Có một người nghèo...
Khi không khí tết đang cận kề, đâu đó mùi tết đã len lỏi nơi phố chợ,
thì bỗng dưng tôi lại nhớ câu thơ cũ trong bài thơ Xuân của thi sĩ Chế Lan
Viên: Có một người nghèo không biết tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn... Để rồi
chạnh lòng, chạnh buồn với bao thân phận.
Họ đấy, những người lao động tha hương. Cuộc mưu sinh vì
miếng cơm manh áo trong thời khó bao giờ cũng nhọc nhằn, đẫm mồ hôi và nước mắt,
nhất là những người rời quê với hai bàn tay trắng.
Xuân về Tết đến, thường trực trong họ là những nỗi niềm của
người con xa xứ thăm thẳm 365 ngày nhớ vọng người thân.
Ước mơ chỉ dăm ngày đoàn tụ bên người thân thôi sao lắm nỗi
truân chuyên, chất đầy lo nghĩ. Chắt chiu gom nhặt chi li từng đồng lương ngay
từ đầu năm để toan tính chuyến trở về cuối năm. Kiên trì và miệt mài như thế để
rồi những ngày cận kề mới bùi ngùi kê đếm, số tiền dành dụm ấy mới chỉ đủ họ về
phân nửa đoạn đường…
Dịch vụ cho vay về quê lãi cao bủa vây như mời như đón. Ngỡ
như đó là lối thoát cho chuỗi ngày đau đáu nhớ quê. Rồi chợt bừng tỉnh, phía
không xa sau mấy ngày tết kia là nợ nần chồng chất…
Toan tính rối bời và rồi, không chi bằng huy động tài sản
tự có là sức lao động của chính mình vốn đã vắt tàn mấy trăm ngày qua, gắng
thêm chút nữa, làm thêm làm mướn với hi vọng bù nốt số tiền cho chặng đường còn
lại. Mồ hôi đẫm áo, hốc mắt trũng sâu có hề gì vì chỉ mấy ngày nữa thôi họ sẽ
được tắm mình trong tình làng nghĩa xóm. Động lực ấy, bản sắc tết quê ấy giúp họ
phần nào vượt qua gian khó.
Túi quà tết vượt cả ngàn cây số trĩu nặng nghĩa tình cũng
chỉ cân hạt dưa, gói bột ngọt, hộp mứt tự tay làm vội… sao mắt cứ cay xè, rưng
rưng!
Một dòng nhắn gửi qua người thân, hay tin nhắn qua điện
thoại: Mẹ ơi! Tha lỗi cho con nhé! Tết này con không về được! Con lại lỗi hẹn với
bố với mẹ rồi… Bởi con biết vé chiều vào lại oằn thêm đôi vai đã quá gầy của mẹ,
sần chai thêm đôi chân trần của cha…
Nghẹn ứ câu thơ năm cũ như sẻ chia, nói giùm tâm trạng của
không ít người tha hương: Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ/ Như cánh chim thu lạc
cuối ngàn.
Lê Minh