Tinh thần thống hối
đòi ta nhận ra lầm lỗi của mình, hạ mình xuống và nhất là khi ta gặp rủi ro,
người khác coi thường ta, ta hãy nghĩ đó là hình phạt xứng đáng đối với tội lỗi
ta...
Trước
cộng đồng Vaticanô II, thánh lễ được mở đầu bằng một mẫu nghi thức thống hối
độc nhất. Đó là mọi người đều đọc kinh cáo mình: thú nhận tội lỗi trước mặt
Thiên Chúa và cộng đoàn; rồi vừa đấm ngực ba lần, vừa đọc: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng "
Làm
thế chính là đã bắt chước người thu thuế trong dụ ngôn ta vừa nghe. Người
Pharisiêu kiêu hãnh, khinh miệt kẻ khác, coi thường những công việc của mình là
quan trọng, coi mình là con người hoàn toàn: nên người Pharisiêu này không xứng
đáng được ơn tha thứ, còn người thu thuế khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi của
mình, cúi người xuống, đấm ngực ăn năn, xin Chúa thương xót thứ tha; và Chúa đã
nói rõ sự thống hối của người thu thuế xứng đáng được tha thứ mọi tội lỗi.
(Nếu
trong cuộc sống giữa vộ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa
các người trong một cộng đoàn, một xứ đạo, mọi người đều biết sống khiêm tốn,
nhận phần lỗi về mình: thì cuộc sống sẽ trở nên êm đẹp và hạnh phúc. Sở dĩ có
sự tranh trấp, cãi cọ, hiềm thù, bất hoà, buồn bực, sở dĩ có những va chạm,
những đỗ vỡ là vì mỗi người đều cho mình là vô tội, là hoàn toàn và chỉ biết đổ
lỗi cho người khác, khinh bỉ người khác, chỉ nhận thấy khuyết điểm của người,
mà không bao giờ nhận ra ưu điểm của họ.)
Trong
dụ ngôn bài tin mừng hôm nay Chúa cho ta biết thế nào là thành thực thống hối
ra sao!
Sự
thống hối quả thực rất quan trọng. Chúng ta đã nhiều lần nhắc tới tầm quan
trọng này. Các Tiên tri trong, trong cựu ước, luôn luôn rao giảng việc thống
hối; Thánh Gioan Tẩy Giả chuẩn bị dân chúng đón Chúa Cứu Thế bằng việc rao
giảng thống hối; Chúa Giêsu mở đầu bài giảng của Ngài bằng việc khuyên mọi
người phải thống hối. Trước khi bỏ cuộc sống trần gian để lên trời, Chúa còn
canh dặn các mô đệ phải đi rao giảng sự thống hối để được ơn tha thứ (Lc
24,47). Các Tông đồ luôn luôn nhắc tới việc thống hối, và Giáo Hội cũng luôn
luôn khuyên nhủ, thúc giục chúng ta phải thống hối.
Không
phải chỉ có đạo ta mới đề cao việc thống hối, mà các tôn giáo khác cũng luôn
luôn đề cao việc này. Câu chuyện sau đây chứng minh nhận xét trên.
Hoàng
đế Harun An-Rasít, một đêm nọ cùng tể tướng Giafa hoá trang, mặc bộ đồ lái
buôn, tới bờ sông Euphrat, qua đò mà không một ai biết, rồi vào kinh thành để
quan sát sinh hoạt mức sống của quần chúng. Qua một chiếc cầu, hai người gặp
một lão hành khất. Hoàng đế đặt vào tay lão một đồng tiền vàng. Nhưng lão nắm
chặt tay hoàng đế và thưa: "Ngài đã
vì Thượng Đế mà làm phúc, xin ngài thương tát vào má tôi, vì tội tôi đáng trừng
phạt như vậy."
Hoàng
đế nói: "Lão già ạ, ta không thể làm
theo lời thỉnh cầu của lão, vì ta làm phúc, mà lại tát lão, thì còn gì là công
phúc!"
Nhưng
lão hành khất vội túm lấy áo nhà vua và nói "Thưa
ngài, xin tha thứ cho tôi vì tôi đã cả gan làm phiền ngài. Xin ngài hãy cho tôi
một cái tát tai, hoặc lấy lại đồng tiền ngài cho, vì tôi chỉ nhận của bố thí
với điều kiện bị khinh bỉ."
Hoàng
đế không muốn để chậm trễ, liền tát nhẹ lão một cái rồi bỏ đi. Nhưng rồi bảo tể
tướng Giafa: "Ngươi phải quay lại
bảo cho lão biết ta là ai, và bảo lão ngày mai có mặt tại hoàng cung sau buổi
cầu kinh trưa. Ta muốn hỏi lão hành khất này này, tại sao lại hành động kì dị
như vậy?"
Ngày
hôm sau lão hành khất mù vào hoàng cung, và đã tâu trình với vua Harun An-Rasít
như sau: "Tâu đức vua, tôi tên là
Baba Apđanla sinh ra tại Bátđa. Tuy cha mẹ tôi nghèo, không để lại gì, nhưng
tôi đã siêng năng, chịu đựng mọi vất vả và tôi đã có tới 80 con lạc đà, chuyên
chở hàng cho các lái buôn: do đó tôi đã thu được những khoản tiền lớn. Nhưng
tôi vẫn luôn tham lam của cải, ước muốn mỗi ngày giàu có hơn.
Một
hôm từ Baxôra trở về, lạc đà đi không, sau khi đã chở hàng xong cho các lái
buôn. Gặp một bãi cỏ non, khá xa nơi dân cư, tôi cho đoàn lạc đà nghỉ lại gặm
cỏ. Chợt có một tu sỹ đi bộ đến Banxôra, tu sĩ này đến gần tôi, nghỉ chân và
nói truyện. Chúng tôi bỏ đồ ra ăn chung: tu sĩ bảo tôi là gần đây có một kho
tàng, của cải nhiều tới nỗi 80 con lạc đà có chở đầy vàng bạc châu báu, lấy ở
kho tàng, thì kho tàng có vẻ như chưa ai động tới; tu sĩ này lại nói là sẽ giúp
tôi tới được kho tàng này, tự do lấy của cải bao nhiêu tuỳ thích, miễn là phải
chia cho tu sĩ nửa số lạc đà của tôi.
Nhận
thấy cơ hội trở nên giàu có mau chóng, tôi đồng ý, và rồi chúng tôi lên đường
đi tới một thung lũng khá rộng, lối vào thì hẹp, vừa đủ cho từng con lạc đà
qua. Nhưng rồi bên trong rộng dần, cả đoàn có thể đứng không vướng nhau. Hai
quả núi lớn đứng sừng sững khép lại thành hình cánh cung tạo ra nên thung lũng
đó. Tu sỹ bảo: "Hãy cho lạc đà của
anh dừng lại, bắt chúng nằm xuống, để chúng ta dễ chất của cải lên, tôi sẽ bắt
đầu mở cửa kho tàng."
Rồi tu sĩ đọc thần chú. Bỗng một tảng đá dựng đứng thật
cao tách ra thành một cửa rộng, có hai cánh bằng đá. Qua cửa này tôi nhìn thấy
bên trong có một toà lâu đài tráng lệ, chứa đầy tiền vàng và ngọc quý. Tôi mừng
rỡ và đi thẳng vào đống tiền vàng, hốt vào các túi đem theo. Tu sĩ cũng làm
theo tôi, nhưng ông chủ yếu lấy ngọc, nên tôi cũng theo ông dồn ngọc vào một số
túi. Cuối cùng chúng tôi lấy đầy các túi xếp lên lưng lạc đà. Trước khi ra đi,
tôi thấy tu sĩ vào bên trong, ở đấy có nhiều lọ lớn bằng vàng, ông cho tay vào
một cái lọ lấy ra một cái hộp con làm bằng thứ gỗ quý. Sau khi cho tôi xem bên
trong đựng một loại cao, tu sĩ cất vào trong người.
Khi đã phù phép đóng cửa lại, chúng tôi cho lạc đà đứng
lên tách ra làm hai đoàn: tôi dành cho tu sĩ 40 con và tôi dắt 40 con chở đầy
vàng ngọc quý. Chúng tôi mừng rỡ chia tay nhau. Tu sĩ đi về phía Banxôra còn
tôi trở lại Bátđa. Nhưng vừa đi lòng tham của tôi nổi dậy, tôi đuổi theo tu sĩ
và nói: "Tu sĩ à, việc chăm nuôi 40
con lạc đà rất khó khăn, tu sĩ nhường lại bớt cho tôi 10 con, vì tôi quen việc
chăm sóc"
Tu sĩ đáp: "Anh
nói có lý, vậy anh chọn lấy 10 con anh thích, tôi chỉ lấy 30 con thôi"
Khi đã được thêm 10 con, tôi lại tham lam đuổi theo tu sĩ
mà nói: "Tu sĩ ạ, tu sĩ là người tu
hành mà phải chăm sóc 30 con, theo kinh nghiệm của tôi, còn rất vất vả và khó
khăn, vậy tu sỹ nên nhường bớt lại cho tôi 20 con nữa, tu sĩ chăm sóc 10 con là
đủ"
Tu sĩ cũng bằng lòng ngay, cho thêm tôi 20 con nữa và bảo
tôi: "Người anh em ạ. Thượng đế cho
ta của cải, thì ngài có thể lấy lại những của cải ấy, nếu chúng ta không biết
dùng nó để giúp đỡ những người nghèo khó. Trời sinh ra những người nghèo khó
là để những người giàu, qua việc làm phúc giúp đỡ, sẽ được phần thưởng lớn lao,
khi trở về thế giới bên kia..."
Tôi cảm ơn tu sĩ, vui mừng vì đã có 70 con lạc đà chở đầy
vàng ngọc, tôi đã trở thành con người giàu có nhất đời... Nhưng rồi lòng tham
vô đáy, tôi chợt nghĩ tới hộp cao, hẳn là vật quý báu lắm, nên tôi nói: "Tu sĩ ạ, tu sĩ giữ làm gì lọ cao nhỏ,
xin tu sĩ làm quà cho tôi."
Tu sĩ lấy chiếc hộp ra, đưa cho tôi một cách nhã nhặn và
nói: "Xin tặng anh, để anh vui lòng.
Tác dụng của nó thật kì diệu: Nếu bôi cao này vào mắt bên trái, anh sẽ nhìn
thấu suốt được mọi kho tàng giấu sâu trên trái đất, còn nếu bôi lên mắt phải,
anh sẽ bị mù."
Tôi muốn thí nghiệm nên xin tu sĩ bôi cao vào mắt trái
của tôi. Quả thực, thật kì diệu, tôi nhìn thấy biết bao kho tàng trên thế giới.
Nhưng tôi lại dại dột nghĩ rằng chắc bôi lên mắt phải sẽ thấy những điều kì dị
khác, chứ đâu có bị mù, nên tôi lại xin tu sĩ bôi cao vào mắt phải cho
tôi. Tu sĩ từ chối và nói là ông nói rất thật, nếu bôi lên mắt phải thì bị mù
ngay. Vì quá tham lam và tò mò, tôi cứ nài nẵng hoài, nên ông ta dành lấy cao
bôi vào mắt phải tôi. Than ôi! Vừa bôi cao vào mắt phải: khi mở mắt ra, thì tôi
chỉ thấy có bóng đen dày đặc, tôi trở thành con người mù loà, như đức vua thấy
đây. Tôi liền la rầy tu sĩ, và xin ông chữa tôi khỏi mù. Nhưng tu sĩ lạnh lùng
đáp: "Mày là đứa tham lam, xứng đáng
chịu hình phạt mù loà này, đúng là ta biết được nhiều điều huyền bí, nhưng ta
vẫn chưa biết cách làm cho mắt của mày sáng trở lại. Hãy cầu xin Thượng Đế và
thống hối tội lỗi tham lam của mày. "
Nói rồi ông ta để tôi lại một mình và lùa 80 con lạc đà
đi theo ông. Tôi đã được một đoàn lữ hành từ Banxôra, rủ lòng thương, nhận đưa
tôi về Bátđa. Tôi nhận ra tội lỗi của tôi, thành thực thống hối, cầu xin Thượng
Đế tha thứ cho tôi và tự bảo mình phải luôn luôn nghĩ tới tội lỗi, bằng cách đi
hành khất, và nguyện rằng bất cứ ai làm phúc bố thí cho mình thì thì cũng tát
vào mặt mình, tỏ lòng khinh bỉ mình, vì tội lỗi xứng đáng như vậy.
Truyện trên đây (tóm lược câu truyện trong cuốn 1001 đêm)
cho ta thấy sự thống hối quả là cần thiết cho mọi người, trong mọi thời đại. Tuy
câu truyện có vẻ kì dị, nực cười, nhưng ít ra nó cũng nhắc ta: tinh thần thống
hối đòi ta nhận ra lầm lỗi của mình, hạ mình xuống và nhất là khi ta gặp rủi
ro, người khác coi thường ta, ta hãy nghĩ đó là hình phạt xứng đáng đối với tội
lỗi ta...
Lm.
Giuse Đỗ Đình Tiệm
- Đề tựa của Lm. HK