Lời Chúa cntn 5a _ phục vụ là ơn gọi đầu tiên

PHỤC VỤ LÀ ƠN GỌI ĐẦU TIÊN
Đặc điểm của tình yêu mà Đức Kitô đòi hỏi nơi những người muốn trở nên môn đệ Ngài là trao ban, không giữ lại một chút gì cho mình, như muối, như ánh sáng.  
Lm. HK
ĐHY F.X. Nguyễn văn Thuận, trong cuốn ‘Những người lữ hành trên đường hy vọng’, đã kể chuyện một nữ tu mang tên Céline. Công việc của chị trong 40 năm trường là giữ nhà khách với một câu hỏi được lặp đi lặp lại như một điệp khúc trên môi: “Thưa, ông bà muốn gặp ai ạ?”
Suốt 40 năm, đời chị bị cắt vụn thành từng miếng: bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu hay làm việc gì, chị đều có thể phải quay ngay ra phòng khách đáp lại tiếng chuông reo hay tiếng điện thoại: “Tất cả mọi người đều ăn cắp thời gian của chị, hối thúc chị, cằn nhằn chị. Không ai cần gặp chị…”
Phần chị, chị nói: “Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi đã luôn luôn gọi những người khác: tôi được gọi để đi gọi.”
Trong Phúc âm Matthêu, sau khi công bố Hiến chương Nước Trời, Đức Kitô đã xác định ngay bản chất và ơn gọi của các môn đệ của Ngài: “Anh em là muối cho đời … anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14).
Với dân Do thái, muối tượng trưng cho mối tương quan mật thiết và bền vững với Thiên Chúa, đặc điểm riêng biệt của Dân Chúa: “(Các) ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm (các) ngươi dâng tiến; (các) ngươi không được để lễ phẩm (các) ngươi thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa (các) ngươi; (các) ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của (các) ngươi” (Lv 2,13). Do đó, sự kết hiệp mật thiết và sâu xa với Thiên Chúa là điều kiện đầu tiên và dấu hiệu đích thực của người môn đệ Đức Kitô: “anh em là muối cho đời”. Phải rồi, vì nếu muối ra nhạt, nếu vắng bóng Thiên Chúa, thì ơn cứu độ nằm ở đâu?
Phương thế tốt nhất cho sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là để tình yêu, sự sống của Thiên Chúa, thấm nhuần cuộc đời mình: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 2,7-8). Sống yêu thương là sống kết hiệp mật hiết với Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Kiểu mẫu đời sống yêu thương cho mỗi Kitô hữu là tình yêu tuyệt đối của Chúa được tỏ lộ ra trong sự từ bỏ vì yêu nơi Đức Kitô, mà thánh Phaolô coi như là lý do duy nhất của ơn gọi Kitô hữu nơi ngài: “hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2)
Đúng thế, sống yêu thương là trở nên ánh sáng chiếu vào bóng đêm, là đem ơn cứu độ đến cho trần gian: “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (Is 58,7-8)
Năm 1227, bá tước Schavenbourg, nguyên là thiếu tướng trong quân đội hoàng gia Phổ, đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa, trở nên một thầy dòng trong dòng Anh em hèn mọn của thánh Phanxicô. Bề trên trao cho ông một bộ quần áo nghèo hèn, một chiếc bị và một cái bát để đi khất thực ngay giữa nơi thành thị đông đúc để nuôi người nghèo và nuôi mình.
Một hôm, trên đường đi xin ăn, ông gặp một vị hoàng thân quý tộc đang dạo phố. Ông đến ngửa tay xin bố thí, nhưng vị hoàng thân không thèm lưu tâm. Ông tiếp tục đi theo sau van nài một cách nhỏ nhẹ và nhẫn nhục. Bực mình, vị hoàng thân quay phắt lại tát cho ông một cái.
Cơn phẫn nộ muốn trào ra ngoài, như ngày xưa khi còn hét ra lửa, nhưng ông đã kịp giữ bình tĩnh và khiêm hạ nói: “Vâng, thưa ngài, tôi xin vui lòng nhận phần tôi là cái bạt tai, còn phần những người nghèo khổ đáng thương, xin ngài đừng quên bố thí …”
Cũng như muối đem lại vị ngon cho món ăn mà hầu như bị người dùng quên đi; ánh sáng tô đẹp bông hoa, soi sáng con đường, mà chẳng được ai nghĩ đến khi ngắm hoa, khi đi lại dễ dàng dưới ánh đèn; đặc điểm của tình yêu mà Đức Kitô đòi hỏi nơi những người muốn trở nên môn đệ Ngài là trao ban, không giữ lại một chút gì cho mình, như muối, như ánh sáng. Người Kitô hữu sẽ như đánh mất chính mình nếu đánh mất tình yêu: “muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).
Một người đốt đèn đường xuất hiện trong bóng đêm. Không ai thấy anh, chỉ thấy ngọn lửa trên đầu cây gậy dài đưa lên những ngọn đèn trên cao. Niềm vui của anh là thấy mọi người đi lại dễ dàng. Ước gì trong tôi cũng bừng sáng tình yêu tuyệt đối và vô vị lợi: “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16)  
Lm. HK