Hai con người, một tâm hồn
Có thể nói hai chúng tôi chỉ có một
tâm hồn, nâng đỡ hai thân xác. Nếu không được tin những kẻ chủ trương rằng tất
cả trong tất cả, thì cũng phải tin chúng tôi khi chúng tôi nói về mình rằng người
này ở trong người kia, và người này hướng về người kia.
Thánh Ba-xi-li-ô sinh tại Xê-da-rê
miền Ca-pa-đô-xi-a năm 330, trong một gia đình Ki-tô giáo. Vốn là người tinh
thông văn học lại nổi tiếng nhân đức, ban đầu thánh nhân chọn cuộc đời đan tu. Đến
năm 370, người được cắt đặt làm giám mục cai quản nơi người sinh trưởng. Người
tích cực chống lại giáo phái A-ri-ô, viết nhiều tác phẩm. Đặc biệt, người đã
soạn thảo những quy luật cho đời sống đan tu, mà cho đến bây giờ, nhiều đan sĩ
Đông Phương vẫn còn tuân giữ. Người hết sức chăm lo cho người nghèo. Người qua
đời ngày 1 tháng Giêng năm 379.
Thánh Ghê-gô-ri-ô cũng sinh năm 330
gần thành Na-di-en. Người đi rất nhiều nơi
để học hỏi, người đã kết thân với thánh Ba-xi-li-ô, đã chọn cuộc sống tu hành,
nhưng sau đó thụ phong linh mục, rồi được chọn làm giám mục. Năm 381 người được
đặt lên cai quản giáo phận thành Công-tăng-ti-nô-pô-li; tuy nhiên, 18 tháng
sau, vì có sự chia rẽ và bè phái trong địa phận, người lui về thành Na-di-en và
qua đời tại đó ngày 25 tháng Giêng năm 389 hay 390. Hậu thế thường gọi thánh
nhân là nhà thần học vì người vừa am tường đạo lý cao siêu, vừa có tài hùng
biện.
(Giờ Kinh Sách)
Bấy giờ chúng tôi gặp nhau tại A-ten. Như dòng
chảy của con sông, phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất, được chia thành nhiều
nhánh, thì vì ham học, đức cha Ba-xi-li-ô và tôi đã xa lìa nhau, đi đến những
miền khác nhau nhằm mục đích trau dồi kiến thức. Sau đó chúng tôi lại gặp nhau
như là do hẹn hò, mà thật ra do Thiên Chúa đã thúc đẩy.
Đức cha Ba-xi-li-ô là người bạn cao quý của
tôi, ngài có nếp sống đoan trang, lại hoạt bát khôn ngoan trong lời ăn tiếng
nói, nên đối với ngài, bản thân tôi hết lòng quý trọng. Không những thế, tôi
còn cố sao cho những ai chưa có dịp biết ngài cũng có tâm tình đó như tôi. Bấy
giờ tiếng tăm ngài đã lừng lẫy khắp nơi, nên được với người kính nể.
Điều này dẫn tớ chuyện gì? Trong số những người
đến A-ten để học hỏi, hầu như chỉ có một mình ngài vượt khỏi luật chung, là đã
được quý mến hơn tất cả mọi sinh viên mới theo học. Đó là khởi đầu tình bạn giữa
chúng tôi, từ đó bùng lên tia lửa liên kết chúng tôi lại, và chúng tôi đã hết sức
quý mến nhau.
Một thời gian sau, chúng tôi tỏ cho nhau biết
niềm say mê chung của mình, đó là chúng tôi chỉ say mê môn triết học. Từ đó,
hai chúng tôi người này sống cho người kia:
cùng chung một mái nhà, một bàn ăn, một nếp sống, một cùng đích, và ngày càng
nhiệt thành cương quyết cùng chia sẻ với nhau một khát vọng.
Cả hai chúng tôi đều hướng
tới một điều đáng
mong ước hơn hết mọi sự, đó là sự hiểu biết. Tuy vậy không hề có ganh tỵ mà chỉ
có ganh đua. Cả hai cùng tranh nhau, không phải để tìm phần thắng cho mình,
nhưng là để nhường không người kia. Mỗi người đều coi vinh dự của bạn là của
chính mình.
Có thể nói hai chúng tôi chỉ có một
tâm hồn, nâng đỡ hai thân xác. Nếu không được
tin những kẻ chủ trương rằng tất cả trong tất cả, thì cũng phải tin chúng tôi
khi chúng tôi nói về mình rằng người này ở trong người kia, và người này hướng
về người kia.
Cả hai chúng tôi chỉ có một
mối bận tâm là đi đường nhân đức, và cuộc đời chúng
tôi luôn hướng về những thực tại tương lai nhằm chuẩn bị cho mình từ bỏ cõi đời
và mọi hành động theo viễn tượng đó. Chúng tôi để cho luật Thiên Chúa hướng dẫn
mình và khuyến khích nhau yêu chuộng đường nhân đức. Nếu như nói ra không phải
là khoe khoang quá đáng thì tôi có thể nói rằng giữa hai chúng tôi, người này đối
với người kia là mực thước và khuôn mẫu để phân biệt phải trái.
Mỗi người chúng tôi đều có một thứ biệt danh,
hoặc do cha mẹ đặt, hoặc là do người khác, dựa trên sở thích hay công việc
riêng của mỗi người chúng tôi. Nhưng đối với chúng tôi, vấn đề đáng quan tâm
hơn cả, và danh hiệu cao quý nhất,
là được làm Kitô hữu, được mang danh hiệu này.