VÀO HOANG ĐỊA
Đời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến
đấu với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta
phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách.
Ai yêu bóng đá đều say mê
theo dõi những trận đấu đỉnh cao giữa các đội ngoại hạng Anh, hoặc giữa các đội
tranh Cúp C1. Ta say mê vì các cầu thủ siêu hạng phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu
luyện, các đội bóng di chuyển chiến thuật kỳ ảo, các bài bản tinh vi của các huấn
luyện viên bậc thầy, các pha phối hợp đẹp mắt giữa các cầu thủ. Không phải tự
nhiên mà các cầu thủ chơi bóng giỏi đến mức độ nghệ thuật như thế. Họ phải mất
nhiều thời gian tập luyện. Tập luyện để đạt được kỹ
thuật cá nhân điêu luyện. Tập luyện để có thể
lực dẻo dai. Tập luyện để có những xử
lý thông minh theo tình huống. Tập luyện để hiểu
nhau tiến đến những pha phối hợp nhịp nhàng ăn ý.
Những buổi tập rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cầu thủ phải có quyết tâm cao, có tinh
thần kỷ luật nghiêm túc. Ai không chịu nổi các bài tập khó, sẽ bỏ cuộc. Ai vượt
qua được những buổi tập nghiêm túc sẽ trở thành những cầu thủ giỏi.
Đời sống tâm linh là một
cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả
năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách. Đức
Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử
thách.
Hoang địa là nơi hoang vu
không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện
nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma
quỷ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Cuộc chiến đấu thứ nhất mà
Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên.
Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tại các
sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không
có thực phẩm. Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái
nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống
thường ngày. Xưa, dân Do Thái được Chúa đưa vào nơi hoang địa để huấn luyện trước
khi đưa họ vào Đất Hứa. Trong hoang địa, người Do Thái không chịu nổi những thiếu
thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Môsê, muốn quay
trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ. Trái lại, tổ phụ Abraham đã
chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua
hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên Chúa. Và hôm nay, Đức Giêsu
đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói cái khát, đã
hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.
Cuộc chiến đấu thứ hai mà
Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ. Thiên Chúa cho phép ma quỷ thử thách con người. Từ tạo thiên lập địa, hai
ông bà nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ và đã thua cuộc. Ông thánh Gióp cũng đã bị
ma quỷ thử thách, mất hết tài sản, mất hết con cái, mất hết danh dự. Nhờ kiên
quyết trung thành với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỷ. Đức Giêsu đã thắng
vượt mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên Chúa. Những
cơn cám dỗ của ma quỷ thường là cám dỗ về đức tin. Adong và Evà không vững lòng
tin nên đã sa ngã. Ông thánh Gióp vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử
thách. Đức Giêsu luôn vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn
cám dỗ thâm độc nhất của ma quỷ.
Cuộc chiến đấu thứ ba mà Đức
Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha. Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý riêng hơn ý Chúa,
nên đã đi trệch đường. Đức Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ
con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường
nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định. Nên
Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.
Hoang địa không phải chỉ
là nơi thử thách. Hoang địa còn là nơi gặp gỡ Chúa. Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp được Chúa, sẽ
sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa. Ông Môsê, sau 40 đêm
ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Mặt ông trở nên
sáng láng đến nỗi dân Do Thái không dám nhìn thẳng vào. Tiên tri Êlia, sau khi
đi 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Đức Giêsu đã gặp gỡ
Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và đã kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ
nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha đã trở thành kim chỉ nam
hướng dẫn đời Người. Thi hành thánh ý Chúa Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng
Người. Người sẽ hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để cho thánh ý Chúa Cha được
nên trọn. Chính vì thế mà Người đã được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời
gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống
tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng,
nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.
Vào hoang địa của cuộc đời
có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không
chịu nô lệ vật chất.
Vào hoang địa của cuộc đời
có nghĩa là kiên cường chống trả mọi
cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới, luôn vững niềm tin vào
Chúa dù gặp những khó khăn thử thách.
Vào hoang địa của cuộc đời
có nghĩa là từ bỏ những ý riêng để
luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt
thòi.
Vào hoang địa của cuộc đời
có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa để trở
nên “Con yêu dấu” của Chúa.
Nếu ta chuyên tâm rèn luyện
trong suốt mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ
ma quỷ đưa tới; nhanh nhẹn dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn
vất vả; quen từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa và sẽ trở nên Con hiếu thảo của
Chúa.
TGM Ngô Quang Kiệt