Chầu Thánh Thể cntn 6a _ luật yêu thương

LUẬT YÊU THƯƠNG
Đt Mình Thánh (mi quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn
Chúa đến để loan báo Tin Mừng về ơn cứu độ, về sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế mà “loan báo Tin Mừng” trở nên một bổn phận, một trách nhiệm cho tất cả các môn đệ của Ngài.
Điều đó được nhấn mạnh trong phần kết của các Phúc Âm nhất lãm với mệnh lệnh “hãy đi loan báo Tin Mừng” cho cả thế giới.
Sự sống đời đời là điều ai cũng mong ước. Thế nhưng tại sao Chúa lại đòi buộc những ai tin theo Chúa phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những người giữ luật hết sức kỹ lưỡng? Đâu là điều Chúa muốn nói khi dạy người ta giữ những điều có vẻ như là không thể?
Lời Chúa (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu,
Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.
"Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả.
Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không.” Thêm thắt điều gì là do ác quỷ."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm (mời ngồi)
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời..”
Ai cũng muốn được vào Nước Trời, nhưng Chúa còn mong cho chúng ta được vào Nước Trời hơn lòng chúng ta mong muốn. Chỉ cần nhìn lên thập giá là thấy ngay lòng Chúa muốn chúng ta được vui hưởng hạnh phúc Nước Trời như thế nào! Đến cả những người lên án và hành hạ Chúa mà Chúa còn nài xin Chúa Cha tha cho họ, để họ cũng được vào Nước Trời.
Lòng Chúa mong muốn cho chúng ta được vào Nước Trời mạnh như thế nên lời Chúa đòi hỏi chúng ta phải “ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu” là một điều kiện không thể thiếu, một đòi buộc không được trả giá, để vào Nước Trời.
Dân chúng thời xưa chắc phải ngạc nhiên lắm khi thấy Chúa dạy họ phải ăn ở công chính hơn cả những người được coi là kiểu mẫu cho người công chính. Hơn ở đây không phải là giữ nhiều hơn hay giữ kỹ hơn, nhưng đó là cách nói của Chúa để nhấn mạnh đến tình yêu thương, điểm cốt yếu của sự công chính, của việc giữ luật.
Tình yêu là sự sống thần linh Chúa muốn chia sẻ cho mọi người. Mọi lề luật được ban chỉ để hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta sống yêu thương chứ không phải là những công thức khô khan, cứng nhắc, chỉ cần giữ cho đúng là nên công chính.
Đúng thế, giữ luật chỉ là việc diễn tả ra bên ngoài, còn điều Chúa muốn thấy nơi dân Chúa là sự sống bên trong, là tâm hồn yêu thương. Vì thế mới có lời dạy “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)
Vâng, dâng lễ là một cách diễn tả sự tùy thuộc của mỗi người vào Thiên Chúa, như là ông chủ và người yêu của mình. Làm sao ta có thể nói rằng mình thuộc về Chúa mà lại ghét người anh em chính Chúa đã đổ máu ra để cứu cho sống?
Cầu nguyện (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con sấp mình thờ lạy Chúa trong tâm tình yêu mến và tạ ơn Chúa đã đoái thương đến với chúng con, .
Lạy Chúa, chúng con đã bước vào nhịp sống thường nhật sau mấy ngày tết. Thành công và thất bại, niềm vui và lo buồn xen lẫn nhau, nhưng trên tất cả là sự an tâm cậy dựa vào tình yêu Chúa.
“Thiên Chúa ở với con người” là danh xưng của Chúa. Chúa luôn ở cùng chúng con, đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường. Chúng con cảm tạ Chúa và mong ước luôn có Chúa ở bên.
Không phải nghi ngờ tình yêu Chúa mà chúng con lại mong luôn có Chúa ở bên, mà vì chúng con nhiều lúc đã lìa xa Chúa. Thế nhưng lạy Chúa, vấn đề đáng lo là đang khi lìa xa Chúa chúng con lại cứ tưởng là mình đi trên đường Chúa đi, giữ đúng điều Chúa dạy.
Mahatma Gandhi, trong cuốn tự thuật, kể lại ông đã được lôi cuốn đến với Chúa như thế nào khi làm sinh viên ở Nam Phi. Vào một ngày Chúa nhật, ông đi đến một nhà thờ Kitô giáo và bị chặn lại ở trước cửa. Người ta bảo ông nếu muốn đi lễ thì phải đến nhà thờ dành cho người da đen. Từ đó, ông không bao giờ đến nhà thờ nữa.
Chúng con tưởng là khôn ngoan khi làm người khác nể sợ mình, khi dùng mưu mẹo để có được phần hơn, khi loại trừ được đối thủ. Nhưng sự khôn ngoan Chúa dạy là sự khôn ngoan của tình yêu, sự khôn ngoan của trái tim. Sự khôn ngoan đó không thấy ai là đối thủ, mà thấy Chúa hiện diện trong mọi người và thấy mọi người là anh em mình.
Chính Chúa đã dạy và đã nêu gương yêu thương cho chúng con trong bữa tiệc ly, khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, khi gọi họ là bạn hữu dù biết họ sẽ chối Chúa và sẽ bỏ Chúa, để rồi sau đó, Chúa dặn dò chúng con: “Các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con.” 
Lạy Chúa, ngày nay, trong bí tích Thánh Thể, chúng con cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Cho dù chúng con có bỏ Chúa thì Chúa vẫn ở đây với chúng con, đợi chờ chúng con trong kiên nhẫn và chịu đựng.
Chúng con thờ lạy, yêu mến và tạ ơn Chúa. Thánh Gioan, người được kề đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly, đã có cảm nghiệm rất sâu xa về tình yêu Chúa, và đã xác tín tình yêu là điều kiện không thể thiếu để trở nên môn đệ Chúa, để được vào Nước Trời. Thánh nhân đã có những lời rất mạnh về tình yêu phải có của người môn đệ Chúa: “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỉ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy” (1Ga 3,10)
Lạy Chúa, xin cho chúng con, trong năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình này, được tràn đầy tình yêu của Chúa để chúng con kiên nhẫn hơn, chịu đựng hơn, và hiền hòa làm chứng cho tình yêu Chúa bằng hai chữ chung thủy và ấm êm trong đời sống gia đình, cũng như trong đời sống cộng đoàn.
Hát: Xin chỉ cho con…”
Lm. HK