LẠY CHÚA, XIN THƯƠNG XÓT CON
Con cháu Ađam-Eva đang đánh mất sự
chăm lo đầy tình yêu của Chúa khi tự xếp mình vào chỗ đứng của Thiên Chúa mà trở
nên “Đấng xét xử” cho chính mình và cho mọi người.
Lm. HK
Khi còn là một chủng
sinh, vì học tập rất kém nên cứ theo luật thì thầy Vianney phải bị loại, nhưng
vì bền chí và có lòng đạo đức nên thầy được giữ lại. Thế mà khi làm cha sở xứ
Ars, ngài đã lôi kéo được nhiều người ăn năn trở lại, nhờ đời sống cầu nguyện,
hy sinh, hãm mình.
Các cha khác thấy thế
thì lo ngại nên làm một tờ đơn trình Đức Giám mục, đại ý nói là cha Vianney trước
đây học hành kém cỏi mà nay lôi kéo giáo dân trong cả miền đến Ars xưng tội hầu
như cả ngày nên ai cũng e là có gì sai lạc chăng và xin Đức Giám mục cấm cha
Vianney giải tội.
Vì chút thương tình, vị
linh mục nhận cầm đơn lên toà Giám mục có ghé qua cho cha Vianney hay chuyện. Lạ
thay! Khi cha Vianney cầm xem tờ đơn kiện mình thì chính ngài lại cầm bút viết
thêm: “Việc anh em nói trên đây đều rất
đúng với sự thật”, rồi ngài ký thêm tên mình vào đó.
Thánh Vianney đồng tình
với những lời cáo buộc và lo ngại về trình độ học vấn của ngài thì chẳng có chi
là khó hiểu, nhưng người Biệt phái trong câu chuyện ngụ ngôn có làm điều chi
sai trái không mà phải trở về với hai bàn tay trắng: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã
được nên công chính rồi; còn người kia thì không”?
Ai có thể bắt lỗi được
khi ông ăn chay mỗi tuần hai lần trong khi luật chỉ buộc mỗi năm một lần (x. Lv
23,26-32), khi ông dâng một phần mười tất cả các hoa lợi chứ không chỉ dâng một
phần mười hoa lợi của ruộng rẫy như luật buộc: “Mỗi năm anh em phải trích một phần mười tất cả hoa lợi lấy từ những gì
anh em gieo, những gì mọc lên ngoài đồng” (Đnl 14,22). Lẽ nào một người như
thế không được coi là người công chính?
Chúa Giêsu không trách
ông vì làm quá nhiều việc lành, mà là trách ông đã cậy dựa vào những việc tốt
lành để chiếm chỗ đứng của Chúa.
Đúng thế, người tin vào
Chúa là người coi Chúa là quan án đầy tình thương, là Đấng xét xử và cứu chữa
thân phận tội lỗi hay yếu hèn của họ: “Vì
Đức Chúa là Đấng xét xử,… Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi,
hay tiếng than van của người goá bụa” (Hc 35,12-14); họ hết sức làm việc
lành và để tất cả tùy thuộc sự định đoạt của Chúa: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị
Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi” (2Tm 4,8) chứ không “đứng thẳng” mà tự phong mình là người
công chính.
Trong vườn địa đàng
ngày xưa, thoạt nhìn thì con rắn chỉ cám dỗ Ađam-Eva ăn trái cấm, nhưng bên dưới
cái vẻ bên ngoài như không có gì đáng kể đó lại là một cái bẫy chứa đầy những
tính toán hiểm độc của chính Satan trong ngày chúng tạo phản: “Hãy là quan án cho chính mình, hãy tự phân
định điều tốt điều xấu: hãy là Thiên Chúa.” Qua hình ảnh người Biệt phái,
Phúc âm Luca đã cho thấy rõ hơn công việc của Satan đối với nguyên tổ loài người
hôm xưa vẫn đang được tiếp tục trong thế giới hôm nay: Con cháu Ađam-Eva đang
đánh mất sự chăm lo đầy tình yêu của Chúa khi tự xếp mình vào chỗ đứng của Thiên
Chúa, mà trở nên “Đấng xét xử” cho
chính mình và cho mọi người.
Không chỉ làm công việc
xét xử của Thiên Chúa mà lời cầu nguyện của người Biệt phái cho thấy là Chúa
không có chỗ đứng nào trong đời ông: Ông không cần đến Chúa, mà phải nói ngược
lại là Chúa phải cần đến ông. Cứ nghe ông kể những gì Chúa làm cho ông và những
gì ông làm cho Chúa là rõ. Trong khi thánh Phaolô gắn chặt đời mình vào quyền
năng và tình yêu Chúa: “Nhưng có Chúa đứng
bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn
thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2Tm 4,17), thì với
người Biệt phái, khó kiếm được ai thay thế cho ông, “vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc
như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần
mười thu nhập của con.”
Một người thợ rèn thời
Trung cổ bị bắt làm tù nhân và bị giam trong một cái hầm ngục. Nhờ có ít vốn hiểu
biết trong nghề, anh ta kiểm tra các mắt xích nặng nề đang ràng buộc mình với
hy vọng tìm ra được một vết nứt để tính kế thoát thân. Sau cùng anh phải buông
tay thất vọng. Các dấu hiệu trên xích cho thấy chính anh làm ra nó, mà trước
đây anh đã rất tự hào về các chúng: chưa một ai bẻ gãy được sợi xích do anh chế
tạo.
Người Biệt phái đã làm
được thật nhiều việc tốt lành, như một thánh nhân, nhưng chính các việc tốt
lành đó đã làm ông quên đi thân phận hèn yếu của mình, quên đi một Thiên Chúa gần
gũi những kẻ đoạn trường, quên đi cái sức mạnh có thể nói được là ‘toàn năng’ của
lời cầu xin nơi người biết nương tựa vào Chúa, … để rồi đứng xa Chúa hơn.
Cùng đứng trong đền thờ,
nhưng tôi có gặp được Chúa không?
Lm. HK