Thánh MARGUERITE D’YOUVILLE
(1701-1771)
Lược sử
Chúng ta có thể học cách
thương người khi để đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những người đầy lòng nhân hậu, bởi nhìn vào đời sống
qua quan điểm của họ và suy nghĩ lại những gì chúng ta coi là giá trị.
Cô Marie Marguerite
Dufrost de Lajemmerais sinh ở Varennes, Gia Nã Đại.. Khi các con đã khôn lớn,
bà và một vài người bạn đã cứu nguy cho một bệnh viện ở Quebec đang trên đà suy sụp. Bà đặt tên cho cộng đoàn
của bà là Các Nữ Tu Bác Ái ở Montréal.
Bệnh Viện Công ở Montréal
trở nên Hotel Dieu (Nhà Chúa) và đã đề ra một quy tắc về chăm sóc y tế và lòng
nhân hậu Kitô Giáo. Khi bệnh viện bị hỏa hoạn vào năm 1766, bà Marguerite đã quỳ trên đám tro tàn, xướng
bài Te Deum ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và bắt đầu
xây dựng lại. Bà đã chống trả với mưu toan của chính phủ nhằm giới hạn công việc bác ái của bà cũng như thiết lập
cô nhi viện đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu.
Đức Giáo Hoàng Gioan
XXIII, đã phong chân phước cho bà Marguerite vào năm 1959, và gọi bà là "Người Mẹ của Hội Từ Thiện Chung.” Bà được phong thánh năm
1990.
Suy niệm 1: Đầy lòng nhân hậu
Chúng ta có thể học cách
thương người khi để đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những người đầy lòng
nhân hậu.
Marguerite được đánh giá
là một trong những người không chỉ có lòng nhân hậu mà đầy lòng nhân hậu, bởi
vì tấm lòng này đã mở rộng cả trong phạm vi gia đình lẫn xã hội.
Thật thế ngài chấp nhận
thôi học vào lúc 12 tuổi để giúp đỡ người mẹ góa. Tám năm sau ngài kết hôn với
Francois d'Youville; họ có sáu người con, trong đó bốn người chết khi còn nhỏ.
Mặc dù chồng ngài thích cờ bạc và buôn bán rượu lậu cho người thổ dân Mỹ Châu
và đối xử với ngài cách tàn tệ, bà Marguerite vẫn chăm sóc chồng với lòng thương
mến trong hai năm trước khi ông từ trần vào năm 1730. Dù phải chăm sóc hai con
nhỏ và trông coi tiệm tạp hóa để trả nợ cho chồng, bà Marguerite vẫn thường
giúp đỡ người nghèo khổ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
chiêm ngắm lòng nhân hậu của thánh nhân thì cũng học cách thương người như
ngài.
Suy niệm 2: Bệnh viện
Khi các con đã khôn lớn,
bà và một vài người bạn đã cứu nguy cho một bệnh viện ở Quebec đang trên đà suy
sụp.
Bệnh Viện Công ở Montréal
trở nên Hotel Dieu (Nhà Chúa) và đã đề ra một quy tắc về chăm sóc y tế và lòng
nhân hậu Kitô Giáo.
Bệnh viện được mang danh
hiệu Nhà Chúa như một lời quảng bá cho mọi người để ai ai cũng mạnh dạn tìm đến
như nhà của mình, vì ai cũng là con cái của Chúa (Mt 6,9). Đồng thời vì là Nhà
Chúa nên các nhân viên làm việc phải hết mình phục vụ các bệnh nhân như là phục
vụ chính Chúa vậy (Mt 25,40).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bệnh viện
cũng như các nhân viên phục vụ tại đấy luôn đề cao y đức, để không làm việc vì
lợi nhuận mà vì lòng nhân hậu.
Suy niệm 3: Các Nữ Tu Bác Ái
Bà đặt tên cho cộng đoàn
của bà là Các Nữ Tu Bác Ái ở Montréal.
Dân chúng gọi họ là các
"Nữ Tu Áo Xám" vì y phục họ mặc. Vào lúc ấy, những người nghèo ở
Montréal thường nói với nhau, "Đến với các Nữ Tu Áo Xám; họ không bao giờ
bị từ chối giúp đỡ." Cho đến lúc bấy giờ, năm cộng đoàn tôn giáo khác được
bắt nguồn từ các Nữ Tu Áo Xám.
Màu xám của y phục có thể
giúp hạn chế những vấy bẩn trong khi làm việc hơn là áo trắng. Nhưng điều đó
không quan trọng bằng việc màu xám nhằm nhắc nhở đến một chất xám phải luôn
phát huy. Đó là dĩ nhiên về trình độ và nhất là chủ yếu về tinh thần: phục vụ bệnh
nhân như phục vụ chính Chúa, đúng như kinh nghiệm của Mẹ Têrêxa Cancútta ghi nhận:
Chúng ta phải nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn nhận ra Chúa hiện diện đích thực nơi mọi người để nhờ đó dê dàng phục vụ hơn.
Suy niệm 4: Hỏa hoạn
Bệnh viện bị hỏa hoạn vào
năm 1766.
Trước thảm họa này, bà
Marguerite đã quỳ trên đám tro tàn, xướng bài Te Deum ca ngợi sự quan phòng của
Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và bắt đầu xây dựng lại.
Các thánh thường phải đương
đầu với nhiều sự nản lòng, nhiều lý do để nói rằng "đời thật bất
công" và tự hỏi xem Thiên Chúa ở đâu trong những vụn vỡ của cuộc đời.
Chúng ta vinh danh các thánh như Marguerite vì họ cho chúng ta thấy, với ơn sủng
của Thiên Chúa và sự cộng tác của họ, sự đau khổ có thể đưa đến lòng nhân hậu
thay vì sự cay đắng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết hãy biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh (1Tx 5,18).
Suy niệm 5: Chính phủ
Bà đã chống trả với mưu
toan của chính phủ nhằm giới hạn công việc bác ái của bà cũng như thiết lập cô
nhi viện đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu.
Sự giới hạn của chính phủ
có thể được lý giải bằng một nguyên nhân chủ yếu là họ sợ bị mất ảnh hưởng của
quần chúng. Cũng như xưa kia sự hiện diện của Đức Giêsu với các việc lành phúc đức
vốn thu hút bao người đã khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái bày mưu hủy diệt
Ngài.
Một thực trạng thật đáng
buồn trong xã hội mọi nơi mọi thời nơi nhiều người: Không chịu làm việc, nhưng
thấy có người làm và có kết quả thì thay vì hợp lực cọng tác lại chỉ trích, chống
đối và phá hoại hoặc dùng quyền cản trở và cấm đoán.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ
lực hợp tác chứ đừng xen vào quấy phá (2Tx 3,11).
Suy niệm 6: Người Mẹ của Hội Từ Thiện
Chung
Đức Giáo Hoàng Gioan
XXIII, đã phong chân phước cho bà Marguerite vào năm 1959, và gọi bà là
"Người Mẹ của Hội Từ Thiện Chung.”
Hội Từ Thiện nào nói
chung tự bản chất cũng có lòng thương người, nhưng riêng ngài được vinh dự gọi
là Mẹ, chắc hẳn vì ngài có một đặc điểm trổi vượt, đó là lòng nhân đạt được mức
độ tràn đầy.
Nhất là ngài sống trọn chức
năng của một từ mẫu vốn không bao giờ ngã gục nhưng luôn phấn đấu vượt qua mọi
gian khó trở ngại, như lời khen tặng của Đức Gioan Phaolô II, trong bài giảng lễ
phong thánh ngài: "Không chỉ một lần, công việc mà Thánh Marguerite thể hiện
đã bị cản trở bởi thiên nhiên hay con người. Để có thể hoạt động nhằm đem lại một
thế giới công chính và gần gũi hơn, thánh nữ đã phải đấu tranh trong nhiều cuộc
chiến nặng nề và khó khăn.”
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn kiên tâm vững bước vượt qua mọi hình thức thử thách gặp phải.