Năm 2013 đã khép lại, nhưng có thể nói, rất nhiều phát
ngôn góc cạnh, ấn tượng của những người có trách nhiệm, những “công bộc” của
dân vẫn là những vấn đề nóng bỏng, cần đeo đuổi, cần lời giải trong năm 2014 và
những năm tới. Với những phát ngôn làm “tổn thương” người nghe rồi có thể sẽ được
xí xóa, nhưng đó vẫn được xem như một trải nghiệm với mỗi người nói chung.
Chúng tôi xin được điểm lại những phát ngôn khó quên của năm 2013 đã từng được
đăng tải trên báo Dân trí:
Trong phiên
thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng tại UB Thường vụ Quốc hội ngày
18/9/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định thẳng thắn: “Nếu
không tham nhũng thì quan chức lấy tiền đâu đi nhậu, đi chơi này đi chơi kia,
chức vụ này chức vụ kia không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy”.
Cũng theo Chủ
tịch Quốc hội, báo cáo do Thanh tra Chính phủ chắp bút trình bày trước Thường
vụ Quốc hội còn chưa đề cập đến việc liệu trong lực lượng đấu tranh phòng,
chống tham nhũng có tham nhũng không. Nghi vấn tiêu cực, theo Chủ tịch Nguyễn
Sinh Hùng rất có cơ sở khi nhiều vụ án bị đình chỉ điều tra, mức án đưa ra dưới
khung hay việc ít chuyển sang điều tra nhiều sai phạm hàng trăm, hàng nghìn tỷ
sau thanh tra, kiểm toán.
Cùng chủ đề về
chống tham nhũng, tại phiên thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc
thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 của
UB Thường vụ Quốc hội ngày 11/9 khi đề cập tới vụ nhân bản xét nghiệm ở
Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thi Doan đã
dẫn thêm hiện tượng giám đốc bệnh viện khám bệnh cho bệnh nhân rồi đưa đơn
thuốc đến nhà mình mua, cho đưa phương tiện bên ngoài vào bệnh viện rồi cùng
chia doanh thu… Liên hệ với thông tin mới nhất trên báo chí về việc MTTQ ở Hà
Tĩnh “nuốt” tiền TƯ hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, cũng như việc một
trường miền núi biển thủ gần 3 tỷ đồng của học sinh dân tộc thiểu số, Phó Chủ
tịch nước đau xót: “Người ta “ăn” của dân không từ cái gì nữa”.
“Sao giờ không
ai sợ pháp luật, sợ bị trừng trị nữa? Mỗi ngày người ta “ăn” từng tí của dân, từ
liều vacxin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm, trách nhiệm thuộc về ai?” –
Phó Chủ tịch nước nêu câu hỏi.
Những phát biểu
đầy thẳng thắn, trăn trở và rất sắc cạnh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã làm "nóng" dư luận trong
nhiều ngày sau đó trên nhiều trang báo, nhiều diễn đàn và cả đời sống
xã hội. Những vấn đề đặt ra trên cũng chưa có điểm dừng ở năm 2013 mà
vẫn sẽ là chủ đề gai góc của những năm tới...
Trao đổi về
công tác phòng, chống tham nhũng tại Quốc hội kỳ họp cuối năm 2013, đại biểu
Dương Trung Quốc phát biểu: “Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa
là Vinacho, và bên cạnh là Vinachia. Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để
bòn rút tài sản của nhà nước”.
Ông Quốc phân
tích, cơ chế “xin - cho” là cội rễ của nhiều tiêu cực, len lỏi vào mọi ngõ
ngách của đời sống. Tham gia ý kiến khi bàn về tình hình kinh tế xã hội, đại
biểu ví von: “Vinashin không ngại bằng Vina... cho!”.
Những phân
tích, khái quát này của đại biểu “gạo cội” Dương Trung Quốc nhận nhiều ủng hộ,
hưởng ứng của dư luận vì xác đáng, thẳng thắn và tinh thần xây dựng.
Trong phiên chất
vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, đại biểu Nguyễn Bá
Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi đối với Chánh án TAND tối cao Trương Hòa
Bình về vụ án oan sai điển của ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết án tù chung
thân về tội giết người, sau ngồi tù 10 năm ngồi tù mới được phát hiện bị hàm
oan - vụ án gây chấn động dư luận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền
“Người ta vẫn
nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, vậy trách nhiệm ngành tòa án đến
đâu? Chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi, bồi thường cho người dân?
Và liệu còn có bao nhiêu con thỏ bị tuyên thành gấu?” - ông Nguyễn Bá Thuyền
đặt vấn đề một cách hình tượng. Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng cảnh báo, hàng năm
vẫn có hàng chục nghìn đơn xin giám đốc thẩm, tái thẩm đã chứng tỏ rằng niềm
tin của người dân vào công tác của ngành tư pháp chưa cao.
Phép ẩn dụ đầy
hàm nghĩa này không chỉ “đốt nóng” phiên chất vấn tại Quốc hội mà còn trở thành
cụm từ mặc định để chỉ án oan mà các mạng xã hội, các diễn đàn, dư luận sau đó
đã sử dụng để nói về hiện tượng ép cung, mớm cung trong quá trình điều tra, nói
về chất lượng làm án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vì không đồng tình với cách báo chí đưa tin về mũ bảo hiểm
giả, ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự
xã hội (Bộ Công an) - khi phát biểu tại Hội nghị bàn thảo về Nghị định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt ngày
11/3/2013, tại Bộ Giao thông Vận tải, đã có một tuyên bố “xanh rờn” rằng: “Có lẽ
một số phóng viên bị thiểu năng!”.
“Có lẽ phóng viên của một số báo thiểu năng gì đó, kém gì
đó. Các phóng viên đó không hiểu được thế nào là mũ giả, mũ rởm mà cứ phải diễn
đạt bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ rồi đăng tải? Ở đây có 5-6 Bộ đánh giá
về mũ bảo hiểm thì cứ thế mà đưa vào” - ông Toàn nói.
Lời nói của Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật
tự xã hội đã khiến giới phóng viên, nhà báo - những người đang thực hiện nhiệm
vụ thông tin tuyên truyền cảm thấy bị xúc phạm. Cùng đó, rất rất nhiều
ý kiến của người dân cũng phản ứng dữ dội với cách nói trên của ông Phó Cục trưởng.
Dù sau đó ông Toàn đã lên tiếng xin lỗi những người làm
báo, đã thể hiện sự cầu thị, nhưng rõ ràng, những gì ông đã
nói trước đó vẫn là điều đáng tiếc, bởi như người xưa
đã nói “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”.
Cuối tháng 9/2013, bờ tường yếu tại khu nhà A, toà nhà
thuộc “Hợp tác xã Zone 9” thuộc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, số 9 Trần
Thánh Tông (một địa điểm vui chơi, giải trí mới nổi thu hút rất đông người lui
tới) bất ngờ bị đổ sập do một số bạn trẻ dựa vào để tạo dáng chụp ảnh. Vụ tai nạn
khiến 2 người rơi từ lan can xuống chiếu nghỉ tầng 3, một cô gái bất tỉnh tại
chỗ.
Sau vụ tai nạn đáng tiếc nói trên, nhiều
người đặt câu hỏi tại sao điểm vui chơi này có nhiều ẩn họa nhưng chính quyền
phường sở tại lại không không có cảnh báo nguy hiểm. Ông Vũ Bảo Thạch - Chủ tịch
UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi trao đổi với PV Dân
trí cho rằng: “Mấy đứa vào số 9 Trần Thánh Tông ngã, không đến phường
trình báo thì như tai nạn xe máy đầu đường xó chợ. Mà mấy đứa trẻ con hiếu kỳ
chỗ nào cũng vào chụp ảnh thì lộn cổ từ tầng 4 hay tầng 14 cũng là việc của
chúng!”.
Công bằng mà nói, xảy ra vụ việc trước hết là do nạn nhân
không nêu cao ý thức bảo vệ bản thân, nhưng chính quyền sở tại không thể
"phủi" bỏ trách nhiệm liên đới khi điểm vui chơi này nằm trong địa
bàn mình trực tiếp quản lý. Dù thế nào, những người giữ trọng trách
cao nhất ở cấp cơ sở không thể buông lời “sống chết mặc bay”, vô cảm
trước ranh giới giữa cái sống và cái chết, về tính mạng của con người, điều rất
dễ khiến dư luận "nổi sóng".
Phát ngôn này xuất phát từ ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch
UBND phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM - khi trả lời báo chí trong vụ việc
lực lượng dân phòng địa phương đánh một người bán hàng rong tên là Trịnh Xuân
Tình (34 tuổi, quê Thanh Hoá, tạm trú tỉnh Bình Dương).
Chuyện xảy ra vào chiều 6/12, khi chạy xe đến khu chợ tự
phát tại Cư xá 30/4, phường 25, quận Bình Thạnh để bán hàng thì anh Tình bị một
nhóm gần 10 người là trật tự đô thị, dân phòng của UBND phường 25, quận Bình Thạnh
đi xe công vụ đến “tóm” vì vi phạm quy định buôn bán trên vỉa hè lòng đường.
Khi đó, lực
lượng dân phòng thu xe và giỏ trái cây của anh Tình đưa lên xe đưa về UBND phường
xử lý. Sợ cơ nghiệp của mình bị thu giữ nên anh Tình dùng tay kéo lại thì bị
nhóm người kia lao vào giật tay ra, sau đó đánh đấm vào người. Thấy anh Tình tiếp
tục phản kháng, lực lượng dân phòng đã dùng còng số 8 để khống chế anh Tình rồi
dùng roi điện dí vào người nạn nhân và tiếp tục đánh đến khi anh Tình ngất xỉu.
Sau đó lực lượng chức năng bỏ mặc nạn nhân nằm lê lết trên đường với
2 tay bị còng ra phía sau dù rất nhiều người dân chứng kiến tỏ thái độ bất
bình.
Giải thích
cho sự việc trên, người đứng đầu phường Bình Thạnh cho biết: “Do anh Tình say xỉn
nên ngay sau đó đã vùng vẫy, quay ra ngủ tại chỗ (?!)”.
Ông Quý sau đó đã thừa nhận vụ việc ban đầu do cấp dưới
báo cáo không đầy đủ, bản thân ông cũng thiếu kiểm tra thực tế nên có những trả
lời trên báo chí, gây bức xúc trong dư luận và xin rút kinh nghiệm. Ông Chủ
tịch phường đã nhận ra sai sót của mình, nhưng cũng
không đơn giản để rút lại được phát ngôn đã “bắn
đi” và cũng không dễ để rút lại hết những phản ứng của người
dân, những comment bạn đọc trên nhiều trang báo, trên các diễn đàn...
N.Quỳnh - P.Thảo - K.Tân