(c. 304)
Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả thật không ai
có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không bị tra tấn hoặc bị đau khổ.
Khi Ðức
Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Người đến sự chết, Thánh Sử
Luca viết Người "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Ðây là sự can đảm không
lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Những
gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành
vi" của thánh nhân đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người
biên soạn. Nhưng Thánh Augustine, trong một bài giảng về Thánh Vinh Sơn, đã nói
về sự tử đạo của ngài. Tối thiểu chúng ta được biết chắc chắn về tên của ngài,
về chức vụ phó tế, về cái chết và nơi chôn cất ngài.
Theo
truyền thuyết (và cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều ngài được tán tụng phải
xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài), Thánh Vinh Sơn được phong chức phó tế
bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây Ban Nha.
Vào năm 303, các hoàng đế Rôma ban chỉ dụ chống đối hàng giáo sĩ, và chống đối
giáo dân vào năm kế tiếp. Phó Tế Vinh Sơn và Ðức Giám Mục Valerius bị giam ở
Valencia. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được các ngài.
Ðức
Valerius bị đi lưu đầy, và hoàng đế Dacian dồn mọi sự tức giận lên Phó Tế Vinh
Sơn. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng. Nhưng kết quả chỉ làm Dacian thêm
rối trí. Chính ông ra lệnh đánh đập các lý hình vì sự thất bại của họ.
Sau
cùng ông đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ
của hoàng đế thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ.
Sự tra tấn tiếp tục, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn
can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí. Sau cùng Phó Tế
Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù.
Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được
tĩnh dưỡng đôi chút.
Các tín
hữu đến thăm Phó Tế Vinh Sơn, nhưng ngài không còn thì giờ để nghỉ ngơi ở trần
thế, khi họ đặt ngài lên chiếc giường êm ả thì ngài đã đi vào nơi an nghỉ đời đời.
Lời Bàn
Các vị
tử đạo là gương mẫu anh hùng mà chỉ quyền năng Thiên Chúa mới có thể thực hiện
được. Chúng ta biết sức người không thể chịu đựng nổi các tra tấn như Thánh
Vinh Sơn mà vẫn trung tín với đức tin. Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả
thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không bị tra tấn hoặc
bị đau khổ. Thiên Chúa không đến giải cứu chúng ta vào những giây phút cô đơn
"đặc biệt". Ngài luôn luôn hỗ trợ người mạnh cũng như kẻ yếu.