Sống đức tin _ yêu thật - mấy ai?

YÊU THẬT – MẤY AI?
“Mấy ai” nghĩa là vẫn có, vẫn còn những “ai” – dù ít nhưng có. “Mấy ai” ấy phải mang trong mình một tình yêu rất thật, xuất phát từ Đấng Tối Cao, đủ mạnh để vượt qua tuổi tác, khó nghèo, và đủ thứ ngăn trở khác.
Mẩu Bút Chì (tập san ghxhcg tập 9)
Những ngày đầu tháng 7 tại Huế
Xã hội ngày nay tràn ngập sự giả dối: hàng giả, học vị giả, đám cưới giả (chồng giả, vợ giả!); công ty ảo, tài chánh ảo, vinh hoa ảo; sống hình thức bề ngoài, xã giao hình thức bề ngoài, và… xây cất cũng hình thức bề ngoài nốt! Tình hình đó khiến lòng người cứ nơm nớp, hoang mang với hai xu hướng: Một là cảnh giác, e dè, thậm chí sợ hãi sự dối trá lọc lừa; hai là thèm được “gặp” cái thật, “ở chung” với “người thật, việc thật”. Thế nhưng mấy ai quyết chí SỐNG theo sự thật, TÌM KIẾM sự thật và XÂY DỰNG sự thật?
“Mấy ai” nghĩa là vẫn có, vẫn còn những “ai” – dù ít nhưng có. “Mấy ai” ấy phải mang trong mình một tình yêu rất thật, xuất phát từ Đấng Tối Cao, đủ mạnh để vượt qua tuổi tác, khó nghèo, và đủ thứ ngăn trở khác.
Tôi biết một linh mục già, đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn miệt mài ngược xuôi phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo Hội, mong muốn xây dựng một xã hội lành mạnh, tôn trọng phẩm giá con người và trật tự luân lý.
Tôi biết một linh mục trẻ, vì nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, đã không ở yên nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường mà can trường bước ra chốn đầu sóng ngọn gió, đứng mũi chịu sào.
Tôi còn biết nhiều linh mục khác, có tuổi cũng như trẻ tuổi, thương mến giáo dân vô cùng. Có vị ra tận ngõ đón đợi giáo dân (làm tôi cứ nhớ đến người cha nhân hậu trong dụ ngôn Tin Mừng), để mà truyền dạy hết lòng những bài học quý báu cho dù giữa trưa hè oi ả. Có vị “chẳng có gì làm của” ngoài sự khó nghèo, nhưng hễ được ai biếu món gì ngon lại gói ghém đem cho giáo dân, bề ngoài khiêm nhu hết mực nhưng bề trong lại chứa đựng một ý chí rất kiên cường. Có vị “tuổi đời còn mênh mông” nhưng dấn thân cho công lý, cho người nghèo không hề mệt mỏi, cho dù lắm lúc phải “tróc vẩy, trầy vi”.
Tôi biết có những tu sĩ nam nữ âm thầm trong đời sống khó nghèo, mai danh nhưng không ẩn tích, mà hòa vào dòng đời lắm lúc như những đợt sóng dữ. Ngày ngày la cà ở các bờ kênh hôi thối hay các khu nhà ổ chuột, lân la trò chuyện, đánh bạn với các trẻ đánh giầy hay bán bánh mì, vé số. Các vị ấy cũng làm thân với các cô gái phải bán thân để nuôi gia đình, hoặc những người mang những căn bệnh bị xã hội hất hủi rẻ khinh, để rồi trong ơn Chúa, tìm cách băng bó những mảnh đời bất hạnh, những tâm hồn tan nát ấy.
Đâu đó trong cuộc đời, tôi gặp những con người rất thành đạt, có học vị, có lợi danh. Nhưng họ lại làm tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên quá đỗi khi họ sống quá giản dị, đơn sơ. Họ làm việc hối hả để cống hiến cho đời. Họ như sợ những tháng ngày của đời người lướt qua như bóng câu qua cửa sổ. Và tôi cũng gặp những con người có cuộc sống thật túng thiếu, khó khăn, nhưng trái tim thật quảng đại. Họ như nhận ra Chúa mượn đôi chân họ để đến với tha nhân, mượn đôi tay họ để chăm sóc người nghèo. Đó là những người thật đáng kính trọng!
Sẽ là thiếu sót nếu chỉ thán phục, ngợi khen những con người đáng mến ấy mà không nhắc đến những bậc làm cha mẹ, những người vợ, người chồng hay những người con đang âm thầm cổ vũ những hành vi đẹp, những hy sinh quên mình cho tha nhân. Họ hết thảy đều mang trong mình một tình yêu rất thật, rất đẹp, lấp lánh dung mạo của Thiên Chúa Tình Yêu.
Chẳng “mấy ai” nhưng nếu có kể cũng không cùng.
Tôi cũng biết một “chuyện tình” giữa những tâm hồn đồng điệu thật đẹp: “Mấy ai” Sài Gòn đi tìm “mấy ai” Huế để nối rộng vòng tay. Chỉ có bấy nhiêu mà sao như cảm thấy cả đất trời và lòng người đều nao nao xúc động.
Cơn mưa Huế bất chợt giữa mùa hè nóng bức như rửa trôi những căng thẳng, lo âu của lòng người, trả lại cho Huế cái nhẹ nhàng, lắng sâu. Cơn mưa như phép màu, như cái ôm hôn nhẹ nhàng của Chúa Cha nhân từ dành cho những đứa con bé nhỏ. Cơn mưa giữ chân người ở lại cùng nhau, để bày tỏ những điều cần thiết, để cởi mở và kết liên.
Rồi bữa cơm chia tay, cơn mưa lại đến, nhũn nhặn, nấn ná, để bầu khí trò chuyện càng thân tình. Bao nhiêu xúc động, suy tư, bao nhiêu trải nghiệm tuôn trào. Huế - Sài Gòn bắt tay nhau, nối kết nên một.
Sống cho sự thật vốn đã khó, yêu thật giữa dòng đời dối trá này lại càng khó hơn. Trong niềm tin tôn giáo, tôi tin tình yêu ấy đến từ trời: Một “tình yêu tay ba mang hình Thập Tự”, như tình yêu giữa Huế - Thiên Chúa - Sài Gòn.
Tôi luôn tin rằng mọi Tình Yêu chân chính bền vững – giữa cá nhân với cá nhân, tập thể với tập thể - đều phải có sự hiện diện của Chúa, Ngài ở giữa. Ngài là chất keo nối kết tuyệt vời.