Thánh COSMAS và thánh DAMIAN
(c. 303?)
Lược sử
Người ta không biết gì
nhiều về cuộc đời của hai vị này, ngoài việc họ tử đạo ở Syria trong thời bắt đạo của Diocletian. Việc sùng kính hai thánh nhân đã lan
truyền mau chóng cả ở Đông Phương lẫn Tây Phương.
Truyền thuyết nói rằng
hai vị là anh em sinh đôi ở Arabia,
và là các y sĩ giỏi. Họ
được sùng kính ở Đông Phương với biệt hiệu "người không lấy tiền" vì họ không tính tiền khi chữa bệnh. Không thể nào những
người nổi tiếng như vậy mà không bị chú ý trong thời gian cấm đạo, do đó cả hai
đã bị bắt và bị chém đầu.
Suy niệm 1: Tử đạo
Người ta không biết gì nhiều về cuộc đời của hai vị này, ngoài việc họ tử
đạo ở Syria trong thời bắt đạo của Diocletian.
Trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng ngày 11/8/2010 tại
Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa việc tử đạo
và mời gọi các tín hữu “vác thánh giá hằng ngày theo Chúa Kitô”:
Tử đạo là gì? Tử đạo dựa trên điều gì? Câu trả lời thật đơn giản: Thưa dựa
trên cái chết của Chúa Giêsu, trên hy tế tình thương tột độ của Ngài, để chúng
ta được sống (Ga 10,10)… Từ đâu nảy sinh sức mạnh để chịu tử đạo? Thưa từ sự
kết kiệp sâu xa và thân mật với Chúa Kitô, vị tử đạo và ơn gọi tử đạo không
phải là kết quả của một cố gắng phàm nhân, nhưng là lời đáp trả sáng kiến và
tiếng gọi của Thiên Chúa, đó là một hồng ân của Thánh Sủng, làm cho chúng ta có
khả năng dâng hiến mạng sống mình vì yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội, và yêu mến
thế giới… Điều quan trọng cần nhấn mạnh là ơn thánh của Chúa không hủy bỏ hoặc
bóp nghẹt tự do của người đương đầu với tử đạo, trái lại càng làm cho tự do ấy
được phong phú và thăng hoa: vị tử đạo là một người rất tự do, tự do đối với
quyền lực, tự do đối với thế giới; một người tự do, dâng hiến mạng sống cho
Thiên Chúa trong một cử chỉ duy nhất, và trong thái độ tin cậy mến tột cùng, vị
tử đạo phó thác mình trong tay Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc, hy sinh chính mạng
sống mình để kết hiệp hoàn toàn với hy tế của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Nói tòm
một lời, tử đạo là một đại cử chỉ yêu thương đáp lại tình yêu vô biên của Thiên
Chúa.
Có lẽ chúng ta không được kêu gọi chết vì đạo, nhưng không ai trong chúng
ta bị loại khỏi ơn gọi nên thánh, sống ở mức độ cao cuộc sống Kitô, và điều này
có nghĩa là vác thánh giá mỗi ngày. Trong thời đại ngày nay, lòng ích kỷ và cá
nhân chủ nghĩa dường như lướt thắng, tất cả chúng ta đều phải đảm nhận nghĩa vụ
đầu tiên và cơ bản, đó là tăng trưởng mỗi ngày tong tình yêu sâu đậm hơn đối
với Thiên Chúa và anh chị em để biến đổi cuộc sống chúng ta và qua đó biến đổi
thế giới chúng ta đang sống.
* Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời
chuyển cầu của các Vị tử đạo, xin hâm nóng tâm hồn chúng con để có thể yêu mến
như Chúa đã yêu thương mỗi người chúng con.
Suy niệm 2: Sùng
kính
Việc sùng kính hai thánh nhân đã lan truyền mau chóng cả ở Đông Phương lẫn
Tây Phương.
Một nhà thờ được dựng gần nơi chôn cất các ngài đã được hoàng đế Justinian
trùng tu lại. Ngay ở Constantinople, một đền thờ nổi tiếng được xây cất để vinh
danh hai vị.
Họ được sùng kính ở Đông Phương với biệt hiệu "người không lấy
tiền" vì họ không tính tiền khi chữa bệnh. Tên của hai ngài được ghi vào
Lễ quy, có lẽ từ thế kỷ thứ sáu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con hiệp cùng Giáo Hội dâng lễ sốt sắng mừng kính hai ngài hôm nay và
quyết tâm thực hành một số việc bác ái.
Suy niệm 3: Anh em
sinh đôi
Truyền thuyết nói rằng hai vị là anh em sinh đôi ở Arabia, và là các y sĩ
giỏi.
Một đặc điểm thường gặp thấy nơi các anh em hoặc chị em sinh đôi là sự
giống nhau về nhiều phương diện, đặc biệt là khuôn mặt đến mức rất khó phân
biệt, nhất là khi phụ huynh lại trang bị cho chúng một cách ăn mặc thật giống
hệt nhau.
Ở đây hơn thế hai vị lại cùng có một cuộc sống đạo giống nhau: cùng làm
nghề y sĩ và là những y sĩ giỏi. Các ngài lại đồng tình chữa bệnh miễn phí
nghĩa là thống nhất với nhau là không lấy tiền, để rồi cuối cùng đã kết thúc
cuộc đời bằng việc cùng chịu tử đạo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con đã được giống nhau về ơn nghĩa tử của Chúa thì cũng biết giúp nhau
trở nên giống Chúa (Gl 2,20).
Suy niệm 4: Y sĩ
Truyền thuyết nói rằng hai vị là anh em sinh đôi ở Arabia, và là các y sĩ
giỏi.
Ngành nghề nào nói chung cũng đòi hỏi người hành nghề phải có trình độ cao,
cách riêng ngành y khoa, vì có liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, do
việc chẫn đoán sai để điều trị sai thì chẳng những không ngăn chận được căn
bệnh mà còn có thể gây nên những hậu quả có nguy cơ tử vong do phản ứng thuốc.
Xét về điểm này, hai ngài được đánh giá là những y sĩ giỏi. Hơn thế hai
ngài lại có y đức được biểu hiện bằng việc chữa bệnh miễn phí, nên đã được tôn
vinh bằng biệt hiệu "người không lấy tiền" vì họ không tính tiền khi
chữa bệnh, không như một ít bác sĩ hoặc lương y thời nay bị sa vào căn bệnh lợi
nhuận với từ ngữ dân gian quen gọi là “nuôi bệnh” nghĩa là chủ ý kéo dài việc
điều trị để lấy tiền bệnh nhân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
các vị hành nghề y luôn chú tâm xây dựng y đức dầu không miễn phí.
Suy niệm 5: Người
không lấy tiền
Họ được sùng kính ở Đông Phương với biệt hiệu "người không lấy
tiền" vì họ không tính tiền khi chữa bệnh.
Tiền bạc là phương tiện giúp mua lấy thực phẫm để nuôi sống thân xác. Chính
vì thế dầu thợ thì đáng được nuôi ăn (Mt 10,10), các tông đồ vẫn vất vả tự tay
làm lụng (1Cr 4,12; 1Tx 4,11) để tránh không trở thành gánh nặng cho người khác
(2Cr 11,9).
Nhưng hai thánh nhân lại chủ trương chữa bệnh miễn phí, có thể để xứng hợp
với nghĩa đen theo danh ngôn của nghành nghề “lương y như từ mẫu”. Đã là mẹ
hiền thì chỉ biết trao ban chớ không bao giờ chờ mong đáp trả. Đã là mẹ hiền
thì như nguồn suối nước chỉ biết chảy xuôi xuống chớ không bao giờ chảy ngược
lên.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con quyết sống theo lời Chúa dạy: Đã được cho nhưng không thì cũng hãy
biết trao ban nhưng không (Mt 10,8)
Suy niệm 6: Chữa
bệnh
Họ được sùng kính ở Đông Phương với biệt hiệu "người không lấy
tiền" vì họ không tính tiền khi chữa bệnh.
Đã là bệnh nhân thì phải gánh lấy khổ đau do căn bệnh tác hại trực tiếp đến
thân xác. Do đó dầu tốn kém cũng phải đi chữa bệnh để được lành mạnh. Khi xuất
hiện ở trần gian, Đức Giêsu cũng thấu hiểu để rồi dùng quyền năng chữa lành
bệnh tật nhiều người hầu giảm bới nỗi khổ này của con người.
Thật thế, dường như từ lâu, chúng ta chỉ chú ý đến những phép lạ của Chúa
Giêsu như để nói lên quyền năng Thiên Chúa của Người. Có điều chúng ta không để
ý đến là sự khao khát của Chúa Giêsu muốn vơi bớt đau khổ của nhân loại. Sức
mạnh "xuất ra từ Người" quả thật là dấu chứng tỏ Thiên Chúa đã đi vào
lịch sử loài người để hoàn tất những điều Người đã hứa; nhưng tình yêu của
Thiên Chúa cũng rõ rệt trong trái tim nhân loại khi Người lo lắng về sự đau khổ
của người khác. Đó là sự nhắc nhở cho mọi Kitô Hữu chúng ta rằng sự cứu độ liên
can đến toàn thể con người, là một tổng thể độc đáo giữa thể xác và tinh thần.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn biết tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác chúng con khi mạnh khoẻ
cũng như lúc yếu đau" (1 Cr 6,20).