NHỮNG
LÁ THƯ CHẾT
Kitô giáo
có một nghịch lý rất lớn, đó là kêu gọi con người nhìn vào Thập giá như biểu tượng
của hy vọng, nhìn vào đau khổ và cái chết như khởi đầu của ơn phúc…
Cách đây ít năm, một thành phố nước Anh
có thanh niên tên là Fred Armstrong. Chàng làm ở bưu điện và người ta gọi chàng
là trưởng ban thư chết vì chàng có nhiệm vụ giải quyết những lá thư đề sai địa
chỉ hoặc thiếu sót hay khó đọc. Chàng sống trong một ngôi nhà cũ với cô vợ nhỏ
nhắn. Một đứa con gái nhỏ và một cậu con trai còn bú sữa. Sau cơm tối, chàng
thích phì phèo tẩu xì gà rồi kể cho cả nhà nghe những kỹ thuật mới nhất trong
việc khám phá địa chỉ của những cánh thư lạc. Chàng tự coi mình như một người
thám tử. Trong khung trời hiền hòa của chàng chẳng có gợn mây mù nào.
Cho đến một sáng kia, cậu con trai của
chàng ngã bệnh. Thoạt nhìn thấy đứa bé, bác sĩ có vẻ suy tư. Và chỉ trong vòng
bốn mươi tám tiếng đồng hồ là cục cưng của chàng không còn nữa.
Fred Armstrong buồn bã, tâm hồn chàng
tan nát điếng nghẹn. Bà mẹ và cô bé Marian cũng khổ sầu không kém, nhưng họ quyết
tự kiềm chế và vui sống với những gì còn lại. Nhưng ông bố thì không vậy. Cuộc
đời của chàng bây giờ quả là một cánh thư chết không định hướng. Mỗi sáng đi
làm việc như một người mộng du, ai hỏi chàng mới nói, mà nói rất ít. Chàng làm
việc trong yên lặng, ăn một mình, ngồi như tượng đá ở bàn cơm, và đi ngủ thật sớm.
Nhưng người vợ biết là chàng thức gần trắng đêm, mắt mở thao láo ngó lên trần
nhà. Ngày lại ngày, tháng năm qua, tháng chạp đến, chàng càng tỏ ra thờ ơ suy
nhược hơn nữa.
Bà vợ cố gắng thuyết phục chồng. Nàng bảo:
"Tuyệt vọng như vậy là bất công đối
với kẻ chết cũng như với người sống." Nàng sợ thái độ lầm lì đó sẽ đưa
chàng tới bệnh viện tâm thần.
Giáng Sinh đã gần tới. Một buổi chiều
xám ngắt. Fred đang phân loại thư từ thì thấy có một lá thư dứt khoát là không
thể chuyển được. Địa chỉ của người nhận nguệch ngoạc bằng bút chì như sau:
"Kính
gởi Ông già Noel Bắc Cực."
Armstrong định xé vất nó vào sọt rác
nhưng có một thúc đẩy nào đó khiến chàng mở thư và đọc:
"Ông
già Noel thân mến,
Năm
nay nhà cháu buồn lắm. Vậy ông khỏi mang quà tới cho cháu nữa. Mùa xuân vừa rồi,
thằng cu nhà cháu về trời. Cháu chỉ xin mỗi điều là khi ông tới nhà cháu, ông
mang dùm đồ chơi về trời cho em cháu. Cháu để đồ chơi của nó ở gần lò sưởi góc
bếp: con ngựa gỗ, cỗ xe lửa và hết mọi thứ khác. Em cháu thích phi ngựa ghê lắm,
ông mang hết về cho nó và đừng để gì cho cháu cả. Nhưng xin ông cho ba cháu cái
gì để ba cháu giống như hồi trước. Xin ông làm cho ba cháu lại hút xì gà và tiếp
tục kể chuyện cho cháu. Cháu nghe ba nói với má là chỉ có "đời đời" mới
làm cho ba cháu lành được thôi. Vậy xin ông gởi cho ba cháu một ít cái "đời
đời" nhé. Cháu hứa sẽ rất ngoan ngoãn.
Ký
tên
Marian."
Tối hôm đó, trên những con đường phố
sáng rực đèn. Fred Armstrong rảo bước thoăn thoắt. Vào đến sân nhà chàng bật quẹt
châm xì gà. Khi vừa mở cửa, chàng xả một hơi thuốc dài. Làn khói giống như một
vòng hào quang quanh đầu hai mẹ con Marian đang trố mắt ngạc nhiên. Chàng lại
tươi cười như trước.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta đều phải
trải qua những thăng trầm không thể tránh khỏi. Có những tháng ngày xem ra vô vọng
không còn thiết sống. Có những lúc mây mù bao phủ khiến chúng ta không còn thấy
đâu là lối thoát . Đôi khi qúa tuyệt vọng, chúng ta tự hỏi: tại sao Thiên Chúa
để xảy ra nhiều đau khổ và bất công như thế? Thực ra, Thiên Chúa không tạo ra
đau khổ, cũng không gây ra bất công, bởi vì Ngài là tình yêu thương và là sự
công bằng vô biên.
Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng Thiên
Chúa không nhận lời mình cầu xin. Nhưng chúng ta quên rằng cầu nguyện không phải
là xin Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, mà là tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng
thực thi ý Chúa. Chương trình của Ngài vượt quá trí hiểu hẹp hòi và cái nhìn
thiển cận của chúng ta.
Kitô giáo có một nghịch lý rất lớn, đó
là kêu gọi con người nhìn vào Thập giá như biểu tượng của hy vọng, nhìn vào đau
khổ và cái chết như khởi đầu của ơn phúc. Chắc chắn, Chúa Giêsu không phải là
người rao giảng sự chết chóc.
Kitô giáo không phải là đạo của khổ đau.
Đức Kitô cũng không tự mình đi tìm cái chết; mãi mãi cái chết ấy vẫn là một bản
án bất công của con người dành cho Thiên Chúa. Ngài cũng không đòi chúng ta phải
đi tìm thập giá, Ngài chỉ khuyến khích: "Hãy
vác lấy thập giá mình mỗi ngày."
Mà kỳ thực, có cuộc sống nào mà không có
đau khổ. Có ai thóat khỏi khổ đau? Từ khi Ngôi Hai giáng sinh và cứu chuộc, thập
giá đã biến thành nguồn ơn cứu rỗi, cái chết đã trở thành Tin Mừng. Tin Mừng
chính là Thiên Chúa luôn yêu thương dìu dắt con người trong mọi nghịch cảnh của
cuộc sống.
Từ đây, thất vọng đã bừng sáng lên niềm
hy vọng. Những đau khổ của chúng ta sẽ không đi vào quên lãng, nhưng mang lại
cho chúng ta niềm hạnh phúc mai sau.
C. Delavigne đã nói: "Sống là chiến đấu mà phần thưởng ở
trên trời." Cervantès còn xác quyết: "Ở đâu có đời sống thì ở đó có niềm hy vọng." Chính trong
niềm hy vọng mà chúng ta nhìn thấy hoa trái của hạt giống mình đã gieo vãi. Bên
kia những vất vả, mất mát, thử thách đau khổ, người Kitô hữu luôn được mời gọi
để nhìn thấy những ánh sao của niềm hy vọng, như Ba Vua tìm lại ánh sao sau khi
lạc mất.
Lạy Chúa Hài Đồng, Chúa đã Giáng Sinh để
chia sẻ những khổ đau của nhân loại chúng con. Xin cho con đừng bao giờ thất vọng,
ngã lòng vì những đau khổ thử thách, nhưng cho con luôn cảm nghiệm được tình
Chúa yêu thương và được lớn lên trong niềm tin tưởng phó thác. Xin ban thêm cho
con niềm hy vọng và nâng đỡ con trong cuộc sống. Xin củng cố trong con niềm tin
tưởng, lạc quan, để mỗi khi tiếp xúc với con, mọi người sẽ thấy bừng sáng lên
niềm hy vọng vào cuộc sống. Amen!
Thiên Phúc