Suy niệm hạnh thánh _ 29/9

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
MICAE, GABRIEN VÀ RAPHAEN
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Các thiên thần - là sứ giả của Thiên Chúa - thường xuất hiện trong Kinh Thánh, nhưng chỉ có các thiên thần Micae, Gabrien và Raphaen là có tên.
Thánh Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Daniel và trong Sách Khải Huyền. Việc sùng kính Thánh Micae là sự sùng kính thiên thần lâu đời nhất, xuất phát từ Đông Phương trong thế kỷ thứ tư. Cho đến thế kỷ thứ năm thì Giáo Hội Tây Phương mới bắt đầu mừng lễ kính Thánh Micae và các thiên thần.
Thánh Gabrien cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Daniel. Sự xuất hiện của Thánh Gabrien mà nhiều người còn nhớ là khi hiện ra với trinh nữ Maria, mẹ Đấng Cứu Thế.
Hoạt động của Thánh Raphaen chỉ giới hạn trong câu chuyện của ông Tobit thời Cựu Ước. Việc kính nhớ Thánh Gabrien (24-3) và Raphaen (24-10) được thêm vào niên lịch Giáo Hội La Mã trong năm 1921. Vào năm 1970, khi duyệt lại niên lịch, Giáo Hội đã đưa ngày lễ kính hai vị vào chung một ngày với Thánh Micae.
Suy niệm 1: Sứ giả
Các thiên thần -là sứ giả của Thiên Chúa- thường xuất hiện trong Kinh Thánh.
Mỗi một tổng lãnh thiên thần nói trên đều có một nhiệm vụ đặc biệt trong Kinh Thánh: Thánh Micae bảo vệ; Thánh Gabrien truyền tin; Thánh Raphaen hướng dẫn.
Trước đây người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được là do hành động của các thực thể thần linh, nhưng ngày nay khoa học có cái nhìn khác biệt và cảm nhận khác biệt về nguyên nhân và hậu quả. Tuy nhiên, người tín hữu vẫn cảm nhận được sự bảo bọc, sự liên hệ và sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong những phương cách không thể giải thích được. Chúng ta không thể coi thường vai trò của các thiên thần.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổng lãnh thiên thần thi hành nhiệm vụ Chúa trao, bằng việc hằng vâng nghe các ngài.
Suy niệm 2: Tiên tri Daniel
Thánh Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Daniel.
Ngài xuất hiện như "hoàng tử vĩ đại" bảo vệ Israel chống lại quân thù:
"Thiên sứ lãnh đạo vương quốc Ba-tư đứng chống lại ta hai mươi mốt ngày. Và này Micae, một trong các thiên sứ lãnh đạo cao cấp, đã đến trợ lực ta. Ta để người ở đó, bên cạnh các vua Ba-tư… Nhưng ta sắp báo cho ngươi biết điều đã ghi chép trong sách sự thật. Không một ai hiệp lực với ta chống lại các vị đó, ngoại trừ thiên sứ Micae, tướng lãnh của các ngươi" (Đn 10,13.21).
1 "Thời đó, Micae sẽ đứng lên. Người là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường che chở dân ngươi. Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa" (Đn 12,1).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững tin vào nhiệm vụ bảo vệ của tổng lãnh thiên thần Micae chống lại quân thù ma quỷ.
Suy niệm 3: Sách Khải Huyền
Thánh Micae xuất hiện… trong Sách Khải Huyền.
Ngài dẫn đầu đạo binh Thiên Chúa chiến đấu với ma quỷ trong trận chiến vẻ vang sau cùng.
 “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micae và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến (Kh 12,1).
Truyền thống Giáo Hội ghi nhận sự kiện này xảy ra khi thiên thần Luxiphe sinh lòng kiêu ngạo không muốn lệ thuộc Thiên Chúa, nên tổng lãnh thiên thần Micae đứng lên giao chiến, và Thiên Chúa đã phạt Luxiphe thành ma quỷ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn khiêm tốn như tổng lãnh thiên thần Micae đứng về phía Chúa.
Suy niệm 4: Tiên tri Daniel
Thánh Gabrien cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Daniel.
Ngài thừa hành lệnh (Đn 8,16) đến với tiên tri Daniel để giải thích thị kiến (Đn 8,1) cũng như cắt nghĩa lời tiên tri (Đn 9,1) cho tiên tri Daniel, vào lúc dâng hiến lễ ban chiều (Đn 9,21).
Ngài công bố vai trò của Thánh Micae trong hoạch định của Thiên Chúa, vốn xuất hiện như "hoàng tử vĩ đại" bảo vệ Israel chống lại quân thù.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mở rộng lòng đón nhận các lệnh truyền của Chúa qua thiên thần Gabrien.
Suy niệm 5: Trinh nữ Maria
Sự xuất hiện của Thánh Gabrien mà nhiều người còn nhớ là khi hiện ra với trinh nữ Maria, mẹ Đấng Cứu Thế.
Biến cố truyền tin này đã được tường thuật trong Tin Mừng thánh Luca (1,26-38) với nhiều bài học quý giá về thiên thần Gabrien cũng như về Đức Maria.
Là sứ thần của Thiên Chúa từ trời đến, Gabrien vẫn khiêm tốn mở lời chào hỏi (28), trấn an (30), trao gởi sứ điệp cách trung thực (31-33), kiên nhẫn giải thích cặn kẻ (35-37) và chỉ rời đi sau khi hoàn thành sứ mạng (38b). Còn Đức Maria không nhu nhược nhận bừa mà vận dụng đặc ân lý trí Chúa ban để suy nghĩ (29) và chân thành nêu lên thắc mắc (34) để rồi cuối cùng khiêm tốn thực thi lệnh truyền (38a).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhận và sống các bài học quý giá các ngài để lại.
Suy niệm 6: Ông Tobit
Hoạt động của Thánh Raphaen chỉ giới hạn trong câu chuyện của ông Tobit thời Cựu Ước.
Trong chuyện này người xuất hiện để dẫn dắt con ông Tobit là Tobia qua những cuộc mạo hiểm dị thường mà sau cùng dẫn đến một kết quả thật tốt đẹp: Tobia kết hôn với Sarah, ông Tobit được chữa khỏi mù mắt và tài sản của gia đình ông được hồi phục.
Trong cuộc hành trình của mỗi người như một lữ hành ở trần gian tiến về đích điểm quê trời, không thiếu những chông gai, những cạm bẫy của quỷ ma, chúng ta hãy bám víu vào nhiệm vụ hướng dẫn của thiên thần Raphaen và hãy an tâm vững bước như một Tobia, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được thành quả tốt đẹp.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vâng theo sự chỉ dẫn tuyệt vời của thiên thần Raphaen.