Chân Phước MARY FRANCES SCHERVIER
(1819-1876)
Lược sử
Người phụ nữ này từng ao ước trở nên một nữ tu
dòng Trappist, nhưng Thiên Chúa đã dẫn dắt ngài đến việc thành lập một tu hội
cho các nữ tu chuyên lo việc chăm sóc bệnh nhân và người già ở Hoa Kỳ và khắp
nơi trên thế giới.
Sinh trưởng trong một
gia đình có thế giá ở Aix-la-Chapelle, nước Pháp, sau khi người mẹ từ trần cô
Frances coi sóc gia đình, và nổi tiếng là người độ lượng với người nghèo. Vào
năm 1844, cô gia nhập dòng Ba Phanxicô. Đến năm kế tiếp, cùng với bốn người
cộng sự, cô thành lập một tu
hội chuyên chăm sóc người nghèo. Năm 1851, tu hội Nữ Tu Nghèo Hèn của Thánh
Phanxicô được đức giám mục địa phương chấp thuận thành lập; không bao lâu tu
hội phát triển mau
chóng. Tại Hoa Kỳ, tu hội
được thành lập đầu tiên vào năm 1858.
Vào năm 1863, Mẹ
Frances sang Hoa Kỳ để giúp các nữ tu chăm sóc các thương binh của cuộc Nội
Chiến. Năm 1868, ngài lại sang Hoa Kỳ một lần nữa. Khi thầy Philip Hoever thiết
lập tu hội Anh Em Nghèo Hèn của Thánh Phanxicô, thì đó là nhờ Mẹ Frances khuyến
khích.
Khi Mẹ Frances từ trần,
lúc ấy đã có khoảng 2.500 thành
viên của tu hội trên khắp thế giới. Con số ngày càng gia tăng. Họ vẫn còn hoạt
động trong các bệnh viện và trung tâm dưỡng lão ngày nay. Mẹ Frances được phong chân phước năm 1974.
Suy niệm 1: Ao ước
Frances từng ao ước trở nên một nữ tu dòng
Trappist.
Niềm ao ước trở nên một nữ tu dòng của ngài
đã bị sớm ngưng trệ ở lứa tuổi 13, do cái chết đột ngột của thân mẫu cũng như
của hai người chị do bệnh lao vào năm 1832. Ngài buộc phải ở nhà để chăm sóc
gia đình. Nhưng ngài không khuất phục số phận mà tiếp tục sống ơn gọi tu trì
bằng việc chuyển hướng sang việc phục vụ cho các bệnh nhân và những người nghèo
khổ. Lòng quảng đại và vị tha của ngài thật vô bờ như một nhận xét: hằng ngày
cô bé mang mọi thứ trong nhà ra giúp người có nhu cầu.
Sau đó ngài gia nhập vào một tổ chức của
giới nữ mang tên "Saint John's Kitchen" (Nhà bếp của Thánh Gioan) do
cha xứ Istas thành lập nhằm chăm lo cho người nghèo. Để hỗ trợ công việc từ
thiện bằng đời sống thiêng liêng như niềm ao ước về một nếp sống tu trì hằng âm
ỉ trong lòng, vào năm 1844, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô. Từng bước từng bước
một, Chúa quan phòng đang dẫn dắt ngài đi theo niềm khao khát chính đáng của
ngài.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững tin vào tình thương Chúa quan phòng để an
tâm tiến bước theo Người.
Suy niệm 2: Thành
lập
Frances thành lập một tu hội chuyên chăm
sóc người nghèo.
Vào năm 1845, thân phụ ngài qua đời. Một
người bạn đến thăm và ngỏ lời: Chúa muốn bạn rời bỏ gia đình mà sống cộng đoàn
để cứu vớt các linh hồn cho Chúa và cứu giúp các bệnh nhân. Được ơn Chúa đánh
động, cùng với 4 thành viên là Catherine
Daverkosen, Gertrude Frank, Joanna Bruchhans, and Catherine Lassen của dòng Ba
Phanxicô, ngài được phép của cha phụ trách đến chung sống trong một căn nhà
nhỏ, và ngài được chọn làm bề trên của cộng đoàn. Sinh hoạt mang tính tu trì
như các nữ tu với các giờ phụng vụ, các bổn phận đối nội cũng như đối ngoại
theo linh đạo phục vụ các bệnh nhân nghèo, thậm chí cả các gái điếm bị bệnh
giang mai. Vào năm 1848, số thành viên đạt được con số 23.
Vào ngày 2.7.1851, cộng đoàn được đức giám
mục địa phương chấp thuận thành lập, và ngày 12.8.1851, họ được mặc áo dòng và
nhận được danh xưng tu hội Nữ Tu Nghèo Hèn của Thánh Phanxicô. Như thế một tu
hội được ngài thành lập tại quê hương Đức Quốc của ngài. Ngoài ra vào năm 1858,
một chi nhánh khác cũng được ngài thành lập tại Hoa kỳ, không kể vói sự hỗ trợ
và động viên của ngài, Philip Hoever đã thành lập một tu hội Nam Tu Nghèo hèn
của Thánh Phanxicô vào năm 1857 dành cho nam giới và nhằm phục vụ các trẻ mồ
côi nam cũng như giáo dục giới trẻ thuộc tầng lớp ngèo khổ.
Người đau yếu, nghèo khổ và già nua thường
bị nguy hiểm vì bị coi là thành phần "vô dụng" của xã hội, do đó họ
bị quên lãng. Chúng ta cần noi gương Mẹ Frances nếu chúng ta tôn trọng phẩm giá
và định mệnh của con người mà Thiên Chúa đã ban cho.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thể hiện tinh thần giáo Hội của người nghèo.
Suy niệm 3: Phát
triển
Không bao lâu tu hội phát triển mau chóng.
Vào năm 1848, bệnh dịch tả kết hợp với bệnh
đậu mùa bùng phát ở Aachen, một bệnh xá của thành phố được thiết lập và các nữ
tu được mời đến sống và phục vụ như các y tá. Vào năm 1849, nhiều thành viên
được tiếp nhận và đồng thời cũng được mời phụ trách một bệnh xá dành cho các
bệnh nhân dịch tả ở Burtscheid. Vào năm 1850, họ xây một bệnh viện ở Dominican
và đảm trách một bệnh viện ở Juelich. Vào năm 1851, một công trình được hoàn
thành ở Bonn cũng như ở Aachen nhằm chăm sóc các tù nhân nữ. Vào năm 1852, hai
nhà được dưng nên ở Cologne và một bệnh viện được mở ở Burtscheid. Tiếp đến
nhiều công trình dần dần được thiết lập ở Ratingen, Mayence, Coblenz (854);
Kaiserswerth, Crefeld, Euskirchen (1855); Eschweiler (1858); tolberg and Erfurt
(1863)… Tính chung vào năm 1911, con số công trình lên đến 49 tại khắp Âu Châu.
Năm 1868, Mẹ Frances viết cho các nữ tu,
nhắc nhở họ về lời của Ðức Kitô: "Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con
thi hành những gì Thầy truyền cho các con... Thầy ban các giới răn này là để
các con yêu thương nhau" (Ga 15,14.17). Mẹ Frances viết tiếp: "Nếu
chúng ta trung thành và hăng say thi hành điều này, chúng ta sẽ cảm nghiệm được
chân lý của lời cha Thánh Phanxicô, là người đã nói rằng tình yêu làm vơi bớt
mọi khó khăn và làm dịu ngọt mọi cay đắng. Cũng thế, chúng ta sẽ được hưởng
những ơn lành mà Thánh Phanxicô đã hứa ban cho con cái của người, trong hiện
tại cũng như tương lai, sau khi nhắc nhở họ hãy yêu thương nhau như người đã và
đang yêu thương họ."
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ lực tiếp nối các công trình từ thiện ấy để
xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của bao người.
Suy niệm 4: Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, tu hội được thành lập đầu tiên
vào năm 1858.
Năm 1858 đánh dấu một thời điểm quan trọng
trong việc phát triển của tu hội, và được mệnh danh là tu hội được gieo trồng
tại Hoa Kỳ. Bà Sarah Peter, một tân tòng ở Cincinnati, nhận trách nhiệm của Đức
Tổng Giám Mục mời các nữ tu người Đức đến giúp số người Đức túng thiếu cũng như
các nữ tu Ai-len cho người nghèo Ai-len.
Mẹ Frances nhận lời và quyết định lập một
nhà ở Cincinnati. Vào ngày 24.8.1858, Mẹ chọn 6 nữ tu và gởi đến Hoa Kỳ. Đến
nơi, họ chú tâm chăm sóc các bệnh nhân. Vào tháng ba năm sau, cùng với 3 nữ tu
từ âu Châu đến hiệp lực, họ khởi công xây một bệnh viện. Nhiều nữ tu từ nhà mẹ
được gởi đến và vào năm 1860, họ thiết lập một nhà nhánh ở Covington, Ky.
Vào mùa xuân 1861, bà Peter dâng cúng nhà
bà cho các nữ tu dùng làm nhà tập, từ đó tu hội phát triển nhanh chóng tại Tân
Thế Giới. Nhiều bệnh viện lần lượt được hoàn thành trong các thành phố của Hoa
Kỳ: Cincinnati (1858); Covington, Ky. (1860); Columbus, O. (1862); Hoboken, N.
J. (1863); Jersey City, N. J. (1864); Brooklyn, N. Y. (1864); 5th St., N. Y.
City (1865); Quincy, Ill. (1866); Newark, N. J. (1867); Dayton, O. (1878); N.
Y. City (1882); Kansas City, Kan. (1887); Fairmount, Cin., 0. (1888); Columbus,
O. (1891); 142nd St., N. Y. City(1906). Vào năm 1896 nhà tập được chuyển đến
Hartwell, O., nơi mà tu hội có được một tu viện rộng lớn với nhà nguyện, đất
đai và cũng là trung tâm sinh hoạt của lãnh thổ Hoa Kỳ.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp cho các tu hội có được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ công
việc từ thiện của họ.
Suy niệm 5: Di sản
Khi Mẹ Frances từ trần, lúc ấy đã có khoảng
2.500 thành viên của tu hội trên khắp thế giới. Con số ngày càng gia tăng. Họ
vẫn còn hoạt động trong các bệnh viện và trung tâm dưỡng lão ngày nay.
Khi Mẹ frances qua đời, tu hội có được
2.500 thành viên ở khắp nơi. Số lượng càng gia tăng cho đến năm 1970, khi đạt
đến đỉnh cao thì, như nhiều tu hội khác, một bóng đen của sự sa sút dần dần bao
phủ.
Thật ra, một biểu hiện đã hé mở từ năm
1959. Tu hội nhánh ở Hoa Kỳ xin tách ra khỏi nhà mẹ ở Đức để trở thành một tu
hội độc lập với danh xưng Các Nữ Tu Phanxicô của Người Nghèo. Họ có 4 cộng đoàn
lớn ở Brooklyn, New York. Họ vẫn tiếp tục dấn thân phục vụ bệnh viện và nhà
dưỡng lão ở Walden, New York, nhưng đã chuyển giao quyền sở hữu về thể chế cho
các tổ chức khác. Tuy nhiên Ngôi Nhà và Bệnh Viện được các nữ tu nguyên thủy
xây dựng thì vẫn còn duy trì danh tánh của Mẹ Frances. Hiện nay tu hội này đi
theo đường hướng chăm sóc sức khoẻ, mục vụ và công tác xã hội.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hết mình chu toàn bổn phận và phạm vi vủa chính
mình, còn tương lai thì hãy dành cho Chúa (1Cr 3,5-9).
Suy niệm 6: Phong
chân phước
Mẹ Frances được phong chân phước năm 1974.
Mẹ Frances Schervier qua đời tại Aachen,
Đức vào ngày 14.12.1876. Tiến trình phong thánh được khởi sự (1934). Đức Phaolô
VI công bố Mẹ là Đấng Đáng Kính (30.1.1969). Phép lạ chữa lành bệnh cho ông
Ludwig Braun nhờ lời cầu bàu của Mẹ được xác nhận (18.10.1973) nên được Đức
Phaolô VI phong lên Bậc Chân Phước tại Rô Ma (28.4.1974).
Một phép lạ chữa lành bệnh xuất huyết của
ông Thomas Siemers được nêu lên. Ba bác sĩ nghiên cứu và một trong ba phát biểu
đó là một sự can thiệp thần linh (3.1989). Án phong Hiển Thánh được Bề Trên tu
hội Các Nữ Tu Phanxicô của Người Nghèo là Nữ Tu Tiziana Merletti, S.F.P. và Mẹ
Tổng Quyền của tu hội Nữ Tu Nghèo Hèn của Thánh Phanxicô là Nữ Tu Katharina
Maria Finken, S.P.S.F. trình lên Rô Ma để xin tiếp tục (16.7.2008). Cấp Giáo
Phận ở Cincinnati, Ohio được lệnh tiến hành việc điều tra trường hợp của ông
Thomas Siemers (17.4.2009) và xác nhận đúng (14.12.2009). Các tài liệu có giá
trị pháp lý này của Giáo phận được xem xét tại Rô Ma (17.3.2010) và chưa có kết
luận.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học lấy tính cách nghiêm túc và thận trọng của
Giáo Hội trong cách làm việc.