Ý nghĩa của tro trong ngày Lễ Tro?
Trong mùa Chay,
các hành vi của tình yêu trao ban cho những ai đang thiếu thốn sẽ phải là một
phần trong sự thống hối, hoán cải và đổi mới của chúng ta…
Tro dùng trong phụng vụ có từ thời Cựu Ước.
Tro biểu tượng cho sự u buồn, cái chết và sự thống hối. Chẳng hạn, trong sách
Esther, Mordecai mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ của vua Ahasuerus
(hay Xerxes, 485-464 BC) ra lệnh giết hết người Do Thái trong Đế quốc Ba Tư (Et
4, 1). Ông Gióp (câu chuyện được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 và 5 trước
Công nguyên) cũng mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (G 42, 6). Khi tiên báo
thành Giêrusalem bị quân Babylon
chiếm đóng, Đaniel (khoảng năm 550 BC) viết: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa
Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Vào thế kỷ
thứ 5 trước Công nguyên, sau khi Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải, cả
thành Ninivê ăn chay và mặc áo vải nhặm, ngồi trên đống tro (Gn 3, 5-6). Những
bằng chứng trong Cựu Ước này cho thấy từ lâu đã có sử dụng tro cũng như ý nghĩa
biểu tượng của nó được nhìn nhận.
Chính Chúa Giêsu
cũng nhắc đến tro: khi dân các thành phố từ chối thống hối dù đã chứng kiến những
phép lạ và nghe Tin Mừng, Ngài nói: “Vì nếu
các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Siđôn, thì họ đã mặc áo
vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối”
(Mt 11, 21).
Giáo hội sơ thời tiếp tục sử dụng tro
vì các ý nghĩa biểu tượng của nó. Trong cuốn De Poenitentia (về sự thống hối),
Tertullian (khoảng năm 160-220) quy định người thống hối phải “sống u buồn sầu thảm trong sự thô ráp của
áo vải nhặm và tro bụi dơ dáy”. Eusebius (260-340), sử gia danh tiếng của
Giáo hộ sơ thời, đã thuật lại trong cuốn Lịch sử Giáo Hội về một người bội giáo
tên là Natalis đã mặc áo vải thô và xức tro, quỳ gối trước Đức giáo hoàng
Zephyrinus để xin tha thứ. Trong suốt thời kỳ giáo hội sơ thời này, tro được rắc
lên đầu những người bị buộc phải thú tội và sám hối công khai.
Vào thời Trung cổ
(khoảng thế kỷ thứ 8) những người hấp hối được đặt nằm dưới đất trên tấm vải rắc
đầy tro. Linh mục rảy nước thánh trên người hấp hối và nói: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi
tro”. Sau đó, linh mục hỏi: “Anh (chị)
có bằng lòng với vải thô và tro bụi để minh chứng lòng thống hối trước mặt
Thiên Chúa trong ngày phán xét không?”. Người hấp hối trả lời: “Con xin bằng lòng”. Đây là những bằng
chứng cho thấy ý nghĩa biểu trưng cho tang chế, cái chết và thống hối.
Cuối cùng, người ta dùng tro để đánh dấu Mùa Chay bắt đầu, một
thời gian chuẩn bị 40 ngày (không kể ngày Chúa Nhật) hướng đến lễ Phục Sinh.
Nghi thức “Ngày lễ tro” được tìm thấy trong cuốn Nghi thức bí tích Grêgory (thế
kỷ thứ 8). Khoảng năm 1000, một linh mục Anglo-Saxon tên là Aelfric rao giảng rằng:
“Trong lề luật mới lẫn cũ đều nói rằng
người sám hối tội lỗi phải xức tro và mặc vải thô. Vậy thì bây giờ chúng ta phải
rắc tro trên đầu để tỏ lòng thống hối vì tội lỗi chúng ta trong suốt mùa Chay tịnh
này”. Để củng cố quan điểm của mình, Aelfric kể lại câu chuyện về một người
đàn ông không tham dự và xức tro trong ngày thứ Tư lễ tro, liền bị chết ít ngày
sau đó trong cuộc săn lợn. Ít ra là từ thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng tro để đánh dấu sự bắt đầu của
Mùa Chay thống hối, nhắc lại cái chết và sự u buồn vì tội lỗi chúng ta.
Trong phụng vụ thứ Tư lễ tro hiện hành, chúng ta dùng tro đốt từ
các nhành cây được phát vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm trước. Vị linh mục làm
phép tro và xức trên trán các tín hữu theo dấu thánh giá và nói: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi
tro” hay “Hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”. Bắt đầu mùa Chay thánh chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, chúng ta phải nhớ
ý nghĩa của tro mình lãnh nhận: thống hối vì tội lỗi mình. Chúng ta hướng tâm hồn
về với Chúa là Đấng chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại để ta được cứu rỗi.
Chúng ta làm mới lại lời hứa khi chịu phép rửa tội, bỏ lối sống cũ và sống đời
sống mới trong Đức Kitô. Cuối cùng, hãy nhớ rằng thế gian này sẽ qua đi, chúng
ta cố gắng sống Nước Trời ngay từ bây giờ và hướng đến ngày hoàn tất trên Thiên
Đàng. Điều chính yếu là chúng ta chết cho chính mình
và sống cuộc sống mới trong Đức Kitô.
Khi nhớ lại ý nghĩa của tro bụi và cố gắng sống ý nghĩa ấy trong
suốt thời gian mùa Chay này, chúng ta phải để cho Chúa Thánh Thần lay động để tỏ
lòng bác ái đối với tha nhân. Sứ điệp mùa Chay năm 2003, Đức Thánh Cha đã nói: “Tôi hy vọng các tín hữu sẽ tìm thấy mùa
Chay này là thời gian thuận tiện để làm chứng cho Tin Mừng đức ái khắp mọi nơi,
vì ơn gọi đức ái là trái tim của Phúc âm hóa”. Ngài cũng lấy làm tiếc về “thời đại này đang bị tính vị kỷ cám dỗ, nó ẩn
nấp trong trái tim con người … Ước muốn thái quá về của cải đã ngăn cản con người
mở lòng ra với Đấng Tạo Hóa và với anh chị em mình”.
Trong mùa Chay, các hành vi của tình yêu trao ban cho những
ai đang thiếu thốn sẽ phải là một phần trong sự thống hối,
hoán cải và đổi mới của chúng ta, bởi vì những hành vi đó cấu thành tình liên đới
và sự công bằng để xây dựng Nước Trời trong thế gian này.
Lm. William Saunders
Tạp chí Arlington Catholic Herald
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ