THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
BÀI ĐỌC: 1 V 12,26-32;
13,33-34
12 26
Hồi ấy, vua Gia-róp-am nghĩ bụng rằng: "Rồi vương quốc lại trở về nhà
Đa-vít mất thôi!27 Nếu dân này cứ lên tế lễ tại Đền Thờ Đức Chúa ở
Giê-ru-sa-lem, thì lòng họ lại quay về với chủ mình là Rơ-kháp-am vua Giu-đa,
và họ sẽ giết ta để trở về với Rơ-kháp-am vua Giu-đa.”28 Sau khi
quyết định, vua làm hai con bò mộng bằng vàng, rồi nói với dân: "Các ngươi
lên Giê-ru-sa-lem như thế là đủ rồi! Này, Ít-ra-en, Thiên Chúa của ngươi đây,
Đấng đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.”29 Vua đặt một tượng ở Bết Ên,
còn tượng kia ở Đan. 30 Đó là nguyên cớ gây ra tội, vì dân đi tới
mãi tận Đan để thờ một trong hai tượng đó. 31 Vua thiết lập những
nơi cao và đặt các tư tế lấy từ đám thường dân, không thuộc hàng con cháu Lê-vi.
32 Vua Gia-róp-am còn lập một lễ vào ngày mười lăm tháng tám, giống
như lễ vẫn mừng ở Giu-đa, và vua tiến lên bàn thờ. Vua đã làm như thế tại Bết
Ên mà dâng lễ tế cho các con bò mộng vua đã làm ra. Vua đặt ở Bết Ên các tư tế
để phục vụ tại các nơi cao mà vua đã thiết lập.
13 33 Sau sự việc này, vua
Gia-róp-am cũng không chịu bỏ đường lối xấu xa của mình, nhưng vẫn cứ đặt những
người dân thường làm tư tế tại các nơi cao. Ưa ai thì ông phong làm tư tế tại
các nơi cao. 34 Sự việc này là nguyên cớ cho nhà Gia-róp-am phạm
tội, rồi bị sụp đổ và tiêu ma khỏi mặt đất.
ĐÁP CA: Tv 105
Đ. Lạy Chúa, xin Ngài
nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài. (c 4a)
6
Cùng các bậc tổ tiên, chúng con đã phạm tội,đã ở bất công, làm điều gian ác. 7a
Xưa bên Ai-cập, tổ tiên chúng con đã không hiểu những kỳ công của Chúa.
19
Tại Khô-rếp, họ đúc một con bê,rồi phủ phục tôn thờ tượng đó. 20 Họ
đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ.
21
Họ quên Thiên Chúa là Vị Cứu Tinh từng làm việc lớn lao bên miền Ai-cập, 22
việc diệu kỳ trong cõi đất Kham,việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt
4,4b
Hall-Hall: Người
ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra.
Hall.
TIN MỪNG: Mc 8,1-10
1 Trong những ngày ấy, có rất đông dân
chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói:2
"Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà
không có gì ăn!3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ
sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.”4 Các
môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho
họ ăn no? "5 Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh?
" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc.”6 Người truyền cho họ
ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra,
trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. 7
Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả
cá ra. 8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu
bánh còn thừa: bảy giỏ!9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người
giải tán họ. 10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và
đến miền Đan-ma-nu-tha.
MẦU
NHIỆM THÁNH THỂ NGUỒN HIỆP THÔNG
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy Bí tích Thánh Thể là trung tâm
đời sống Đức Tin, cũng là nguồn sống nuôi hồn xác những người thuộc về Chúa
được sống dồi dào (x. Ga 10,10). Thực vậy.
-
Trình thuật hóa bánh là dấu chỉ Đức
Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.
-
Bí tích Thánh Thể là Bí tích hiệp nhất.
I. TRÌNH THUẬT HÓA BÁNH LÀ DẤU CHỈ ĐỨC GIÊ-SU LẬP BÍ TÍCH
THÁNH THỂ.
Khi Đức Giêsu cho dân ăn bánh no nê và khi Ngài lập Bí tích
Thánh Thể, tác giả Tin Mừng cùng dùng một cụm từ: “Ngài cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân
phát cho dân ăn” (x. Lc 22,19 = Mc 8,6-7: Tin Mừng).
II. BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ BÍ TÍCH HIỆP NHẤT.
1-
Hiệp nhất động viên nhau gác bỏ bớt
những sinh hoạt trong đời sống xã hội, để quảng đại với công việc Nước
Thiên Chúa, chấp nhận mất nhiều thời giờ, dù phải nhịn đói, như đoàn lũ dân đã
bỏ mọi sự đến ba ngày để nghe Đức Giêsu giảng (x. Mc 8,2: Tin Mừng). Như thế họ
đã thực hiện Lời Đức Giêsu dạy: “Hãy tìm
kiếm Nước Thiên Chúa trước và sự công chính của Ngài, còn các điều khác Ngài sẽ
ban thêm cho” (Mt 6,33).
2-
Hiệp nhất với nhau trong Chúa Giê-su để
cùng nuôi đồng loại. Trong trình thuật hóa bánh,Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi
lệnh Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng
con hãy cho dân ăn” (Mt 14,16; Mc 16,37; Lc 9,13). Mà ta biết Chúa Giêsu là
Đấng toàn năng, Ngài có thể khiến bánh từ trời rơi xuống cho mọi người ăn no
nê, thế nhưng Ngài đã không làm, mà Ngài gợi ý cho các môn đệ, để họ đưa cho
Ngài 5 chiếc bánh và 2 con cá (hóa bánh lần I - Mc 6,41), và lần II họ đưa cho
Ngài 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ (Mc 8,6-7: Tin Mừng), trong lúc Nhóm của họ
là 13 người cả Thầy trò đang thiếu ăn, mà phải nhường cho người ta ăn trước. Đó
còn là dấu chỉ các ông phải tận lực cho họ ăn Lời Chúa, dầu gặp khổ đến mất
mạng “để bù vào những gì còn thiếu trong
cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, vì thân mình Ngài là Hội Thánh” (x. Cl 1,24). Ta
cứ nhìn vào đời sống Chúa Giêsu và các môn đệ luôn đề cao việc cho người ta ăn
Lời hơn là lo cho người ta của ăn nuôi thân xác. Đan cử Tin Mừng hôm nay thuật
lại Đức Giêsu giảng dạy đến ba ngày cho một đoàn lũ dân đông vô kể,dù Ngài biết
họ để bụng đói (x. Mc 8,1-3); noi gương Thầy, ông Phaolô giảng “thủng” đêm, mặc
cho anh Êutykhô ngủ gật nhào từ lầu ba xuống đất (x. Cv 20,7t). Bởi vì “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng
bởi mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4: Tung Hô Tin Mừng).
Lệnh Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng con phải cho dân ăn” còn phải hiểu Ngài muốn nhấn mạnh: Khi
các chủ chăn trong Hội Thánh dâng Lễ (cử hành Bí tích Thánh Thể), thì không
phải chỉ dùng quyền chức Linh mục đọc truyền phép trên bánh rượu trở thành Chúa
Giêsu Phục Sinh để ban cho dân, mà chính họ còn phải tận lực học hỏi suy gẫm và
sống Lời Chúa, rồi loan báo cho mọi người, đặc biệt khi dâng Lễ mới làm cho bàn
tiệc Lời Chúa có nhiều “hương vị” hấp dẫn. Tưởng rằng trong Thánh Lễ, chủ chăn
không cho dân ăn Lời phát xuất từ lòng tin, lòng mến của mình dựa vào các Bài
đọc, thì Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng “cà thọt”, vì chỉ có một chân, một tay
Chúa Giêsu đến chăm sóc tín hữu, thiếu sự cộng tác của chủ tế.
3-
Hiệp nhất cùng ăn Bánh Hằng Sống là ăn
Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể không phải nhằm mục
đích cho người ta chắp tay tôn thờ, mà để cho người ta ĂN mới được sự sống dồi
dào của Thiên Chúa. Bởi thế, Phụng Vụ của Hội Thánh không bao giờ đặt Mình
Thánh cho giáo dân tôn thờ trước khi cử hành Thánh Lễ trong ngày, vì chầu Thánh
Thể chỉ là lời cám ơn kéo dài của Thánh Lễ. Bởi đó, người có điều kiện rước Lễ,
lại không đón nhận, thì chầu Thánh Thể chỉ là nhạo báng Thiên Chúa! Trong lòng
tin của mọi người ai cũng xác định rằng: “Hiệp nhất thì sống, chia rẽ là chết”,
nhưng chỉ có sự hiệp nhất trong Chúa Giêsu Thánh Thể mới thực sự đem bình an và
sự sống hạnh phúc muôn đời cho mọi người. Thánh Phaolô nói: “Tấm bánh bẻ ra lại không phải là thông phần
Thân Mình Đức Ki-tô sao? Vì chưng chỉ có một tấm bánh, nên chúng ta tuy là
nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy chúng ta cùng chia phần một
tấm bánh” (1Cr 10,16-17).
Nhờ dự tiệc Thánh Thể ta được trở nên cùng một xương thịt với
Chúa Giêsu (x. Dt 2,11), được thông dự vào cùng một sự sống của Ba Ngôi Thiên
Chúa, như Đức Giê-su đã nói: “Ai ăn Ta nó
sống nhờ Ta, như Ta sống nhờ Cha Ta” (Ga 6,57), để rồi có thể nói được như
thánh Tông Đồ: “Tôi sống, nhưng không
phải là tôi sống, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thế nên mỗi
khi ta được hiệp thông Thánh Thể, Chúa lại thực hiện lời hứa tiền Tin Mừng: “Miêu duệ người nữ đạp nát đầu rắn” (St
3,15), nghĩa là Chúa Giêsu, Con Đức Maria đứng lên chống lại satan và biến dữ
ra lành cho ta.
Ai sống được ba điều hiệp nhất như trên, thì họ là dòng giống
Chúa Giêsu, Adam cuối cùng, và Đức Maria là Eva mới. Họ mới thực sự là những
người “nên như những Thiên Chúa biết cả
tốt xấu” (St 3,5 – Bản dịch NTT). Đó là khát vọng của Adam, Eva – nguyên tổ
loài người – họ tưởng ăn quả Chúa cấm là đạt hạnh phúc ấy! Nhưng hiệu quả ngược
lại. Khi Chúa biết họ mắc mưu Satan, làm mất hết phẩm giá: “Họ nhìn nhau trần truồng mà xấu hổ” (St
3,7. 11). Chúa đã tự cất bước đi tìm họ để bênh đỡ, nhưng họ lại muốn xua đuổi
Chúa phải rời xa họ! Dầu thế Chúa vẫn tìm đến dòng giống tội lỗi này để cứu họ.
Thực vậy,
-
Adam đổ lỗi cho Thiên Chúa, vì đã gài
bẫy dựng nên cho ông người vợ, bà Eva đã đẩy ông vào con đường tội lỗi. Điều
này tiên báo Chúa Giêsu là Adam cuối cùng, là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh
tội trần gian (x. Ga 1,29).
-
Bà Eva cũng quy lỗi cho Thiên Chúa, vì
đã dựng nên rắn để nó cám dỗ! Trái lại Đức Maria là Eva mới đứng dưới chân thập
giá Giêsu, Con Mẹ, Đức Maria hoàn toàn im lặng không đổ lỗi cho ai (x. Ga
19,31-37)
Cả hai ông bà
đã coi Thiên Chúa chỉ là thần lừa đảo, gây cớ cho người ta phạm tội, lại còn
chúc dữ cho họ:
-
Ông Adam phải làm lụng vất vả mới có
miếng ăn, vẫn không sánh bằng Chúa Giêsu, Adam cuối cùng phục vụ loài người đến
mất mạng, trở nên Bánh Hằng Sống ban cho nhân loại (x. Lc 22,19-20; Ga 6,22t).
-
Gai góc mọc lên cho họ: môi trường sống
trở nên xung khắc, gây khó khăn cho đời sống họ. Ngờ đâu gai góc ấy lại là
triều thiên do kẻ ác ấn vào đầu Đức Giêsu mà nhạo báng Vương quyền của Ngài! (x.
Mt 27,27t)
-
Bà Eva sinh con đau. Nhưng thực ra đó
chỉ là báo trước Mẹ Maria rất đau đớn khi đứng dưới chân thập giá nhìn Con đã
chết mà còn bị đâm, máu và nước đổ ra, đó chính lúc Adam cuối cùng và Eva mới
cùng sinh con cho Thiên Chúa (Hội Thánh) [x. St 3,16 = Ga 19, 25t]. Nhất là
Thiên Chúa yêu loài người thì Ngài yêu đến cùng (x. Ga 13,1), nên vẫn tỏ lòng
thương loài người, cụ thể Ngài thấy Adam,Eva lấy lá làm khố che thân không ổn,
thì Ngài lột da thú may áo mặc cho họ (x. St 3,9-24: Bài đọc năm lẻ). Tình
thương ấy không sánh bằng Chúa Cha trao Con Một Ngài cho phàm nhân giết, đó lại
là Hy Tế nhằm cứu muôn dân, để ai được hiệp dâng thì được mặc lấy Chúa Kitô (x.
Gl 3,27). Vì thế mỗi khi dự tiệc Thánh Thể, ta lại hân hoan cất lời cầu: “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là
nơi chúng con trú ẩn” (Tv 90/89,1: ĐC năm lẻ).
Thiếu ý thức sống hiệp nhất như trên, là ly khai với Hội Thánh,
là phân chia các chi thể trong Thân Mình Chúa Giêsu, chắc chắn sẽ đưa đến đại
họa! Điều này lịch sử dân Do Thái đã minh chứng: Vì vua Salomon lấy vợ ngoại và
chiều ý các bà xây chùa miếu cho họ tôn thờ ngẫu tượng, hậu quả ông Giaropam
chống lại vua Salomon, kéo mười chi họ về miền Bắc lập quốc Israel, như thế là
ly khai hai chi họ Giuđa và Simeon do vua Salomon cai trị ở miền Nam, và phá
hủy lời chúc phúc của Thiên Chúa cho dòng tộc Do Thái: “Muôn dân sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau” (St 22,18),
cũng như phá hủy sự hiệp nhất trong một vương quốc Chúa đã hứa ban cho nhà
Đavid: “Ngày ngươi nằm xuống với tổ tiên
ngươi,Ta sẽ cho dòng giống ngươi chỗi dậy kế vị ngươi, dòng giống xuất từ lòng
dạ ngươi và Ta sẽ ban cho vương quyền nó kiên vững!” (2Sm 7,12).
Tệ nhất là vua Giaropam đã trở nên kẻ ngu xuẩn: vì muốn bảo vệ
ngai báu nên ông đã đúc hai con bò để cho dân Israel thờ lạy,có ý không muốn cho
dân quy tụ về Giêrusalem để lễ bái tôn thờ Thiên Chúa. Vì quyền lợi chính trị
và danh dự của vua, mà ông đã làm mất sự hiệp nhất trong một Đức Tin chỉ tôn
thờ Thiên Chúa, ông đã đặt Thiên Chúa ngang hàng với bò mộng, ông làm cho dân
tưởng như thế là thờ Chúa, té ra thờ tạo vật! (x. 1 V 12,26-32; 13, 33-34: Bài
đọc năm chẵn).
Nhìn lại lịch sử Hội Thánh, đau xót nhất là vào thế kỷ 15, có
nhiều người ly khai khỏi Hội Thánh Công Giáo để lập tôn giáo riêng: như Tin
Lành, Anh Giáo. Ai ly khai với Hội Thánh Chúa Giê-su thì còn tồi tệ hơn vua
Giaropam ngu xuẩn đã đúc bò mộng để cho dân thờ, dẫn đến hậu quả đố kỵ giữa
những người cùng tôn thờ một Thiên Chúa! Chắc chắn làm vô hiệu hóa lời cầu
nguyện tha thiết của Đức Giêsu cho Hội Thánh: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha,
ngõ hầu chúng ở trong Chúng Ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con” (Ga
17,21)
Nhưng chúng ta không chỉ quy lỗi cho người làm mất sự hiệp thông
như vua Giaropam, hay như Luther, thủy tổ Tin Lành , hoặc như vua Henry VIII,
thủy tổ Anh Giáo. Mà Hội Thánh Công Giáo còn phải khiêm tốn nhìn nhận sự thật
để sám hối, sự chia rẽ đó là do lỗi của cả hai phía (x. Công Đồng Vat. II trong
Sắc Lệnh Hiệp Nhất số 3). Vì thế mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng
xin lỗi thế giới về sự ly khai giữa những người tin là phần lỗi không nhỏ về
phía Giáo Hội Công Giáo. Mà thực, vào thời Trung cổ nhiều giáo sĩ đã lạm quyền
đặt vua chúa cho các nước, lấy thuế của dân xây các Đại giáo đường thật nguy
nga, hoặc dùng quyến tối cao của mình để ra vạ tuyệt thông cho những người
không đồng quan điểm. Nếu hàng giáo sĩ trong Hội Thánh không lạm quyền như thế,
mà bắt chước Đức Giêsu khước từ dân tôn vinh Ngài làm Vua (x. Ga 6,15), một chỉ
hết lòng chu toàn hai sứ vụ Tư Tế và Ngôn Sứ, thì chắc chắn trong Hội Thánh
không xảy ra sự cố đau buồn trên.
Vậy chúng ta phải khiêm tốn với tấm lòng sám hối mà cầu nguyện
cho tất cả mọi người, nhất là các chủ chăn: “Lạy Chúa, xin nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài. Bởi vì cùng với
các bậc tổ tiên chúng con đã phạm tội, đã ở bất công, làm điều gian ác. Chúng
con đã quên Thiên Chúa là Vị Cứu Tinh” (Tv 106/105,4. 6. 21: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn
đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như Chúng Ta
(Ga 17,11b).
Lm
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH