THỨ
NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
BÀI ĐỌC: 1Ga 4, 19-5,
4
4 19 Anh em thân mến, chúng
ta yêu mến Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. 20
Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người
ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì
không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. 21 Đây là điều
răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: mai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu
thương anh em mình.
5 1 Phàm ai tin rằng Đức
Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh
thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. 2 Căn cứ vào
điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta
yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. 3 Quả thật, yêu
mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có
nặng nề gì đâu, 4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được
thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của
chúng ta.
ĐÁP CA: Tv 71
Đ. Lạy Chúa, muôn dân
nước sẽ thờ lạy Ngài. (c 11)
1
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào
tay Thái Tử, 2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh
vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
13b
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, 14 giải thoát cho khỏi áp
bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý. 15bc Thiên hạ
sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên, và cầu xin cho Người luôn mãi.
17
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ, nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời. Ước
gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi
khen Người có phúc.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc
4, 18
Hall-Hall:
Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm
biết họ được tha. Hall.
TIN MỪNG: Lc 4, 14-22
14 Được đầy quyền năng Thần Khí, Đức
Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15
Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi
Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát,
và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ
I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên
tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người
mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công
bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người
giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn
Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời
Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục
những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.
YÊU
ĐỒNG LOẠI NHƯ YÊU THIÊN CHÚA
Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết danh Ngài là Tình Yêu (x. 1Ga
4, 8). Ta có yêu Ngài thì cũng không thêm gì cho Ngài! Ta có phản bội và ghét
Ngài, Ngài vẫn yêu ta, đến nỗi bằng lòng hiến mạng sống để đền tội cho ta (x. 1Ga
4, 10). Ta muốn đáp lại tình Ngài yêu ta, chỉ có cách là ta thi hành các Lệnh
truyền của Ngài, cụ thể là yêu đồng loại, vì tất cả đều cùng là con một Cha
trên trời (x. Mt 23, 9), và Lệnh truyền của Ngài không có nặng nề! (x. 1Ga 4, 19
- 5, 4: Bài đọc).
Trong trình thuật Đức Giêsu về thăm quê hương (x. Lc 4, 14-22:
Tin Mừng), thánh sử Luca đã ghi lại việc làm của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của
Ngài đối với chúng ta ngay từ lúc Ngài bắt đầu thi hành sứ mệnh mà Chúa Cha đã
trao phó để cứu chuộc nhân loại:
-
Đối tượng phục vụ đầu tiên của Đức Giêsu
là người đồng hương.
-
Đức Giêsu cùng tham dự Phụng Vụ với đồng
hương.
-
Đức Giêsu làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh viết
về Ngài.
I/ ĐỐI TƯỢNG PHỤC VỤ ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC GIÊSU LÀ NGƯỜI ĐỒNG
HƯƠNG.
Đức Giêsu ưu tiên phục vụ người đồng hương, làm ứng nghiệm Lời
Kinh Thánh: “Ơn cứu độ đến với muôn dân
khởi đi từ dân Do Thái” (Ga 4, 22).
Đó cũng là lý do thánh Phaolô nhắc nhở cho chúng ta: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người
sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ Đức Tin và còn tệ hơn người không tin”
(1Tm 5, 8).
II/ ĐỨC GIÊSU CÙNG THAM DỰ PHỤNG VỤ VỚI ĐỒNG HƯƠNG.
Đức Giêsu vào hội đường với người Do Thái vào
ngày Hưu Lễ để đọc Sách Thánh và giải nghĩa cho mọi người hiểu. Việc làm này
Đức Giêsu đã tiên báo về giá trị Phụng Vụ Ngài thiết lập để Ngài hiện diện giữa
chúng ta:
1. Ngài
hiện diện trong Hội Thánh.
2. Ngài
hiện diện thực sự trong Hy Lễ.
3. Ngài
hiện diện trong con người thừa tác viên Linh mục khi dâng Lễ.
4. Ngài
hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể (ta được kết hợp trực tiếp và
trọn vẹn với Chúa Giêsu Phục Sinh) .
5. Ngài
hiện diện thiết thực trong các Bí Tích (chỉ nhờ quyền năng của Ngài qua trung
gian thừa tác viên).
6. Ngài
hiện diện thiết thực trong Lời của Ngài khi ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh.
7. Ngài
hiện diện khi Hội Thánh cử hành Kinh Phụng Vụ.
(x.
HCPV số 7 của CĐ. Vat. II)
Vậy người Kitô hữu đến Nhà Thờ tham dự Phụng Vụ
để được Lời Chúa giáo dục, khi Chủ tế dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ mà “trình
bày các mầu nhiệm Đức Tin và những Quy tắc cho đời sống Kitô hữu” (Hiến
Chế Phụng Vụ số 52), bởi vì Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa mà Ngài cũng phải mở
Kinh Thánh đọc, từ đó cắt nghĩa cho mọi người hiểu (x. Lc 4, 16: Tin Mừng). Thánh
Tông Đồ cũng bắt chước Thầy Giêsu: “Tôi giảng chẳng cần lời lẽ khôn khéo hấp dẫn,
nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Lời Chúa và quyền năng Thiên Chúa”
(1Cr 2, 4).
III/ ĐỨC GIÊ-SU LÀM ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH VIẾT
VỀ NGÀI.
Đức Giêsu lên tiếng giảng thì ơn huệ tuôn xuống
cho dân từng giây phút hiện tại, như Ngài nói: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21:
Tin Mừng), mà ngôn sứ Isaia (58, 6-7) đã báo trước.
1.
“Ban bố ân xá cho kẻ bị tù đày”: Cụ
thể là Ngài làm cho con người không còn nô lệ cho Satan, không còn bị tội lỗi và
tử thần giam giữ.
2.
“Cho người mù được thấy”: Đặc biệt là
Chúa mở mắt Đức Tin cho người Do Thái thấy: “Giá trị của Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước; giá trị của Tân Ước
được tiềm ẩn trong Cựu Ước” (Hiến Chế Mạc Khải số 16). Ông Saulo đã được
Chúa mở mắt Đức Tin cho để ông nhận ra giá trị chân lý này, nên ông đã trở thành
Tông Đồ xuất sắc của Chúa Giêsu không ai sánh bằng (x. 2Cr 11, 5).
3.
“Kẻ bị áp bức được giải oan”: Cụ thể nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh
của Đức Giêsu mà Ngài “bẻ mọi xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, chia cơm sẻ bánh cho người
đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, ai mình trần vì nghèo hãy
cho họ áo mặc”.
Như
vậy, ai đã thuộc về Chúa Kitô, thì phải ý thức sứ mệnh Chúa trao là bênh vực
những người bị áp bức, không khoan nhượng, không thỏa hiệp với sự dữ. Nhưng
phải quyết liệt lên tiếng đòi công lý, đòi nhân quyền.
4.
“Loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa”:
sách Lê-vi 25, 10. 14 đã diễn tả: “Mỗi
người được trở về phần sở hữu của mình: hoặc bị quyền lực cướp bóc, hoặc vì
nghèo đói mà phải bán đi; mỗi người được trở về dòng họ của mình: vì bị những bạo
quyền áp bức làm ly tán. Không ai được mua bán cái gì nơi người đồng chủng, mà
lại làm thiệt hại cho người anh em đó”.
Ta biết tác giả Luca ghi lại bảy lần thuật ngữ
“HÔM NAY” ơn cứu độ được ban tặng cho mọi người:
-
Thứ nhất: Hôm nay Đấng Cứu Thế ban cho loài người (Lc 2, 11).
-
Thứ hai: Hôm nay trong dòng nước thanh tẩy, ta được tái sinh làm con Thiên
Chúa (Lc 3, 22).
-
Thứ ba: Hôm nay Đức Giêsu vào hội đường đọc Sách Thánh để làm ứng nghiệm Lời
Chúa hứa cứu độ dân Ngài, mà các ngôn sứ đã báo trước (Lc 4, 21: Tin Mừng).
-
Thứ bốn: Hôm nay Ngài giảng dạy, Lời Ngài có sức thanh tẩy tội lỗi đối với những
ai đón nhận Ngài (Lc 5, 17-26).
-
Thứ năm: Hôm nay Đức Giêsu hoàn tất ơn cứu độ loài người, khi vua Hêrôđê tìm
giết Ngài (Lc 13, 32).
-
Thứ sáu: Hôm nay cả nhà ông Giakêu được ơn cứu độ, vì ông đón Đức Giêsu vào
nhà, rồi lấy gia tài chia sẻ cho người ta một nửa, nếu có làm thiệt hại ai thì
đền gấp bốn (Lc 19, 9).
-
Thứ bảy: Hôm nay anh trộm lành biết sám hối tội, bằng lòng chịu đóng đinh
xứng với tội đã phạm, và xin Đức Giêsu thương xót, tức khắc anh được vào Thiên
Đàng với Ngài (Lc 23, 43).
(Dĩ
nhiên trong Tin Mừng Luca còn hai lần ông dùng thuật ngữ “Hôm nay”, nhưng không
được xếp vào danh sách bảy lần “Hôm nay” như trên, bởi vì hai lần đó không đem
ơn cứu độ cho ai: Lc 19, 42: Hôm nay người Do Thái từ chối ơn cứu độ; Lc 22, 34:
Hôm nay Phêrô chối Thầy).
Lý do ông Luca nhắc đến bảy lần thuật ngữ “Hôm
nay”, là vì ông muốn cho độc giả liên tưởng đến tuần Sáng Thế thuở ban đầu Thiên
Chúa tạo dựng muôn tạo vật rất tốt đẹp, nhưng bởi tội Adam, Eva, đã làm cho cả
giống nòi xung khắc với Thiên Chúa (x. St 1-3); thì nay vào thời Tân Ước, bảy lần
thuật ngữ “Hôm nay”, Đức Giêsu hoàn tất công trình tạo dựng, vì Ngài đã chuộc
nơi Chúa Cha những ơn huệ lớn lao hơn để trao cho con người, “nên mọi người làm chứng cho Ngài, và họ thán
phục các Lời ân sủng xuất từ miệng Ngài” (Lc 4, 21-22: Tin Mừng). Những ân
sủng Ngài ban, ngày nay giáo dân phải tìm thấy nơi sứ mệnh ngôn sứ của Linh mục,
đúng như trong Sắc Lệnh Đời Sống Linh Mục số 4 của CĐ Vat. II: “Dân Chúa được quy tụ trước nhất nhờ Lời
Thiên Chúa, Lời này đặc biệt phải được tìm thấy trên môi miệng Linh mục, vì
Linh mục mắc nợ dân Lời Chúa”. Bởi thế, một người bắt đầu được Hội Thánh
thâu nhận vào hàng giáo sĩ, khởi đi từ chức Phó tế, để công bố và giảng giải
Lời Thiên Chúa, sinh ơn cho người nghe, vị Giám mục chủ phong nói với thụ nhân:
“Con hãy nhận lấy Phúc Âm Chúa Kitô mà
con vừa lãnh quyền rao giảng, vậy con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều
con tin, và thi hành điều con dạy” (Trích Nghi Lễ phong chức Phó tế).
Vậy ta muốn yêu Chúa và yêu đồng loại thật, thì
ta hãy sống ba điểm giáo lý trên đây. Vì “Chúa
sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết
họ được tha” (Lc 4, 18: Tung Hô Tin Mừng), “làm cho muôn dân muôn nước thờ lạy Ngài” (Tv 72/71, 11: Đáp ca).
THUỘC
LÒNG
Đức Giêsu làm rồi mới dạy
(Cv 1, 1).
Các môn đệ của Đức Giêsu chỉ xứng danh
Tông Đồ khi họ làm rồi mới dạy giống Thầy Giêsu (x.
Mc 6, 30).
Lm
Giuse Đinh Quang Thịnh