TIẾNG CHUÔNG ĐÊM TÌNH YÊU
Hằng năm, cứ đúng 12 giờ đêm Noel thì trong một
ngôi nhà thờ cổ kính nọ, tiếng chuông Sinh Nhật sẽ ngân vang du dương, thánh
thót như điệu nhạc thiên quốc, nhưng với điều kiện là phải có một món quà quý
giá, hiếm lạ và đẹp nhất được đặt trên bàn thờ dâng Chúa Hài Nhi thì mới hy vọng
được nghe tiếng nhạc đó.
Đã bao mùa Giáng Sinh qua đi mà tiếng chuông du
dương ấy vẫn chưa trở lại với dân chúng xứ này, họ vẫn nghe tiếng gió thổi vi
vu giữa bầu trời tuyết lạnh. Chuyện về tiếng chuông lạ cũng được đồn thổi sang
vùng lân cận và có hai anh em kia tên là Peter và John quyết định cả năm hy
sinh dành dụm để có thể đem quà tặng Chúa Hài Nhi nhân dịp lễ Giáng Sinh với hy
vọng được nghe tiếng chuông ngân nga.
Hôm vọng lễ, từ sáng sớm hai anh em đã khoác áo
ấm, trùm khăn, đội nón đi bộ đến nhà thờ đó, bất chấp lớp tuyết cao cả thước phủ
hai bên đường. Đến chiều hai anh em vừa đến cổng thành thì gặp một cụ già ngã
quỵ bên đường nằm bất động trên đống tuyết, bà không còn đủ sức để lê bước vì
không có sự giúp đỡ của một ai trong thành. Peter liền dừng lại cúi xuống tìm
cách nâng bà dậy nhưng không thể được vì cậu quá nhỏ, sức yếu. Sau cùng, Peter
nói với em:
-
Nếu chúng ta để bà một mình ở đây bà sẽ chết cóng, anh sẽ ở lại
đây ôm bà để sưởi ấm cho bà, em hãy cầm lấy đồng tiền nhỏ này đem đặt trên bàn
thờ, đó là món quà của anh em mình tặng Chúa Hài Đồng. Lễ xong, em tìm người đến
đây để giúp bà cụ.
Rồi quay sang bà lão, Peter an ủi:
-
Bà hãy can đảm lên, đợi đến sau lễ sẽ có người hảo tâm ghé đến
giúp bà.
Đêm hôm đó, nhà thờ chật ních đoàn người bốn
phương tìm về dự lễ. Đến cuối lễ, người người lần lượt tiến lên bàn thờ dâng
Chúa Hài Đồng món quà quý giá và hiếm lạ. Cuối cùng, có một ông vua tiến lên
bàn thờ, trên tay vua là một triều thiên bằng vàng với mọi thứ đá quý và những
hạt kim cương lấp lánh. Mọi người im lặng nín thở, thầm nghĩ là thế nào cũng được
nghe tiếng chuông ngân nga, nhưng họ thất vọng ngay sau đó vì chỉ nghe tiếng
gió hú mà thôi. Họ thì thầm với nhau, có lẽ chúng bị mắc kẹt đến muôn đời. Ca
đoàn nhà thờ chuẩn bị hát bài tạ lễ. Tiếng đàn phong cầm vừa đệm được mấy nốt
nhạc thì bỗng dưng im bặt. Từ lúc đó, trên tháp chuông cao ngất người ta bắt đầu
nghe những tiếng chuông ngân nga khi bổng khi trầm thật du dương thánh thót như
điệu nhạc thiên quốc.
Mọi người hồi hộp trong thinh lặng, họ đưa mắt
nhìn về phía bàn thờ xem có ai đem lễ vật quý nào cho Chúa Hài Đồng chăng? Và họ
trố mắt ngạc nhiên khi thấy một cậu bé khiêm tốn, lặng lẽ đặt lên bàn thờ đồng
tiền nhỏ bé mà anh Peter đã đưa cho nó tặng Chúa Hài Đồng.
Chắc không phải đồng tiền nhỏ của hai anh em
Peter và John đã dành dụm cả năm để dâng Chúa Hài Đồng đã làm cho tiếng chuông
Sinh Nhật vang lên thánh thót du dương, mà chính là nghĩa cử bác ái của Peter,
chính là hơi nóng, thân nhiệt của anh sưởi ấm cụ bà giữa trời tuyết lạnh, nhất
là chính nhịp đập yêu thương của trái tim Peter quá mạnh đến nỗi tiếng chuông
giáo đường phải vang lên điệu nhạc thiên quốc.
Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những
đóng góp nhỏ bé và âm thầm của con người: Bà góa Sarepta đã dâng cúng một ít bột
mì cho tiên tri Elia, và kể từ đó “đấu bột của nhà bà không vơi và hũ dầu cũng
không cạn.” Chỉ cần 5 cái bánh và 2 con cá của cậu bé, Chúa đã làm cho hơn
5.000 người ăn no nê. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng cho Chúa một chút những gì
chúng ta có thì biết bao người chung quanh sẽ được hưởng chung phép lạ của
Thiên Chúa.
Có lẽ nhân loại của chúng ta không chết đói vì
thiếu lương thực cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng
là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại. Những người
giàu sang nhưng không biết chia sẻ cũng là những người đang chết dần trong tính
ích kỷ. Con người cần có lương thực để sống, nhưng cũng rất cần có tình thương
để tồn tại. Nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi nhỏ bé của mình, thì có
lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ.
Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người
khác. Vì trao ban đích thực không phải là trao ban của cải vật chất, bởi vì của
cải tự nó không phải là con người. Quà tặng đích thực chính là bản thân, trao
ban đích thực là trao ban chính mình. Có hiểu như thế thì chúng ta mới thấy rằng
dù nghèo hèn đến đâu, ai cũng có một cái gì đó để trao ban.
Thánh J. Chrysostone đã khẳng định: “Sự vĩ đại của bác ái không được đo lường
theo số lượng mà theo sự phóng đạt của tâm hồn.” Pasquien Quesuel cũng đồng
tình khi ông viết: “Trái tim phải thực hiện
bác ái khi bàn tay làm không được”.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, âm
thầm có khi vô danh, không ai biết tới. Một giọt nước nhỏ bé là điều không đáng
kể trong đại dương bao la, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại,
thì đại dương kia cũng chỉ là sa mạc khô cằn mà thôi.
Sưu tầm