Lễ Mân Côi _ Đức Mẹ Fatima

ĐỨC MẸ FATIMA
Ta cùng hiệp lòng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, tri ân, vì Chúa đã yêu thương ban tặng cho nhân loại một người mẹ, một ánh sao, một người hoa tiêu dẫn đường cho ta trên đường lũ thứ trần gian, tiến về quê trời.  
Antôn Lương Văn Liêm (2010)
Ngày 13.10.1917, mưa như trút nước trên bãi Cova da Iria. Một đám đông khoảng 70.000 người - kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả - tụ tập tại đây lần chuỗi Mân Côi. Khoảng giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và yêu cầu cho xây 1 nguyện đường tại đây để ghi nhớ và tôn kính Đức Mẹ, cũng như những lần trước, Đức Mẹ lặp lại lời mời gọi mọi người hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi để thế giới được hòa bình. Cuối cùng Mẹ tha thiết mời gọi hãy ăn năn sám hối, quy hướng về Thiên Chúa.
Khi Đức Mẹ từ giã mọi người, thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất đầu lộ diện, tất cả mọi người đang hiện diện nơi Đức Mẹ hiện ra và ngay cả những người ở cách xa mấy dặm đều có thể nhìn thẳng vào mặt trời. Điều đặc biệt, như một vũ công tài ba, mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu trông rất ấn tượng và đẹp mắt, có lúc mặt trời xuống thấp, tưởng chừng như có thể sờ chạm vào được, có người vui sướng, nhưng cũng có nhiều người sợ hãi, sự lạ xẩy ra khoảng 10 phút, sau đó trở lại bình thường. Các nhà khoa học đã xác định chưa bao giờ có sự kiện như thế đối với mặt trời từ bao năm qua.
Đang khi mọi người ngây ngất trước sự kiện lạ trên bầu trời, riêng 3 Thị Nhân, được diễm phúc chiêm ngưỡng gia đình Thánh Gia, Đức Mẹ với tước hiệu Mẹ Sầu Bi, Chúa Hài Đồng Giêsu và sau cùng là Đức Mẹ núi Carmêlô. Đây là điều Đức Mẹ đã hứa với 3 Thị Nhân.
Thấm thoát thời gian trôi qua đã 93 năm, biết bao sự đổi thay trên toàn thế giới, nhờ sự chở che và lời cầu rất thần thế của Mẹ Maria trước ngai tòa Thiên Chúa, mà hiện nay nhân loại đã thoát cảnh nơm nớp lo âu vì chiến tranh lạnh giữa các cường quốc, sự tàn phá khốc liệt của vũ khí nguyên tử, như đã từng sảy ra tại Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945 khiến cho nhiều người vô tội trên đất nước Nhật Bản phải thương vong. Riêng tại quê hương Việt Nam ta, kể từ sau 30/4/1975, đã không còn cảnh huynh đệ tương tàn, đất nước không còn nghe tiếng súng; không còn những tiếng khóc tiễn đưa, ly biệt người thân vì tai họa của chiến tranh; không còn những oán hận, tuyệt vọng, khi phải mất đi một phần thân thể của những trang nam tử vì bom đạn; không còn những vành khăn sô trên đầu người thiếu phụ khi người chồng bỏ mình nơi trận địa, không còn những tiếng khóc ai oán của trẻ thơ khi mồ côi cha hay mẹ vì bom đạn của chiến tranh. Tất cả những sự kiện đã và đang sảy ra trên toàn thế giới nói chung và ngay tại quê hương Việt Nam nói riêng đều khởi đi từ lời mời gọi tha thiết của Mẹ Maria, qua Mẹ là Giáo Hội trong việc truyền bá và siêng năng lần chuỗi Mân Côi, ăn năn sám hối, cải thiện đời sống từ hàng giáo sỹ cho tới hàng giáo dân. Lời kinh Mân Côi tuy đơn sơ nhưng đem lại hiệu quả một cách tuyệt vời.
Sự kiện Mẹ Maria hiện ra tại Fatima từ ngày 13/5 đến 13/10 năm 1917 tất cả là 6 lần, trong 6 lần Đức Mẹ hiện ra, không lần nào mà Mẹ không nhắc nhở và mời gọi con cái của Mẹ hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi, hãy ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, để cầu nguyện cho chiến tranh được chấm dứt, hòa bình thật sự ngự trị trên trái đất. Người người luôn sống trong bình an, hạnh phúc, thực sự được tự do, phẩm giá con người được tôn trọng và sự sống con người được bảo vệ và duy trì
Hiện nay ta đang sống trong một thế giới tương đối bình yên, tuy còn đó một vài nơi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế, riêng tại quê hương ta thì những bậc làm cha làm mẹ không còn phải lo âu cho con của mình, đặc biệt là nam giới, khi chúng đến tuổi phải tham gia nghĩa vụ của một người công dân trong việc bảo vệ tổ quốc. Có phải chăng khi thế giới được tạm bình yên, quê hương không còn tiếng súng thì lời kinh Mân Côi không còn cần thiết và không còn nóng bỏng trong hình thức cầu nguyện của người Kitô hữu như trước đây? Nếu ta nghĩ như thế thì quả là một thiếu sót và sai lầm lớn. Vì sao? Xin thưa! Chiến tranh và những cuộc chiến, không chỉ là những tranh chấp giữa nước lớn với nước nhỏ, giữa thể chế này với thể chế kia; của sự tranh dành tài nguyên khoáng sản, quyền bá chủ; những tranh chấp và bất đồng của tôn giáo này với tôn giáo khác… Nhưng, chiến tranh và những tranh chấp luôn ẩn khuất qua nhiều hình thức khác nhau như:
1.           Chiến tranh và những cuộc chiến của dã tâm, ác tâm và thiện tâm nơi con người.
    Dã tâm, ác tâm và thiện tâm, vẫn luôn tranh dành nơi con người yếu đuối của ta trong từng ngày sống. Dã tâm và ác tâm là lời mời gọi, dụ dỗ của quyền lực sự dữ, của thế gian, còn thiện tâm là ân ban, là lời mời gọi của Thiên Chúa, trận chiến này vẫn luôn đeo bám ta như hình với bóng, ranh giới giữa dã tâm, ác tâm và thiện tâm chỉ như sợi tơ mỏng manh. Nếu dã tâm, ác tâm lên ngôi sẽ đưa đẩy con người dễ nhúng tay vào tội ác như cướp của, giết người, gây thương tích cho nhau, từ trong gia đình trở đi; áp đặt lên đồng loại, những gánh nặng cả về tinh thần lẫn vật chất, như nạn buôn bán ma túy tràn lan, nạn buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình dục nơi trẻ vị thành niên, bỏ rơi những người cao tuổi, tật nguyền, tước đoạt sinh mạng từ trong trứng nước…Dẫn đến một xã hội xáo trộn và hỗn độn.
2.           Chiến tranh và sự tranh dành giữa yêu thương, tha thứ và sự ích kỷ, hận thù.
    Nếu thiếu yêu thương, tha thứ, thì ích kỷ, hận thù lên ngôi, một khi ích kỷ, hận thù thắng thế thì nơi mái ấm gia đình, vì tiền, ý riêng, sẽ gây nên sự chia rẽ tình cha nghĩa mẹ với con cái, tình anh em huyết nhục, tình nghĩa vợ chồng, nặng nề hơn là gia đình tan tác, anh em không nhìn mặt nhau, con cái bơ vơ; nơi tương quan hàng xóm láng giềng mất đi ý nghĩa của tối lửa tắt đèn có nhau, chỉ vì một ranh đất một con gà, một con chó, hay con mèo; con người sống theo chủ nghĩa “makeno” mặc kệ nó; nơi cộng đoàn và ngay cả trong Giáo Hội vẫn ẩn khuất những tranh dành vì thiếu yêu thương và tha thứ. Khi sự ích kỷ và hận thù lên ngôi thắng thế.
3.           Chiến tranh và dự tranh dành giữa kiêu ngạo và khiêm nhường.
    Khi lòng kiêu ngạo thắng thế thì còn đâu của khiêm nhường trong cách hành xử với nhau từ lời nói tới hành động. Nơi gia đình thì đưa đến cảnh chồng chúa vợ tôi, con cái đối với cha mẹ, không còn là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng trở thành gánh nặng, ngược lại con cái đối với cha mẹ cũng thế; nơi cộng đoàn và Giáo Hội, thì không còn sự phục vụ, tận tâm, tận lực, nhưng thay vào đó là điều khiển và ra lệnh. Điều này đem đến cho nhau những thương tổn cả về vật chất lẫn tinh thần, đưa đẩy nhiều người dần xa rời Thiên Chúa.
    Dã tâm, ác tâm; ích kỷ, hận thù; kiêu ngạo, chia rẽ, vẫn luôn là những bóng đêm của satan, đè nặng trên đời sống nhân loại. Giữa cái thiện và cái ác; giũa yêu thương, tha thứ và ích kỷ, hận thù; giữa khiêm nhường và kiêu ngạo, vẫn luôn là những cuộc chiến không khoan nhượng giữa con cái Thiên Chúa và satan, điều này thành Phaolô đã từng nhắc nhở người tín hữu Ê-phê-sô: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa ” (Êp.612-17).
    Để vận dụng được toàn bộ sức mạnh của Thiên Chúa cho con người yếu đuối của ta, hầu chống trả lại quyền lực của satan, ngoài học hỏi những kinh nghiệm của thánh Phaolô, thì sự kiện Mẹ Maria hiện ra tại Fatiama và trao cho ta ba mệnh lệnh như: “Ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, tôn sùng Trái Tim Mẹ, siêng năng lần chuỗi Mân Côi”, vẫn mang tính cấp thiết và nóng bỏng giữa thời đại ngày hôm nay. Lời kinh Mân Côi, không là kinh xưa bổn củ, nhưng lời kinh Mân Côi, kết hợp với Lời Chúa, Thánh Thể Chúa trở thành nguồn sức mạnh giúp ta chiến đấu, chống trả với quyền lực satan, vẫn biết rằng Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn bảo vệ ta, nhưng các Ngài cần sự cộng tác chặt chẽ của ta. Hầu đem lại cho ta, gia đình ta, xã hội, Giáo Hội sự hòa bình đích thực, nhân loại này sẽ sống trong cảnh thái bình ngay đời này và cả đời sau.
   Cùng với toàn thể Giáo Hội và những người con yêu dấu của Mẹ Maria, nhân ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima 13/10/1917- 13/10/2010. Ta cùng hiệp lòng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, tri ân, vì Chúa đã yêu thương ban tặng cho nhân loại một người mẹ, một ánh sao, một người hoa tiêu dẫn đường cho ta trên đường lũ thứ trần gian, tiến về quê trời. Đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, ta hiệp lòng cảm tạ và kêu xin Mẹ Maria giúp ta thực hiện ba mệnh lệnh trong từng ngày sống, đây là những vũ khí, những rào chắn giúp ta chống trả và thoát khỏi nanh vuốt của satan.
   Lạy Mẹ Maria! Con cảm tạ Mẹ đã yêu thương, đã đến để dạy dỗ, chở che con đang phải sống đớn hèn, mệt mỏi nơi trần gian, vì những cám dỗ của satan, xin Mẹ giúp con luôn nhớ và thực hiện những gì Mẹ đã mời gọi con khi Mẹ hiện ra tại Fatima, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho con và cho mọi người luôn biết yêu mến Chúa, yêu mến Mẹ qua đời sống chuyên cần cầu nguyện, luôn khiêm nhường, yêu thương và tha thứ, để con thực sự trở thành người con trong gia đình nhà Chúa và con của Mẹ ngay đời này và cả đời sau.Amen.
Tác giả bài viết: Antôn Lương Văn Liêm