Lời Chúa cnmc 1a _ cám dỗ thời @

CƠN CÁM DỖ THỜI @
Trong thời buổi kinh tế thị trường, những cơn cám dỗ còn kèm theo một “nghệ thuật quảng cáo và tiếp thị” trên cả tuyệt vời, đầy ma lực hấp dẫn.  
Tập san tĩnh tâm tháng 3/2014 (gp. Long Xuyên)
Đã mang thân phận con người, chẳng ai thoát khỏi cám dỗ. Cám dỗ tựa như tấm mạng nhện khổng lồ sẵn sàng chụp xuống để bao bọc và giết chết con mồi. Vậy cám dỗ là gì? Thưa, cám dỗ là khơi dậy lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã. Cám dỗ là tìm mọi cách quyến rũ làm việc không tốt. Như thế, động lực của cám dỗ là xấu, là đi ngược lại với luân thường đạo lý; và để lại những hậu quả không tốt nơi bản thân cũng như những người xung quanh. Thực vậy, cám dỗ chẳng buông tha ai. Những cơn cám dỗ rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Cám dỗ thường núp bóng dưới những ngôn từ bóng bẩy và những lời mời chào đường mật. Cha ông ta nói “Mật ngọt chết ruồi” mà! Biết bao người đã dại dột ảo tưởng nghe theo những lời đường mật. Đến khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Trong thời buổi kinh tế thị trường, những cơn cám dỗ còn kèm theo một “nghệ thuật quảng cáo và tiếp thị” trên cả tuyệt vời, đầy ma lực hấp dẫn. Tôi xin kể ra đây vài cơn cám dỗ trong cuộc sống hôm nay.
Cơn cám dỗ thứ nhất là phủ nhận sự có mặt của Thiên Chúa. Núp dưới những danh từ rất ấn tượng như là “nhân bản”, “tự do”, “giải phóng”, một số người đã muốn phủ nhận Thiên Chúa và tuyên dương chủ nghĩa vô thần. Họ hô to khẩu hiệu: “Thiên Chúa đã chết”, hoặc “Tôn giáo là thuốc phiện mê dân”. Trong khi đó, họ lại coi con người là “thượng đế”. Họ phủ nhận mọi tôn giáo cũng như các thần linh.
Cơn cám dỗ thứ hai là tôn thờ của cải vật chất. Trong nền kinh tế thị trường, xã hội bị biến đổi thành cái chợ rộng mênh mông. Chợ là nơi mà lợi nhuận là mục đích hàng đầu. Chợ cũng là nơi mà người mua kẻ bán chẳng ai tin ai, dù có là xóm làng hay thân thích. Khi cuộc sống này đã biến thành cái chợ, thì mọi sự đều là hàng hoá. Từ đất đai, nhà cửa cho đến tình nghĩa vợ chồng; từ con cá mớ rau cho đến tình thân huyết nhục. Tất cả đều là món hàng để người ta mua đi bán lại. Hậu quả là tiền bạc vật chất lên ngôi, gây ra biết bao xung đột, khiến tình huynh đệ tương tàn, vợ chồng xa cách. Người ta vì vật chất mà dám đánh đổi cả tương lai. Người ta vì vật chất mà chấp nhận những cuộc hôn nhân như một canh bạc đỏ đen may rủi, hên xui.
Cơn cám dỗ thứ ba là sự hận thù, chia rẽ. Theo tâm lý thông thường, người ta dễ tin dư luận xấu hơn là dư luận tốt. Những thông tin tiêu cực về một cá nhân lại được loan truyền nhanh hơn những thông tin tích cực. Không ít người đã cả nể dễ tin và rơi vào cạm bẫy của những cơn cám dỗ này. Hậu quả là bao gia đình tan nát, bao trái tim trở nên chai đá, hận thù, lạnh lùng. Không thể một sớm một chiều mà nguôi ngoai.
Xưa kia Chúa Giêsu đã đối diện với các cơn cám dỗ và Ngài đã chiến thắng. Chúng ta cũng sẽ chiến thắng cám dỗ, nếu ta sống đời nội tâm sâu xa và thực thi Lời Chúa. Chúa luôn mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Hôm nay Ngài vẫn đang hiện diện bên cạnh chúng ta, để nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến cam go trên hành trình nên thánh.
Lạy Chúa! Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.
TẬP SAN TĨNH TÂM THÁNG 3 NĂM 2014
GP LONG XUYÊN