ĐỨC TIN VÀ
NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU
Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên những cánh tay nối
dài của Người, để làm những việc chính Người đã làm cho con người đương thời tại
xứ Palêtin. Chính qua chúng ta mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu.
Đức tin có một sức mạnh thật kỳ diệu. Các tác giả Tin Mừng
đã chứng minh với chúng ta điều đó. Đối với những ai đến với Chúa và tín thác
nơi Ngài, họ nhận được những ơn lạ lùng vượt xa sự mong đợi.
Một người bất toại đã lâu năm, nay chỉ mong có thể cử động
đi lại. Khi gặp gỡ Chúa và được Người chữa bệnh, ông đã trở nên khỏe mạnh,
không chỉ đi lại được như mọi người, mà ông còn vác chõng mà đi, trước sự kinh
ngạc của mọi người (x. Mc 2,3-12).
Một người mù từ bẩm sinh, chỉ ước mong con mắt mình sáng để
được nhìn thấy mọi người và mọi vật xung quanh. Khi được Chúa chữa, anh không
chỉ sáng con mắt thể xác, mà còn sáng cả con mắt tâm hồn. Anh được Ngài soi
lòng mở trí để hiều biết những điều cao siêu. Những suy tư về sự thánh thiện và
tội lỗi của người mù vừa được chữa lành, xem ra còn khôn ngoan hơn cả những người
biệt phái và luật sĩ (x. Ga 9,1-41).
Một người què, đi lại khó khăn, chỉ mong được bước đi như
những người khác. Nhờ tác động và quyền năng của Chúa, thông qua trung gian của
hai vị tông đồ là Phêrô và Gioan, không những anh có thể đi lại được, anh còn
“vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa”. Tác giả sách Công vụ Tông đồ
trình bày anh giống như một vũ công, múa nhảy ca hát để tỏ bày niềm vui trước
những điều lạ lùng Thiên Chúa vừa thực hiện (x. Cv 3,1-10).
Một phụ nữ tội lỗi cả thành đều biết tiếng, qua cuộc gặp gỡ
với vị ngôn sứ có tên là Giêsu, chị đã sám hối ăn năn và trở nên con người mới.
Không chỉ được hội nhập vào xã hội, chị còn trở nên một nữ tông đồ năng động
nhiệt thành và là người đầu tiên loan báo Chúa đã phục sinh (x. Lc 8,2).
Đức tin có thể mang lại cho chúng ta những điều kỳ diệu. Những
điều kỳ diệu ấy đến từ quyền năng của Chúa. Ngài là chủ vũ trụ, là nguyên lý của
mọi nguyên lý. Quyền năng của Chúa bao trùm vũ trụ và cuộc sống con người. Trong
xã hội văn minh hiện đại, con người lầm tưởng rằng họ có thể thay thế Thiên
Chúa. Ý tưởng điên rồ này đã phải gánh lấy thất bại đắng cay. Một khi gạt bỏ
Thiên Chúa khỏi cuộc sống, điều còn lại sẽ là bạo lực, hận thù và tội ác.
Những điều kỳ diệu của đức tin cũng đến từ nỗ lực cố gắng của
con người. Đức Giêsu đã nói đến hiệu quả của đức tin: “Nếu các con có lòng tin
lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang
nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được” (Mt
17,20). Hạt cải thật nhỏ bé và núi đồi lớn lao. Đó là hai hình ảnh tương phản
nhau. Sự tương phản ấy càng làm nổi bật sức mạnh của đức tin. Tác giả thư Do
Thái đã nhắc đến gương mẫu đức tin của các Tổ phụ và những nhân vật của lịch sử
dân tộc, đã nhờ đức tin mà họ vượt lên biết bao gian nan thử thách để trung
thành với Chúa và thực hiện tốt đẹp những sứ vụ Chúa trao (x. Dt 11). Họ là những
người đã cộng tác với Chúa, nỗ lực làm cho đức tin sinh hoa kết trái nơi cuộc đời
của họ cũng như nơi tha nhân. Nếu được liệt kê vào danh sách những gương mẫu đức
tin trong thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta sẽ nói đến các thánh tử đạo Việt Nam. Đức
tin là bí quyết đem lại cho các ngài sức mạnh. Các ngài là những người thuộc
nhiều thành phần xã hội khác nhau: từ những quan lại trong triều đình đến những
nông dân chân lấm tay bùn; từ những người giàu có đến những người nghèo nàn cơ
khổ. Tất cả đều tìm được nguồn sức mạnh đến từ đức tin vào Chúa, thà hy sinh mọi
sự còn hơn là mất ơn nghĩa với Chúa. Họ chấp nhận đánh đổi tất cả để được sự sống
đời đời. Sức mạnh của đức tin kỳ diệu là thế.
Sức mạnh của đức tin còn thể hiện qua sự gắn bó của người
tín hữu đối với Giáo Hội. Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Giáo Hội
là chiếc thuyền chuyên chở các tín hữu đến gặp gỡ Chúa, đồng thời cũng chuyên
chở Chúa đến gặp Dân của Ngài. Lịch sử hai ngàn năm đã chứng minh sức mạnh của
Giáo Hội. Mặc dù thời nào cũng có những tội lỗi và gương xấu, con thuyền Giáo Hội
không vì thế mà bị nhấn chìm, vì Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng đức tin,
được diễn tả qua hình ảnh tảng đá góc là chính Đức Giêsu. Hãy chiêm ngắm một
khung cảnh phụng vụ sẽ thấy sức mạnh của đức tin thật kỳ diệu: những cụ ông cụ
bà, những em bé thiếu nhi, những người trưởng thành… tất cả đều toát lên niềm
vui khôn tả, khi họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được tâm sự với
Ngài. Mặc dù cuộc đời vẫn còn lắm truân chuyên, nhưng những giây phút tĩnh lặng
ấy giúp họ gột bỏ bụi trần, tìm được niềm vui vì có Chúa. Chính đức tin nói với
họ về sự hiện diện nhiệm màu của Chúa, đồng thời thúc đẩy họ đến với Chúa để được
trang bị thêm sức mạnh và ý chí vươn lên.
Trong cuộc sống hôm nay, xung quanh chúng ta những điều kỳ
diệu vẫn đang xảy đến. Biết bao người đến với Chúa đã nhận được sự an ủi đỡ
nâng thể xác cũng như tinh thần. Có thể khi đến với Chúa, người què vẫn chưa tự
mình đi được, người mù vẫn chưa thể thấy được, người liệt chưa thể tự mình trỗi
dậy, nhưng chắc chắn một điều, khi đến với Chúa với đức tin và niềm phó thác, họ
đã nhận được nghị lực và niềm vui rất lạ lùng, để họ vươn lên, vượt qua khó
khăn, đón nhận thực tại, lạc quan và yêu đời hơn, vì họ tin chắc chắn rằng có
Chúa cùng đi với họ trong cuộc đời này. Có thể họ bị thiệt thòi về một điểm nào
đó, nhưng Chúa lại bù cho họ những khả năng phi thường ở một lãnh vực khác. Đức
tin vẫn đem lại cho chúng ta những điều kỳ diệu là thế.
Người tín hữu còn có sứ mạng đem những điều kỳ diệu của đức
tin cho anh chị em đồng loại. Hình ảnh những nữ tu dấn thân hy sinh phục vụ người
phong cùi hay những trẻ mồ côi, hình ảnh những tín hữu nhiệt thành bất chấp mọi
ngờ vực để đến với người nghèo, người nhiễm HIV, hình ảnh các linh mục đến với
người dân tộc thiểu số hay những nơi vùng sâu vùng xa để đem ánh sáng Tin Mừng
cho những anh chị em vừa nghèo về vật chất vừa nghèo về tình người. Những thực
hành bác ái này là những điểm sáng trong đời sống đức tin, đồng thời thể hiện sứ
mạng cao cả của người tín hữu, đó là đến với con người để mang cho họ niềm vui
và góp phần củng cố đức tin nơi họ. Thiên Chúa đang qua chúng ta để ban phúc
lành cho nhân thế. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên những cánh tay nối
dài của Người, để làm những việc chính Người đã làm cho con người đương thời tại
xứ Palêtin. Chính qua chúng ta mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu.
Chúng ta đang cùng chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa thể hiện
qua một trẻ thơ vừa chào đời. Hài nhi nằm trong máng cỏ lại là chính Thiên
Chúa, Đấng tạo dựng mọi sự từ ban đầu của lịch sử, nay trở nên người phàm để sống
cùng, sống với và sống cho chúng ta. Hai ngàn năm đã qua, biến cố Máng cỏ Bêlem
và mầu nhiệm Thập giá đồi Canvê vẫn gửi đến chúng ta những sứ điệp quan trọng. Đó
là sứ điệp của tình Chúa tình người. Tình Chúa sẽ biển đổi đời ta nên cao thượng.
Tình người sẽ giúp ta tìm thấy niềm vui, bởi khi cho đi là ta được nhận lãnh.
Một tác giả là Robert Schuller viết: “Việc bạn hiện hữu
trên cuộc đời đã là một quà tặng lớn lao của Thiên Chúa”. Ý thức mình là điều kỳ
diệu của Chúa, mỗi chúng ta cần làm cho ánh sáng và vinh quang của Chúa thể hiện
nơi cuộc đời mình. Có những điều kỳ diệu được xây nền trên những điều rất bình
dị của đời thường. Các thánh là những người đã nỗ lực cố gắng để nên thánh khởi
đi từ những điều rất đơn giản của cuộc sống. Một người nông dân, một người ít học,
một người sống trong cảnh đạm bạc thanh bần, một người cha người mẹ âm thầm
nuôi dạy con cái… tất cả đều có thể làm tỏa sáng vinh quang của Chúa và làm nên
những điều kỳ diệu trong cuộc sống thân yêu của chúng ta.