưa đến trước mặt thánh Cao. Cha Cao không muốn bị thầy
liên lụy, giả bộ không biết người thanh niên này là ai, còn bỏ tiền ra để chuộc
tự do lại cho anh ta. Nhưng thầy Tự đã quyết định hy sinh vì Chúa. Thầy xác
định mình là môn đệ của người bị bắt, còn năn nỉ với cha Cao: “Xin cha cho con theo cha đến cùng.” Trước
khí thế anh hùng, vị linh mục xúc động, tháo chiếc khăn quàng, xé làm hai, trao
một phần cho người môn đệ, cũng là cộng sự viên đắc lực nhiều năm qua, và nói: “Cầm lấy, con hãy giữ lấy miếng vải làm bằng
chứng cho lời con đã hứa.”
Và thầy đã giữ miếng
vải ấy cho đến ngày Thầy tử đạo. Thầy bị giam với cha Cao gần 4 tháng.
Nguyễn Khắc Tự sinh
năm 1808 tại thị xã Ninh Bình. Từ nhỏ Tự đã vào tu, rồi trở thành
thầy giảng theo giúp cha già Quế. Khi cha già qua đời, thầy được sai
đến giúp linh mục Borie Cao. Trong 4 năm giúp cha Cao, thầy tỏ ra rất
nhiệt tình, tận tụy, hiền lành.
Sau khi áp giải cha
Cao và thầy Tự từ Bố Chánh về thị trấn Đồng Hới, quan cho nhốt
riêng hai người. Nhiều lần hai cha con cùng với hai linh mục Vũ Đình
Khoa, Nguyễn Thời Điểm và trùm họ Nguyễn Hữu Quỳnh bị đưa ra tra
khảo chung. Lần đầu tiên thầy Tự bị đánh đòn 20 roi vì không chịu
khóa quá. Hôm sau quan cho điệu riêng thầy ra tra hỏi: “Anh gặp đạo trưởng đã lâu chưa?”
Thầy đáp: “Được 4 năm.” Quan hỏi
tiếp: “Vậy anh gặp đạo trưởng ở đâu?”
Để tránh liên lụy tới mọi người, thầy Tự nói: “Tôi gặp cha ở trên thuyền, và rồi chúng tôi ở chung với nhau.”
Quan tức giận quát lên: “Nói láo, thằng
này khai man. Lính đâu cho nó 30 roi.” Thầy Tự nhẫn nhục chịu đòn,
không hề kêu một lời.
Những cuộc tra
khảo, đòn vọt và ép buộc khóa quá như thế cứ tái diễn nhiều lần
trong 4 tháng. Một hôm để ép buộc Cha cao khai những nhà đã cho trú
ẩn, quan lôi thầy ra đánh trước mặt mọi người. Vị linh mục đã lanh
trí khai tên những người đã chết, để thầy bớt bị đòn. Thầy Tự luôn
tỏ ra là một chứng nhân trung kiên, thầy còn khuyên nhủ các tín hữu
đến thăm chấp nhận Thánh Ý Chúa, vững tâm giữ đạo và cầu nguyện cho
nhau sống mạnh mẽ Đức Tin và cam đảm. Thầy vận dụng hoàn cảnh để
dạy giáo lý và giảng Tin Mừng cho các bạn tù và lính canh, hai lần,
cha Ngôn đã khéo léo cải trang vào ngục thăm viếng và cho thầy rước
lễ.
Ngày 24. 11. 1838, Đức
Cha Borie Cao cùng hai cha Điểm và Khoa nhận được bản án tử hình và bị điệu đi
xử. Cũng trong bản án đó, thầy Tự và một tù nhân khác, ông Antôn Quỳnh được vua
Minh Mạng phê: “Tuy không phải là đạo
trưởng, nhưng mù quáng, cố chấp không kém, nên cũng thuộc vào số những kẻ đáng
ghét bỏ. Do đó, cả hai bị kết án xử giảo, nhưng chư xử ngay.”
Vua Minh Mạng chấp
thuận cho quan tỉnh Quảng Bình xử giảo Thầy Tự và ông Quỳnh ngày 10.7.1840. Một
trăm lính dẫn Thầy Tự và Ông Quỳnh ra pháp trường. Đến nơi, hai vị hỏi chỗ xử Đức
Cha Cao và hai linh mục Khoa và Điểm năm trước, rồi dừng lại đúng chỗ đó mà cầu
nguyện: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa cho
chúng con được ơn phúc như các ngài…”
Thầy Tự và Ông Quỳnh
cùng nằm xuống, lính tròng giây qua cổ hai vị, xiết chặt hai đầu giây. Thi hài
hai đấng Tử đạo được đưa về Nghệ An chôn cất.
Trước và sau khi bị
bắt vì đạo, cha Đaminh Xuyên (tử đạo ngày 26. 11. 1839, 53 tuổi) thường lặp đi
lặp lại: “Người khôn ngoan giàu đức Tin
và mạnh mẽ trong Đức cậy thì không sợ gươm đao.”
Khi bắt được cha
Xuyên, và biết cha giữ chức quản lý của tòa giám mục, các quan không những bắt
cha bỏ đạo, mà còn đòi cha khai báo tài sản của địa phận. Để tra khảo, quan cho
dùng mọi thứ hình, roi, đòn, kìm kẹp, sắt nung đỏ. Nhưng cha chỉ ngửa mặt lên
trời kêu: “Giêsu, Maria, Lạy Chúa xin
thương xót con”… Các thứ hình khổ liên tiếp hành hạ cha, khiến cha ngất đi.
Quan tưởng cha đã chết, song thấy cha còn thở, nên biểu lính đưa về ngục. Sợ
cha chết trước khi đạt được mục đích, Tổng Đốc Trịng Quang Khanh cho gọi lương
y đến thuốc men cho cha để cha sống them, đặng khai những tài sản mà ông tưởng
tượng. Cha Đaminh dần dần bình phục, song quan thất vọng khi đòi cha phải khai
những cái mà cha không có, cũng như không thể ép được cha bỏ đức Tin.
Nguyễn văn Xuyên còn
có tên là Doãn, sinh năm 1786 tại làng Hương Hiệp (Thái Bình). Thấy
con có trí khôn thông minh, cha mẹ cho cậu đi học Hán văn, rồi gởi gấm
cậu cho đức cha Delgado Y đỡ đầu. Được đức cha dạy bảo, cậu Xuyên chăm
chỉ học, nhất là học giỏi giáo lý. Lớn lên, đức cha cho cậu vào
chủng viện, và truyền chức linh mục năm 1819. Ngay sau đó, vị tân linh
mục được cha chính dòng nhận vào tập viện. Ngày 20 tháng 4 năm liền
sau, cha Xuyến khấn trọn đời trong dòng Đaminh. Từ đó cha rất nhiệt
thành phục vụ dân Chúa, đi nhiều nơi giảng tĩnh tâm, dạy giáo lý và
sốt sắng cử hành phục vụ Bí Tích.
Cha Xuyên coi xứ
Phạm Pháo (Nam Định), rồi về xứ Kẻ Mèn (Thái Bình). Trong 3 năm, tại
đây, cha lập họ đạo mới, họ Thanh Minh, chọn thánh Vinh sơn làm bổn
mạng. Sau cha phụ trách xứ Đông Xuyên (Kiên An) 13 năm. Thời gian này dân
chúng bị hạn hán, mất mùa nhiều năm, lại còn bị giặc Phan Bá Vành
quấy phá, nên đói nghèo khổ sở. Có lần cha phải dốc cạn túi để
giúp đỡ họ, có lần cha nhường phần cơm của mình… bao giờ cha cũng
để một ngân khoảng riêng để làm việc bác ái.
Cuối năm 1836, cha
được bổ nhiệm làm phụ tá cha Fernández Hiền, giám đốc chủng viện
Ninh Cường. Năm sau cha về làm quản lý địa phận theo sự đề bạt của
đức cha Delgado Yên. Khi đức cha bị bắt, thì cha Xuyên lánh sang giáo
xứ Hạ Linh. Tuy phải lang thang nay nhà này mai nhà khác, cha vẫn phục
vụ được các tín hữu ở đây khoảng 1 năm. Ngày 18 tháng 8 cha đến mừng
lễ thánh Gioankim, bổn mạng họ Phú Đường (thuộc Hạ Linh) thì bị bắt.
Một giáo viên dạy học ở Bùi Chu nhận diện cha, đã đi báo quan để
kiếm tiền thưởng.
Cha Xuyên dâng Thánh
Lễ gần xong, nghe tiếng loa gọi của quân lính, cha vội rước hết Mình
Máu Thánh, rồi cởi áo lễ chạy trốn. Nhưng không kịp, lính đã bắt
cha và dẫn đến quan huyện Lạc Quần. Quan cười nói: “Đem đây một số bạc, là được về thôi.” Cha trả lời: “Tôi chẳng có đồng nào trong người,
nếu quan tha, tôi cám ơn, nếu quan bắt, tôi xin chịu.” Về sau giáo
hữu Hạ Linh góp tiền đem đến chuộc, nhưng quan huyện không dám tha nữa
vì trên tỉnh đã biết. Khi nghe biết chuyện, cha Xuyên an ủi họ: “Anh em hãy dành tiền bạc lo cho giáo
xứ thì hơn, đừng tốn tiền chuộc làm chi vô ích. Ý Chúa đã muốn,
chẳng ai làm khác được. Anh em bình an về nhà, nhớ cầu nguyện cho tôi
chịu sự khó cho nên”, Cha bị đóng gông nặng theo lính lên tỉnh Nam
Định.
Ngày 25. 10. 1839,
sau một Hội Nghị Án, tòa tuyên án xử tử cha vì tội làm đạo trưởng
đạo Da Tô.
Ngày 12 tháng 11,
bản án từ triều đình ra tới nam Định. Và ngày 26. 11. 1839 cha được
dẫn đi xử. Cha mang gông, đi bộ, dáng điệu thanh thản vui tươi. Khi quan
hỏi, lần sau hết, có muốn xuất giáo để được tha, thì cha trả lời
rằng: “Không.” Rồi cứ tiếp tục
cầu nguyện cho đến nơi xử gọi là Bảy Mẫu. Cha Xuyên bị trói vào cọc
và bị xử chém đầu.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm