THÁNH
GIUSE THINH LẶNG
Thời
nay tại Việt Nam này, dân chúng vẫn trân trọng và khát khao những người, tuy
không nói, nhưng toả ra được ánh sáng tâm linh, lửa thiêng tâm hồn, hương thơm
từ những giá trị nội tâm.
Đọc Phúc Âm để tìm hiểu
thánh Giuse, tôi thấy một bầu khí âm thầm bao phủ Ngài. Có một chọn lựa khiêm
nhường trong bầu khí đó. Khiêm nhường ấy đầy khó nghèo và khôn ngoan.
Ngắm nhìn các ảnh tượng
thánh Giuse, tôi thấy lòng sùng kính các nơi dành cho thánh Giuse thực rất
phong phú và đa dạng.
Nhưng năng lui tới thánh
Giuse trong đời sống hằng ngày, nhất là qua các giờ phút cầu nguyện, gẫm suy,
tôi thấy thánh Giuse rất gần gũi, rất sống động, nhất là rất dễ thương. Có một
điểm dễ thương nơi Ngài đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, đó là sự thinh lặng của
Ngài.
Sự thinh lặng của Ngài là
trường dạy tôi về tu đức, mục vụ và truyền giáo. Tôi gọi đây là sự thinh lặng
thánh. Bởi vì không phải thinh lặng nào cũng tốt cả. Ai cũng biết có vô số thứ
thinh lặng tiêu cực. Như thinh lặng vì kiêu căng. Thinh lặng vì lập dị. Thinh lặng
vì dốt nát. Thinh lặng vì sợ sệt. Thinh lặng vì bất cần. Thinh lặng vì dửng
dưng. Thinh lặng vì hờn giận. Thinh lặng vì ích kỷ vv... Trái lại, sự thinh lặng
của thánh Giuse là một hoạt động thường xuyên tích cực.
1.
Trước hết sự thinh lặng của thánh Giuse tích cực ở chỗ Ngài luôn
vâng phục đức tin.
Ngài tin con trẻ mà thiên
thần báo mộng sẽ sinh ra bởi Đức Maria, đúng thực là “Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). Cho
dù gặp muôn vàn thử thách, Ngài vẫn vững tin: Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta
đó chính là Con Thiên Chúa giáng trần. Con trẻ đó chính là Đấng cứu thế.
Ngài tin Thiên Chúa thương
yêu Ngài một cách hết sức đặc biệt. Ngài biết tình thương đặc biệt Chúa dành
cho Ngài là hoàn toàn nhưng không, chứ không phải do công phúc nào của Ngài.
Ngài tin vào sứ vụ Chúa
trao phó cho Ngài là vô cùng lớn lao. Sứ vụ đó là bảo vệ Đức Mẹ Maria và Chúa
Giêsu. Ngài biết Chúa Giêsu sẽ làm chuyện lớn, nhưng bề ngoài chưa thấy có gì
là lớn. Thực nhiệm mầu. Ngài chỉ biết tin. Ngài chưa hiểu hết. Nhưng không thắc
mắc. Một sự kín đáo trong niềm tin đầy khiêm tốn, với nhận thức sâu sắc về tình
trạng khó nghèo, bất xứng của mình, đó là một sự thinh lặng đáng kính phục.
Bảo vệ Đức Mẹ và Chúa
Giêsu trong hoàn cảnh thời đó nơi đó đầy khó khăn là một trách nhiệm rất nặng nề,
đòi nhiều khôn ngoan sáng suốt và đức tin vững vàng. Ngài đã tin vững vàng và
khôn ngoan sáng suốt trong thinh lặng. Thinh lặng đó không phải vì sợ. Nhưng vì
vâng phục đức tin.
Tin Mừng là một mầu nhiệm “vốn được giữ kín từ ngàn xưa” (Rm 16,
25) sẽ được biểu lộ, sẽ được thông báo cách nào, lúc nào, bởi ai, cho ai, thì
phải tuỳ ở Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí mà thôi. Chúa muốn như vậy
(Rm 16, 27).
Tôi thiết nghĩ thánh Giuse
đã có đức tin như thế, và đã vâng phục đức tin đó. Vì thế mà Ngài khiêm tốn
thinh lặng, Ngài tin rằng: Sứ mạng Chúa trao cho Ngài không phải là loan báo,
mà là bảo vệ và giữ kín.
2.
Ngoài ra, sự thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực ở chỗ Ngài
được âm thầm đào tạo để có một sự tự do mới.
Đọc Sách Thánh và chuyện
các thánh, tôi thấy Thiên Chúa có một lối đào tạo độc đáo đối với các người của
Ngài. Khi Thiên Chúa tính chuyện trao cho ai một sứ mệnh khó khăn, Ngài thường
đưa họ vào sa mạc. Hoặc sa mạc địa lý là nơi vốn thanh vắng. Hoặc sa mạc tâm hồn
là nơi phải thinh lặng.
- Ông Môisen vào sa mạc Madian.
- Thánh Gioan tiền hô vào sa mạc
Giuđê.
- Thánh Phaolô vào sa mạc Syria.
- Thánh Benedictô lên núi Subiacô.
- Thánh Phanxicô khó khăn vào hang
Assisi.
- Chính Chúa Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày.
Đối với thánh Giuse, sa mạc
là tâm hồn thinh lặng của Ngài. Trong sự thinh lặng của sa mạc tâm hồn, Chúa
đào tạo cho Ngài có một sự tự do mới. Đó là một sự tự do biết chọn Chúa là tất
cả, chọn ý Chúa là trên hết. Một sự tự do sẵn sàng dứt bỏ ý riêng, để mau lẹ thực
thi ý Chúa.
Đọc Phúc Âm, tôi gặp thấy
một cách nói hay được dùng, khi thuật lại việc phục vụ của thánh Giuse, để vâng
phục ý Chúa. Cách nói đó là sẵn sàng và mau lẹ. Ngài sẵn sàng đón Maria về nhà
mình (Mt 1,24). Ngài mau lẹ đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập
(Mt 2,14). Ngài liền vội vã chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel (Mt
2,21). Những thái độ đó, được sự thinh lặng đào tạo, chứng tỏ thánh Giuse có một
tâm hồn rất tự do. Không phải tự do đối với của cải và ý riêng, mà là tự do cho
Chúa và cho những việc Chúa muốn.
Tôi có cảm tưởng là Chúa
đôi khi cũng muốn bản thân tôi và những người thuộc về Ngài, phải bắt chước
thánh Giuse xưa, có lúc phải vào sa mạc mà tế lễ Chúa. Tế lễ trong sa mạc là tế
lễ trong tình trạng rất thiếu thốn: Không có nhà thờ, bàn thờ, đồ thờ. Không có
những trang trọng vật chất. Không có cả những nhân đức cần có. Chỉ còn tập
trung vào một mình Chúa đầy tình yêu thương xót. Chỉ còn chính bản thân mình là
của lễ mà thôi. Thiếu tất cả, nhưng được tất cả. Chỉ còn thinh lặng tôn thờ và
vâng phục với lửa thiêng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình như tia hy vọng.
Sẽ rất nghèo, nhưng cũng rất vui mừng. Vì thấy mình được thông công vào việc
Chúa cứu độ.
3.
Sau cùng, tôi thấy thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực trong
sự hiện diện phong phú của Ngài giữa đời.
Kinh nghiệm cho thấy: Nhiều
khi sự hiện diện thinh lặng vẫn có sức gây được cảm tưởng tốt về Tin Mừng, hơn
một sự hiện diện nhiều lời. Nhất là khi sự hiện diện đó có Chúa ở cùng. Tôi có
cảm tưởng là thời nay tại Việt Nam này, dân chúng vẫn trân trọng và khát khao
những người, tuy không nói, nhưng toả ra được ánh sáng tâm linh, lửa thiêng tâm
hồn, hương thơm từ những giá trị nội tâm. Họ thinh lặng nhưng có chiều sâu tâm
hồn, biết phân định, biết phấn đấu, biết sắp xếp, biết thanh luyện, biết ý tứ,
biết tế nhị.
Điều đó không có nghĩa là
thinh lặng luôn luôn có giá trị hơn nói. Tôi thiết nghĩ chọn thinh lặng hay chọn
nói là một chọn lựa tùy ơn gọi. Các ơn gọi và các ơn thánh rất khác nhau. Con
đường tốt hơn ta nên chọn là con đường mà sứ vụ Chúa trao cho ta, con đường mà
hoàn cảnh chỉ cho ta, con đường mà ta thấy thích hợp cho tính tình và khả năng
của ta, con đường mà ta cho rằng có thể thực hiện tốt hơn việc mến Chúa yêu người
trong những hoàn cảnh cụ thể, đúng với yêu cầu của thời điểm.
Xin thánh Giuse cho tôi và
mọi người chúng ta
- biết thinh lặng hơn để nghe ý
Chúa,
- biết thinh lặng hơn để suy niệm
các mầu nhiệm Mân Côi,
- biết thinh lặng hơn để đón nhận
ơn cứu độ,
- biết thinh lặng hơn để cộng tác
vào chương trình cứu độ,
- biết thinh lặng hơn để khám phá
ra những kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang làm trong các linh hồn,
- biết thinh lặng hơn, để đón nhận những bất
ngờ Chúa gởi đến với đức tin sáng suốt.
Hình như nhiều linh hồn
đang được ơn ấy. Họ là những người đơn sơ tỉnh thức và thinh lặng như thánh
Giuse. Họ đang thinh lặng gieo rắc hạt giống Tin Mừng giữa xã hội Việt Nam hôm
nay.
ĐGM Bùi Tuần