Bài 13
CHẾT LÀNH
“Quý giá thay trước mắt Giavê,
cái chết của những ai thành tín với Người.” (Tv 115,15)
Chết đem lại cho người
hiền sự vui mừng và an ủi, những người đã sống trong ánh sáng Tin mừng,
đã bước đi theo những bước chân của Chúa Giêsu Kitô, và đã đền bù
phép công thẳng của Chúa bằng lòng sám hối chân thật.
C
|
ác con thân mến, chết chỉ là
một nguyên cớ để cảnh báo cho những tội nhân không chịu sám hối,
những người chỉ thấy mình bị ép buộc phải bỏ lại sau lưng những
thú vui của mình. Họ vật lộn với cơn đau, bị hành hạ bởi những suy
nghĩ về ngày phán xét mà mình phải ra trình diện, bị ăn tươi nuốt
sống trước bởi sợ hãi về những cảnh hãi hùng của Hỏa ngục, mà
chẳng mấy chốc nữa họ sẽ bị ném vào, họ thấy mình như bị Thiên
Chúa và mọi người bỏ rơi.
Trái lại, chết đem lại cho người
hiền sự vui mừng và an ủi, những người đã sống trong ánh sáng Tin
mừng, đã bước đi theo những bước chân của Chúa Giêsu Kitô, và đã đền
bù phép công thẳng của Chúa bằng lòng sám hối chân thật. Người công
chính suy nghĩ chết giống như sự kết thúc những đau khổ, buồn phiền,
cám dỗ, và tất cả những thiếu thốn của họ. Họ xem nó như bước
khởi đầu của sự giải thoát của mình.
Nếu có ai đó, bằng cách nào mà
có thể bị trầm luân, là vì họ đã không muốn và cũng không khao khát
được chết lành, ấy thế mà rất ít người tìm phương thế để chiếm
lấy nó. Đó là một sự mù quáng thật khó mà giải thích được; nhưng
ở đây cha chỉ muốn rằng tất cả các con sẽ được ơn chết lành, cha sẽ
khích lệ các con sống trong con đường tốt lành ấy để các con có thể
có lý do nhìn về hạnh phúc này, bằng cách chỉ cho các con thấy,
trước hết, những lợi ích của chết lành, và kế đến là phương thế
để các con có được nó.
I. Nếu
một người ở giờ chết, đã từng có thói quen xấu xa độc ác, linh hồn
họ sẽ xuống Hỏa ngục; trái lại, nếu linh hồn ở trong tình trạng tốt
lành, sẽ tức khắc bay thẳng vào Thiên đàng. Nếu số phận của chúng
ta là phải vào Luyện ngục, chúng ta chắc chắn một ngày nào đó sẽ
tìm thấy con đường về trời. Tất cả điều này tùy thuộc vào cuộc
sống mà chúng ta đang hướng đến. Chắc chắn rằng cái chết của chúng
ta rất tương xứng với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Nếu chúng ta
sống như một Kitô hữu tốt lành, và có lòng kính sợ Chúa, chúng ta
sẽ chết như những Kitô hữu tốt lành, và sẽ sống hạnh phúc với Thiên
Chúa mãi mãi. Nhưng trái lại, nếu chúng ta sống cho những đam mê, thú
vui, và phóng túng, thì chúng ta sẽ chắc chắn chết trong tội. Chúng
ta đừng quên một chân lý, đã hoán cải được nhiều tội nhân là “Cây
nghiêng chiều nào, sẽ ngã chiều đó.” Chết tự nó không đáng sợ như
nhiều người thường nghĩ. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào mình để biến
nó thành một cái chết hạnh phúc, đẹp đẽ, và tốt lành.
Khi thánh Jerome nghe mấy bạn nói
rằng ngài sắp chết, ngài đã lấy hết sức mình nói lớn: “Ôi, tin vui
mừng và đáng mong đợi thay! Hãy đến mau đi hỡi thần chết! Đã bao lâu
ta đã đợi chờ ngươi! Hãy đến và giải thoát ta khỏi tất cả những
phiền muộn của thế gian này! Hãy đến và kết hợp ta với Đấng cứu
chuộc!” Và ngài nói với những người đang vây quanh mình rằng: “Thưa
các bạn, xin đừng sợ chết, hãy tìm nơi nó một sự an ủi, nhưng chỉ
với điều kiện duy nhất là phải bước đi theo con đường mà Chúa Giêsu
đã dạy bảo cho chúng ta, và hãm mình không ngừng.”
Niềm vui đó khó diễn tả làm
sao, nó như sự cảm nghiệm của người đã bị trục xuất ra khỏi đất
nước hay đi ở tù, khi được người ta thông báo, giờ đây anh có thể trở
về quê hương, về với gia đình và bạn bè! Hạnh phúc đã được nói
đến, đang chờ đợi các linh hồn yêu mến Chúa, và tiều tụy trong khao
khát nồng nhiệt được thấy Người trên Thiên đàng giữa các chư vị thần
thánh, là người nhà và là những bạn bè thật sự của mình.
Chết đối với người công chính
giống như người lao động mệt nhọc thèm giấc ngủ làm sao, chỉ mong sao
trời mau tối, để mang lại cho họ giấc ngủ ngon sau một ngày làm việc
vất vả. Chết giải thoát người công chính khỏi nhà tù thân xác, như
thánh Phaolô nói: “Tôi bất hạnh biết bao, ai sẽ giải thoát tôi khỏi
thân xác hay chết này?” vua thánh Đavít nói: “Lạy Chúa, xin giải
thoát linh hồn con khỏi nhà tù thân xác này. Ai sẽ cho con đôi cánh
như chim bồ câu, để con bay về tổ nghỉ ngơi?” Linh hồn đáng thương của
chúng ta trong thân xác giống như viên kim cương bị bọc trong rỉ sét.
Thánh Gregory kể rằng có một thanh niên tội nghiệp kia, bị bại liệt
tất cả chân tay đã lâu, cảm thấy giờ chết đang đến, anh mời những
người ở xung quanh hát những bài thánh ca vui mừng với anh. Khi người
ta hỏi anh làm thế nào khi giờ chết đến, mà tâm trí anh ở trong một
trạng thái vui mừng như vậy, anh trả lời: “Bởi vì linh hồn tôi sắp
sửa rời bỏ thân xác này, và thoát khỏi ngục tù của nó.” Sau khi họ
đã hát được ít lâu, họ nghe tiếng nhạc du dương từ các thiên thần.
Người hấp hối nói: “Các bạn có nghe tiếng các thiên thần hát không? Hãy
để họ hát! Hãy để họ hát!” Và anh đã chết như thế.
Ai có thể hiểu được niềm vui
của thánh nữ Ludwina, sau hai mươi bảy năm bệnh tật vì ung thư, đã thốt
lên ở giây phút cuối cùng rằng: “Vui thay! Tất cả đau khổ của tôi nay
chấm dứt! Ôi cái chết yêu quý, xin mau dến! Ta đã hết sức mòn mỏi
chờ đợi ngươi từ lâu!” Hạnh phúc thay cho người Kitô hữu, khi họ bước
theo những dấu chân của Thầy Chí Thánh!
Cuộc đời Chúa Giêsu bao gồm
những gì? Thưa, gồm có ba điều: cầu nguyện, làm việc lành, và chịu
đau khổ. Các con biết rằng Chúa Cứu Thế thường lui vào nơi thanh vắng
để cầu nguyện, và Người luôn luôn hoạt động để cứu rỗi các linh
hồn. Việc cầu nguyện của Chúa đến một cách tự nhiên giống hệt như
chúng ta hít thở. Suốt cuộc đời cầu nguyện và làm việc lành, Chúa
đã phải chịu nhiều đau khổ. Nào nghèo khó, ngược đãi, sỉ nhục, và
tất cả những cư xử ác nghiệt khác. Chúa đã nói qua vị ngôn sứ
rằng: “Đời tiêu hao trong nỗi u buồn, và tháng năm tàn lụi giữa tiếng
thở than. Con kiệt sức vì gặp bước khốn cùng.” (Tv 31, 2) Cuộc đời
người tín hữu tốt lành có thể nào khác hơn là một người bị đóng
đinh vào thánh giá với Thầy mình không? Người tốt lành là người bị
đối xử khắc nghiệt.
Chúng ta thấy các thánh đã tìm
được hạnh phúc trong những đau khổ của mình, mà họ dường như còn
muốn chịu nhiều hơn thế nữa. Hãy suy gẫm cuộc đời của Đức Giáo
Hoàng Cả Innocent I. Thân thể ngài mang đầy đau nhức từ đầu tới chân,
ấy vậy ngài vẫn chưa cảm thấy hài lòng, và khao khát không ngừng
được chịu khổ hơn nữa. Ngài cầu nguyện với Chúa ban cho ngài điều
đó mỗi ngày. Ngài nói: “Lạy chúa, xin thêm đau khổ cho con, xin gởi
đến cho con những bệnh tật đau đớn hơn nữa, như Chúa ban thêm cho con
những điều hạnh phúc mới tốt nhất!” Người ta nói với ngài: “Tại sao
Cha lại xin Chúa ban thêm cho mình đau khổ, không phải cha đang mang đầy
bệnh tật đó sao?” Ngài liền đáp lại: “Các con không hiểu công nghiệp
của đau khổ lớn lao như thế nào đâu. Phải chi các con có thể hiểu
được công nghiệp của nó, các con đã yêu mến đau khổ.”
Thánh Lawrence
bị nằm trên vỉ nướng với lửa, hình phạt trước đây đã dành cho ba
trẻ trong lò lửa ở Babylon, đã đốt cháy ngài cách dã man, vậy mà
ngài đã không làm điều gì khác hơn là xin họ lật ngài qua bên kia,
để toàn thân ngài có thể được hưởng vinh quang đồng đều trên Thiên
đàng. Gương sáng này là một phép lạ của ơn sủng, quá dũng mạnh
trong tất cả những ai yêu mến Chúa.
Thánh Augustine nói: “Thật an ủi
biết bao cái chết với tâm hồn thanh thản.” Chúa Thánh Thần nói rằng:
“Sự thanh thản của tâm hồn và an bình của tâm trí là những ơn trọng
đại nhất chúng ta có thể có được. Không một niềm vui nào có thể so
sánh với niềm vui của một tâm hồn trong sạch. Người công chính không
sợ chết, vì nhờ nó họ được kết hiệp với Thầy Chí Thánh của họ,
và chiếm hữu được những niềm vui khôn tả. Chỉ thấy được niềm vui mà
các thánh diễn tả khi các ngài ở trong tay thần chết, thánh Chrysostom
nói: “Hãy nhìn xem, với lòng dũng cảm và háo hức, thánh Phaolô quay
lại Giêrusalem, măc dù ngài biết rằng không có gì ngoại trừ sự đối
đãi ác nghiệt đang chờ: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem,
mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó. Trừ ra điều này, là
tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng
xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi thật coi
chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức
vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng
về ân sủng của Thiên Chúa.” (Cv 20,22-24) Và khi thấy các tín hữu khóc
thương ngài nói thêm: “Có gì mà anh em phải khóc lóc và làm tan nát
trái tim tôi? Phần tôi, tôi sẵn sàng không những để cho người ta trói,
mà còn chịu chết tại Giêrusalem vì danh Chúa Giêsu.” (Cv 21,13)
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không dám
chắc rằng chúng ta là bạn với Chúa giống như thánh Phaolô; nhưng cho
dẫu chúng ta là những người tội lỗi, chúng ta phải có lòng tin
tưởng, nếu chúng ta xưng thú tội mình với lòng sám hối chân thành,
và cố gắng cầu nguyện, làm việc đền tội hết sức có thể, đặc biệt
nếu sự đau buồn về tội lỗi mình được nhân lên với tình yêu mến Chúa
tha thiết; nếu chúng ta thực hiện tất cả những điều này, chúng ta
có thể tin tưởng rằng tội lỗi chúng ta đã được tẩy sạch bởi Máu
thánh Chúa Giêsu, giống như biển Đỏ đã xóa sạch đoàn quân hung dữ
của vua Pharao.
Các con thân mến, có ba cây thánh
giá trên đồi Canvê: thánh giá Chúa Giêsu, là thánh giá của sự vô
tội; chúng ta không thể cố đạt được điều này vì chúng ta có tội.
Còn có thánh giá của người trộm biết ăn năn, thánh giá của sự
thống hối; đây chính là thánh giá của chúng ta có thể mong đợi.
Chúng ta hãy bắt chước người trộm biết ăn năn này, đã dùng những
giây phút cuối cùng đời mình để sám hối, và anh đã từ thánh giá
bay thẳng vào Thiên đàng. Chính Chúa Giêsu đã nói với anh: “Ngay hôm
nay, con sẽ ở với Ta trên Thiên đàng.” (Lc 23,43) Thánh giá cuối cùng
là của người trộm dữ; chúng ta hãy để đó cho những tội nhân nào
muốn cố tình chết trong tội mình. Về phần chúng ta có thể chắc
chắn rằng, nếu chúng ta khao khát nó một cách chân thành nhất, chúng
ta sẽ thuộc về những người sẽ chết cái chết tốt lành của người Kitô
hữu.
Các con hãy nói cho cha biết,
tại sao một Kitô hữu tốt lành phải sợ hãi trong giờ phút cuối cùng?
Có phải vì những tài sản, mà họ nghĩ không mấy giá trị trong suốt
cuộc đời họ không? Có phải họ lo lắng về thân xác của mình, thân
xác mà họ phải xem như kẻ thù hung dữ của mình, đã nhiều lần đưa
họ vào nguy hiểm mất linh hồn không? Hay phải chăng họ lo lắng về
những thú vui trần thế? Chắc hẳn là không, vì cuộc đời họ đã trải
qua trong buồn phiền, hối hận, và nước mắt. Họ không luyến tiếc gì
về tất cả những điều này. “Chết” chỉ chia cách họ khỏi những gì
họ luôn luôn căm ghét và coi thường, khỏi những tội lỗi và những thú
vui của thế gian này. Khi ra khỏi cuộc đời này, họ mang theo mình
những gì mà họ yêu mến nhất, là các nhân đức và các việc lành
phúc đức của họ. Họ bỏ lại tất cả những hình thức đau khổ để
chiếm hữu lấy những phúc lộc vô biên; họ bỏ lại tranh chấp để có
được bình an; họ bỏ lại kẻ thù hung ác là ma quỷ, để yên nghỉ trong
lòng người Cha yêu quý nhất. Phải, một cách hân hoan, những việc lành
phúc đức của họ dẫn họ tới trước nhan Chúa, Đấng xuất hiện với họ
không phải là một quan tòa, nhưng như một người bạn thân thiết, sau khi
xoa dịu những đau khổ của họ, chỉ mong muốn ban phát cho họ phần
thưởng. Tiên tri Isaia dạy chúng ta rằng, các việc lành của chúng ta
sẽ khiến lòng thương xót Chúa mở rộng cửa, và dọn chỗ cho chúng ta
trên Thiên đàng. Điều rất thật là những việc lành phúc đức của
chúng ta sẽ là những người bạn đồng hành với chúng ta.
Thánh Gioan nói: “Phúc cho những
ai chết trong Chúa, vì những việc làm của họ sẽ theo họ.” Phải,
những của cải vật chất thế gian chúng ta bỏ lại sau lưng, nhưng các việc
lành phúc đức, chúng ta sẽ mang theo mình. Người tín hữu tốt lành
sẽ thấy tất cả những lần xưng tội và rước lễ xứng đáng của mình
mà họ đã làm, tất cả những nhân đức mà họ đã thực hành trong suốt
cuộc đời. Đó thật là chết lành, cái chết của người công chính. Như
tiên tri Isaia nói: “Hãy nói với người công chính rằng họ được chúc
phúc, vì họ sẽ gặt hái phần thưởng cho những việc lành của họ.”
Các con sẽ phải nhìn nhận rằng, ai cũng phải công nhận chết lành
quả thật là quý giá.
II. Các con thân mến, cha biết
tất cả chúng ta đều hy vọng được chết lành, nhưng hy vọng không vẫn
chưa đủ; chúng ta phải làm việc cho hạnh phúc tuyệt vời này. Các con
có muốn biết làm thế nào để có được nó không? Hãy để cha nói cho
các con nghe vài lời. Trong các phương thế chúng ta áp dụng để được
chết lành, cha sẽ chọn ba điều, cùng với ơn thánh Chúa, sẽ luôn luôn
giúp chúng ta được chết lành,
(1) bằng một đời sống thánh thiện,
(2) bằng thật lòng ăn năn thống hối khi chúng ta phạm tội,
(3) bằng việc kết hiệp cái chết của
mình với cái chết của Chúa Giêsu. Theo lẽ thường, ai sống sao thì chết vậy.
Đây là một trong những chân lý
đã được Kinh thánh và các Giáo phụ xác nhận nhiều lần. Nếu các con
sống như những tín hữu tốt lành, các con chắc chắn sẽ chết như
những tín hữu tốt lành; nhưng nếu các con sống như những tín hữu xấu
xa, cái chết của các con sẽ giống như vậy. Tiên tri Isaia nói: “Khốn
cho kẻ tội lỗi, chỉ nghĩ đến chuyện xấu xa, vì hắn sẽ bị đối xử
như hắn đáng chịu; khi chết, người ta sẽ được thưởng phạt tùy theo
những việc họ đã làm.”
Mặc dù, sự thật đôi lúc như một
phép lạ, sự khởi đầu xấu nhưng lại có kết quả tốt; thế nhưng điều
này lại rất hiếm xảy ra, vì theo lẽ thường, như thánh Jerome nói,
cái chết chỉ là tiếng vang của cuộc sống. Nếu các con đang đi trên
con đường lạc lối, các con có tin rằng thật dễ dàng để quay trở lại
với Chúa không? Không đâu. Không có gì khác hơn là các con sẽ chết
trong con đường buồn chán này. Nhưng khi được tràn đầy tinh thần sám
hối, các con bắt đầu sống đời sống Kitô hữu, rồi các con sẽ thuộc
về những linh hồn ăn năn, đánh động lòng Thiên Chúa và tìm lại được
tình bạn của Người.
Chúa Thánh Thần nói với chúng
ta: “Nếu ngươi có một người bạn, hãy làm điều tốt lành cho họ trước
khi họ chết.” Mà có người bạn nào thân thiết cho bằng chính linh hồn
chúng ta? Vậy chúng ta hãy làm cho nó tất cả những gì chúng ta có
thể làm được, vì đến giây phút cuối cùng đó, cho dù chúng ta muốn
làm cho nó điều gì đi nữa, chúng ta cũng không thể làm được. Cuộc
đời rất ngắn ngủi. Nếu các con nghĩ mình có thể trì hoãn sự trở
lại cho đến giờ chết thì các con thật là mù quáng, bởi vì các con
không biết khi nào mình chết, và chết ở đâu, có lẽ khi đó cũng
chẳng có ai bên cạnh các con. Biết đâu ngay chính đêm nay, các con có
thể phải ra trình diện trước tòa phán xét của Chúa với lòng đầy
tội lỗi? Không, các con đừng làm điều đó. Các con phải thanh tẩy
mình và luôn luôn sẵn sàng ra trước tòa phán xét của Chúa. Câu
chuyện sau đây sẽ cho các con thấy người trì hoãn việc trở lại từ
ngày này qua ngày khác, đã chết như khi sống ra sao.
Đức hồng y Peter Damian tường
thuật rằng, một tu sĩ đã sống hầu hết cuộc đời trong sự tố tụng
và xung đột với anh em mình. Khi hắn hấp hối trên giường bệnh, người
ta xin hắn xưng thú tội mình để được Chúa tha thứ, và làm việc đền
tội với lòng quyết tâm mạnh mẽ, không phạm tội nữa nếu được phục
hồi sức khỏe. Nhưng người ta không thể nghe được một lời nào từ
miệng hắn. Đôi lúc, khi hắn mở miệng lại, hắn nói với họ điều gì?
Về những điều mà trở thành chủ đề cuộc đối thoại trong suốt cuộc
đời của hắn, là những tố tụng và tranh chấp khác. Anh em cầu xin
hắn nghĩ đến linh hồn mình, nhưng tất cả đều vô ích. Hắn ngủ thiếp
đi,và chết mà không tỏ vẻ một dấu hiệu ăn năn nào.
Phải, sống làm sao chết làm vậy. Đừng hy vọng có một phép lạ mà Chúa ban cho,
nhưng rất hiếm. Nếu các con sống trong tội, các con sẽ chết trong
tội. Nhiều câu chuyện chứng minh cho chúng ta rằng, sau một cuộc sống
xấu xa, chúng ta không thể mong đợi ơn chết lành. Chúng ta đọc trong
Kinh thánh rằng Abimelech, một vị vua kiêu căng và hung ác, đã chiếm
được vương quốc mà ông cùng cai trị với em mình, ông đã giết chết em để
độc quyền cai trị. Khi ông tấn công vào một thành phố nọ, những
người bảo vệ rút lui về một tháp canh phòng thủ, mà ông dự tính
đốt nó. Một phụ nữ từ bức tường thành nhìn thấy ông và ném một
hòn đá tét đầu ông. Khi vị vua bất hạnh thấy mình bị thương sắp
chết, ông cho gọi tên lính cận vệ lại để rút gươm giết ông nhanh
chóng, để ông không bị xấu hổ vì bị chết trong tay một người đàn
bà.
Lối hành xử lạ lùng thay! Phải
chăng ông là vị vua đầu tiên bị thương như vậy? Tại sao ông đã yêu cầu
tên lính cận vệ giết mình? Bởi vì cả cuộc đời dài của ông chỉ để
ra sức tìm vinh quang và danh tiếng ở đời này. Khi Saul đánh trận với
người Amalekites. Quân đội của ông không biết ở đâu. Ông nghĩ họ đã
chết cả rồi. Ông bị thương và mong từng giây phút cho kẻ thù bắt
được ông. Tựa vào thanh gươm, ông thấy một tên lính đang đi về phía
mình. Ông gọi anh ta và nói: “Này bạn, hãy đến đây. Anh là ai?” Người
ấy trả lời: “Tôi là người Amalekites.” Ông nói tiếp: “Tốt quá. Làm ơn
giúp tôi một việc. Hãy tới giết tôi đi. Thân tôi đầy vết thương và đau
nhức, nhưng tôi lại không chết. Hãy tới giết tôi đi.” Tại sao người đàn
ông khốn khổ này lại muốn chết trong tay một người Amalekites? Không
lẽ ông là vị vua đầu tiên bị thua trận? Chúng ta không cần phải thắc
mắc về điều đó, các Giáo phụ nói với chúng ta rằng, ông là một vị
vua, cả đời chạy theo sự xấu xa, và thống trị bằng ghen tị, tham lam,
và tất cả những loại đam mê khác. Tại sao ông chết một cái chết hèn
hạ như vậy? Tại sao? Thưa, tại vì ông đã sống một cuộc đời hèn hạ.
Các con đã thấy rõ rằng, nếu chúng ta ước ao được ơn chết lành, chúng
ta phải sống đời sống Kitô hữu, và làm việc đền tội. Với ơn Chúa,
chúng ta mang trong lòng sự khiêm nhường thẳm sâu, và lòng thống hối
bền vững, vì chúng ta đã xúc phạm đến một người Thầy tốt lành như
thế.
Cách thứ ba để có được ơn chết
lành là dâng cái chết của mình trong sự kết hợp với cái chết của Chúa Giêsu. Khi người ta mang Mình thánh
Chúa đến cho người bệnh, người ta cũng mang theo cây thánh giá, không
phải chỉ để xua đuổi ma quỷ, mà còn hơn thế nữa là để Đấng cứu
chuộc bị đóng đanh có thể giúp người hấp hối như một mẫu gương để
chuẩn bị cho họ chết, giống như Chúa đã chuẩn bị cho mình.
Điều đầu tiên Chúa Giêsu làm trước
khi chết là rời bỏ các Tông đồ. Một người hấp hối phải làm giống
như vậy. Nghĩa là, xa lánh thế gian, và tất cả những ai gần gũi và
yêu thương nhất với mình, để tập trung tư tưởng vào đối tượng duy nhất
là Thiên Chúa và phần rỗi của mình. Khi Chúa Giêsu biết rằng giờ
chết của Người sắp đến, Người phục mình trên đất trong vườn Dầu, và
cầu nguyện tha thiết. Một người hấp hối phải làm giống như vậy khi
giờ chết đến. Nghĩa là, cầu nguyện sốt sắng và kết hiệp mình trong
cực hình cái chết của mình với cực hình của Chúa Giêsu. Người hấp
hối nào muốn cho bệnh tật của mình có công nghiệp phải đón nhận
cái chết với lòng hân hoan, hay ít ra với lòng đón nhận thánh ý Cha
trên trời, và nghĩ rằng chúng ta phải chết để có thể gặp được
Chúa, và nơi đó bao gồm toàn bộ hạnh phúc của chúng ta. Thánh Augustine
nói rằng, ai không muốn chết, chứng tỏ dấu hiệu của sự không hối
cải. Ôi, hạnh phúc thay người tín hữu đã sống xứng đáng với danh
hiệu của mình cho đến giờ phút cuối cùng! Họ không bỏ lại gì ngoại
trừ đau khổ, để bước vào sự thừa hưởng nước trời. Sự chia cắt hạnh
phúc này kết hợp chúng ta với Đấng toàn năng, với chính Thiên Chúa!
Đó là những gì cha mong ước với cả tấm lòng cho các con. Amen.