... một nỗi khao khát về một đời sống sung mãn, bao gồm
khao khát không thể kìm nén được về tình huynh đệ vốn là điều lôi kéo chúng ta
đến với người khác và giúp chúng ta đối xử với họ không như là kẻ thù hay người
đối địch, nhưng như là anh chị em được đón nhận và ôm ấp.
TÌNH
HUYNH ĐỆ, NỀN TẢNG VÀ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN TỚI HÒA BÌNH
Trong sứ điệp Ngày Thế
Giới Hòa Bình đầu tiên của mình, tôi ước ao gửi đến mọi người, cá nhân cũng như
các dân tộc, ước mong về một đời sống được đổ đầy với niềm vui và hy vọng.
Trong trái tim của mỗi người nam và người nữ luôn thường trực một nỗi khao khát
về một đời sống sung mãn, bao gồm khao khát không thể kìm nén được về tình
huynh đệ vốn là điều lôi kéo chúng ta đến với người khác và giúp chúng ta đối xử
với họ không như là kẻ thù hay người đối địch, nhưng như là anh chị em được đón
nhận và ôm ấp.
Vì chúng ta là một hữu
thể tương quan, tình huynh đệ là một phẩm chất thiết yếu của con người. Một ý
thức sống động về mối tương quan này giúp chúng ta nhìn và đối xử với nhau như
là anh chị em đích thực. Không có tình huynh đệ thì không thể xây dựng một xã hội
công bình và một nền hòa bình bền vững và viên mãn. Chúng ta nên nhớ rằng tình
huynh đệ cách chung được học biết tại gia đình, trên hết là nhờ vào vai trò
trách nhiệm và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là người cha
và người mẹ. Gia đình là nguồn mạch của tình huynh đệ, và như thế gia đình
chính là nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình, vì ơn gọi của gia
đình chính là thông truyền tình yêu cho thế giới xung quanh.
Việc gia tăng về các mối
liên hệ nối kết với nhau và truyền thông trong thế giới hôm nay khiến chúng ta
ý thức nhiều hơn về sự hiệp nhất và số phận chung của các quốc gia. Trong sự
năng động của lịch sử, trong sự đa dạng của các nhóm chủng tộc, xã hội và văn
hóa, chúng ta nhìn thấy những hạt giống, là ơn gọi hình thành một cộng đoàn gồm
những anh chị em biết đón nhận và chăm sóc lẫn nhau. Nhưng ơn gọi này vẫn thường
xuyên bị khước từ và lờ đi trong một thế giới bị ghi dấu bởi “sự toàn cầu hóa dửng
dưng”, điều làm cho chúng ta dần quen với sự đau khổ của người khác và khép
mình lại.
Tại nhiều nơi trên thế
giới, những tội ác chống lại những quyền nền tảng của con người dường như không
kết thúc, đặc biệt là quyền sống và quyền tự do tôn giáo. Những thảm cảnh về tệ
nạn buôn bán người, mà trong đó đời sống và nỗi tuyệt vọng của người khác là miếng
mồi ngon của những kẻ vô đạo đức, là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Cùng với
các cuộc xung đột vũ trang công khai là các cuộc chiến tranh ít nhìn thấy hơn,
nhưng không kém phần độc ác, đó là các cuộc chiến trong các lĩnh vực kinh tế và
tài chính, chúng phá hủy cuộc sống, phá hủy gia đình cũng như doanh nghiệp.
Toàn cầu hóa, như ĐTC
Biển Đức 16 chỉ ra, làm cho chúng ta trở thành “hàng xóm” nhưng không giúp
chúng ta trở thành anh chị em của nhau.[1] Nhiều tình huống bất bình đẳng,
nghèo đói và bất công không chỉ là dấu chỉ của việc thiếu tình huynh đệ sâu sắc
mà còn là dấu chỉ của sự vắng mặt một nền văn hóa liên đới. Những ý thức hệ mới,
được đặc trưng bởi sự lan tràn của chủ nghĩa cá nhân, việc tự coi mình là trung
tâm và chủ nghĩa tiêu thụ vật chất, làm suy yếu đi các mối tương quan xã hội và
làm nảy sinh não trạng “thải bỏ” dẫn đến thái độ xem thường và loại bỏ những
người yếu đuối nhất và những người bị xem là “vô dụng”. Trong cách này, sự đồng
tồn tại của con người ngày càng có xu hướng trở thành một hành vi “có qua có lại”
(do ut des) đầy thực dụng và ích kỷ.
Đồng thời, rõ ràng là
hệ thống đạo đức đương đại không có khả năng tạo ra những mối tương quan huynh
đệ đích thực, vì tình huynh đệ này không muốn tham chiếu đến một vị Cha chung
là nền tảng tội hậu giúp nó tồn tại.[2] Tình huynh đệ đích thực giữa con người
giả thiết và đòi hỏi một Tình Phụ tử siêu vượt. Nếu đặt nền tảng trên việc thừa
nhận tình phụ tử này, tình huynh đệ nhân loại sẽ được củng cố: Mỗi người trở
thành một “bạn hữu” để chăm lo cho người khác.
“Em
ngươi đâu?” (St 4,9)
2. Để hiểu đầy đủ hơn
về ơn gọi của con người đối với tình huynh đệ, để nhận ra một cách rõ ràng hơn
những cản trở trên bước đường hiện thực hóa ơn gọi này và để nhận ra những con
đường nhằm vượt qua những cản trở ấy, điều quan trọng nhất là chúng ta hãy để
cho mình hiểu biết kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch được trình bày trong một
cách thức trổi vượt trong Kinh Thánh.
Theo tường thuật Thánh
Kinh về sáng tạo, tất cả con người có nguồn gốc từ một cha mẹ, Adam và Eve, đôi
bạn được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài (xem St
1,26), từ họ, Cain và A-ben được sinh ra. Trong lịch sử của gia đình đầu tiên
này, chúng ta nhìn thấy nguồn gốc của xã hội và sự tiến triển của các mối tương
quan giữa các cá nhân và dân tộc.
A-ben là một người
chăn cừu, Cain là một người trồng trọt. Căn tính sâu sắc của họ và ơn gọi của họ
chính là anh em bất chấp sự đa dạng trong hoạt động và văn hóa, trong cách thức
họ tương quan với Thiên Chúa và tạo vật. Việc Cain đã giết em mình là A-ben cho
thấy một thảm kịch của sự khước từ triệt để ơn gọi làm anh em của Cain. Câu
chuyện của họ (xem. St 4,1-16) chỉ ra nhiệm vụ khó khăn mà mọi người nam và nữ
được mời gọi, để sống như một, mỗi người phải quan tâm đến người khác. Cain vì
không thể chấp nhận việc Thiên Chúa yêu mến A-ben hơn, vì A-ben đã dâng cho
Ngài lễ vật tốt nhất, - “Ðức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng
Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt
(St 4,4-5) – nên đã giết A-ben vì ghen tị. Theo cách này, ông từ chối xem A-ben
là anh em, có mối liên hệ đúng đắn với A-ben và sống trong sự hiện diện của
Thiên Cháu bằng cách đón nhận trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ người khác. Khi Thiên
Chúa hỏi Cain “Em ngươi đâu?” (St 4,9), Thiên Chúa muốn Cain giải thích điều
ông đã làm. Ông trả lời: "Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?
"
Sau đó,
sách Sáng Thế nói cho chúng ta biết, “Ông Cain đi xa khuất mặt Ðức Chúa”
(4:16).
Chúng ta tự hỏi đâu là
lý do đích thực khiến Cain xem thường mối tương quan huynh đệ và, đồng thời, mối
tương quan hỗ tương và huynh đệ nối kết ông với em mình là A-ben. Chính Thiên
Chúa đã kết án và quở trách Cain vì ông đã thông đồng với sự dữ: “tội lỗi đang nằm
phục ở cửa” (St 4,7). Nhưng Cain đã khước từ, ông đồng lõa với sự dữ và quyết định
“xông đến giết A-ben, em mình.” (St 4,8), như thế là ông xem thường kế hoạch của
Thiên Chúa. Và như thế, ông đã phá vỡ lời mời gọi ban sơ của mình để trở nên
con cái Thiên Chúa và sống trong tình huynh đệ.
Câu chuyện của Cain và
A-ben dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta có một lời mời gọi huynh đệ, nhưng nó
cũng có thể trở thành thảm kịch khi phản bội lại lời mời gọi này. Điều này được
chứng thực bởi những hành động ích kỷ hàng ngày của chúng ta, chúng là nguồn gốc
của quá nhiều chiến tranh và bất công: nhiều người nam và người nữ đã chết dưới
bàn tay của anh chị em mình, những người không có khả năng để nhận ra nơi người
khác như chính họ là, nghĩa là như là những hữu thể được dựng nên trong mối
tương quan với người khác, trong sự hiệp thông và trao ban.
“Tất cả
anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8)
3. Một câu hỏi tự
nhiên nảy sinh là: Người nam và người nữ trên thế giới này có khả năng để đáp
trả một cách trọn vẹn khao khát tình huynh đệ mà Thiên Chúa là Cha đã đặt để
trong họ không? Họ sẽ tự mình nỗ lực bởi chính khả năng của họ để vượt qua sự
khác biệt, ích kỷ và ghen ghét và đón nhận những khác biệt chính đáng nơi anh
chị em mình không?
Nhờ vào việc diễn giải
lời của Đức Giê-su, chúng ta có thể tóm tắt câu trả lời mà Ngài đã đưa ra: “Phần
anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy;
còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (xem Mt 23,8-9). Nền tảng của tình
huynh đệ được dựa trên tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta không nói về tình
phụ tử giống loài, đầy mơ hồ và bất toàn trong lịch sử, nhưng đúng hơn là một
tình yêu cụ thể đầy trổi vượt và đặc biệt của Thiên Chúa dành cho mỗi người nam
và nữ (xem Mt 6,25-30). Vì thế, chính tình phụ tử ấy làm nảy sinh một cách hiệu
quả tình huynh đệ, bởi vì tình yêu Thiên Chúa, một khi được đón nhận, trở thành
một phương tiện lớn lao biến đổi đời sống chúng ta và các mối tương quan của
chúng ta với người khác, giúp chúng ta mở mình ra với tình liên đới và sự chia
sẻ đích thực.
Trong một cách cụ thể,
tình huynh đệ nhân loại được tái tạo trong và qua Đức Giê-su Ki-tô, qua cái chết
và phục sinh của Người. Thánh giá chính là điểm nền tảng cuối cùng mà con người
không thể tự mình tái tạo nên. Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã mặc lấy bản chất con
người để cứu độ nó, yêu mến Chúa Cha cho đến chết trên Thập Giá (xem Pl 2,8),
qua sự phục sinh của mình đã biến chúng ta thành một nhân loại mới, trong sự hiệp
thông trọn vẹn với ý muốn của Thiên Chúa, với kế hoạch của Người, bao gồm một sự
hiện thực hóa trọn vẹn ơn gọi làm huynh đệ.
Từ khởi đầu, Đức
Giê-su đã đón nhận kế hoạch của Cha, thừa nhận tính ưu việt của nó trên mọi sự.
Nhưng Đức Ki-tô, khi từ bỏ chính mình cho đến chết vì tình yêu dành cho Cha,
Ngài đã trở thành nguyên lý chung kết và mới mẻ dành cho tất cả chúng ta; trong
Ngài, chúng ta được mời gọi để đối xử với nhau như anh chị em, bởi vì chúng ta
là con cái của cùng một Cha. Chính Ngài là Giao ước; nơi Ngài, chúng ta được
hòa giải với Thiên Chúa và với nhau như anh chị em. Cái chết của Đức Giê-su
trên Thập giá cũng chấm dứt sự chia cách giữa mọi người, giữa dân của Giao ước
và Dân Ngoại, những người cho đến giây phút đó không còn hy vọng, vì họ không
phải là một phần của Lời hứa. Như chúng ta đọc thấy trong thư gửi Tín hữu
Ê-phê-sô, Đức Giê-su Ki-tô là Đấng hòa giải mọi người nơi chính Ngài. Ngài
chính là sự bình an, vì Ngài làm hai người trở nên một, phá vỡ bức tường phân
cách chia rẽ họ, là sự thù nghịch giữa họ. Ngài đã tạo nên nơi chính mình một
dân, một con người mới, một nhân loại mới (xem 2,14-16).
Tất cả những ai đón nhận
đời sống của Đức Ki-tô và sống nơi Ngài biết rằng Thiên Chúa là Cha và họ sẽ
trao ban trọn vẹn thân mình cho Ngài, bằng cách yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Một
người đã được hòa giải sẽ nhận ra Thiên Chúa là Cha của mọi người, và kết quả
là, họ được mời gọi để sống đời sống đệ huynh dành cho hết mọi người. Nơi Đức
Ki-tô, người khác được chào đón và được yêu thương như người con trai hay con
gái của Thiên Chúa, như một người chị, một người anh, chứ không phải như người
xa lạ, hay tệ hơn là như một kẻ đối địch và thậm chí là kẻ thù. Trong gia đình
của Thiên Chúa, nơi mọi người con trai và con gái có cùng một Cha, và vì họ được
tháp nhập vào Chúa Ki-tô, những người con trai và con gái này sẽ ở trong Người
Con, không phải là “đời sống đáng vứt đi”. Tất cả người nam và nữ chung hưởng một
phẩm giá như nhau và không ai có thể xâm phạm được. Mọi người đều được Thiên
Chúa yêu mến. Mọi người đều được cứu chuộc bởi máu của Đức Ki-tô, Đấng đã chết
trên Thập giá và đã sống lại vì hết thảy chúng ta. Đây chính là lý do tại sao
không ai có thể tiếp tục dửng dưng trước số phận của anh chị em mình.
Tình
huynh đệ, nền tảng và là con đường dẫn đến hòa bình
4. Điều này muốn nói rằng,
thật dễ để nhận ra rằng tình huynh đệ chính là nền tảng và con đường dẫn đến
hòa bình. Liên quan đến vấn đề này, các thông điệp xã hội mà các vị tiền nhiệm
của tôi đã viết trở nên hữu ích. Có lẽ chỉ cần trích dẫn lại những định nghĩa về
hòa bình trong các Thông điệp Populorum Progressio của Đức Thánh Cha Phaolô VI
và Sollicitudo Rei Socialis của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì đã khá đầy đủ.
Qua thông điệp thứ nhất, chúng ta biết rằng sự phát triển hội nhất của các dân
tộc là một danh xưng mới của nền hòa bình.[3] Từ thông điệp thứ hai, chúng ta kết
luận rằng hòa bình là thành quả của sự liên đới (Opus solidaritatis pax).[4]
Đức Phaolô VI đã trình
bày rằng, không chỉ cá nhân mà các quốc gia cũng phải gặp gỡ nhau trong tình
huynh đệ. Ngài nói: “Trong tình bạn và trong sự hiểu biết lẫn nhau, trong sự hiệp
thông thánh này, chúng ta cũng phải… cùng nhau lao tác để xây dựng tương lai
chung cho nhân loại”.[5] Trước hết, nhiệm vụ này dành cho những người được ưu
tuyển. Trách nhiệm của họ được cắm rễ sâu trong tình huynh đệ nhân loại và mang
tính siêu vượt, và được biểu lộ trong ba cách: bổn phận liên đới, vốn đòi hỏi
các nước giàu hơn trợ giúp các nước kém phát triển hơn; bổn phận công bình xã hội,
cần tổ chức lại các mối tương quan giữa kẻ mạnh hơn và người yếu thế hơn để có
sự công bằng hơn; và bổn phận đức ái chung, bao gồm sự thăng tiến một thế giới
nhân bản hơn dành cho mọi người, một thế giới mà nơi ấy mỗi người có một điều
gì đó để trao và nhận, mà không xem sự thăng tiến của người này là sự cản trở
cho sự phát triển của người khác.[6]
Vậy, nếu chúng ta xem
hòa bình là thành quả của sự liên đới, chúng ta không thể không ý thức rằng
tình huynh đệ chính là nguyên lý nền tảng của nó. Hòa bình, như ĐTC Gioan
Phaolô II khẳng định, là một sự thiện không thể phân chia. Nó là một sự thiện
dành cho tất cả và nó cũng là một sự thiện không thuộc về ai. Hòa bình chỉ có
thể đạt được và được hưởng dùng, như là một phẩm chất cao nhất của đời sống và
một sự phát triển bền vững của nhân loại, nếu tất cả mọi người được hướng dẫn bởi
tình liên đới như “là một quyết tâm mạnh mẽ và bền bỉ trong việc dấn thân cho lợi
ích chung”.[7] Điều này có nghĩa là đừng để mình được hướng dẫn bởi “ham hố lợi
nhuận” hay “khao khát quyền lực”. Điều cần thiết là khao khát “từ bỏ chính
mình” vì lợi ích của người khác hơn là khai thác họ, và “phục vụ họ” thay vì áp
bức họ vì lợi ích của bản thân mình. “Tha nhân” – cho dẫu là một người hay một
quốc gia – không được xem như một loại công cụ, với khả năng làm việc hay sức mạnh
thể lý được khai thác với chi phí rẻ mạt, và rồi loại bỏ khi không còn hữu dụng,
nhưng là như “đồng loại của chúng ta”, một “trợ tá.”[8]
Tình liên đới Kitô
giáo giả thiết rằng tha nhân cần được yêu mến không chỉ “là một con người với
những quyền lợi và sự bình đẳng căn bản đối với mọi người, mà còn trở nên hình ảnh
sống động của Thiên Chúa Cha, được máu Đức Kitô cứu chuộc và là đối tượng hoạt
động của Chúa Thánh Thần”,[9] như biết bao nhiêu anh chị em khác. Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II lưu ý: “Lúc đó ý thức về tình phụ tử chung của Thiên Chúa, về
tình huynh đệ của mọi người trong Đức Kitô, ‘những người con trong Chúa Con’, về
sự hiện diện và họat động ban sự sống của Chúa Thánh Thần, đem lại cho cái nhìn
của chúng ta về thế giới một tiêu chuẩn mới để giải thích nó,”[10] để thay đổi
nó.
Tình
huynh đệ, một đòi hỏi cho cuộc chiến chống đói nghèo
5. Trong Thông Điệp
Bác ái trong Chân Lý, vị tiền nhiệm của tôi đã nhắc nhở thế giới về sự thiếu hụt
tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa người nam và nữ là một nguyên nhân quan
trọng của nghèo đói.[11] Trong nhiều xã hội, chúng ta kinh nghiệm về một sự
nghèo nàn về các mối tương quan là kết quả của việc thiếu các mối tương quan vững
chắc trong gia đình và xã hội. Chúng ta bận tâm nhiều đến các khó khăn, bị gạt
ra bên lề, cô lập và các chứng phụ thuộc bệnh lý ngày càng gia tăng. Loại nghèo
khó này chỉ có thể vượt qua nhờ vào việc tái khám phá và tôn trọng các mối
tương quan huynh đệ trong trái tim của các gia đình và cộng đoàn, thông qua sự
chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, những thất bại cũng như thành công, vốn là một phần
của đời sống con người.
Hơn nữa, nếu như một mặt
chúng ta đang chứng kiến một sự giảm sút trong nghèo khó thuần túy, thì mặc
khác, chúng ta cũng không thể không nhận ra rằng có một sự gia tăng rất nghiêm
trọng về tình trạng nghèo đói tương đối, nghĩa là những bất công giữa những người
và giữa các nhóm cùng chung sống trong một vùng cụ thể hay trong một bối cảnh
văn hóa lịch sử xác định. Trong ý nghĩa này, các chính sách hiệu quả cần thăng
tiến nguyên lý huynh đệ, nhằm đảm bảo cho con người – những người bình đẳng
trong phẩm giá và trong các quyền nền tảng – có thể tiếp cận đến các nguồn vốn,
các dịch vụ, hệ thống giáo dục, sức khỏe và kỹ thuật để mỗi người có cơ hội diễn
tả và hiện thực hóa dự án đời sống mình và có thể phát triển một cách trọn vẹn
như một con người.
Một người cũng thấy rất
cần có những chính sách nhằm giảm thiểu một sự bất công quá lớn trong thu nhập.
Chúng ta đừng quên rằng Giáo huấn của Giáo hội về điều được gọi là khế ước xã hội,
mà cho rằng, như thánh Tôma Aquinô nói, điều hợp luật và thực sự cần thiết là
“người ta có quyền sở hữu”,[12] trong những gì liên quan đến việc sử dụng của
mình, “họ sở hữu chúng không giống như tài sản của mình nhưng cũng là tài sản
chung cho người khác, nghĩa là chúng có thể mang lại lợi ích cho người khác cũng
như chính bản thân họ”.[13]
Cuối cùng, có một cách
thức khác để thăng tiến tình huynh đệ - và thực sự đánh bại sự nghèo đói – mà
cũng là nền tảng của tất cả những điều khác. Nó là sự tách mình ra của những
người chọn một lời sống đơn sơ và đích thực, của những người mà, bằng cách chia
sẻ tài sản của mình, họ thực sự đang cố gắng để kinh nghiệm sự hiệp thông huynh
đệ với người khác. Đây chính là nền tảng cho việc theo Đức Ki-tô và trở nên
Ki-tô hữu đích thực. Đây không chỉ là trường hợp của những người sống đời sống
thánh hiến, những người tuyên khấn lời khấn nghèo khó, nhưng là của biết bao
nhiêu gia đình và người dân đầy trách nhiệm, những người xác tín rằng, chính mối
tương quan huynh đệ của họ với tha nhân mới hình thành nên sự thiện quý giá nhất.
Tái
khám phá tình huynh đệ trong nền kinh tế
6. Các cuộc khủng hoảng
kinh tế và tài chính nghiêm trọng trong thời gian gần đây – mà nhận ra gốc rễ của
chúng chính là con người dần lạc xa Thiên Chúa và tha nhân, một mặt là do việc
theo đuổi những của cải vật chất, và mặt khác là do sự bần cùng hóa các mối
tương quan liên vị và cộng đoàn – đã thúc đẩy con người tìm kiếm sự thỏa mãn, hạnh
phúc và an toàn trong việc tiêu thụ và lợi lộc từ tất cả những gì liên quan đến
các nguyên lý của một nền kinh tế vững mạnh. Vào năm 1979, ĐTC Gioan Phaolô II
đã mời gọi mọi người lưu ý tới “một lối nhận thức thật sự nguy hại là, trong
khi sự thống trị của con người trên thế giới sự vật đang có những bước tiến lớn
lao, thì trong sự thống trị của mình, con người đang dần đánh mất những mối dây
thiết yếu và trong những cách thế khác nhau, bản tính nhân loại đang bị lệ thuộc
vào thế giới và tự mình trở nên một điều phụ thuộc và bị sử dụng, và thậm chí
việc sử dụng này không được nhận thức một cách đúng đắn – thông qua toàn thể tổ
chức đời sống cộng đoàn, qua hệ thống sản xuất và áp lực từ các phương tiện
truyền thông xã hội.”[14]
Các cuộc khủng hoảng
kinh tế nối tiếp nhau nói cho chúng ta biết chúng ta cần suy nghĩ lại về những
khuôn mẫu phát triển kinh tế của chúng ta và tiến tới một sự thay đổi trong
cách sống. Các cuộc khủng hoảng ngày nay, thậm chí với những hậu quả nghiêm trọng
cho đời sống con người, cũng cung cấp cho chúng ta một cơ hội quý giá để tái
khám phá các nhân đức khôn ngoan, tiết độ, công bình và can đảm. Các nhân đức
này có thể giúp chúng ta vượt qua những thời khắc khó khăn để tái khám phá mối
dây huynh đệ nối kết chúng ta với người khác, với một niềm tin tưởng sâu sắc rằng
con người cần và có khả năng đạt được điều gì lớn hơn là việc tối đa hóa lợi
ích cá nhân. Trên hết, các nhân đức này cần thiết để xây dựng và giữ gìn một xã
hội hợp với phẩm giá con người.
Tình
huynh đệ dập tắt chiến tranh
7. Trong năm qua, nhiều
anh chị em của chúng ta tiếp tục phải gánh chịu kinh nghiệm hủy hoại của chiến
tranh, gây nên một vết thương sâu và nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình huynh đệ.
Nhiều cuộc xung đột đang diễn ra giữa sự thờ ơ chung. Với những anh chị em đang
sống trong những vùng đất nơi đó vũ khí áp đặt khủng bố và sự hủy diệt, tôi đảm
bảo sự gần gũi cá nhân tôi và sự gần gũi của toàn thể Giáo hội, sứ mạng của
Giáo hội là mang tình yêu của Chúa Ki-tô đến với những nạn nhân không có khả
năng tự vệ, bị lãng quên bởi chiến tranh thông qua lời cầu nguyện cho sự hòa
bình, qua sự phục vụ cho những người bị thương tích, đói kém, di dân, những người
phải thay đổi nơi ở và tất cả những người đang sống trong sợ hãi. Giáo hội cũng
sẽ lên tiếng để giúp các vị lãnh đạo lắng nghe được tiếng khóc than của những
người đang gặp đau khổ và đặt một dấu chấm hết cho mọi hình thức của hận thù, lạm
dụng và bạo lực đối với các quyền nền tảng của con người.[15]
Vì lý do này, tôi mạnh
mẽ khuyến cáo những ai gieo rắc bạo lực và cái chết bằng sức mạnh của vũ khí:
Trong con người mà hôm nay bạn chỉ thấy đơn thuần là một kẻ thù bị đánh đập,
hãy khám phá ra rằng họ là anh chị em của bạn, và hãy ôm họ vào vòng tay bạn!
Hãy từ bỏ những con đường của vũ khí và đi ra ngoài để gặp gỡ người khác trong
đối thoại, tha thứ và hòa giải, để tái xây dựng hòa bình, tin tưởng và hy vọng
xung quanh bạn! “Từ quan điểm này, rõ ràng là, đối với các dân tộc trên thế giới,
xung đột vũ trang luôn luôn là một sự phủ định có chủ ý đối với sự hòa hợp quốc
tế, và tạo ra sự chia rẽ sâu sắc và những vết thương sâu đòi hỏi nhiều năm để
chữa lành. Chiến tranh là một sự khước từ cụ thể trong việc theo đuổi các mục
tiêu kinh tế và xã hội to lớn mà cộng đồng quốc tế đã đề ra".[16]
Dầu vậy, bao lâu vẫn
còn lượng vũ khí rất lớn đang lưu hành như hiện nay, những cái cớ mới có thể
luôn được tìm thấy để bắt đầu hận thù. Vì lý do này, chính bản thân tôi cũng
như các vị tiền nhiệm của tôi khẩn khoản mời gọi hạn chế sử dụng vũ khí giết
người hàng loạt và các bên cần giải trừ quân bị, bắt đầu với việc giải trừ vũ
khí hạt nhân và hóa học.
Tuy chúng ta không thể
không nhận ra rằng các thỏa thuận và các luật lệ quốc tế - là điều cần thiết và
rất đáng ao ước – nhưng tự chúng không đủ để bảo vệ con người ra khỏi những rủi
ro của xung đột vũ trang. Một cuộc hoán cải con tim cần thiết sẽ cho phép mỗi
người nhận ra nơi người khác là người anh người chị cần chăm sóc, và để cùng
làm việc với nhau trong việc xây dựng một đời sống viên mãn cho mọi người.
Chính tinh thần này đã gợi hứng cho nhiều sáng kiến trong xã hội dân sự, bao gồm
các tổ chức tôn giáo trong việc thăng tiến hòa bình. Tôi bày tỏ hy vọng rằng
các cam kết hàng ngày sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái và áp dụng hiệu quả trong luật
pháp quốc tế về quyền đối với hòa bình, như là một quyền cơ bản của con người
và điều kiện tiên quyết cần thiết cho tất cả các quyền khác.
Tham
nhũng và tội ác có tổ chức đe dọa tình huynh đệ
8. Chiều kích huynh đệ
là điều cần thiết cho sự hoàn thiện của mỗi người nam và nữ. Những tham vọng hợp
lý của con người, đặc biệt nơi những người trẻ, không nên bị cản trở hay chống
đối, người ta cũng không nên bị cướp đi niềm hy vọng hiện thực hóa những tham vọng
này. Dầu vậy, tham vọng không được lẫn lộn với việc lạm dụng quyền lực. Trái lại,
mọi người cần thương mến nhau với tình huynh đệ (xem Rm 12,10). Trong những bất
đồng, là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, chúng ta luôn nhớ rằng
chúng ta là anh chị em, và do đó cần khuyên nhủ người khác và khuyên nhủ nhau để
không xem tha nhân là kẻ thù hay một địch thủ cần bị loại trừ.
Tình huynh đệ tạo ra
bình an cho xã hội bởi vì nó tạo ra một sự quân bình giữa tự do và công bình, giữa
trách nhiệm cá nhân và liên đới, giữa lợi ích cá nhân và ích chung. Và vì thế,
một cộng đồng chính trị cần hoạt động trong một cách thức rõ ràng và trách nhiệm
để hỗ trợ cho điều này. Các công dân phải cảm thấy mình là người đại biểu của
chính quyền công cộng liên quan đến tự do của mình. Nhưng lợi ích của các bên
đã chen vào giữa công dân và các tổ chức và phá vỡ mối quan hệ đó, điều này đã
thúc đẩy tạo ra một bầu khí xung đột lâu dài.
Một tình huynh đệ đích
thực vượt qua sự ích kỷ cá nhân, điều vốn xung đột với khả năng con người sống
trong tự do và hòa hợp với nhau. Sự ích kỷ như thế phát triển về mặt xã hội –
cho dẫu nó ở dưới nhiều hình thức của tham nhũng, rất phổ biến ngày nay, hay
trong sự huấn luyện của các tổ chức tội ác, từ những nhóm nhỏ đến những nhóm được
tổ chức trên phạm vi toàn cầu. Các nhóm này phá vỡ các luật lệ và công bình, đụng
chạm đến trái tim của phẩm giá con người. Các tổ chức này chống lại Thiên Chúa
một cách nghiêm trọng, họ làm tổn thương người khác và làm hại đến công trình
sáng tạo, điều này càng nghiêm trọng hơn khi chúng có âm điệu tôn giáo.
Tôi cũng nghĩ về thảm
kịch đau lòng về việc lạm dụng thuốc nhằm mang về lợi nhuận mà xem thường các
luật luân lý và dân sự. Tôi nghĩ về sự tàn phá các nguồn lực tự nhiên và sự ô
nhiễm vẫn còn tiếp diễn, và thảm kịch bóc lột lao động. Tôi cũng nghĩ đến nạn
buôn tiền bất hợp pháp và sự đầu cơ tài chính, là điều thường minh chứng cho việc
bóc lột cũng như gây thiệt hại cho toàn thể hệ thống kinh tế xã hội. Tôi nghĩ về
tệ nạn mãi dâm, mỗi ngày thu lợi từ những nạn nhân vô tội, đặc biệt là người trẻ,
cướp đi tương lai của họ. Tôi nghĩ về sự kinh tởm của nạn buôn người, các tội
ác, và lạm dụng chống lại các dân tộc thiểu số, nỗi kinh hoàng của tình trạng
nô lệ vẫn con hiện diện ở nhiều nơi trong thế giới hôm nay; thảm kịch của người
di dân thường bị xem nhẹ, họ là những nạn nhân thường xuyên của việc đối xử bất
công và bất hợp pháp. Như Đức Thánh Cha Gioan 23 đã viết: “Con người không thể
tồn tại trong một xã hội chỉ dựa trên các mối tương quan quyền lực. Thay vì
khích lệ sự thành tựu và phát triển của con người như nó nên làm, quyền lực thường
cản trở và hạn chế tự do của con người”.[17] Nhưng con người có thể hoán cải; họ
sẽ không bao giờ phải thất vọng vì họ có thể thay đổi cuộc sống của mình. Tôi ước
mong điều này trở thành một sứ điệp hy vọng và tin tưởng cho mọi người, kể cả
những ai đang phạm những tội ác tày trời, vì Thiên Chúa không muốn tội nhân phải
chết, nhưng muốn họ hoán cải và được sống (xem Ed 18,23).
Trong bối cảnh rộng lớn
của các mối liên hệ xã hội, khi chúng ta nhìn vào tội ác và hình phạt, chúng ta
không thể giúp gì ngoại trừ việc nghĩ về những điều kiện thiếu tình thương
trong các nhà tù, nơi đó, những người bị giam giữ thường bị giản lược vào một
tình trạng không giống người (subhuman status), vi phạm đến phẩm giá con người
và cướp khỏi họ niềm hy vọng và khao khát phục hồi. Giáo hội đã dấn thân nhiều
trong môi trường này, hầu như là trong thầm lặng. Tôi khích lệ mọi người tiếp tục
dấn thân, và hy vọng rằng những nỗ lực được thực hiện trong môi trường này của
biết bao nhiêu người nam và người nữ đầy can đảm sẽ dần được các chính quyền
dân sự hỗ trợ trong sự công bằng và chân thật.
Tình
huynh đệ giúp giữ gìn và nuôi dưỡng tự nhiên
9. Gia đình nhân loại
đã đón nhận một quà tặng chung từ Đấng Sáng Tạo: đó là tự nhiên. Quan điểm
Ki-tô giáo về sáng tạo bao hàm một lối đánh giá tích cực về những can thiệp hợp
lý vào tự nhiên nếu những sự can thiệp này đem lại lợi ích và được thực thi với
tinh thần trách nhiệm, nghĩa là ý thức về “ngữ pháp” được khắc ghi trong tự
nhiên và sử dụng một cách khôn ngoan các nguồn lực để mang lại lợi ích cho hết
thảy mọi người, trong sự tôn trọng vẻ đẹp, cùng đích và sự hữu ích của mọi hữu
thể sống và vị trí của nó trong hệ sinh thái. Tóm lại, tự nhiên được dành sẵn
cho chúng ta và chúng ta được mời gọi để trở nên một người quản lý đầy trách
nhiệm trên nó. Nhưng quá thường xuyên, bị thúc đẩy bởi lòng tham và khao khát
thống trị, sở hữu, sử dụng và khai thác; chúng ta không gìn giữ tự nhiên, chúng
ta cũng không tôn trọng hay xem tự nhiên như một quà tặng nhưng không mà chúng
ta cần phải chăm sóc và dành để phục vụ cho anh chị em mình, kể cả thế hệ tương
lai.
Cụ thể, lĩnh vực nông
nghiệp là lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất, với ơn gọi quan trọng là nuôi dưỡng
và bảo vệ các nguồn lực tự nhiên để nuôi sống con người. Trong lĩnh vực này, nỗi
hổ thẹn về nạn đói vẫn tiếp diễn khiến tôi muốn chia sẻ với anh chị em câu hỏi
này: Chúng ta đang sử dụng các nguồn lực của trái đất này như thế nào? Các xã hội
đương đại cần phản tỉnh về trật tự ưu tiên mà sản phẩm hướng đến. Nó là một nhiệm
vụ thực sự áp lực để sử dụng các nguồn lực trên trái đất này sao cho mọi người
được giải phóng khỏi nạn đói. Các sáng kiến và các giải pháp khả thi thì rất
nhiều, và không chỉ giới hạn trong việc gia tăng sản phẩm. Ai cũng biết rằng sản
phẩm hiện nay đang đủ dùng, nhưng một tỉ người tiếp tục chịu đau khổ và chết vì
đói, và đây là một điều đáng xấu hổ thực sự. Vì vậy, chúng ta cần tìm kiếm những
con đường mà ngang qua đó mọi người có thể hưởng được ích lợi từ hoa trái của đất
đai, không chỉ để tránh sự gia tăng khoảng cách giữa người có nhiều hơn và những
người hài lòng với những mảnh vụn của mình, nhưng trên hết nó là vấn đề công
bình, bình đẳng và tôn trọng mỗi người. Liên quan đến vấn đề này, tôi ước mong
nhắc nhở mọi người về mục đích chung tất yếu của tất cả tài sản là một trong những
nguyên lý nền tảng trong học thuyết xã hội của Giáo hội. Tôn trọng nguyên lý
này chính là điều kiện thiết yếu giúp người ta dễ dàng hơn trong việc tiếp cận
với những tài sản thiết yếu và quan trọng, là điều mọi người cần và là quyền lợi
của mỗi người nam và người nữ.
Kết luận
10. Tình huynh đệ cần
được khám phá, yêu mến, kinh nghiệm công bố và làm chứng. Nhưng chỉ có tình
yêu, là một quà tặng từ Thiên Chúa, mới có thể giúp chúng ta đón nhận và kinh
nghiệm một cách trọn vẹn tình huynh đệ này.
Chủ nghĩa duy thực thiết
yếu là điều phù hợp với chính trị và kinh tế không thể được giảm thiểu đến những
bí quyết kỹ thuật đầy lý tưởng mà không quan tâm đến chiều kích siêu việt của
con người. Khi thiếu việc mở ra với Thiên Chúa, mỗi hoạt động của con người trở
nên nghèo nàn và con người bị giản lược thành đối tượng có thể bị khai thác. Chỉ
khi các thể chế chính trị và kinh tế mở ra để chuyển động trong một không gian
rộng lớn được đảm bảo bởi Đấng duy nhất yêu mến mỗi người nam và người nữ, khi ấy
chúng mới có thể đạt được một trật tự đặt nền tảng trên tinh thần đức ái đích
thực và trở nên những khí cụ hữu hiệu trong việc phát triển hội nhất và hòa
bình của nhân loại.
Chúng ta, những người
Ki-tô hữu tin rằng trong Giáo hội, chúng ta là các chi thể của một thân thể duy
nhất, hỗ trợ nhau, bởi vì mỗi người được trao ban một ân sủng theo tiêu chuẩn
quà tặng của Đức Ki-tô, vì lợi ích chung (xem Eph 4,7.25; 1 Cor 12,7). Đức
Ki-tô đã đến thế gian để mang cho chúng ta ân sủng thần linh, nghĩa là khả năng
chia sẻ đời sống trong Ngài. Điều này đòi hỏi một sự thêu dệt một cơ cấu các mối
tương quang huynh đệ được đánh dấu bởi mối tương quan hỗ tương, sự tha thứ và sự
trao ban trọn vẹn, theo chiều sâu và chiều rộng của tình yêu Thiên Chúa được
trao ban cho con người nơi Đấng Duy Nhất, đã chịu chết và sống lại, để lôi cuốn
mọi người đến với Ngài: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết
anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,
34-35). Đây chính là một tin tốt lành đòi hỏi mỗi người bước về phía trước, thực
thi lòng thương xót vô hạn, lắng nghe những đau khổ cũng như hy vọng của người
khác, kể cả những người ở xa tôi, và bước đi trên con đường đầy đòi hỏi của
tình yêu, một tình yêu biết trao ban và tiêu tốn chính mình một cách tự do cho
lợi ích của anh chị em chúng ta.
Đức Ki-tô ôm trọn tất
cả nhân loại và mong muốn không ai bị hư mất. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của
Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ
Con của người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Ngài làm điều ấy mà không đàn áp hay
cưỡng bức bất cứ ai mở cánh cửa trái tim và tâm hồn ra với Ngài. “Anh em thì
không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục
vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi
ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,
26-27). Do đó, mọi hành động cần được nhận ra bởi thái độ phục vụ con người, đặc
biệt là những người ở xa nhất và không được biết đến. Phục vụ chính là linh hồn
của tình huynh đệ, điều xây dựng hòa bình.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa
Giê-su, xin giúp chúng con hiểu và sống mỗi ngày tình huynh đệ xuất phát từ
trái tim Con Mẹ, để chúng con mang bình an đến với mỗi người trên trái đất thân
yêu của chúng con.
Từ Vatican, 8 tháng 12
năm 2013
Nguyễn Minh Triệu sj
chuyển ngữ
[1] Xem Thông Điệp Caritas in
veritate (29 tháng 6 năm 2009), 19: AAS 101 (2009), 654-655.
[2] Xem ĐTC Phanxicô, Thông Điệp
Lumen fidei (29 tháng 6 2013), 54: AAS 105 (2013), 591-592.
[3] Xem ĐTC Phaolô VI, Thông Điệp
Populorum progressio (26 tháng 3 năm 1967), 87: AAS 59 (1967), 299.
[4] Xem ĐTC Gioan Phaolô II, Thông
Điệp Sollicitudo rei socialis (30 tháng 12 năm 1987), 39: AAS 80 (1988),
566-568.
[5] Thông Điệp Populorum progressio
(26 tháng 3 năm 1967), 43: AAS 59 (1967), 278-279).
[6] Xem ibid., 44: AAS 59 (1967),
279.
[7] Thông Điệp Sollicitudo rei
socialis (30 tháng 12 năm 1987), 38: AAS 80 (1988), 566.
[8] Ibid., 38-39: AAS 80 (1988),
566-567.
[9] Ibid., 40: AAS 80 (1988), 569.
[10] Ibid.
[11] Xem Thông Điệp Caritas in
veritate (29 tháng 5 năm 2009), 19: AAS 101 (2009), 654-655.
[12] Summa Theologiae II-II, q. 66,
art. 2.
[13] Conc. Ecum. Vat. II, Cost.
past. sulla Chiesa nel mondo contemporaneo Gaudium et spes, 69. Cfr Leone XIII,
Lett. enc. Rerum novarum (15 maggio 1891), 19: ASS 23 (1890-1891), 651;
Giovanni Paolo II, Lett. enc. Sollicitudo rei socialis (30 dicembre 1987), 42:
AAS 80 (1988), 573-574; Pontificio Consiglio della Giustizia e della Pace,
Compendio della Dottrina sociale della Chiesa, n. 178.
[14] Thông Điệp Redemptor hominis (4
tháng 3 năm 1979), 16: AAS 61 (1979), 290.
[15] Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, Tóm
lược Giáo Thuyết xã Hội Công Giáo, số 159.
[16] ĐTC Phanxicô, Thử gửi Tổng thống
Putin, 4 tháng 9 năm 2013: L’Osservatore Romano, 6 tháng 9 năm 2013, trang 1.
[17] Thông Điệp Pacem in terris (11
tháng 4 năm 1963), 17: AAS 55 (1963), 265.