Lời Chúa cntn 1a _ giáo lý Phúc Âm

Giáo lý Phúc Âm
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM A
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17
I. Giáo Huấn Phúc Âm:  
Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa, Ngài được Thiên Chúa Cha công khai nhìn nhận “Đây là Con yêu dấu của Ta!” Dưới sự chứng giám của Chúa Thánh Thần, Ngài nhận lãnh sứ mạng truyền đạo, Ngài được sai đi mang ơn cứu độ cho muôn người.
Giáo Hội được khai sinh trong ngày lễ Ngũ Tuần. Giáo Hội được trao ban sứ mạng truyển giảng Tin Mừng, mang ơn cứu độ cho muôn người bằng cách “đi khắp nơi giảng dạy Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ.. ”
Ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được chính thức nhìn nhận là Con Chúa và được xức dầu thánh hiến để đi loan truyền tin mừng cho muôn dân. Chúng ta được cứu độ, đồng thời chúng ta nhận sứ mạng mang ơn cứu độ đến cho người khác.
II. Vấn nạn Phúc Âm
“Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp Ông Gioan, để xin Ông làm phép rửa cho mình…” Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa, là Đấng Cực Thánh, không thể có tội, tại sao lại xin Ông Gioan làm phép rửa?
Câu trả lời của Chúa Giêsu “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính!” là một giải thích tại sao Chúa xin Ông Gioan làm phép rửa? Không phải vì Chúa có tội, nhưng vì Ngài muốn trở nên một con người như chúng ta mọi đàng. Ngài muốn chu toàn mọi nghi lễ để làm gương sáng cho mọi người. Muốn nên công chính, phải lãnh nhận phép rửa sám hối. Ai cũng có tội. Ai cũng cần lãnh phép rửa sám hối của Gioan để nên công chính.
Chúa Giêsu đến để làm ứng nghiệm tất cả những gì các tiên tri đã loan báo về Đấng Cứu Thế: Ngài đến để cứu dân khỏi tội. Phép rửa Sám Hối bằng nước mà hôm nay Ngài lãnh nhận qua tay của Gioan là hình ảnh tiên báo về một phép rửa bằng Lửa và Thánh Thần mà Ngài sẽ thiết lập, để làm cho mọi người thành con Thiên Chúa và cũng là phương dược để cứu nhân loại khỏi tội.
So sánh giữa phép rửa sám hối của Gioan và bí tích rửa tội của Chúa Giêsu thiết lập?
Hai phép rửa đều giống nhau những điểm sau:
Cả hai đều dùng nước để nói lên ý nghĩa thanh tẩy tội lỗi.
Cả hai đều đòi buộc người lãnh nhận phải thực tâm sám hối tội lỗi và sống công chính.
Hai phép rửa khác nhau:
Phép rửa sám hối của Gioan chỉ là cử chỉ tỏ lòng sám hối, không là bí tích, không tất yếu phát sinh hiệu quả tha tội.
Phép rửa của Chúa Giêsu thiết lập là bí tích: Người lãnh nhận bí tích Rửa tội được tha tội tổ tông và tội mình làm.
Xin đan cử thí dụ để giải thích: Một người con không vâng lời Cha Mẹ, thấy Cha mẹ buồn, thì đã khóc lóc hối hận. Khóc lóc và nước mắt rơi, dù nhiều cách mấy cũng chỉ là cử chỉ tỏ lòng hối hận về những sai trái mình làm. Nó không phát sinh hệ quả tha tội. Trái lại, người con đó nếu muốn được tha lỗi phải đến xin lỗi Cha Mẹ và hứa chừa tội cũng như được Cha Mẹ nói lời tha lỗi.
Có được phép rửa tội cho:
Con cái của những đôi nam nữ sống chung không hôn thú và không phép đạo không? Những đứa con không Cha? Con nuôi của những cặp đồng tính luyến ái không? Tên Cha Mẹ phải ghi vào sổ rửa tội thế nào?
Giáo Luật quí định về việc rửa tội cho trẻ em dưới bảy tuổi như sau:
Ðiều 851: Việc cử hành Bí Tích Rửa Tội phải được chuẩn bị thích đáng. Vì vậy:
người lớn muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được nhận vào lớp dự tòng và, tùy mức độ có thể, được hướng dẫn khai tâm Bí Tích qua nhiều giai đoạn khác nhau; dựa theo đúng nghi thức khai tâm do Hội Ðồng Giám Mục đã thích nghi cũng như các quy luật riêng do Hội Ðồng Giám Mục ban hành. Cha mẹ của nhi đồng sắp được nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng như những người sẽ lãnh trách nhiệm đỡ đầu, phải được giáo huấn đầy đủ về ý nghĩa của Bí Tích này và về những bổn phận gắn liền với Bí Tích. Cha Sở, tự mình hay nhờ người khác, phải chăm lo huấn luyện đầy đủ các phụ huynh bằng những bài huấn dụ mục vụ, và kể cả bằng sự cầu nguyện chung, trong lúc hội họp nhiều gia đình và bằng cách đi thăm viếng họ khi nào có thể.
Ðiều 868: (1) Ðể một nhi đồng được rửa tội cách hợp pháp, cần thiết phải: có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật; có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do. Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ công giáo, và thậm chí không công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.
Ðiều 870: Ðứa trẻ bị bỏ rơi hay vô thừa nhận phải được rửa tội, trừ khi đã điều tra cẩn thận và biết chắc em đã được rửa tội rồi.
Ðiều 871: Bào thai bị sảy, nếu còn sống, thì phải được rửa tội, tùy theo mức độ có thể được.
Qua những khoản Giáo Luật trên, chúng ta thấy rằng: Những áp dụng chung cho toàn thể Giáo Hội về việc rửa tội cho những đứa con ngoại hôn, những đứa con không Cha và những của con nuôi của những người đồng tính xem chừng còn mới mẻ quá.
Tuy nhiên, những vấn nạn trên đã được trả lời trong quyển “Canonical and Pastoral Guide for Parishes” do nhà xuất bản Wilson and Lafleur năm 2006 trang I-16 và trong quyển Canon Law of the Sacraments for Parish Ministry của Cha William H. Woestman, OMI. trang 35. Hội Đồng Giám Mục Canada cho áp dụng những điều sau:
Ðiều 868 §1 qui định: có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật.
Giáo Luật chỉ đề cập đến Cha Mẹ, chứ không quan tâm về tình trạng hôn nhân của Cha Mẹ. Nên con cái ngoại hôn vẫn được rửa tội. Hơn nữa, Cha mẹ có bổn phận phải lo cho con mình sớm được rửa tội. Rửa tội là “Bí Tích Rửa Tội là cửa ngõ vào các Bí Tích. Sự lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cách thực sự hay ít ra bằng nguyện ước là điều cần thiết cho phần rỗi (Ðiều 849). Không ai có quyền từ chối phần rỗi linh hồn của người khác.
Mẫu đơn hay quen gọi là single-mom được trọn quyền quyết định cho con mình được rửa tội. Tuy nhiên trong sổ rửa tội không chấp nhận cho pater ignatus – Father unknown – Không biết Cha em bé là ai! Phải ghi rõ tên Cha đẻ và cả tên Cha nuôi nếu có để tránh những ngăn trở về huyết thống trực hệ hay bàng hệ sau nầy trong hôn nhân của đứa bé.
Con nuôi của những cặp đồng tính:
Ðiều 868 §2 qui định: có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
Vấn đề không nằm nơi cặp đồng tính luyến ái, nhưng là quyền lợi thiêng liêng của đứa bé. Em bé có quyền được rửa tội, được giáo dục trong đức tin và được ơn cứu độ. Giáo Hội rửa tội cho em bé căn cứ trên đức tin của Giáo Hội và của cộng đoàn dân Chúa địa phương. Nên có ai đó, dù họ hàng, ông bà hay cha mẹ đỡ đầu hứa sẽ lo giáo dục đức tin cho em bé. Em bé đó sẽ được rửa tội. Nếu không, xìn hoãn lại chờ cho đến khi những hy vọng giáo dục đức tin nầy khả thể. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến văn phòng chưởng ấn địa phận để được hướng dần, trước khi áp dụng những trường hợp đặc biệt trên để trách thắc nắc tiêu cực cho người khác.
Sổ rửa tội: Ghi cả tên Cha mẹ đẻ của em bé và tên của cặp đồng tính, coi như Cha Mẹ nuôi.
III. Thực hành Phúc Âm:
Bí tích rửa tội: Nhận ơn cứu độ và được sai đi rao truyền ơn cứu độ.
Để bắt đầu cuộc đời truyền đạo, Chúa Giêsu đến sông Giođan xin Ông Gioan ban phép rửa sám hối. Chúa được Thiên Chúa Cha nhìn nhận công khai là “Con dấu ái của Ta!” Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dưới hình chim câu đậu bên trên đầu. Sau đó Chúa Giêsu được hướng dẫn vào hoang địa, ăn chay cầu nguyện và rồi sau đó bắt đầu cuộc đời truyền đạo. Chúng ta cũng đã được rửa tội, đã được nhận lãnh ơn cứu độ và được sai đi để mang ơn cứu độ cho người khác.
Có 15 triệu người Canada được rửa tội Công Giáo. Nhưng chỉ có bốn triệu người thực hành đức tin, tức khoảng hơn 20%. Số còn lại lạc đạo hay mất đức tin. Người ta đổ thừa là tại cha mẹ bắt họ rửa tội hồi còn bé, họ đâu có biết gì là đạo để giữ hay đức tin để thi hành. Nên có ý kiến đề nghị: Để cho trẻ em lớn lên đến khi có đủ trí khôn để có thể chọn lựa xem có nên rửa tội hay không? Kết quả: Càng lớn, càng tự do chọn lựa, người ta càng tự do chọn cho mình vô đạo.
Thật là sai lầm và ngược với bí tích rửa tội khi Cha mẹ để con cái tự do chọn lựa là có nên rửa tội hay không? Sai lầm, vì không phải ai cũng biết dùng tự do của mình để mang ích lợi thiêng liêng cho mình. Nếu để các em nhỏ lớn lên cho đủ trí khôn rồi hãy quyết định xem có nên đi học hay không thì e rằng đã quá trễ so với tuổi cần phải đến trường. Nếu đã không quen đi học từ nhỏ thì làm sao biết việc học là cần thiết để quyết định chọn đi nhọc. Chắc chắn sẽ chọn ở nhà và thất học.
Đi ngược với bí tích rửa tội: Bí tích rửa tội ban cho ta ơn cứu độ và sai chúng ta đi rao giảng tin mừng. Cha Mẹ đã được rửa tội, cũng như đã biết được đường đi đến hạnh phúc thiên đàng, biết được lẽ phải điều hay mà lại không chỉ dạy hay truyền giảng đức tin cho con mình thì thật là lỗi bổn phận làm Cha Mẹ và đi ngược với bí tích rửa tội: Nhận ơn cứu độ và sai đi rao giảng ơn cứu độ.