Chân phước
ANTÔNIÔ Ở SANT ANNA GALVAO
(1739-1822)
Lược sử
Hoạch định của Thiên Chúa
trong cuộc đời của mỗi người thường có những thay đổi bất ngờ để trở nên hữu ích hơn qua sự cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.
Sinh ở Guarantingueta gần
Sao Paolo (Brazil), Antôniô gia nhập trường đệ tử dòng Tên ở Belem, nhưng sau đó
ngài thay đổi ý định và muốn trở nên một tu sĩ dòng Phanxicô. Sau khi gia nhập được
một năm, ngài khấn trọn vào năm 1761 và thụ phong linh mục năm 1762.
Ở São Paolo, ngài giữ các
công việc rao giảng, giải tội và là người giữ cửa. Một vài năm sau, ngài được bổ nhiệm làm cha giải tội
cho Dòng Têrêsa Cải Cách, là một nhóm nữ tu sống trong thành phố này. Chính
ngài và Sơ Helena Maria cùng thành lập
một cộng đoàn nữ tu mới dưới sự bảo trợ của Đức Maria. Ngài cũng là cha giám đốc
đệ tử viện ở Macacu và là bề trên nhà dòng Thánh Phanxicô ở São Paolo. Ngài
thành lập tu viện Thánh Clara ở Sorocaba.
Với sự cho phép của cha bề trên và đức giám mục địa
phận, ngài sống quãng đời còn lại ở nữ tu viện "Recolhimento de Nossa
Senhora da Luz," mà ngài đã giúp thành lập.
Ngài được phong chân phước ngày 25-10-1998.
Suy niệm 1: Bất ngờ
Hoạch định của Thiên Chúa
trong cuộc đời của mỗi người thường có những thay đổi bất ngờ để trở nên hữu
ích hơn qua sự cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.
Những người thánh thiện
không chỉ giúp chúng ta lưu ý đến Thiên Chúa, đến công trình sáng tạo của Người
và tất cả những người mà Thiên Chúa yêu dấu. Đời sống của những người thánh thiện
luôn hướng về Thiên Chúa đến nỗi đối với họ đó là điều "bình thường."
Người đời có thấy đời sống
của bạn và của tôi như những dấu chỉ sống động của tình yêu vững bền của Thiên
Chúa không? Chúng ta cần thay đổi gì để đạt được điều ấy?
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống
sao để trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu vững bền của Thiên Chúa.
Suy niệm 2: Cộng tác
Hoạch định của Thiên Chúa
trong cuộc đời của mỗi người thường có những thay đổi bất ngờ để trở nên hữu
ích hơn qua sự cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.
Xác tín ơn Chúa luôn đủ
(2Cr 12,9), Antôniô tích cực cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa. Nhờ thế ngài
mạnh dạn chuyển hướng đời tu từ một đệ tử dòng Tên ở Belem, sang một tu sĩ dòng
Phanxicô.
Nhất là với sự hợp lực của
Sơ Helena Maria, ngài thành lập một tu hội mới. Nhưng năm sau đó, sơ từ trần. Ý
thức rằng không có Chúa, chẳng làm được gì (Ga 15,5), ngược lại có Chúa là Đấng
làm được mọi sự (Lc 1,37), Ngài không bỏ cuộc mà càng cọng tác với ơn Chúa hơn,
nên dầu một mình, ngài an tâm chịu trách nhiệm về tu hội mới này, nhất là việc
xây cất tu viện và nhà thờ đủ cho con số nữ tu ngày càng gia tăng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn xác tín về giá trị của ơn Chúa để luôn cọng tác.
Suy niệm 3: Giữ cửa
Ở São Paolo, Antôniô là
người giữ cửa.
Một phận vụ khiêm hèn nhưng
đã chuẩn bị cho ngài lãnh nhận những trọng trách cao cả sau này trong việc giữ
cửa linh hồn tha nhân mà khởi điểm là giải tội cho Dòng Têrêsa Cải Cách.
Hơn thế ngài cũng là cha
giám đốc đệ tử viện ở Macacu và là bề trên nhà dòng Thánh Phanxicô ở São Paolo.
Bao linh hồn nhờ sự nâng đỡ của ngài đã canh cửa kỹ lưỡng không cho ma quỷ đột
nhập quấy phá và hủy hoại
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cũng
biết luôn cảnh tỉnh canh cửa linh hồn chúng con.
Suy niệm 4: Thành lập
Chính Antôniô và Sơ
Helena Maria cùng thành lập một cộng đoàn nữ tu mới dưới sự bảo trợ của Đức
Maria.
Ngoài ra Ngài còn thành lập
tu viện Thánh Clara ở Sorocaba. Sự hiện diện của các nữ tu qua nỗ lực của ngài đã
giúp cho môi trường nghèo khổ ở Brasil thêm sinh khí để sống.
Có thể về kinh tế, thân
xác họ chưa đủ ấm no như mong ước, nhưng cơn đói khát về tinh thần, nỗi thiếu
thốn về Lời Chúa đã được lấp đầy qua công tác phúc âm hóa của các chứng nhân
Tin Mừng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
quan tâm nhiều đến việc giải quyết cơn đói về Bánh hằng sống nhiều hơn thực phẫm
nuôi thân xác.
Suy niệm 5: Cho phép
Với sự cho phép của cha bề
trên và đức giám mục địa phận, Antôniô sống quãng đời còn lại ở nữ tu viện.
Lúc còn khoẻ mạnh thì sống
sao và ở đâu cũng không quan trọng nhiều lắm, nhưng đến tuổi già nua không tự
làm chủ được mình nữa mà phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, ấy là vấn
đề. Chính Đức Giêsu đã gợi lên cho Phêrô thấy thảm cảnh ấy (Ga 21,18), dầu ở đây
chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đen.
Thế giới văn minh ngày
nay đã tỏ ra quan tâm đến vấn đề này rất nhiều, nên có đặt ra việc hưu trí với
lương bỗng trợ cấp cũng như viện dưỡng lão. Điều thiết yếu là ý muốn chủ quan của
đương sự nên được cấp trên trân trọng để dễ dàng cho phép chứ đừng áp đặt, như
trường hợp của Antôniô đã được, hầu tạo điều kiện thuận lợi chuẩn bị đón nhận
cái chết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị hữu
trách và đương sự hưu trí luôn tiến hành một cuộc đối thoại cởi mở và chân
thành mưu cầu lợi ích chung.
Suy niệm 6: Chân phước
Antôniô được phong chân
phước ngày 25-10-1998.
Trong bài giảng hôm lễ
phong chân phước, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trích Thư II của Thánh
Phaolô gửi cho Timôthê (4,17): "Chúa ở gần bên tôi và ban cho tôi sức mạnh
để rao giảng lời Chúa cách trọn vẹn,"
Và rồi đức giáo hoàng nói
rằng Chân Phước Antôniô "đã hoàn tất lời khấn trọn của ngài qua tình yêu
và sự tự hiến cho những người bị áp bức, bị đau khổ và những người nô lệ trong
thời đại của ngài ở Brazil. Đức tin chân chính của một tu sĩ Phanxicô như ngài,
đã phúc âm hóa tha nhân và đưa họ về với Giáo Hội, sẽ là một khích lệ để chúng
ta bắt chước 'con người của bình an và bác ái' này."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
có được một đức tin chân chính để mang lợi ích đến cho tha nhân và Giáo Hội.